Aug 27, 2010

Bức tử một sự tương tự

Tình hình thời tiết: “Mưa thu ướt đẫm cánh hoa vàng” hoặc “Trời mưa quá em ơi/Bài ca ướt mất rồi” hic, để trăng trối hoàn chỉnh và thành khẩn sau vụ hai mươi tư tình khúc, giờ đến lượt mấy bạn tản văn tản veo này. Chúc các bác khỏe mạnh không bị ốm đợt này.

----------

Tản văn về các tản văn

Với Mạc Ngôn, sự thừa mứa ngôn từ và thừa mứa vùng đất Cao Mật trong các tiểu thuyết được dịch có phần ồ ạt ở Việt Nam thời gian vừa qua bất chợt tìm được một hình thức rất phù hợp (kèm với đó là sự giảm mật độ của thứ chủ nghĩa địa phương quá đà cố hữu) trong tập tản văn “Người tỉnh nói chuyện mộng du” (Phương Nam và NXB Văn học, 2008, Trần Trung Hỷ dịch).

Trong lời tựa, Mạc Ngôn có một lời khẳng định hữu lý: “người viết tiểu thuyết lúc nào cũng cố ý giả trang, bôi phấn bôi kem lòe loẹt khiến độc giả khó mà hình dung được gương mặt thật của tác giả trong tiểu thuyết”, trong khi tản văn có khả năng khiến nhà văn quên đi lớp hóa trang màu mè và để lộ con người. Điều này có phần xung đột với quan điểm hiện đại của phương Tây cho rằng con người thực của tác giả ắt hẳn nằm trong tác phẩm, còn những tuyên bố thực tế bằng lời lẽ và ngôn từ lại không thể tin được.

Ở đây tôi không có ý sa lầy vào câu hỏi đậm đặc tính siêu hình “Nhà văn thì có đáng tin không?” (và câu hỏi phụ: họ đáng tin khi nào), mà chỉ muốn “đánh động” bạn đọc về một tập tản văn rất xuất sắc, nhất là khi Mạc Ngôn viết về chó (liên hoàn ba bài) hay viết du ký. Không những vậy, các bài viết về sự đọc cá nhân (liên quan đến cái mà các nhà lý thuyết hay gọi là “thư viện bên trong”) còn cho thấy một kết nối nào đó giữa nhà văn chuyên viết về vùng Cao Mật nhỏ bé và nhà văn Mỹ Faulkner, người cả đời viết về vùng quê ven sông Mississippi (trong sách trở thành hạt Yoknapatawpha): sau khi đọc được về Faulkner, Mạc Ngôn sảng khoái mà ước muốn tự mình “khai sinh ra một nước cộng hòa trong văn học. Đương nhiên tôi sẽ là hoàng đế trong nước cộng hòa ấy, ở đó tôi là chúa tể của tất cả”. Tản văn thực là có tác dụng tốt, nó cho người đọc biết thêm nhiều điều về tác giả, và cũng giúp tác giả được xưng vương xưng bá (dù chỉ là trong tưởng tượng, và dù là trong chính thể cộng hòa thì không bao giờ có hoàng đế).

Trong một tản văn, từ Mạc Ngôn ta có thể xoay sang bất kỳ ai (mặc dù theo lời Mạc Ngôn thì qua việc đó tác giả có lẽ bộc lộ ít nhiều tư duy nhảy cóc của mình). Ở đây tôi nghĩ đến Nguyễn Việt Hà, dẫu liên quan giữa ông và Mạc Ngôn hình như chỉ là một nhận xét rằng nhà văn Trung Quốc tuy lấy bút danh là Mạc Ngôn nghĩa là “không nói” mà sao lại nói nhiều (bằng văn chương) đến thế. Câu văn không mấy hảo ý này nằm trong một tản văn của Nguyễn Việt Hà, và tản văn đó nằm trong một tập tản văn (với rất nhiều hảo ý) mang tên “Nhà văn thì chơi với ai” (NXB Hội Nhà Văn, 2007), được chính tác giả gọi là “tạp văn” nhưng xem ra ranh giới giữa tạp văn và tản văn là vô cùng nhỏ. Xen lẫn giữa các tập truyện ngắn và tập thơ vốn là đặc sản của nền văn chương Việt Nam (có vẻ trong cơn khủng hoảng văn hóa đọc) đang có ngày càng nhiều tuyển tập của các tác giả chuyên viết tản văn cho các báo. Đặc điểm chung của các nhà tản văn của ta là giương mắt tập trung quan sát đời sống thị thành và đời sống của dân công sở, mà vế thứ hai có một đại diện không thể không nhắc tới, Nguyễn Trương Quý, tác giả tập tản văn “Ăn phở rất khó thấy ngon”, NXB Trẻ, 2008, bán rất chạy. Nói như vậy không có nghĩa là chủ nghĩa cơ cấu vùng miền cho phép tản văn Việt Nam quên mất đồng quê, vì ở đây đã có một Ngô Phan Lưu “thâm canh”. Nhìn rộng ra một chút nữa thì còn vô số người viết tản văn không ít thì nhiều đã thành danh và giúp nhiều tờ báo bôi kín được vài cột mỗi số và không phải là không có độc giả, như Nguyễn Ngọc Tư, Phan An, Doãn Dũng…

Sở dĩ Nguyễn Việt Hà và Nguyễn Trương Quý có thể được nói đến cùng nhau trong một bài (gượng ép mà) gọi là tản văn như thế này không phải vì họ giống nhau, mà vì họ rất khác nhau (tuy rằng nhan đề hai tập sách của họ đều có cùng một phong vị, nói theo kiểu dân dã là “cứ đểu đểu”). Đọc tản văn của Nguyễn Việt Hà người ta có thể yên tâm là phần kết bao giờ cũng bất ngờ. Sau khi bị tác giả bắt lặn ngụp cùng qua biển Đông Tây kim cổ (nói cho đúng thì Đông nhiều hơn Tây và cổ nhiều hơn kim) bao giờ ở cuối bài độc giả cũng được để dành sẵn một cốc nước mát dường như là để tặng thưởng cho công sức đau đầu với Lão Trang với Vương Chi Hoán với Trần Tử Ngang, với hàng loạt trích dẫn gây điêu đứng tư duy và rất dễ dẫn đến trạng thái gần gần với đốn ngộ như “duy hoảng duy hốt, hốt hề hoảng hề”. Những câu kết là đặc sắc kết tinh, là cơ hội (dẫu là cuối cùng) của người đọc tản văn Nguyễn Việt Hà, dường như cũng là niềm khoái trá đặc biệt của tác giả sau khi hoàn thành một công việc mà chính ông có lần gọi (tất nhiên trong lúc đùa) là việc của “văn nô”.

Nguyễn Trương Quý thì tham vọng hơn nhiều trong việc bao trùm đời sống công sở Việt Nam. Nói chuẩn xác thì không phải bao trùm theo lối bao dung nâng niu mà là xoay thằng-người-công-sở (homo bureaucratus theo cách tạo từ vui vui thích hợp với không khí tản văn) ra tất cả các khía cạnh để mà bàn luận phân tích để mà sực nức mùi vị khó tả của cơm văn phòng hay nhàn nhạt câu chuyện thưởng thức nghệ thuật của họ. Và bài tản văn của Nguyễn Trương Quý thường khá dài (dài hơn nhiều so với các bài viết của Nguyễn Việt Hà), nhưng không lúc nào để mất dấu “đối tượng”, lúc nào cũng tập trung hết mức và không bao giờ nhường một mi li mét giấy nào cho Lão Trang chen chân. Dân công sở khó mà là ẩn sĩ cho được dù cho họ cũng không thiếu điều bí mật khó dò. Xét theo đúng lý thuyết về tản văn của Mạc Ngôn, các nhà tản văn của chúng ta khi “quên hóa trang” thật là mỗi người một vẻ, nhưng chắc chắn là không bao giờ họ quên một điều: làm độc giả vui, dù chỉ trong một chốc lát.

----------

Trẻ con thì là trẻ con thôi

Mồng một tháng Sáu, ngày của các cháu, mà lại viết về cuốn truyện “Bắt trẻ đồng xanh”, hẳn nhiều người nghĩ tôi là người phản giáo dục.

Thì đã hẳn Holden Caufield thuộc hàng top các nhân vật của lịch sử văn học về tần suất chửi rủa. Nó chửi trong khi trò chuyện với bạn, và nhất là nó chửi trong những suy nghĩ riêng của mình. Và cũng không sai chuyện ở bên Mỹ cuốn sách hết được đưa vào rồi lại bị đưa ra khỏi chương trình học nhà trường sau những tranh cãi nảy lửa. Ông tác giả Salinger còn làm khó hơn cho việc bình thường hóa sự chấp nhận cuốn tiểu thuyết vì cứ nhất định trốn biệt tăm khỏi giới truyền thông. Quả thực ông khác tuyệt đại đa số các đồng nghiệp, họ không bỏ qua cơ hội nào để nâng cấp cho tác phẩm nhiều khi xoàng xĩnh của mình bằng cách chất đống vào vô số ý nghĩa chân thiện mỹ đầy vẻ bong bóng xà phòng, hoặc ít ra thì cũng là một thái độ bí hiểm đánh đố (hay được mỹ từ hóa thành “có sức khơi gợi”) nào đó.

Tôi vẫn mạnh dạn “đề cử” “Bắt trẻ đồng xanh” cho sự đọc của không chỉ trẻ em Việt Nam và không chỉ cho dịp 1/6 mỗi năm lại có một lần này là vì đó là tác phẩm văn chương hiếm hoi khi cái thật ở những đứa trẻ sắp trở thành người lớn (tuy tôi vẫn tin rằng có những đứa trẻ không bao giờ lớn) được đạt đến ở cự ly gần đến vậy, và cái ước vọng được là thật được diễn tả tài tình đến vậy. Không phải là tôi nghi ngờ gì các chuyên gia văn hóa đọc đột nhiên xuất hiện thành hàng ngũ đều tăm tắp thời gian gần đây không cảm thấy phí thời gian đồng thanh yêu cầu nâng cao khả năng đọc sách “nghiêm túc” cũng như nâng cao trí tưởng tượng ở người Việt Nam. Chắc chắn là họ có lý, cũng như chắc chắn văn hóa đọc là một chuyện nghiêm túc hơn những lời hô hào.

Thực tình mà nói đã đi học là người ta muốn nghỉ học, thậm chí bỏ học, đó là một sự thật, và nếu trẻ con không ưa thích tay trộm tài tình Arsène Lupin hoặc người hùng da đỏ Oskeola (một thời còn có cậu bé Tômêch can trường người Ba Lan) thì tình cảm của chúng cũng được dồn nhiều cho các nhân vật nghịch ngợm bậc nhất như kinh điển của kinh điển Tom Sawyer, hay với trẻ em Việt Nam gần đây còn là cô bé Pippi từ Thụy Điển xa xôi và cậu bé Nicolas nước Pháp, cả ba đều chuyên làm những việc dị thường và khó nói là không phản giáo dục (theo quan điểm thông thường). Nhà văn lớn Jean Cocteau từng viết “Les Enfants terribles” (Những đứa trẻ khủng khiếp) và nhà văn cũng lớn không kém Hervé Bazin thường xuyên có nhân vật là chú bé tinh quái thậm chí nhiều khi là cả ác độc. Trẻ con đúng là như búp trên cành, chỉ có điều cái cành không phải lúc nào cũng trong lành như không khí của những câu chuyện khuyến thiện.

