Hòa chung với tinh thần lè phè của đàn ông Việt Nam tay cầm chai bia ngồi thủng thỉnh trước ti vi hét "vào vào" và chửi "mẹ thế mà cũng không sút nổi", tôi đã xem được hai trận đấu ở World Cup lần này, là trận Columbia-Hy Lạp và trận Ý-Costa Rica.
Còn thêm một trận nữa xem vì được à quên bị rủ, trận Đức-Bồ Đào Nha, lần ấy xem có nhiều người tôi mới bần thần nhận ra, cũng như trong "giới" của tôi, nhiều người không biết viết văn nhưng vẫn mỗi năm ra một cuốn tiểu thuyết, nhiều người không biết đọc nhưng bình luận rất rôm rả về tác giả này cuốn sách kia, mấy ông xem cùng tôi chẳng bao giờ đá bóng nhưng bình luận thì chuyên nghiệp hơn cả anh Vũ Quang Huy lẫn anh Tạ Biên Cương cộng lại.
Mẹ khỉ, tôi mới nghĩ ra, các bố xem bóng đá trên ti vi chủ yếu là để xem bàn thắng, xem Thomas Müller ghi hattrick, còn đội hình, nhịp điệu trận đấu bên nào cầm trịch, thay người ra sao (xem bóng đá có kinh nghiệm thì sẽ biết đến tầm phút bao nhiêu một nhân vật kiểu nào sẽ vào thay một nhân vật kiểu nào hehe), trong khi tôi lại chủ yếu xem hậu vệ; hậu vệ Đức của đội tuyển năm nay toàn quái vật, không có chuyện để thua những trận quan trọng.
Nhớ năm xưa, Giải Ý dạy cho tôi một đống chiêu về phòng ngự, bắt bài, chống bóng bổng, tổ chức phản công nhanh, và mỗi khi nào xem đội tuyển Ý đá, tôi lại chăm chăm nghiên cứu từng động tác của Cannavaro; riêng Cannavaro thì các bác đá hậu vệ rất nên học, toàn những thứ vô cùng dễ áp dụng khi đá thật, nhất là khi Cannavaro là một người thấp bé nhẹ cân, có thể hướng dẫn cho ta những khi phải đối đầu với các tiền đạo to con (nhất là cái trò dùng lưng kê tiền đạo thì Cannavaro thật là tuyệt hảo).
Thế nên tôi nhất định phải xem trận Ý đã với Costa Rica, và từ đây câu chuyện bắt đầu :p
Trận Mỹ-Bồ vừa xong, các bạn Mỹ thật không nể mặt Kờ rít tốp Cô lôm bơ haha; và ở kỳ lần này, cho đến lúc này, các thế lực cổ xưa của thế giới đều đã thất bại.
Những người Hy Lạp tôi rất rành vì năm 2004 tôi từng giữ mục bình luận hằng ngày về Euro, phân tích rất kỹ từng trận đấu, năm ấy những người Hy Lạp không có đối thủ, thế rồi năm nay họ lăn đùng ra chết ngắc ngoải trước Columbia mà nhân vật bóng đá nổi tiếng nhất chính là Escobar năm 1994; Hy Lạp và Olympic, nền văn minh rực rỡ và sự chú trọng sức khỏe (Pythagore là một lực sĩ, nghe nói thế chả biết có đúng không nhưng chắc là đúng), cho thấy rằng truyền thống mấy nghìn năm có khi cũng chả ra gì (ta bỗng nhớ đến mấy anh giai gì gì tên là Hùng :p)
Nhưng thế giới cũ gục ngã khủng khiếp nhất là khi La Mã thua trận trước một xứ sở bên lề, nằm lơ vơ đâu đó rất khó nhớ, Costa Rica (nghĩa là Bờ Biển Phong Nhiêu hay sao nhỉ); cú đánh đầu của Ruiz là một biểu tượng: tầm vóc cầu thủ ấy cao lớn đến nỗi quả đánh đầu không thèm tìm góc cao, không thèm cắm xuống đất như các tiền đạo khôn ngoan thường làm, mà đâm thẳng vào xà ngang: một thách thức, một sỉ vả, một ngạo nghễ; và xem cả trận, tôi thấy các cầu thủ Ý về mặt ngoại hình còn kém chất La Mã (đặc biệt Sparta) hơn các cầu thủ Costa Rica.
Isaiah Berlin, trong cuốn sách mới in ở Việt Nam, quay trở lại với tinh thần tự do của Hy Lạp: tự do là người tham gia tự xây dựng các luật lệ cho mình, không chịu các luật lệ chỉ do người khác áp đặt; tự do theo quan niệm của Hy Lạp khác xa tự do trong triết học phương Tây kéo dài về sau, khác xa với tự do của thế giới này hồi thập niên 60 của thế kỷ XX, và tất nhiên khác xa với tự do mà bình thường chúng ta vẫn hay hiểu (nói chung là nên đọc Isaiah Berlin để biết thế nào là tự do theo kiểu "phủ định" và tự do theo kiểu "khẳng định"); Isaiah Berlin là triết gia Do Thái ở tầm cỡ giống như Saul Bellow đạt được trong văn chương.
Các cầu thủ Costa Rica không chịu theo luật chơi mà đội tuyển Ý cùng Pirlo thần sầu của những cú chuyền một chạm áp đặt, chính Costa Rica mới chủ động về luật chơi: lúc đầu họ nương theo luật chơi của Ý nhưng không hoàn toàn tuân thủ, rồi đến lúc bùng nổ, luật chơi đã hoàn toàn là của Costa Rica; quay trở lại với câu chuyện hậu vệ: đội tuyển Ý lúc nào cũng có các hậu vệ lớn, nhưng lần này hậu vệ của Costa Rica (Duarte, Umana, Miller…) mới khủng khiếp, làm Mario Balotelli tịt như không thể nào tịt hơn được nữa (ai bảo anh lại có tên của cầu thủ chuyên nhảy nhảy ăn nấm đi cứu công chúa haha).
Và kết quả lại đúng với phân tích của Isaiah Berlin: tự do không có gì chung với bình đẳng hết, vì Ý đã thua (nói thêm: Ý đã thua, và tôi rất là sướng hehe).
Lâu lâu đọc lại mới phát hiện ra đoạn "mấy anh giai gì gì tên là Hùng" :D Hùng trong từ hùng hục :D
ReplyDeleteLại quên kí tên.
ReplyDeleteVVD
Anh giai Hanoi cứ mở...tay(lướt trên bàn phím bàn về bất cứ chuyện gì) là có zuyên chết người thế này bảo sao chúng nó đừng thèm;)
ReplyDeleteKhông quên ký tên^^ VCL
tên chuẩn quá nhỉ
ReplyDeletegây ra sự nghĩ đến mấy ML, vì có nhiều ML
ML ở VTV, ML ở TT&VH, chẳng hạn hehe
Vô phép hỏi nhận định của chuyên gia về trận đấu đến thời điểm này :p
ReplyDeleteVVD