Jun 20, 2012

Hư cấu và phi hư cấu


Cùng một đề tài mà nhiều thể loại xúm vào khai thác, chuyện đó không có gì lạ. Dẫu cho điều này có thể làm độc giả của tiểu thuyết Tolstoy phiền lòng, thì ta cũng phải thừa nhận rằng lượng người đọc những tờ báo phụ nữ chuyên viết về đời sống gia đình lớn hơn nhiều so với những người ngây ngất dõi theo hạnh phúc và bất hạnh của các cặp vợ chồng trong “Anna Karenina”. Tuy nhiên, cái gì thì cũng có giá trị riêng của nó: báo chí hằng ngày không bao giờ đủ sức tạo ra một Vronski sống mãi cả hơn trăm năm qua, như một hình tượng đa tầng ngữ nghĩa.

“Theo đuổi tri thức. Học giả, Địa vị & Văn hóa Học thuật” của Deborah L. Rhode (Giáo sư Đại học Stanford), Bùi Thanh Châu dịch, Mai Sơn hiệu đính, Phạm Quốc Lộc giới thiệu, Ban Tu thư Đại học Hoa Sen và NXB Thời đại, là một tác phẩm phi hư cấu bàn rất sâu về thế giới học thuật bên Mỹ. Toàn chuyện xa lắc xa lơ, tưởng chừng như nó chẳng mấy quan hệ với độc giả Việt Nam. Thế nhưng đừng nghĩ vậy: rất nhiều khi những gì xa lắc lại rất ảnh hưởng đến chúng ta, mà ví dụ kinh điển là bầu trời đầy sao trên đầu và thế giới nội tâm của chúng ta.

“Theo đuổi tri thức” miêu tả một số khía cạnh nổi bật của “hàn lâm” và “đại học” tại nước Mỹ, đại ý cuốn sách đặt ra câu hỏi về việc thực sự thì các giáo sư đại học theo đuổi gì: Họ có theo đuổi tri thức không, hay theo đuổi danh tiếng, tiền bạc và địa vị. Nhà hàn lâm “thực thụ”, ở mức độ lý tưởng, theo Emerson là người nên “thấy đủ hạnh phúc nếu có thể thỏa mãn chính mình chỉ bằng việc hôm đó ông ta đã thấu hiểu một thứ gì đó”, nhưng lời dạy này có vẻ bị nhiều người quên mất.

Tác phẩm phi hư cấu này hấp dẫn vì giáo sư Rhode, tác giả của nó, rất biết cách “tặng thêm” những câu chuyện sắc bén mang tính gợi ý cao chứ không chỉ trình bày rất nhiều lập luận chặt chẽ với số liệu và dẫn chứng đi kèm. Ta biết chuyện một hiệu trưởng mang theo đầu bếp riêng bay sang châu Âu dự một bữa tiệc gây quỹ (tr. 37) như một hiện tượng trưởng giả hóa thế giới đại học, cũng như biết rằng trong số các bài viết học thuật “có những câu mà người ta phải van xin tác giả gạch bỏ đi” (tr. 71) vì quá tối nghĩa, rồi ngay sau đó là câu chuyện về nữ giáo sư danh tiếng Judith Butler (tác giả cuốn sách “Genre Trouble” đình đám cách đây chừng hai chục năm), xung quanh vấn đề sao mà các học giả viết khó hiểu thế. Mà Butler chỉ là một học giả trong quy trình sản xuất tác phẩm học thuật khủng khiếp: “mỗi năm đã có hơn một trăm ngàn tạp chí chuyên ngành và hơn một trăm ngàn cuốn sách được xuất bản trên toàn thế giới” (tr. 63). Rhode cũng chỉ ra nhiều vấn đề nữa, chẳng hạn như: “cộng đồng hàn lâm đang mất dần tính cộng đồng” (tr. 59).