Sau một kỳ học, Holden Caufield chỉ qua được duy nhất môn tiếng Anh (chúng ta nhớ đến câu thơ của Xuân Diệu miêu tả một người “Rất tồi toán pháp, khá văn chương”…). Nó còn dùng dằng ở lại trường Pencey thêm ít thời gian với vài thằng bạn có tài “tán tỉnh với cái giọng Abraham Lincoln rất mực chân thành” rồi bỏ lên New York với một ít tiền và rất nhiều suy nghĩ trái thậm tệ với quy ước xã hội, nhất là trong sự đánh giá, nhìn nhận cuộc sống bên ngoài và những người tình cờ giáp mặt. Nó gặp nhiều chuyện không mấy dễ chịu với phần hạ đẳng xã hội đê tiện cũng như phần thượng lưu không mấy hơn về mức độ thành thực, cuối cùng cũng gặp được em gái Phoebe mà nó yêu quý và thành tâm muốn trở thành một cái gì đó giống như một kẻ bảo vệ không để trẻ con rơi xuống vực thẳm kề sát cánh đồng. Rồi nó cũng sẽ quay trở về trường học, nhưng là cùng với một bộ áo giáp tự vệ vô hình dày hơn trước những sự không chân thật đội lốt thành thực.

Trường học là nơi dành cho một mức độ trung bình về mọi mặt của trẻ con. Lớp chuyên lớp chọn cũng chỉ mới là một cách ứng xử đối với chất lượng học tập của một số đứa trẻ nổi trội hơn, còn khác biệt về suy nghĩ và cách hành xử thì luôn vấp phải sự bối rối và thậm chí sự phân biệt. Sẽ thật khó khăn cho những cô bé cậu bé không chăm chỉ tự nhồi sọ lịch sử kim tự tháp Ai Cập hoặc công thức hóa học mà lại chỉ day dứt tự hỏi mùa đông thì những con vịt trong Công viên Trung tâm đi đâu. Điều đó nói cho cùng thể hiện ham muốn được khác biệt, được không tuân lời, được nhìn nhận khác đi của hơn một đứa trẻ. Chúng ta cũng cần nhớ rằng định đề đầu tiên trong lý thuyết giáo dục của John Dewey là “Sự sống được khôi phục bằng việc truyền dạy” (trong “Dân chủ và giáo dục”, NXB Tri Thức, 2008, Phạm Anh Tuấn dịch). Dewey hay những người thực sự quan tâm đến trẻ con và thực sự nhớ mình đã từng có thời là trẻ con hiểu rằng trường lớp chính là cuộc sống, nó không dùng để chuẩn bị cho tương lai, mà là chính môi trường sống, thành ra nếu không tạo ra được sự hứng thú và niềm hạnh phúc cho những đứa trẻ thì coi như trường học lại chính là cái ổ khổng lồ của sự phản giáo dục.

Sẽ thật đau khổ khi một đứa bé giống hệt như người lớn khi lớn lên lại giống hệt như một đứa trẻ con.

* “Bắt trẻ đồng xanh”, Nhã Nam và NXB Văn học, 2008, Phùng Khánh dịch.

----------

Hà Nội, Hà Nội…

“Hà Nội của ta” sắp sửa đàng hoàng hơn, to đẹp hơn. Điều ấy không có gì phải bàn cãi, và cũng không thể đảo ngược được. Những chuyện tôi miêu tả ở đây rồi ra cũng có thể nay mai đã trở thành ký ức, giống như ký ức của thời “Hà Nội trong mắt ai” vậy thôi.

Có lần đi lòng vòng ngoài phố, tôi chứng kiến ở một ngã tư đèn đỏ cảnh một anh lái xe ôtô cá mập nhô đúng một phần ba người qua cửa kính hét rất oai phong mắng một anh xe máy: “Thằng Thái Nguyên kia mày đi đứng kiểu đ. gì đấy?”. Khổ thân anh đi xe Win đeo khẩu trang, khổ thân cả cái biển số 20 tiết lộ tung tích rõ ràng quá đến nỗi một nơi phong cảnh hữu tình như là Thái Nguyên mà cũng bị đem ra mắng mỏ. Thật ra thì chuyện này bình thường, vì thật ra thì trên đường phố Hà Nội ai cũng có quyền và cũng thể hiện được biệt tài điều khiển giao thông cùng hướng dẫn cách đi lại cho tất cả những người khác (có lẽ những người duy nhất hơi yếu khoản đó là cảnh sát giao thông).

Cảm giác của tôi khi đi trên đường phố Hà Nội là… cảm giác gợi tình bàng bạc trôi nổi khắp nơi. Nghe có vẻ lạ và không ăn nhập gì, nhưng xin thề là cũng có lý một chút khi bạn suy nghĩ kỹ hơn. Có cảm giác đó là do tính chất thiếu khoảng cách giữa những người đi trên phố. Đi xe máy khiến cho cặp đùi của bạn (thường để trần vào mùa hè và thường thò ra khỏi áo chụp khi trời mưa) rất hay cận kề với đùi của người khác. Như thể chỉ cần chìa tay ra là đã có thể phạm tội vô ý (hoặc cố ý) vuốt đùi người khác. Dĩ nhiên đó là một hành vi rất khiếm nhã và dĩ nhiên chuyện này cũng hiếm khi xảy ra, nhưng cảm giác chóng mặt vì gần gũi với đủ hạng người là rất thật.

Phong trào mua ôtô riêng (thường là xe đít vuông, mặc dù đường thường nhỏ tí hin và môi trường đã quá nhiều các bon rồi, và mặc dù phong trào này có phần bị cơn hoạn nạn lâm thời của thị trường chứng khoán chặn đứng lại) cũng không tạo ra nhiều khoảng cách không gian cho lắm. Sở dĩ như vậy là vì loại xe phổ biến nhất là Matiz thì về cơ bản là bốn bánh xe lồng cái khung tôn lên trên, ngồi bên trong nghe thấy đầy đủ âm thanh phố phường. Mà những người ngồi trên đó đặc biệt thích hạ cửa kính thò tay thò mặt ra ngoài. Căn bản là phụ nữ Việt Nam có cái đức tính đáng quý vô cùng là chị nào chị nấy cứ gọi là say xe bí tỉ. Bệnh này là bệnh đồng loạt và rất đặc trưng Việt Nam, lên cái xe nào đông đông người là y như rằng thấy bao nhiêu cái mặt mũi xanh mướt tay bịt lấy bịt để miệng với mũi, không những thế lại còn có mùi vỏ quýt thảng thốt đây đó, rất gợi không khí nhà chờ phòng đợi. Thành ra các chị các cô đi xe ôtô toàn bắt mở toang cửa kính, với châm ngôn thà chết rét hay bị nướng chín chứ không chịu làm bẩn xe nhà hoặc xe bạn.

Rồi thì còn có cái sự nhổ. Tất nhiên còn có rất nhiều thứ đáng ghét như là đang yên đang lành tự dưng rẽ đánh vèo một cái không thể lường trước, hoặc vừa đi xe đạp xe máy vừa cầm một số loại thanh sắt thép nhựa rất dài, giống hệt như hiệp sĩ thời Trung cổ trong bộ phim “Ivanhoe”. Và đặc biệt phải chú ý mấy chị đèo mẹt cam đi trước mặt, lúc nào cũng có khả năng cam lăn đầy đường làm chướng ngại vật. Giờ quay lại với cái sự nhổ. Cái này thì kỳ bí lắm. Có lần tôi chứng kiến cảnh một người com lê cà vạt nghiêm chỉnh đi một đoạn khoảng 50 mét mà quay sang nhổ ba lần liền, mà mỗi lần lại về một hướng (trừ hướng phía trước) mới gọi là oái oăm. Kinh nghiệm là cần phải luôn chăm chú đề phòng những biểu hiện khả nghi, thấy có dấu hiệu triệu chứng (đầu hơi rụt lại sau một chút để lấy hơi, mặt đột nhiên quay sang một bên) là đánh tay lái sang hướng khác ngay. Mà cũng khó chịu thật, đi lại trên phố đã phải lo trẻ con với cả chó chạy qua đường, rồi thì xe bus xe taxi xe thồ chạy lung tung, lại còn phải lo bị dính mấy cú nhổ vô tội vạ.

Liên quan nữa đến cái sự vệ sinh trên đường phố là mấy cái sau đây: buổi đêm đi qua trước mấy cửa hàng ăn đang dọn dẹp nhớ áp dụng vận trù học, vì một xô nước (tất nhiên là rất bẩn, tập hợp của những hình thù và mùi vị rất khó tả của bao nhiêu thứ thải ra trên đời trong ngày) rất có khả năng sắp phóng ào ra. Mùa hè đi trên đường đã bị ve trên cây nó đái vào đầu suốt ngày rồi, thế mà vẫn cứ phải lo thêm những sự vụ đến từ mặt đất. Đi qua mấy cái ngõ nhiều ban công thò ra cần hết sức cảnh giác với những người tưới cây ở phía trên, hoặc là những người vừa ngồi ban công vừa ăn chuối, hoặc còn tệ hơn nữa là ăn mít.

Sau các lưu ý về vệ sinh trên đường phố, bạn vẫn chưa được thực sự yên ổn đâu. Còn lâu nhé! Còn phải chịu trận dài dài với các loại hình và phong cách còi xe nữa cơ. Nạn còi xe chơi nguyên bản nhạc “Lambada” mấy năm trước đây đã được dẹp tạm ổn, nhưng giờ đây vẫn không thiếu những tâm hồn nhạc sĩ bấm còi pim pim theo một giai điệu tùy hứng. Cũng còn may vì đa phần đều là các giai điệu vui, nhưng quá nhiều sự vui tươi ép buộc cũng có khả năng khiến con người ta trầm uất lắm. Rồi khi dừng xe ở tuyến đầu trước một đèn đỏ, bạn sẽ cảm thấy mình là một kẻ ngu ngốc hoặc mù màu chính hiệu khi hàng chục hàng trăm xe phía sau đồng loạt chĩa còi tố cáo bạn không chịu tăng ga vọt đi trước khi đèn kịp chuyển sang màu xanh.

Ngồi kể lể thì không biết cơ man nào là chuyện. Mà người Hà Nội thì vốn hay chuyện. Giờ đây Hà Nội của ta sắp sửa đàng hoàng hơn, to đẹp hơn… Biết đâu mọi chuyện sẽ khác nhiều khi Hà Tây không còn là “cửa ngõ thủ đô” mà “chính nó thủ đô”. Biết đâu toàn dân thủ đô (mở rộng) sẽ quay trở lại với thói quen thanh bình giơ tay vẫy khi sang đường, đỡ đi cái khoản còi xi nhan bíp bíp rất nhức đầu!

