Jul 29, 2015

Văn học miền Nam: Bùi Giáng

Định mệnh rất trớ trêu, thường xuyên rất trớ trêu.

Bùi Giáng không phải nhân vật tôi đặc biệt thích, nhưng cái gì của Bùi Giáng cũng tìm cách chạy về với tôi:


Đây là còn chưa muốn bỏ công lục cả một tập đoàn thơ, rất nhiều André Gide, OthelloNgộ nhận Albert Camus, Mùi hương xuân sắc Gérard de Nerval, Tô Mạn Thù vân vân và vân vân.

Bộ bình luận văn chương cổ Việt Nam:


Món "vũ hiệp" từng khiến Bàng Giúi than vãn: nó làm tôi phát điên; quyển sách này là một món cực kỳ được săn đón, truy lùng trong giới giang hồ sưu tầm sách vở:


Chữ ký, thủ bút của Bùi Giáng trên tập Mưa nguồn, bản in đầu:


Thơ của Bùi Giáng luôn luôn làm tôi vui, nhưng không thực sự "chạm" đến tôi. Vui là một chuyện, chạm đến lại là một chuyện khác. Bùi Giáng cũng thích những nhà văn nước ngoài mà tôi không mấy thích: André Gide, Albert Camus, Martin Heidegger (à trừ Gérard de Nerval thì tôi có thích, rất thích).

Nhưng với tôi, Bùi Giáng lúc nào cũng rất hấp dẫn, rất đặc biệt. Sau này phê bình của tôi nếu còn lại một ít bài thì trong đó sẽ có bài viết về Bùi Giáng :p (xem ở đây).

Và thế giới Bùi Giáng là một thế giới có thể khám phá không ngừng. Mới gần đây, vì có người bạn hỏi tôi nghĩ gì về các bản dịch của Bùi Giáng, cách dịch của Bùi Giáng, nên lại thêm có một dịp tôi được suy nghĩ thêm về con người ấy.

Tôi lấy làm lạ, tại sao người ta không hiểu ngay tức khắc: Bùi Giáng là một dịch giả tuyệt vời.

Tôi từng chọn lấy những đoạn Bùi Giáng dịch Gide, những đoạn tiếng Việt nhìn qua là biết khi ấy Bùi Giáng đang nghiêm túc, và thử so xem. Bùi Giáng hiểu Gide một cách sâu sắc, và diễn đạt tiếng Việt một cách thần kỳ. Những đoạn phiêu bồng cũng có sao đâu, vẫn ở trong phong thổ văn chương ấy, vẫn mang những đặc tính ấy, nhưng nhiều lúc được Bùi Giáng kích hoạt cả những mầm, những nụ mới chỉ còn e ấp. Làm thế nhất định là không nên, nhưng thật ra chẳng làm sao cả. Bùi Giáng dịch giỏi đến mức tôi tin không phải ai cũng biết nhiều quyển, Bùi Giáng đâu có dịch hết, mà chỉ có một phần, nhưng đọc phần ấy thôi đã đủ lắm rồi nên độc giả tưởng luôn là đã hết. Đã hết đâu, ví dụ Con người phản kháng, mới chỉ có một phần thôi, cuốn sách của Camus còn dài.

Nói một cách dễ chấp nhận hơn: Bùi Giáng là một cực. Bùi Giáng là đại diện cho một phía lỏng hết mức của dịch thuật. Muốn biết thế nào là đối nghịch thì phải tìm đến một nhân vật khác: Thư Trung Trần Phong Giao. Trần Phong Giao dịch Albert Camus vô cùng cẩn thận. Ai đã đọc Sứ mệnh văn nghệ hiện đại thì biết Trần Phong Giao chặt chẽ, cân nhắc, cẩn thận đến thế nào. Và kết quả là càng cân nhắc thì càng sai, và về tổng thể đó là một bản dịch ngớ ngẩn.

Trần Phong Giao, bởi quá chặt, nên ngoài những đóng góp trong điều hành một tờ tạp chí lớn (Văn), viết cũng hỏng mà dịch cũng hỏng nốt.

Khó mà nói trước điều gì lắm.

Trong khi Bùi Giáng thì, với toàn bộ sự lỏng nhiều lúc đáng bực, lại đúng nghĩa là một con người văn chương, rất hiểu mà vẫn chơi bời thoải mái.

Nhưng, không chỉ có vậy, lần nghĩ lại về Bùi Giáng này còn dẫn tôi đến một điều nữa: ai cũng biết rằng vụ cháy nhà mất hết sách đã tác động lớn thế nào đến tinh thần Bùi Giáng. Hình như sau đó Bùi Giáng chính thức phát điên.

Nhưng chuyện có thực sự như thế không? Theo tôi thì không phải. Nhìn lại câu chuyện, dùng tất cả những gì mà tôi hiểu về thế giới sách vở, về mối liên hệ nhiều lúc kỳ diệu giữa vài con người với thế giới sách vở, tôi tin ý nghĩa của vụ cháy đối với Bùi Giáng khác hẳn: bởi vì Bùi Giáng là một người như vậy, một nghệ sĩ đích thực, một người có mối quan hệ đẹp đến thế với sách vở, nên vụ cháy ấy là một phần thưởng của thế giới sách vở cho Bùi Giáng. Những quyển sách cháy đi để thực sự nhập hết vào bên trong con người Bùi Giáng, vì con người ấy đủ sức chứa những tinh túy đó. Những quyển sách đã tặng hết cho Bùi Giáng. Và hơn thế nữa, chúng chuẩn bị sẵn cho Bùi Giáng, giúp ông sống trước cuộc phần thư sau này. Khi đã gánh chịu (thật ra là được hưởng) điều ấy, cuộc phần thư lớn không còn có thể gây quá nhiều đau khổ nữa. Bùi Giáng là người duy nhất được chọn theo cách ấy, là người duy nhất thoát được một số phận chung.