Cuốn sách phi hư cấu này sẽ được bổ khuyết rất hữu hiệu về phương diện văn chương nếu ta đọc thêm bộ ba tiểu thuyết của David Lodge hay được mệnh danh là thể loại “campus novel” (tiểu thuyết về giới đại học): “Changing Places” (1975), “Small World” (1984) và “Nice Work” (1988), trong đó cuốn đầu tiên đã được dịch ra tiếng Việt gần đây dưới nhan đề “Đổi chỗ”. Điều rất đáng lưu ý là Lodge từng làm giáo sư đại học (trường Birmingham bên nước Anh, nguyên mẫu cho trường Rummidge vô cùng nhiều nét nực cười trong bộ tiểu thuyết nói trên), thời gian ấy ông là một chuyên gia khả kính về lý thuyết văn học, với những bộ “dẫn luận” được rất nhiều sinh viên đọc và trích dẫn. Đến năm 1987, David Lodge bỏ nghề giáo sư để chuyên tâm vào văn chương.

Tương ứng với những mô tả của Rhode trong “Theo đuổi tri thức”, trong bộ tiểu thuyết của Lodge có tất cả các khía cạnh khôi hài của giới học giả, nói tóm lại là mặt trái của một thế giới tưởng chừng khắc kỷ, với những màn đổi vợ đổi chồng giữa các giáo sư (trong “Đổi chỗ”), những cuộc hội thảo khiến độc giả cười lăn cười bò trong “Small World”, các giáo sư như thể ngôi sao giới showbiz, nhất là Morris Zapp, liên tục bay lượn như chim trên trời để đi từ cuộc hội thảo này sang cuộc hội thảo khác, với mục đích cuộc đời là trở thành giáo sư văn chương Anh-Mỹ được trả lương cao nhất thế giới, hoặc giả một vị giáo sư bên Melbourne ngồi viết tham luận hội thảo bằng một thứ “đặc ngữ” không thể hiểu giống như Rhode đã miêu tả nhưng thật ra trong đầu chỉ chăm chăm nghĩ đến cô sinh viên giờ này đang mặc bikini trên bãi biển (chi tiết trong “Small World”).

Có những lúc trong tiểu thuyết của mình, Lodge viết những “trữ tình ngoại đề” đúng theo phong cách giáo sư đại học, còn Rhode lại đưa ra các “nhân vật” nói những câu như trong tiểu thuyết, ví dụ như bà trích dẫn Richard Posner nói rằng “nền học thuật, giống như loài cá hồi sinh sản nơi hoang dã, có rủi ro lớn mà kết quả lại thấp” (tr. 65). Hư cấu và phi hư cấu của các giáo sư đại học nhiều khi có biên độ trùng nhau tương đối lớn.

Và, nếu muốn có một cái nhìn “ở giữa”, không quá thiên về định kiến về một xã hội học thuật nghiêm ngắn mà cũng không ngả hẳn sang sự châm biếm cái xã hội ấy, ta có thể tham khảo ý kiến của nhà văn Mỹ Jonathan Franzen được Rhode trích dẫn trong “Theo đuổi tri thức”: “niềm vui có được từ lao động cực nhọc… niềm vui thấy mình hơn hẳn những độc giả kém cỏi, mới chính là niềm vui đáng có nhất” (tr. 75). Lẽ dĩ nhiên, cái gì thì cũng có giá trị riêng của nó.

Nhị Linh

4 comments:

  1. alo, em mò mẫm hoài ko ra dịch giả Thùy Vũ là chàng/nàng nào?
    Nhắc đến thế giới đại học thì em nhớ đầu tiên tới Đổi chỗ. Mà Đổi chỗ thì nhớ ngay tới dịch giả...hum
    EMi

    ReplyDelete
  2. Em mò google sao không thấy chỗ nào bán cuốn này vậy ?

    ReplyDelete
    Replies
    1. "Đổi chỗ" hay "Theo đuổi tri thức"? "Đổi chỗ" thì đầy, ngay Fahasa Nguyễn Huệ cũng có, còn "Theo đuổi tri thức" thì liên hệ với đại học Hoa Sen ấy.

      Delete