----------

“Cô bé nhìn mưa” và Marcel Proust

Trong gia đình gần như toàn các nhà nghiên cứu tên tuổi của giáo sư Đặng Thai Mai, thật không ngờ lại có một người sở hữu năng lực văn chương lớn đến vậy, và đó là Đặng Thị Hạnh, cô con gái thứ hai của Đặng Thai Mai. Tất nhiên, không ai quên một Đặng Thị Hạnh chuyên gia hàng đầu Việt Nam về Victor Hugo đồng thời thuộc nhóm bốn nhà nghiên cứu có tiếp xúc rất sớm với lý thuyết văn học hiện đại (ba người còn lại là Lê Hồng Sâm, Nguyễn Văn Khỏa và Đỗ Đức Hiểu), nhưng Đặng Thị Hạnh tác giả cuốn sách được định danh là “hồi ức” mang tên “Cô bé nhìn mưa” cũng thể hiện những phẩm chất văn chương đặc biệt. Thông thường các hồi ký/tự truyện không mấy khi được đầu tư nhiều về phẩm tính văn chương, hoặc nếu có thì hay đi theo những lối hết sức sai lầm, thậm chí có lúc bóp méo cả câu chuyện cũng như các nhân vật có thật được đề cập.

Là một người sống gần (thậm chí rất gần) nhiều nhân vật lịch sử nổi tiếng của Việt Nam thế kỷ XX, Đặng Thị Hạnh đã tránh được một “cái bẫy” lớn là phô trương những mối quan hệ cá nhân vốn từng làm giảm chất lượng của không ít hồi ký mà chúng ta đã biết. Giống như Éric-Emmanuel Schmitt, một nhà văn người Pháp có tác phẩm mới đây được dịch ra tiếng Việt (“Nửa kia của Hitler”), Đặng Thị Hạnh đã không tìm cách lập ra “một catalogue các nhân vật nổi tiếng”, để dành đất và ngòi bút cho những gì bà thực sự muốn nói đến: quá khứ, những người sống xung quanh, những ngôi nhà, những ngôi làng, gia đình và đặc biệt là đời sống nội tâm. Lựa chọn này xét cho cùng là hết sức hợp lý với một người tự nhận là “rút rát, ít nói, sợ phía ngoài” (“Cô bé nhìn mưa”, tr. 60).

Chất lượng văn chương như đã nói ở trên trong cuốn sách này thể hiện rất rõ ở một sự viết có chiều sâu thông qua một suy tư về ngôn ngữ với tư cách là chính nó, điều có thể cảm nhận rõ ràng ở một ngữ vựng lựa chọn chuẩn xác và một cú pháp điêu luyện, hấp dẫn. Tất cả tạo nên một văn bản ở lưng chừng phi hư cấu và hư cấu. Dấu vết của một nhà nghiên cứu văn học dĩ nhiên vẫn còn khá rõ, chẳng hạn ở những đoạn bình luận văn chương hoặc điện ảnh, nhưng ngoài đó ra còn cả ở các tên chương: chương “Tự hư cấu” nhắc nhở đến một thuật ngữ rất thịnh hành trong giới văn chương Pháp từ thập kỷ 70 của thế kỷ trước (autofiction), chương “Khúc đồng quê” ám chỉ các nhà thơ Cổ đại và Phục hưng, và phảng phất cả phong vị của André Gide, còn chương “Từ nhà trường đến nhà trường” là một “cái nháy mắt” đến Céline của “D’un château l’autre” (Từ lâu đài đến lâu đài). Cũng giống cách xử lý các nhân vật lịch sử, hàm lượng nghiên cứu văn học luôn được cân nhắc để không quá liều, khô cứng, hay mang tính mô phạm gây sợ hãi và mỏi mệt cho người đọc. Từ đầu đến cuối, khía cạnh suy tư và khía cạnh kể chuyện ở “Cô bé nhìn mưa” luôn được điều hòa rất tốt – một công việc trên thực tế không hề dễ dàng.

Nhìn sâu hơn, “Cô bé nhìn mưa” giống như một ống kính máy quay hướng về những năm tháng quá khứ, đưa lên màn ảnh của nó rất nhiều nhân vật từ có tên đến không tên, cùng với không ít dẫn chiếu văn học, nhưng trong số những người mà Đặng Thị Hạnh từng thân sơ trong đời vẫn nổi lên không ngừng gương mặt người cha; và trong số rất nhiều tác giả văn học như Victor Hugo (điều này là tất nhiên), Marguerite Duras hay Kafka (mà Đặng Thị Hạnh đã đọc từ rất sớm qua các bản dịch tiếng Pháp của Alexandre Vialatte), cũng chỉ một nhà văn có tính chất hồi cố không ngừng: Marcel Proust.

Về người cha Đặng Thai Mai, Đặng Thị Hạnh khẳng định, “trước sau ba tôi vẫn là người thày đã đào tạo tôi nhiều nhất” (tr. 312). Trước đây nhà nghiên cứu văn học Đặng Anh Đào (cũng là con gái giáo sư Đặng Thai Mai) từng viết lại các kỷ niệm về cha, nhưng Đặng Thị Hạnh mới trực tiếp là học trò của Đặng Thai Mai ở Lớp Dự bị Văn khoa Khu IV đầu tiên (1949-1950), nơi xuất phát của các nhà nghiên cứu nổi tiếng sau này như Nguyễn Tài Cẩn hay Nguyễn Đức Nam. Sử dụng một lối nói đặc biệt giản dị, Đặng Thị Hạnh nói đến sự ảnh hưởng của cha mình như sau: thời gian đầu đời mẹ “là trung tâm vũ trụ của tôi”, rồi “thế giới của ba tôi đã bắt đầu bước vào cuộc sống của tôi” (tr. 81). Và thế giới đó sẽ song hành đi cùng bà suốt đời.

Tuy vậy, nếu muốn thực sự hiểu thế giới văn chương của tác giả “Cô bé nhìn mưa”, nhất thiết phải nhấn mạnh vào vai trò của Marcel Proust, bởi Đặng Thị Hạnh thuộc vào một “thiểu số may mắn” (happy few) trở thành độc giả của bộ tiểu thuyết “Đi tìm thời gian đã mất”; trên thế giới đó đã là một thiểu số (dù may mắn), ở Việt Nam số lượng những người đọc Proust lại càng nhỏ hơn. Cho đến nay trong tiếng Việt mới chỉ có một tập của bộ tiểu thuyết (“Dưới bóng các cô gái tuổi hoa”) trong một bản dịch không thể nói là rất tốt, và tình hình rất giống với lo lắng của Đặng Thị Hạnh: “có thể làm gì với Proust ở Việt Nam? Ai sẽ chịu đọc những câu-dây leo dài lê thê, những đoạn văn “trổ tài” của ông, để khám phá ra rằng những sự cố rất nhỏ, chẳng quan trọng gì, nhưng nhờ cấu trúc của tác phẩm và vai trò của thời gian lại trở nên “xuất phát điểm của một hệ thống những tiếng vang, những kết luận sâu xa, những biến tấu đầy chất thơ”” (tr. 310-311).

Cũng giống Proust, Đặng Thị Hạnh đi tìm lại. Tìm lại những khoảnh khắc. Đặc biệt là đoạn đầu: Marcel Proust bắt đầu “Đi tìm thời gian đã mất” bằng khoảnh khắc trước khi thiếp ngủ của cậu bé Marcel, còn Đặng Thị Hạnh bắt đầu hồi ức của mình bằng khoảnh khắc những giọt mưa đầu tiên rơi xuống sân cái nhà ở làng Quỳnh, Nghệ An trước mặt “cô bé là tôi”.

Không gọi cuốn sách của mình là tự truyện hay hồi ký mà lại chọn “hồi ức”, có vẻ như Đặng Thị Hạnh, cũng giống như Proust, tìm cách đương đầu với thời gian, không hẳn là để tìm lại những gì nó đã lấy mất đi (bởi vì ngay trong sự lấy đi cũng đã có quá trình trao tặng; ở những trường hợp tốt đẹp cán cân rất có thể là ngang bằng) mà đúng hơn là coi bản thân thời gian như là đối tượng của suy tư và của sự viết; đồng thời với đó là những câu hỏi về các bất ngờ mà sự vận hành nhiều khi kỳ quặc của ký ức mang lại.

Ở những đoạn trữ tình hay suy tư, câu văn của Đặng Thị Hạnh cũng như thể vô thức mà trở nên rất dài với nhiều mệnh đề liên tiếp; đây cũng chính là loại câu văn từng khiến Proust thoạt tiên bị phản đối rồi sau đó được vinh danh. Khi Đặng Thị Hạnh miêu tả nhà thờ họ (ngoại): “Từ xa, tôi đã nhận ra nhà thờ họ Hồ đứng giữa ruộng lúa xanh rờn” (tr. 13), ta lập tức mường tượng ra cái tháp chuông nhà thờ Combray nổi tiếng của Proust, và đến khi đọc đến đoạn văn sau: “Thế hệ chúng tôi còn phải nhiều lần rời Hà Nội ra đi như thế và cũng chẳng bao giờ có đủ thì giờ để kinh ngạc. Thực ra vào những năm ấy, “phía làng” và “phía phố” cũng chẳng bao giờ tách rời hẳn với nhau” (tr. 101) thì chuyên gia về Victor Hugo quả thực đã chứng tỏ mình thấm phong vị và từ ngữ Marcel Proust đến thế nào (trong “Đi tìm thời gian đã mất” đó là “ở phía nhà Swann” và “ở phía nhà Guermantes”).

“Càng nhiều tuổi người ta càng nhớ nhiều về thời thơ ấu và tuổi mới lớn” (tr. 175), Đặng Thị Hạnh ở tuổi gần tám mươi đã có một tác phẩm thực thụ về ký ức. Điều cuối cùng cần nói là tác giả “Cô bé nhìn mưa” thuộc một thế hệ đặc biệt, thế hệ của những người sinh vào đầu những năm 1930. Cả tuổi trẻ của thế hệ này hoàn toàn phải trải qua chiến tranh, nhưng đồng thời đó cũng lại là thế hệ cuối cùng được hưởng một nền giáo dục và nhất là một không gian nghệ thuật và tri thức sau này chưa từng bao giờ có thể lặp lại được.

* Đọc “Cô bé nhìn mưa”, hồi ức của Đặng Thị Hạnh, NXB Phụ Nữ, 2008

----------

Gọi đúng tên

“Tôi gọi con lợn là con lợn…” Không, bạn đừng vội lo, con lợn ở đây đúng là con lợn (biết kêu ủn ỉn) không hàm ý không nghĩa bóng, và tên của người phát ngôn ra câu đó có thể làm yên tâm bất kỳ vị phụ huynh khó tính luôn quan ngại về cái sự đọc của con em mình.

Đề tài tình dục trong văn học cũng từa tựa vậy, người ta sẽ bớt lo khi phải đối diện nếu tình dục ấy được bảo chứng bằng lời giải thích là chỉ được dùng “để nói cái khác”, tức là tình dục sẽ bớt gây những cơn đỏ mặt vô cớ và các vụ chụm đầu thì thụt đi kèm với cười hí hí nếu được khẳng định chỉ là “phương tiện” chứ không phải “mục đích”. Lẽ dĩ nhiên là các nhà văn đương sự khi trả lời phỏng vấn sẽ tùy ý mà ngọt nhạt biến tấu trên chủ đề tôi không câu khách bằng sex. Trong các trường hợp tốt đẹp nhất những lời ngợi khen của dư luận sẽ tới tấp được gửi đến cho các tác giả biết cách chế biến món tình dục sao cho “hợp lý”, không để cho bạn đọc rơi vào tình huống khó coi như phải kẹp cuốn sách mình đang đọc vào tờ báo nhằm vừa được thưởng thức hết trường đoạn li kỳ lại vừa không bị người khác dòm thấy nhan đề và tên tác giả.