Số phận ấy sau này rất ám ảnh: ta đọc được trong tập Thủy Mộ Quan, nhà thơ Viên Linh có một câu thơ vô cùng đau khổ: "Ta thân xác phần thư".


Tôi cũng sắp đi đến cuối chặng đường "văn học miền Nam" rồi. Trong đối sánh với Bùi Giáng, tôi chỉ muốn đặt duy nhất một nhân vật: Thanh Tâm Tuyền:

Văn học miền Nam: Thanh Tâm Tuyền


NB. Đây chính là post thứ 999 của blog này. Tặng luôn cho thi sĩ Bùi Giáng :p Đến post tiếp theo, post thứ 1000, hay là tôi làm một điều chưa bao giờ tôi làm nhỉ: kể chuyện đời tôi hehe.

10 comments:

  1. Tuyệt văn vời. Có lẽ phải quy tập in thành sách thôi bạn Nhị ạ

    ReplyDelete
  2. "viết hoài viết huỷ, suốt ngày suốt đêm, thế mà cứ nghĩ đến in sách là thở dài rùng mình rợn tóc gáy, ấy là đạo vậy" (viết lại Nam Hoa kinh)

    ReplyDelete
  3. Chưa có Sách Tháng 7 bác NL nhỉ?

    ReplyDelete
  4. xin giải thích "cuộc phần thư" là gì ạ?

    ReplyDelete
  5. Tần Thuỷ Hoàng ngày xưa từng "phần thư khanh nho", nghĩa là đốt sách (nho học) và chôn sống nho sinh

    ReplyDelete
  6. Cảm ơn bạn

    ReplyDelete
  7. Tôi thích bài này chỉ vì một lý do đơn giản là NL mở ra một cách nhìn khác về các sách dịch và cách dịch của Bùi Giáng. Người ta có thể đồng ý hay không đồng ý với cách nhìn ấy nhưng phải công nhận là nó chạm vào một vấn đề xương tủy, nói chung, của vấn đề dịch thuật: “chặt hay lỏng”, sát mà sót hay thoát mà tinh tuyền. Ngoài ra, theo thiển ý, thắc mắc này của NL rất dễ trả lời: “Tôi lấy làm lạ, tại sao người ta không hiểu ngay tức khắc: Bùi Giáng là một dịch giả tuyệt vời.” Vâng, nếu “người ta” ấy không thông thạo tiếng Pháp như Nhị Linh thì “người ta” không thể hiểu ngay tức khắc hay mãn đời cũng không thể hiểu nổi nếu không có khả năng so sánh với nguyên bản và nhận ra cách dịch nào “chân phương”, “thực thà như đếm (nhưng lâu lâu đếm nhầm”) hay đích thực là một bản dịch tuyệt vời-là một bản dịch mà dịch giả đã nắm được tinh hoa và tinh thần của nó trước khi dịch. Bởi thế, những bài như thế này rất tốt, vì nó được viết từ chính một dịch giả cũng có phần uy tín, là một cái cầu khá vững vàng bắc sang một dịch giả khác, giải thích cho độc giả cái bí nhiệm của văn dịch Bùi Giáng.

    Về việc sách bị thiêu hủy và tác giả, cách nhìn của NL cũng là một cách nhìn rất khác, rất xứng đáng với một tác giả như Bùi Giáng. Nhưng với tôi, trong thảm kịch “phần thư”, không có hình ảnh nào ác liệt hơn là một tác giả được đại diện, dù chỉ trong khoảnh khắc, bằng chính cuốn sách hay nhiều cuốn sách của mình bùng cháy như ngọn đuốc rồi âm ỉ tắt lụi tro tàn. “Ta thân xác phần thư” [VL]. Khi đó, ngọn lửa là những dòng chữ do chính hắn từng viết ra, là những cuốn sách có tên của chính hắn ngoài bìa. Và chỉ mong hắn sẽ tái sinh nổi từ tro tàn ấy. Khi đó, hắn sẽ vượt vùng đau đớn mà tới miền hoan lạc của một sinh mệnh văn chương mới. Mới chứ không “khác”, vì hắn phải còn là hắn. Trừ phi hắn chọn không xuất hiện nữa.

    Về Trần Phong Giao, nói sao bây giờ? Văn chương đúng là khó nói. Thế mà cứ lao vào hết. –N.Lãng

    ReplyDelete
  8. Viết post thứ 1000 đê! :)

    ReplyDelete
    Replies
    1. nhưng khéo mà dài bằng cả quyển tiểu thuyết mất :p

      Delete
  9. Còn một quyển thơ chung của Bùi Giáng với Trịnh Công Sơn sau này nữa :)

    ReplyDelete