Rõ ràng câu chuyện văn chương có những lúc không trùng hợp gì với câu chuyện của cuộc sống, đe dọa làm phá sản các lý thuyết về phản ánh hiện thực: trong thực tế người có đầu óc bình thường không ai tự dưng đi đánh nhau ngoài phố vì sẽ rất dễ bị cảnh sát nhốt vào đồn, trong khi tình ái thì… muốn hôn nhau và hơn thế một chút ở chỗ đông người thì cứ việc, rồi những công đoạn khác cứ tiến hành ở đâu đó có cửa, dù là nhà mình hay không phải nhà mình. Thế nhưng tác phẩm văn học hoặc điện ảnh nhất quyết không vậy được: người ta có thể để đứa con chưa đầy mười tuổi xem phim Hollywood không một phút nào ngừng tiếng súng, người chết kẻ bị thương như sung, còn phim nào truyện nào có một chút “tình tính tang” là không ok đâu nhé, kênh HBO phiên bản tiếng Việt vẫn cứ thường xuyên làm khán giả phải đi lùng sục đĩa DVD lậu để xem cho đã mấy cái đoạn bị cúp mất ngang xương.

Nhân vật cứ việc tận lực đâm chém nhau và số người chết có thể lên đến vô hạn (như trong tiểu thuyết chiến tranh chẳng hạn), thì nhà văn cũng chẳng hề hấn gì (bối rối lương tâm một chút cũng đã là nhiều), thế nhưng sách của D. H. Lawrence bị cấm suốt nhiều năm, James Joyce phải ra hầu tòa, cả hai đều là nạn nhân cho chính cái sau này họ sẽ được xưng tụng: tình dục, và phải nửa thế kỷ sau khi được viết ra các tiểu thuyết theo dòng huê tình nặng đô của Apollinaire mới được chính thức xuất bản (đến lúc này thì các nhà hàn lâm cũng xung phong vào công cuộc phân tích cái hay cái đẹp của mấy cuốn sách từng một thời phải lén lút truyền tay nhau này).

Thế nên dường như không thể trách được nhà văn có lối giải thích nhìn rõ là bao biện cho các trường đoạn nóng bỏng trong sách của mình. Lịch sử đã như vậy thì phải học thôi, phong tục đã như vậy thì phải tránh đi thôi, ngôn ngữ cũng luôn thừa thãi các lối nói giảm nói tránh, ẩn dụ uyển ngữ vân vân làm đau đầu người nước ngoài học tiếng. Nhưng xét cho đến cùng thì đâu có được: vấn đề vẫn còn nguyên ở đó, nhiếp ảnh khỏa thân đâu có trở thành nghệ thuật chỉ vì một cái đùi co lại đúng chỗ, và lời giải thích nghe ra đầy nhân văn tính cũng chỉ là một cách bọc thêm một lớp ny lông trong suốt ra bên ngoài thứ quả kỳ dị của cái cây thần bí có cùng một lúc hai chức năng: hiểu biết và tội lỗi.

Sự thật vẫn cứ là tuy cánh cửa đã đóng lại nhưng trải nghiệm phía sau nó thì cứ hiện hữu, và văn chương nghệ thuật có đi được đến tận cùng khả năng biểu đạt của mình hay không chính là nhờ thái độ không né tránh ở những nơi không thể né tránh. Thời gian là một phương thuốc hay, nó làm “nguội” bớt sức nóng của những Lawrence, Joyce hay Apollinaire để vừa tay cầm của người đọc hơn, nhưng thời gian không phải là thứ thuốc tiên chữa được tiệt nọc căn bệnh sáng tạo. Sự chấp nhận của xã hội chắc chắn không nằm ngoài cách phán xét về liều lượng (tình dục ở dạng kéo rèm cửa sổ và tắt phụt ngọn đèn thì đời nào cũng được ý thức cộng đồng hoan nghênh), nhưng nếu cái liều lượng đó không tương hợp với bản năng sáng tạo của người nghệ sĩ? Mâu thuẫn ở khía cạnh này của thời hiện tại còn trở nên phức tạp bội phần với sự tham gia của các hiện tượng như tình dục đồng giới, tình dục của hơn hai cá thể, hoặc tình dục lẩn quất trong sự bay bổng của một số thứ khói trắng nguy hại.

Văn học hiện đại Nhật Bản của những Haruki Murakami (“Rừng Na-uy”, “Phía Nam biên giới phía Tây mặt trời”), Ryu Murakami (“Màu xanh trong suốt”) hay Amy Yamada (“Đôi mắt ấy vẫn ở trên giường”) rõ ràng đã biến thành “tiền sử” những ngượng ngùng e ấp của các tiểu thuyết Trung Quốc mới chỉ gần đây thôi đã làm náo động tâm tư người Việt Nam, như Trương Hiền Lượng của “Một nửa đàn ông là đàn bà”, hay cái hình ảnh đầy sức khai phá về bông hoa như bộ phận sinh dục của mặt đất (Giả Bình Ao). Văn chương gọi đúng tên tình dục là tình dục rõ ràng đã bắt đầu có độc giả riêng của mình, trong khi vẫn tuyệt đối tôn trọng giới độc giả của văn chương gọi tên tình dục bằng nhiều cách nói đa dạng khác (xin nhắc rằng các đại gia thực thụ của tâm hồn bạn đọc đại chúng ở Việt Nam kể từ khi có Quốc ngữ lần lượt là Từ Trẩm Á, Quỳnh Dao, Sydney Sheldon và Marc Levy). Thậm chí độc giả cao cường còn có thể cùng một lúc thưởng thức phong vị của cả hai loại ấy.

Lời dạy về việc “gọi con lợn là con lợn” quả thực hữu ích. Điều này cũng dễ hiểu, vì nó được rút ra từ một bài thơ của Victor Hugo. Nguyên văn câu thơ là “Je nommai le cochon par son nom; pourquoi pas?” (Tôi đã gọi con lợn bằng đúng tên của nó; tại sao không?), rút từ tập thơ nổi tiếng của đại văn hào, “Les Contemplations” (Các chiêm ngưỡng), sau khi thi sĩ kiêu hãnh tự nhận mình là một ngọn gió cách mạng.

----------

Các mảnh nhỏ của ký ức

Con người ta liên thông với thế giới bằng các giác quan, còn mối quan hệ với quá khứ chắc chắn là phức tạp hơn rất nhiều.

Tôi nhớ đến bộ phim “Johnny Got His Gun”, một bộ phim rất đặc biệt của lịch sử điện ảnh thế giới. Cuốn tiểu thuyết cùng tên được xuất bản năm 1939, đúng vào những ngày đầu tiên của Thế chiến thứ hai, và bối cảnh câu chuyện xảy ra vào cuối Thế chiến thứ nhất. Tác giả cuốn tiểu thuyết, Dalton Trumbo, đồng thời cũng là tác giả kịch bản, và không những thế còn làm nốt nhiệm vụ đạo diễn. Bộ phim được trình chiếu vào năm 1971, ngay lập tức được vinh danh nồng nhiệt ở festival Cannes và trở thành một trong các biểu tượng văn hóa mạnh mẽ của phong trào chống chiến tranh (hồi đó dĩ nhiên là chiến tranh Việt Nam). Xem bộ phim này chắc chắn những người từng khóc khi xem đến đoạn các chàng cao bồi mặt sẹo ngã xuống trong một vụ đọ súng hay nàng nọ biết tin chàng kia tử trận, chắc chắn phải khóc đến cả một bể nước. Ngay cả những người ít dành nước mắt cho phim ảnh (xét cho cùng là phù phiếm - “xa nhau không hề rơi nước mắt”, cần phải thế!) cũng khó tránh khỏi rơm rớm.

Bởi vì tình cảnh nhân vật chính Joe của bộ phim khủng khiếp quá: Joe là thanh niên người Mỹ tình nguyện đi chiến trận, nhưng khi chiến tranh sắp kết thúc thì bị dính miểng, mất hết toàn bộ tay chân mặt mũi, toàn bộ các giác quan mà con người ta có trên người: thính giác, thị giác, khứu giác và khả năng nói. Joe chỉ có thể cảm nhận được một chút ít qua tiếp xúc với phần da còn lành lặn ở nửa người trên. Thậm chí Joe còn không phân biệt được sáng tối, rằng mình đang ở trong đời thực hay trong giấc mơ, chỉ riêng việc đang ở trong một căn phòng bệnh viện thôi mà cũng phải chật vật lắm anh mới biết được.

Thế nhưng, điều này làm cho câu chuyện càng trở nên khủng khiếp hơn, trí óc của Joe vẫn còn nguyên vẹn, và lời kể chuyện của anh, mà người xem hiểu là một dạng tiếng nói nội tâm, khiến người ta hiểu dù bị tước hết những điều vô cùng cơ bản của cuộc sống, thì về cơ bản Joe vẫn sống, và, còn hơn thế nữa, sống với đầy đủ ý nghĩa lành mạnh của từ này.

Kể câu chuyện này tôi hoàn toàn không có ý định hỏi độc giả xem liệu một bộ phim như vậy có cảm động hay không, vì chắc chắn là nó rất cảm động (nhiều trường đoạn niềm cảm động đó lên đến mức không thể chịu đựng nổi: cứ thử xem phim rồi sẽ hiểu tôi muốn nói gì!), mà cái trường hợp vô cùng đặc biệt của anh lính Joe ấy dường như muốn nói với chúng ta rằng mọi việc trên đời này thật ra đều nhỏ bé thôi, và thực tình không ai biết nổi mức độ tối thiểu của mỗi chúng ta có thể đạt tới đâu.

Bác tôi đi lính hồi chiến tranh, suốt bốn năm cực khổ ở chiến trường Nam Lào, không bao giờ có một tin tức gì về nhà, ai cũng tưởng là không còn sống nữa. Thế mà khi về đến nhà (lành lặn, các giác quan đều còn hoạt động bình thường), câu chuyện duy nhất mà bác kể lại cho những đứa cháu của mình chỉ có thế này: khi được chuyển quân về vùng Vĩnh Phú trong đêm, sáng sớm mở mắt chợt nghe thấy tiếng bọn trẻ con líu lo bên ngoài, bác chợt thấy cảm giác của mình nhẹ hẳn xuống. Và như vậy không phải vì không có tiếng bom đạn, mà chỉ vì mấy năm liền nghe giọng nói nặng trịch của người miền Trung giờ đây bác bỗng bắt gặp trở lại âm điệu nhẹ hơn của người miền Bắc. Không có câu chuyện nào khác nữa về các trận đánh, bác tôi tuột thoát ra khỏi cuộc chiến bằng một cảm giác nhẹ nhàng về sự “chuyển tông” các giọng nói như vậy. Như thể ký ức về chiến tranh đã được gột rửa thông qua một tác động vô cùng nhỏ của giác quan.

Rồi cũng đến lúc bản thân tôi, khi phải đối diện với câu hỏi “Còn lại gì?” về những điều mình đã trải qua trong đời, cũng dần nhận ra cái còn lại khiêm tốn lắm lắm. Người ta bước vào đời với bao nhiêu hình dung to tát (để mượn lại nhan đề một cuốn tiểu thuyết của Charles Dickens: “Great Expectations”: những hoài vọng to lớn) và cũng có thể làm được những điều to tát, nhưng rốt cuộc khi ngoái nhìn lại thì cái di sản cá nhân của ký ức mới nghèo nàn làm sao, tưởng chừng như xếp vừa vào một hộp giày cũ cất đâu đó trong căn phòng để đồ lặt vặt, chẳng mấy khi lôi ra xem lại.

Cả thành phố Vienna hoa lệ mà tôi đến thăm cùng với một sự rộn ràng náo nhiệt của tâm trí giờ còn lại trong ký ức một vài hình ảnh nhòe nhoẹt, sắc nét nhất lại không phải là tòa lâu đài Schoenbrunn mênh mông, từng được lấy làm bối cảnh cho bộ phim “Marie-Antoinette” của Sofia Coppola hay quảng trường MQ của các viện bảo tàng nổi tiếng, mà là giây phút ngủ quên trên bãi cỏ xanh ven bờ sông Danube, và nụ cười của một người phụ nữ đẩy xe cho đứa con nhỏ tình cờ bắt gặp tôi ở một góc phố và niềm nở hỏi xem tôi có cần giúp đỡ gì không. Cái bằng chứng cho sự ngơ ngác trên nét mặt của tôi ấy lại là điều còn lại lâu nhất trong ký ức tôi.

Rồi ấn tượng xa xưa nhất mà tôi có về cuộc sống xung quanh: lần này một giác quan khác đã chiếm chỗ thị giác, cụ thể hơn là khứu giác. Cho đến giờ tôi vẫn nhớ rõ mồn một mùi của nhà ăn tại trường mẫu giáo nơi tôi đến học trong một khoảng thời gian rất ngắn. Mỗi lần đi qua một nơi có cái mùi gần giống như vậy (chỉ có thể gần giống, vì đúng theo lý thuyết của thiên tài mùi vị Jean-Baptiste Grenouille của cuốn tiểu thuyết “Das Parfum”, mỗi mùi là duy nhất), là giống như một cái công tắc được bật thông qua bàn tay mảnh dẻ của mùi vị, lại hiện ra căn phòng ngủ trưa của những đứa trẻ con, nền đá hoa và những khuôn mặt tuy bụ bẫm theo lứa tuổi nhưng vẫn có chút gì đó thật nghèo đói tội nghiệp. Mà xét cho đến cùng, đó cũng chỉ là hỗn hợp của tinh bột, rau cải và một chút ít thịt.

Tôi dần trở nên tin tưởng rằng ký ức đọng lại kiên cường nhất trong các nếp gấp não bộ ngày càng lười biếng của chúng ta chính là ký ức về mùi vị. Có một câu chuyện cười nói rằng nếu muốn biết liệu mình đã đến ga Hưng Hòa hay chưa thì cứ việc thò tay ra khỏi cửa sổ tàu hỏa, khi rụt tay lại mà thấy không còn đồng hồ thì đúng là đã tới rồi. Còn tôi, kể cả nhắm mắt tôi cũng nhận ra mùi vị đặc trưng của Sài Gòn, dù thành phố ấy tôi mới chỉ ghé ngang qua vài lần. Một vài thành phố có mùi vị không thể trộn lẫn, hoặc là giữa các khu phố khác nhau của cùng một nơi cũng có mùi rất khác nhau: Paris chẳng hạn, quận 6 có mùi của sự náo nhiệt, mùi sang cả của quần áo đẹp và tác phẩm nghệ thuật, quận 16 lại lành lạnh và pha chút chất thải của những con chó nhà giàu, sang đến quận 13 là đã rộn rã xì dầu nước mắm và một cái mùi nhất quyết không thể quên: thịt quay.

Ký ức về con người cũng vậy thôi, sẽ đến lúc thật khó hình dung nét mặt một ai đó, nhưng một cái mùi đặc biệt sẽ giúp cho quá khứ sống dậy (cầu cho đó không phải là một mùi khó chịu!), kể cả những mùi nhân tạo như Flora, J’Adore hay Poison.

“Ai đem phân chất một mùi hương”, Xuân Diệu từng hỏi tu từ như vậy. Có lẽ thủ phạm chính là ký ức của chúng ta, trong cái nhu cầu da diết tóm bắt lấy quá khứ của nó.

----------

Số phận của số phận

Người ta hay mang nó ra để hù dọa nhau: “Cái duyên cái số nó vồ lấy nhau”. Sợ chưa? Đang yên đang lành mà bị “vồ” thì cũng khiếp lắm chứ. Mà cũng chỉ những con thú dữ có móng vuốt mới biết vồ, mà vồ xong rồi là đến màn xé xác ăn thịt. Ai chẳng hãi. Ai chẳng hãi số phận.

Nó án ngữ ở phía tương lai của chúng ta. Cứ cộng bốn cái tứ trụ năm tháng ngày giờ là cả một số phận hiện lên trên trang giấy, mười hai ô rõ mồn một, từ hiền hòa phúc đức, lo âu tử tức đến mơ màng phu thê, phấn khởi tài bạch và hồi hộp quan lộc. Tử vi lỡ tốt thì được tin nhiều, lỡ xấu thì được tin theo kiểu “xưa nay nhân định thắng thiên cũng nhiều”, nhưng mấy ai dám mạnh miệng mà bảo chẳng tin chút nào. Nghe rất báng bổ, nghe rất thiếu huyền bí, và đi ngược lại xu thế tìm về phương Đông ngày nay. Tử vi phương Tây (horoscope) thì cứ đàng hoàng chiếm chỗ trên mọi tờ báo muốn được tiếng nghiêm túc quan tâm đến bạn đọc (mà báo chí thì nhất định phải quan tâm đến bạn đọc, không tất thảy được thì cũng phải một phần nhân loại có đủ tiền… mua báo). Tuy nhiên cũng cần chú ý là nhà phê bình văn học Roland Barthes từng nhận xét rằng các ngôi sao (Thiên Bình, Cự Giải vân vân) của “horoscope” cũng nghỉ cuối tuần như con người, và chúng miêu tả cuộc sống bình thường, ngày hôm nay của con người ta nhiều hơn là dự báo cho ngày mai (rất giống môn dự báo thời tiết tại Việt Nam: thông báo ngày mai mưa ở mức 20mm thì hoàn toàn có thể nghĩ lượng mưa thực tế sẽ là 500mm).

Nó lại phong bế các ngả đường về phía quá khứ của chúng ta. Có biết bao nhiêu cô gái trẻ hoặc không còn trẻ lắm thực hành một món rất mù mờ về ý nghĩa và hiệu quả: cắt tiền duyên. Mà thậm chí cắt rồi chưa thấy ổn lại cắt tiếp một/vài lần nữa. Dứt đứt những hẹn hò nợ nần kiếp trước đặng lo cho kiếp này. Thì biết làm sao đây? Thật ra thời nay để giải quyết vấn đề chậm muộn nan giải ấy người ta cũng đã nghĩ ra một số giải pháp khác rồi: chẳng hạn như đi thẩm mỹ viện nâng cái này gọt cái kia, bó chặt một bộ phận bung nở một bộ phận khác. Người không biết cứ tưởng tượng xấu xí, chứ sâu xa thẩm mỹ viện là nhằm để thay đổi một chút nhằm đánh lừa sự nhận biết của những dây dưa kiếp trước đấy thôi. Mới hay số phận cũng dễ đánh lừa, và dao kéo cũng nhân văn. Lo cho cuộc sống này đã đủ mệt lắm rồi, nói gì kiếp khác với đời sau.

Văn chương triết học cũng chẳng vừa trong địa hạt này. Ông vua Oedipus của một nơi bên Hy Lạp ngủ với mẹ và giết bố là do Số mệnh dẫn dắt. Ông tự chọc mù mắt và đi lang thang khắp vùng núi đồi quanh thành phố Thebes, vì ông không phải là nạn nhân của một cá nhân ai, như vậy thì thường quá; ông là nạn nhân của Số mệnh, và khi đã là nạn nhân của nó, thì người ta đành phải cam chịu chung thân trong một cuộc chuộc tội: giống như Prometheus bị chim rỉa gan trên vách núi, và Sisyphus đẩy lên đẩy xuống tảng đá không thể dừng lại. Cô Linda Lê nhà văn Pháp gốc Việt cũng thành danh từ lâu nay nhờ cuốn tiểu thuyết lấy hình tượng ba bà nữ thần già nua của Hy Lạp ngồi quay sợi, bà này dệt sợi thì bà kia cắt, bà này cho người ta cuộc sống thì bà kia lấy đi mất. Ấy là cuốn tiểu thuyết “Les trois Parques” nổi tiếng.

Triết học có riêng một trường phái gọi là “chủ nghĩa định mệnh” (fatalism), theo đó mọi điều xảy ra đều giải thích được bằng những nguyên nhân đi trước, và tất cả đều đã được an bài xong xuôi, được Cỗ máy vũ trụ lập trình sẵn, có làm gì thì cũng không thể thoát ra được khỏi dòng tiến triển sắp đặt ấy. Các nhà văn thời Khai sáng đặc biệt quan tâm đến việc đả phá lối nghĩ này. Hai nhân vật đặc biệt lừng danh đã được sản sinh từ ngòi bút của hai nhân vật có đóng góp lớn cho bộ Bách khoa toàn thư, công trình chung của các nhà Khai sáng thế kỷ mười tám, Candide của Voltaire và Jacques của Diderot.

Candide, anh chàng lạc quan và ngây thơ (ở Việt Nam trước đây đã có một bản dịch miền Bắc, gần đây NXB Tri Thức ấn hành một bản dịch mới của Tế Xuyên) luôn tin là mọi việc sẽ tốt đẹp. Chàng tin tưởng mọi điều trên đời này đều tốt đẹp, vì cỗ máy trên cao kia đã quy định là mọi điều sẽ tốt đẹp, cho dù tận mắt chứng kiến bao nhiêu đau khổ của con người và chính chàng cũng phải trải qua không ít sóng gió cuộc đời.

Jacques, anh chàng theo thuyết định mệnh (nhan đề nguyên bản: “Jacques le fataliste et son maître”) của Denis Diderot cũng rất vui nhộn nhưng không lạc quan như Candide. Tuyên ngôn của Jacques là như sau: “Jacques nói rằng viên đại úy của anh nói rằng mọi điều xảy đến với chúng ta dù tốt hay xấu ở dưới trần thế này đều đã được viết ra từ trước trên trời kia.” Cuốn truyện kể về cuộc phiêu lưu bất tận của Jacques và ông chủ của anh ta, một dạng “Don Quichotte”, nhưng ở đây Jacques người hầu lại là Don Quichotte và ông chủ lại trở thành Sancho Pansa. Ở thời hiện đại của chúng ta Milan Kundera đã lấy rất nhiều cảm hứng từ tác phẩm này trong sự sáng tác văn chương của mình.

Dẫn dắt dài dòng vậy thôi, chứ thật ra chúng ta luôn có một chiến lược rất đồng nhất khi nói về số phận: số lượng lần tặc lưỡi: “cái số nó thế” chắc hẳn không nhiều bằng số lần sử dụng những cụm từ đầy phẩm chất siêu vượt: “Vượt qua số phận”, “Chống lại sự hẩm hiu”, “Giấc mơ vươn tới một ngôi sao”, vân vân và vân vân. Chúng ta học hành như trâu bò, chấp nhận học gạo cả đời để thoát khỏi một vùng đất cằn cỗi. Chúng ta ky cóp tiền bạc cống nộp cho một cuộc hôn nhân vờ để đổi lấy cái thẻ xanh của một chốn “Eldorado” nào đó. Chúng ta đêm hì hục mơ ngày miệt mài giải mộng mong trúng một con đề. Tựu trung lại là chúng ta mải miết trong cuộc chiến đấu đẩy lui số phận. Số phận của bản thân số phận tuyệt đối là không đáng thèm muốn.

----------

Cũng cần cay cú

Chúng ta sống trong một cuộc đời chẳng ra sao. Trong khi ta mơ ước vụt được một, dù chỉ một đường bóng đầy uy lực trúng vào đường vạch biên khuất phục đối phương bên kia lưới, giống như Roger Federer, thì chính Roger Federer lại cứ liên tục chảy nước mắt uất hận vì không sao quay trở lại được vị trí tennisman số một thế giới đang bị Rafael Nadal nắm giữ. Là cây vợt thứ nhì thế giới, nhưng Federer khổ sở hơn Novak Djokovic hay Andy Murray, và tất nhiên là khổ sở hơn các vận động viên hạng ruồi hay các thể loại tay mơ bu đầy các sân tennis trên khắp thế giới.

Đúng là không có chút công bằng nào cả. Người chơi dở thì tha hồ sung sướng, thậm chí là sung sướng với mấy giọt mồ hôi nhỏ ra được sau ngày làm việc bụng dính vào gờ bàn, người chơi giỏi thì phải tấm tức khóc, cảnh tượng đó nhiều người bảo là bi tráng nhưng tôi chỉ thấy thật là buồn.

Đã không công bằng, lại còn căng thẳng. Thể thao, mà người ta cứ gọi là “trò chơi”, nói là “chơi thể thao”, hóa ra chỉ mang lại khoái cảm sung sướng khi “căng thẳng đến nghẹt thở”. Kể từ khi ngài Nam tước Pierre de Courbetin sáng lập ra các kỳ Thế vận hội Olympic hiện đại thì tuy thể thao vẫn được danh nghĩa là “trò chơi” nhưng phải là trò chơi sao cho “xa hơn, nhanh hơn, cao hơn”, mỗi phần nghìn mét cũng “làm nên lịch sử”. Thể thao, tuy vẫn được xác định là để khỏe người, nhưng khỏe không phải là khỏe để tốt cho mình cho vợ hoặc chồng hoặc người yêu mình, mà là để về nhất. Khỏe, nhưng căng thẳng, thế thì cũng chẳng biết được là có khỏe thật hay không. Nếu không khỏe thật mà lại cứ muốn nhất thì thế nào cũng doping, mùa đua xe đạp Tour de France nào cũng thấy có phát hiện doping. Mà doping thì chắc chắn là không thể khỏe, không thể lành mạnh được. Người ta cứ nói sinh ra trên đời ai cũng có một vị trí cho mình, và tất cả bình đẳng với nhau. Xin lỗi chứ, làm gì có bình đẳng, nếu không thì tại sao lại còn nảy sinh thứ nhất - và do đó là thứ hai, sinh ra Federer rồi tại sao nhất định cứ phải xuất hiện Nadal?

Thiếu công bằng như vậy, và căng thẳng như vậy, thành thử cũng dễ hiểu khi thế giới đổ xô đi tìm những cách sống mới. Người phương Tây đột nhiên phát hiện một từ kỳ diệu: slow (chậm), và thế là cả một trào lưu đi kèm: ăn chậm, uống chậm, đi chậm, sống chậm, tình ái chậm, thậm chí cả chạy chậm. Nguồn minh triết phương Đông lũ lượt đổ sang phương Tây và tìm thấy vô số tín đồ. Trước đây cần phải chiến thắng, phải thành công, thì bây giờ biết sống là mỉm cười trước mọi sự, lúc nào cũng stay cool (kể cả khi trông khá là đờ đẫn). Phải “buông xả thanh thản”, và phải biết sống sao cho “đời không tâm điểm”.

James Dean may mà chết sớm, vì cứ cái kiểu tung hô sống gấp gáp, đốt cháy từng giây phút của cái hiện sinh nhọc nhằn, thế nào người hùng Hollywood chẳng bị các tờ tạp chí trendy nêu lên đầu bảng của sự quê mùa và quá đát. Cái trò “chicken’s run” lao xe về phía miệng vực, người thắng là người hãm phanh cuối cùng, nghe thì ghê gớm thế chứ cũng chỉ thu hút được các em gái miền núi, bây giờ ai thèm quan tâm. New Age và hippy đã thế chỗ những chàng đẹp trai lúc nào cũng sẵn sàng đi ra đường tìm cách tự làm gãy cổ, giờ thì ở tuyệt đối đỉnh cao phong độ và đẳng cấp phải là người biết luôn miệng “om”, “cool” và “zen”.

Một nhà văn Pháp giờ đây đã bị lãng quên khá nhiều, Marcel Aymé (tác giả truyện ngắn “Người đi xuyên tường” một thời lừng danh), từng có một cảm nhận đi trước thời đại từ rất sớm. Trong truyện ngắn “Người về bét” (Le Dernier) viết từ những năm 1930, Aymé miêu tả một tay cua-rơ xe đạp cả đời chỉ về bét, nhưng vẫn không bỏ cuộc, vẫn chăm chỉ và đều đặn tham gia những cuộc đua, với một trạng thái tâm lý rất thiền, thản nhiên và chấp nhận. Để lại vợ và con ở nhà, cứ khi nào có tiếng bánh xe lăn trên đường cái là anh lại ra đi - không “vui như ngày hội” nhưng hẳn là cũng phơi phới lắm, dù biết trước là mình sẽ chẳng được cái giải rút gì.

Có lẽ những con người như thế mới thực sự đông đảo ở trên cuộc đời này, cũng như trong thể thao. Danh hiệu và vinh quang thì ít ỏi, mà những người trên đường đuổi bắt chúng thì đông vô kể, mấy ai được thỏa mãn đâu.

Thế nhưng, nếu không cố gắng để trở thành người chiến thắng, nếu không có chút cay cú nào khi tham gia đua tranh, thì các cuộc đua Tour de France sẽ không khác gì chuyến đạp xe về quê picnic của một nhóm bạn, trận bóng bầu dục Mỹ giống như bữa barbecue trong sân nhà bà cụ tốt bụng. Tôi, một người không biết chơi cả tennis lẫn đua xe, tôi sẵn sàng cho Roger Federer những gì tôi có để anh ngừng khóc khi bị thua Nadal, nhưng nếu đến giải sau đó Federer “buông xả thanh thản” thì chắc chắn là tôi tắt vô tuyến ra sân tìm thầy khởi sự tập môn quần vợt.

----------

Tô-mếch lại lên đường ra đi

Tôi không đọc truyện cổ tích cho tới tuổi mười bảy. Quãng thời gian ấy, tôi mới bắt đầu biết đến những câu chuyện tuyệt đẹp nhưng đau lòng của Andersen, những “Bà chúa tuyết”, những “Cô bé bán diêm”, còn trước đó, niềm vui khám phá của tôi đã tìm được ở một ngọn nguồn khác hẳn: những cuộc phiêu lưu của các cô bé cậu bé gốc Đông Âu. Trong phòng trưng bày của chỉ một cá nhân tôi, cậu thiếu niên Tô-mếch (Tomek) người Ba Lan có một vị trí danh dự. Cậu là người can đảm, cậu là người tốt bụng, cậu là người mưu trí, và với riêng tôi, cậu còn là người dẫn tôi vào một thế giới mới.

Ca-rích hay Xê-muy-en Pinh, hay những cậu con trai phố Pan có thể làm tôi hồi hộp đến tắc thở ở những đoạn truyện gay cấn, nhưng Tô-mếch là người đầu tiên bắt tôi dành dụm từng đồng tiền nhỏ nhoi để lần đầu tiên ngượng ngập đi đến hiệu sách mua quyển sách thứ nhất cho riêng mình trong đời. Giờ đây, khi đi mua sách đã không còn ngượng ngập nữa, xem lại các thông tin về cuốn sách hồi ấy, tôi mới biết nó được in vào năm 1988. Tôi hoàn thành công cuộc dành dụm tiền lẻ để sở hữu quyển sách không lâu sau khi sách xuất bản, nghĩa là khi ấy tôi ở vào quãng 8 hay 9 tuổi. Người bán hàng ở cái hiệu sách nằm chơ vơ trên một lối đi không xa bờ mương ao hồ, nơi giờ đây trở thành một phố đặc biệt đông người ở Hà Nội, có vẻ mặt như thế nào tôi không còn nhớ, nhưng tôi vẫn thầm biết ơn vì người chủ hiệu sách đó đã không tỏ thái độ gì trước mớ tiền lẻ dày cộm tội nghiệp mà trao ngay cho tôi niềm mơ ước ấy: “Tô-mếch và thủ lĩnh Tia Chớp Đen”.

Ngay lập tức tôi được di chuyển đến nước Mỹ, đến với một niềm hứng khởi giờ đây tôi vẫn cảm thấy khi bắt gặp bất cứ điều gì liên quan tới người Anh-điêng, những người da đỏ mang các biệt hiệu kỳ khôi (Đại Bàng Đỏ, Hoa Hồng Trắng, Ngọn Lửa Cháy) và chuyên gọi người da trắng là “bọn mặt nhợt”. Lần đầu tiên tôi biết tới thủ lĩnh huyền thoại của người da đỏ Sioux, Bò Ngồi (Sitting Bull) là ở đây, trong cuốn sách giấy đen đến khốn khổ của Việt Nam thời bao cấp. Tôi sẽ biết đến nhiều loại giấy in sách đẹp hơn rất nhiều sau này, những giấy bouffant, giấy conqueror, giấy in Kinh Thánh, nhưng tôi khó mà khẳng định được đã từng khi nào có nhiều xúc cảm như trước những trang giấy của cái thời không ai mong trở lại ấy.

Tô-mếch trở thành người bạn của tôi, trung thành và thân thiết hơn cả những thằng bạn đồng học. Cậu bé được miêu tả như thế này: “Tô-mếch Vin-mốp-xki là một thiếu niên người Ba Lan. Em không sợ nguy hiểm nhưng cũng không thích bị lâm nguy vì nhẹ dạ, những kinh nghiệm tích lũy được trong những cuộc chu du khắp thế giới đã khiến em sớm trở nên thận trọng và chín chắn”. Tôi cũng có mong muốn chiến thắng bọn trẻ con ngoài đời trong đủ thứ trò chơi, nhưng tôi cũng mong muốn sở hữu những kinh nghiệm phiêu lưu như Tô-mếch bên cạnh anh thủy thủ đồ sộ Nô-vi-xki và cô bạn gái người Úc Xan-li. Trước khi tới nước Mỹ để rồi sát cánh bên Tia Chớp Đen, Tô-mếch đã là nhân vật trong hai tập truyện trước đó, “Tô-mếch ở xứ sở Cănguru” và “Tô-mếch ở lục địa đen”, cả hai đều đã được dịch sang tiếng Việt.

Lai lịch của Tô-mếch mãi gần đây tôi mới biết. Thật là sung sướng cái thời được tận lực chìm đắm vào những trang sách mà không cần biết tới tên tác giả, tên dịch giả hay bất cứ thứ chi tiết gì thuộc về lĩnh vực “cận-văn bản”. Sự mơ mộng hình như gắn liền với những khoảng trống của hiểu biết.

Cha đẻ của Tô-mếch là một nhà văn tên tuổi của Ba Lan, An-phơ-rết Scla-rơ-xki (Alfred Szklarski), và “Tô-mếch và thủ lĩnh Tia Chớp Đen” chỉ là một trong rất nhiều cuộc phiêu lưu khác của cậu bé, “một xê-ri”, như ngày nay người ta thường nói. Lời giới thiệu trong sách của dịch giả (Nguyễn Hữu Dũng) cho biết bộ sách rất được bạn đọc trẻ tuổi Ba Lan yêu quý này có tới mười tập, trong đó Tô-mếch còn phiêu lưu đến tận Siberia, Ai Cập, Alaska…, đều là trong những cuộc săn bắt thú hiếm cung cấp cho các vườn bách thú và đoàn xiếc dưới sự chỉ huy của ông Vin-mốp-xki cha cậu, một nhà cách mạng bị Sa hoàng truy đuổi.

Thời ấy ở Việt Nam, thiếu thốn thì thiếu thốn rất nhiều nhưng không thiếu những câu chuyện hấp dẫn kiểu như thế này. Bên Ba Lan anh em chắc hẳn sự tình về mặt kinh tế-xã hội cũng tương tự với nước ta nên người ta không ngừng viết ra những tác phẩm thật là thu hút. Ở mảng truyện thiếu nhi, ngoài Tô-mếch còn có những truyện như “Hiệp đầu 0:1”. Tác phẩm không thiếu nhi lắm thì có cái tên quan trọng Tadeuz Dolega-Mostowicz, tác giả của những quyển nổi tiếng như “Thầy lang” và nhất là “Đường công danh của Nikôđem Đyzma” một thời làm sôi nổi tâm trí người đọc Việt Nam, thậm chí còn được so sánh với “Số đỏ” của Vũ Trọng Phụng. Dolega-Mostowicz là một nhà văn trước Thế chiến thứ hai, thuộc vào hàng những tên tuổi lớn khác của văn chương Ba Lan mà người Việt Nam đọc rất nhiều, như Adam Mickiewicz nhà thơ yêu nước, rồi đặc biệt là Henryk Sienkiewicz, cũng là tác giả của một bộ truyện thiếu nhi danh tiếng: “Trên sa mạc và trong rừng thẳm”. Về sau này, người Ba Lan vẫn không ngớt hiện diện trong đời sống văn hóa Việt Nam, ngoài Kazik ở Mỹ Sơn còn là những nhà văn như Stanislav Lem tác giả “Solaris”, gần đây hơn thì là nhà thơ nữ được giải Nobel Văn chương Wislawa Szymborska hay Ryszard Kapuscinski. Mùa nào thức nấy, thời nào nhà văn nấy, Ba Lan hay các nước khác cùng khu vực địa lý, Hungary, Séc… là một nguồn thức ăn tinh thần không hề nhỏ cho người Việt Nam, dù sống ở thời bao cấp hay đã thoát được khỏi nó.

Những gì đọc từ nhỏ chi phối cái nhìn sau này của mỗi con người. Ai hồi nhỏ quá mê “Đường công danh của Nikôđem Đyzma” hẳn sẽ nghĩ văn chương phải luôn hài hước, sâu cay, và buồn cười. Vì đã lỡ đánh bạn với một chàng thiếu niên như Tomek nên sau này khi đọc các nhà văn khác của Ba Lan, sự trong sáng và những phẩm chất tốt đẹp của con người vẫn là nền tảng cái nhìn của tôi: ngay cả khi đọc nhà văn hiểm hóc như Witold Gombrowicz, ngay cả khi đọc những tác phẩm khủng khiếp nhất của ông như “Ferdydurke” và nhất là “Pornografia”, tôi vẫn tin vẫn có một Tô-mếch lẩn khuất đâu đó giữa những sự trần trụi kia, một Tô-mếch lại lên đường ra đi, Tô-mếch người sống trong thiên nhiên hoang dã, làm bạn với các loài vật và không bao giờ từ nan để giúp đỡ người khác.

“Giai đoạn Tô-mếch” của tôi cũng sẽ trôi qua không lâu sau khi khởi đầu, vì một thời gian sau đó tôi đã phát hiện ra một tương ứng hoàn hảo của Tô-mếch trên lưng ngựa để thay thế: các nhân vật của Jules Verne.

----------

Tàu hỏa đối chiếu

Một ai đó, hình như Ngô Phan Lưu, từng ví tiếng còi tàu với tiếng kèn saxophone. Của đáng tội, nhìn một đoàn tàu bò đi ở xa xa tôi thường xuyên nghĩ tới một con giun đất. Con giun đất mãi mà không đào hết đất, các đoàn tàu thì mãi mãi không dừng lại.

Tàu Shinkansen của Nhật Bản có một sự thuận tiện kinh hoàng: khách đi tàu không bao giờ phải ngồi quay lưng về hướng đi của đoàn tàu, vì băng ghế ngồi có thể dễ dàng xoay ngược lại. Dĩ nhiên, bạn cũng có thể nhất định lúc nào cũng ngồi ngược, nếu thuyết phục được những người bên cạnh. Tàu hỏa Việt Nam còn thuận tiện hơn: những chuyến tàu tôi đi hồi bé, người ta mắc võng nằm ngay phía trên những cái ghế, mỗi lần tàu lắc là như có thể bắn ra khỏi cửa sổ (hồi đó mới thế, sau này tài ném đá của mấy chú bé nông thôn làm nhà tàu phải may lưới sắt bịt hết cửa sổ lại). Người ta còn trải áo mưa nằm trên sàn tàu, dưới gầm ghế. Ký ức của tôi hẳn là có biệt tài thiên vị những điều tốt đẹp, nên tôi chỉ còn nhớ đã từng nằm trên bao nhiêu là người chứ không nhớ có lần nào nằm dưới ai.

Nhưng ấn tượng về một đời sống tàu hỏa, đời sống phong phú nhà ga phòng chờ chỉ thật rõ tại châu Âu, cho dù hình ảnh đoàn tàu bu kín người cả trên nóc ở Ấn Độ mới thật gây choáng váng tinh thần. Mọi thành phố châu Âu đều được xây dựng xung quanh ga tàu và nhà thờ, một số thành phố như Leipzig có nhà ga (Bahnhof) to đến mức đi mãi không hết, lại rất mỹ thuật, và giới trẻ thành phố tụ tập ở đây như giới trẻ Hà Nội tối tối tập trung ở tượng đài Lê nin hay tượng đài Lý Thái Tổ, để mà vui chơi, sinh hoạt lành mạnh lẫn không lành mạnh lắm. Nhất là khi sống tại Pháp, một đất nước không mấy thịnh hành xe khách liên tỉnh, muốn tiện lợi mà không phải tự lái xe đường dài rất nhức vai nhức cổ mà lại bị khống chế tốc độ, thế nào bạn cũng lựa chọn tàu hỏa. Tàu TGV chạy Paris-Marseille mất chừng ba giờ đồng hồ, còn nhanh hơn đi máy bay.

Khi đi tàu, người Pháp hay đọc sách, người Anh hay đọc báo, còn người châu Á nói chung (Hồng Kông, Nhật Bản) chơi điện tử hoặc nhí nhách nhắn tin điện thoại, nhưng không ở đâu hoạt động trên tàu phong phú như trên tàu hỏa Việt Nam: trên các chuyến tàu chợ, người ta thường ăn trứng vịt lộn và đánh bạc kiếm tiền, rồi uống nước chè hút thuốc lào xòng xọc. Hồi tàu Thống Nhất Bắc-Nam còn chạy mất hai ngày, mỗi lần đi người ta khao khát đợi tới ga Đà Nẵng để được tắm một trận đã đời và nôn nóng đợi ga Diêu Trì để ăn xôi gà.

Đi tàu ở Pháp đã thích, nhưng sang đến những chuyến tàu nước Đức, EC hay IC, tàu liên thành phố, mới thấy thật là văn minh tiến bộ. Người ngoài châu Âu nếu muốn đi du lịch ngắn ngày khắp châu Âu thì nên mua vé “eurail”, được đi tàu thoải mái trong một quãng thời gian nhất định, từ tàu TGV, tàu Thalys, tàu Eurostar tới tàu Trenitalia (tàu Ý thì phải nói là hơi bẩn và hơi lộn xộn); nếu tính toán khéo để qua đêm trên tàu thì còn tiết kiệm được khối tiền khách sạn. Nhưng cũng phải tìm hiểu cặn kẽ những khác biệt để khỏi rơi vào trường hợp khó xử; vì không biết ban đêm nhà ga ở Thụy Điển đóng cửa nên tôi đã có lần suýt chết vì cái lạnh tháng Chạp bên ngoài một nhà ga trung tâm miền Bắc Âu lạnh hơn tủ lạnh.

Ở Việt Nam ngày nay, nếu căn cứ vào “chi phí cơ hội” thì rất ít người thoải mái chọn tàu hỏa làm phương tiện di chuyển. Trừ phi đi từ Hà Nội vào Sài Gòn bằng tốc độ của TGV, chứ bao nhiêu chục năm mà mới chỉ rút ngắn được từ 48 tiếng xuống còn 32 tiếng và sự tròng trành lắc lư vĩnh viễn không thay đổi, thì tàu hỏa rõ ràng không phải một lựa chọn khôn ngoan, cho dù các nhà thơ Việt Nam đã dành những dòng thơ đẹp nhất cho đoàn tàu, nhà ga: “Những ngày nghỉ học tôi thường tới/Đón chuyến tàu đi đến những ga” (Tế Hanh), “Những đôi mắt ướt nhìn đôi mắt/Buồn ở đâu hơn ở chốn này” (Nguyễn Bính) hay “Tàu chạy mau mà qua rất lâu/Tàu chạy mau, tàu chạy rất mau/Ngựa rượt tàu, rượt tàu, rượt tàu” (Tô Thùy Yên).

Bỏ không đi tàu nữa cũng đồng nghĩa với từ bỏ một ước vọng lên đường đi xa. Máy bay không đại diện nổi cho ước vọng ấy ở phương diện ẩn dụ, khơi gợi về một phương xa huyền bí. Máy bay trơ trẽn là một cục sắt biết bay, trong khi tàu thủy tàu hỏa chứa đựng hai thành tố của ngũ hành nên có ý nghĩa rất sâu sắc. Con người ta mơ lên đường là mơ đến khói bay từ ống khói tàu thủy hay tiếng còi tàu (như tiếng kèn saxophone đầy sexy, theo Ngô Phan Lưu) chứ ai thèm mơ check-in và boarding card. Mai Thảo để nhân vật của mình nghĩ trong tiểu thuyết “Mười đêm ngà ngọc”: “Xưa kia Nguyên đã mơ ước được như thế, được là một cánh chim giang hồ, người lữ hành của những sân ga”, và hai nhà thơ giang hồ Nguyễn Bính cùng Vũ Hoàng Chương khi liên vận làm một bài thơ dịp đi thăm nhà thơ Bàng Bá Lân trên miền trung du đã mở đầu ngay bằng một câu nức nở: “Còi thét vào ga Phủ Lạng Thương”.

Cá nhân tôi chủ trương làm theo các bài học đầy lợi ích nhìn thấy được của “chi phí cơ hội” và luôn luôn nghĩ đoàn tàu trông giống con giun đất, nhưng trong những ước mơ thầm kín nhất tôi vẫn mơ mình là một cánh chim giang hồ gian khổ tham gia xúc tuyết cùng hành khách trên tuyến đường Xuyên Siberia huyền thoại nghe đâu là sản phẩm của độc tài Stalin, hay phè phỡn phòng riêng xa xỉ như một ông hoàng Trung Đông trên tàu Orient Express. Đã là mơ, thì phải mơ cho đáng, bét nhất tôi cũng muốn ở trên chuyến tàu North-Express giống như trong bộ phim “Strangers on a Train” mà Alfred Hitchcock từng quay dựa trên tác phẩm của Patricia Highsmith, để được một lần tận mắt chứng kiến một tấn thảm kịch thật là ly kỳ rùng rợn.

32 comments:

  1. bội thực mất thôi :-p

    ReplyDelete
  2. loạt này hay bỏ xừ! Mà cái Tản văn về các tản văn, nếu là em thì em sẽ bỏ Mạc Ngôn ra, thay vào đó là Giả Bình Ao (ôi một TY vô vọng khác của em :P). Đọc bài về Cô bé nhìn mưa nhớ ra anh Q vẫn đang cầm quyển này của em, hehe (Z)

    ReplyDelete
  3. cái này gọi là "ốm dậy, ăn giả bữa" hehe... mới nhắc dài là chủ quán cho xem dài ngay. nghỉ đã lâu, hôm nay đọc lại các bài này thì nhớ lý do tại sao mình hay vào đây :) đặc biệt thích hai bài "Số phận của số phận" và "Cũng cần cay cú", lâng lâng... gộp lại, ra sách đi bác ơi (nằm trên giường đọc khoái hơn) [nsc]

    ReplyDelete
  4. bác có Kindle chứ gì? tôi gộp hết các loại đống vào, ngoài hai nhát dài ngoẵng đã cho lên đây thì còn chừng ấy nữa lười tìm, bắn ra file PDF rồi bác cho vào đọc vô tư, nằm trên giường vô tư, mạnh mẽ vô tư :d

    ReplyDelete
  5. đồ cứng đầu cứng cổ

    ReplyDelete
  6. à mà thật ra là cũng sắp in sách đấy, tiểu thuyết, cực nhiều tình dục

    hoặc là một hồi ký "rất dở và rất gở", entry tiếp sau đây sẽ là một sample để cho thấy người ta có thể viết hồi ký điệu nghệ như thế lào

    ReplyDelete
  7. tôi đã cầm thử của người bạn (ấy là đang nói về máy Kindle), nhưng không thích lắm (vẫn đang nói về Kindle) vì hơi bé (này, đã bảo là đang nói về Kindle) với lại hơi mỏi tay, cho nên không chơi.

    à, mấy cái post "kết tập" (không phải "tập kết") như thế này, bác cho tag tương ứng để sau này dễ tìm: thí dụ bác Goldmund chỉ cần xoẹt một cái là thành sách :) [nsc]

    ReplyDelete
  8. đã xong bác xem đi

    ảo chưaaaaaaaaa?

    ReplyDelete
  9. văn võ toàn tài :))) [nsc]

    ReplyDelete
  10. đệ nhất tít ;)
    (snt)

    ReplyDelete
  11. tít mắt hay tít title hả bác? :d

    mà snt là cái gì thế? Suýt Nhiệt Tình hả :)

    ReplyDelete
  12. hề hề tít title ấy, từ cái tít chung đến các tít con, tít nào cũng giãy đành đạch :))nể nhất bạn Nhị khỏan đặt tít.
    snt là sonata ấy mà, bác guc không cho đăng nhập nên thành bơ vơ không nhà, hâm mộ bác nsc nên bắt chiếc bác ấy, có điều không dám dùng dấu móc, em xin khiêm tốn với dấu ngoặc thứ cấp thôi ạ;)
    (snt)

    ReplyDelete
  13. hic chỉ có tít thôi hả chị? :dd

    ReplyDelete
  14. ôi giời, tỉnh cả người :) quán NL chả có ảnh iếc gì cả, thỉnh thoảng chạy sang nhà bác Sonata xem ảnh du lịch <>

    ReplyDelete
  15. hic nó xóa mất chữ ký <{nsc}>

    ReplyDelete
  16. Đọc cái mớ dằng dặc trên kia vẫn cay cú vì hôm ấy rõ ràng có kẻ nhặt được cuốn Tô mếch mà không tìm thêm một cuốn nữa cho bạn. Mà lại chỉ mất có 5 nghìn/1cuốn. Giờ ra hàng sách cũ nào cuốn ấy nó cũng chém cho vài chục. Ức!

    ReplyDelete
  17. công nhận dài thật, nhưng mà hay :)

    ReplyDelete
  18. thik bài HN, HN ... đang chờ xem NL "viết hồi ký điệu nghệ như thế lào" :)

    ReplyDelete
  19. NhiLinh ui, có buồn thì lấy bút chì viết lên giấy hoặc để bút chì tán gẫu một mình với giấy. Sau đó, để tiết kiệm giấy, lấy tẩy xóa hết, rồi lại viết thêm. Bởi vì có bỏ vào thùng rác, ơ mà thùng rác mới kỳ, bỏ vào bao nhiêu nó ngốn hết bấy nhiêu, nhưng ngậm mõm lại khi mình muốn đem rác trong nó đi đổ. Cái thùng rác cuả mình mà nó cũng phản bội lại chính mình thì còn nên tin vào ai, nên tâm sự với ai mà nhật ký với hồi ký??? Nhị đọc nhiều thì cũng chỉ để buồn nhiều mà thôi. Ngồi nướng những xiêng thịt xèo xèo dưới ánh mặt trời... thiệt là buồn wá mà. Có bạn hôm trước muốn Nhị giới thiệu về những cuốn sách do Nhị viết và dịch, thì không thấy đâu, lại đem post một bầy như thế, không dính dáng gì, nhưng thôi kệ, đợi vậy.

    ReplyDelete
  20. bác Gió có những liên hệ khủng khiếp thật đấy: rác à, sao lại rác :d mà bác cứ gọi tôi là Nhị thế nhị, như là Tiểu Nhị ơi châm rượu đê ấy nhị hehe

    ReplyDelete
  21. Ôi tại tôi lười viết thêm chữ "Linh", nghe cứ tưởng là Mai Thảo, phải không, không có ý "tiểu nhị" trong đó. Cũng như ban đầu còn lấy nick Gió Chướng, Nhị, ừ lại Nhị nưã, gọi tôi là Chướng. Nên tôi buộc phải ghi chỉ một chữ Gió thôi.

    Rượu hả? Cái này hay á. Tôi cũng biết uống chút chút thôi. Nhưng tôi chẳng nói xấu rượu bao giờ ;-d

    ReplyDelete
  22. Kể chuyện này bác Nhị Linh nghe có được không nha
    ...

    Truyện Ngắn cuả S.

    Hắn đến chỗ ả ngồi, đưa cho ả một ly thật lớn, long lanh một chất lỏng vàng ong.

    - Biển trời bưã nay đẹp quá phải không. Bà cho tôi ngồi cùng uống nước miá với nhé?

    - Tôi không uống nước miá đâu. Sợ mập.

    - Không lo. Tôi quên, cái này là nước dưà.

    Mắt sáng ngời, ả cầm lấy ngay. Họ nâng cốc, cùng uống cạn.

    - Chà ngon quá. Thật cảm ơn ông nhiều...

    Không hiểu sao, bỗng dưng họ thấy mặt trời toả nóng hừng hực vào mặt họ. Cả hai nằm úp mặt vào cát ẩm. Họ ngủ ngay, không kịp nghe tiếng kêu hoảng hốt ré lên cuả một chú dã tràng.

    Người bảo vệ bờ biển đi ngang qua, lắc đầu.

    - Sao cái bệnh viện tâm thần SOS lại để bệnh nhân đi rông thế này nhỉ.

    Y giơ cao chai Johnny Walker lên quá đầu, ngưả mặt lên mà ngắm nghiá. Rồi cũng ngưả mặt lên như thế, y trừng mắt, quay sang quát nạt ông mặt trời:

    - Nhìn cái gì hả? Tao bảo vậy không đúng sao? Mày cũng say thấy mẹ. Mặt lúc nào cũng đỏ thế kia. Lại làm cho chúng ông khát khô cuống họng. Cũng may, tụi nó còn để lại cho tao chút nước miá này, cảm ơn nha.

    Y uống cạn chút "nước mía" thưà, tiếp tục cuộc tuần tra biển, không quên kéo khẩu súng nước và thanh kiếm gỗ lủng lẳng bên sườn lại cho ngay ngắn.


    Khi nộp bài tập làm văn này lên cho thầy giáo, S. bị một con zero. S. gân cổ lên cãi:

    - Hamlet cũng đầy bọn say và ăn chơi, thêm một thằng lúc nào cũng lảm nhảm 'Tobe or not tobe...', sao thầy khen hay, hử?

    - À, cái đó còn tùy. Lúc khen Hamlet, ta cũng đang say.

    - Đi dạy mà say rượu, thì thật là vô trách nhiệm lắm.

    - Làm học trò mà không biết thầy mình phải say mới dạy nổi, thì cũng thật là... thật là...

    - Là sao?

    - Là vô trách nhiệm, chứ sao?

    ReplyDelete
  23. bác cho tôi rụt rè hỏi: có phải truyện ngụ ngôn không bác?

    ReplyDelete
  24. Ngụ ngôn cuả người lãng xẹt :-d

    Ả nói lảm nhảm, cái nọ xọ cái kia. Từ trái ả nhảy qua phải. Từ phải chạy vòng qua trái. Từ gốc nhảy vọt lên ngọn. Từ ngọn tụt xuống gốc. Như một con khỉ, như một mụ điên.

    Thật ra, đó là lời nàng thì thầm lên những mảnh lá riêng lẻ, chia lià không đặng cuả một nhành lá cây dương xỉ. Những mảnh lá đứng chung, nhưng "riêng một góc trời"...
    Nàng yêu nhành lá cây dương xỉ.

    http://www.fotosearch.com/bigcomp.asp?path=PHT/PHT422/PAA422000006.jpg

    ReplyDelete
  25. Có người thấy mình viết về người điên, sự điên, thì họ mừng. Tưởng bở. hehe...

    ReplyDelete
  26. Em ủng hộ việc anh không ra sách (từ những bài này), không phải vì không xứng đáng để tập hợp thành sách, mà vì việc tập hợp thành sách sẽ làm trầy (?) xước vẻ đẹp của bài viết.

    (Mặc dù đành phải hy sinh yếu tố là sẽ có nhiều người đọc hơn nếu ra sách, haizzz.)

    ReplyDelete
  27. Đọc không thích bằng đọc lại.

    Gặp người không thích bằng gặp lại người.

    Đi không thích bằng quay lại.

    (From THT's blog) :)

    ReplyDelete
  28. Mùi vị đặc trưng của Sài Gòn là gì ạ?

    ReplyDelete
  29. một cái mùi nếu gặp lại là nhận ra ngay nhưng không miêu tả được: ai đem phân chất một mùi hương :d

    ReplyDelete
  30. Hello everybody, here every person is sharing these familiarity, therefore
    it's fastidious to read this website, and I used
    to pay a quick visit this web site all the time.

    ReplyDelete