Nov 4, 2023

Người trông đàn



Người trông đàn

- Alberto Caeiro = Fernando Pessoa





I

Tôi chưa từng trông đàn thú nào,
nhưng cứ như thể tôi đã trông rồi.
Tâm hồn tôi giống một người chăn dắt,
nó biết rõ gió cùng mặt trời
và nắm tay các Mùa mà bước đi
theo con đường riêng và mắt mở.
Toàn bộ yên bình của một Tự nhiên hoang vu,
tới ngồi sát bên tôi.
Nhưng tôi buồn như một cuộc mặt trời lặn
và buồn theo trí tưởng tượng của chúng ta,
khi thời tiết mát đi nơi đáy bình nguyên
và người ta cảm thấy đêm đi vào
giống con bướm qua cửa sổ.

Nhưng nỗi buồn của tôi là sự dịu đi
bởi nó tự nhiên và đúng
và đấy là những gì hẳn có ở trong tâm hồn
lúc nó nghĩ là mình tồn tại
và các bàn tay hái những bông hoa mà nó không hay.

Từ tiếng rung các chuông nhỏ
quá chỗ rẽ con đường
các ý nghĩ của tôi lấy được niềm sung sướng.
Điều duy nhất tôi tiếc ấy là biết chúng đang sung sướng,
bởi nếu không biết điều này,
thay vì chỗ sung sướng và buồn,
hẳn chúng sẽ vui và sung sướng.

Nghĩ thì gây phiền, như đi dưới mưa
khi gió ào lên và trời như thể mưa to hơn.

Tôi không có cả các tham vọng lẫn những ham muốn.
Là nhà thơ đâu phải tham vọng tôi mang,
mà đó là cách riêng của tôi để được một mình.

Và nếu đôi khi tôi nảy ra sự muốn
thông qua trí tưởng tượng thuần, trở thành một con cừu nhỏ
(hoặc giả là cả đàn
để tung tóe đi trên khắp một dốc đồi
và được cảm thấy cùng một lúc nghìn điều vui sướng),
thì đấy là chỉ vì tôi cảm thấy những gì mình viết lúc chiều tà
hay lúc một đám mây lướt bàn tay qua ánh sáng
còn cỏ thì oằn xuống dưới những sóng của im lặng băng ngang.

Lúc tôi ngồi để viết các câu thơ,
hoặc, đi dạo trên những đường cùng lối,
lúc tôi viết các câu thơ trên một thứ giấy phi vật chất,
tôi cảm thấy tay mình cầm gậy chăn thú
và tôi thấy bóng dáng chính tôi
trên đỉnh một ngọn đồi,
đang ngắm đàn thú của tôi và thấy các ý của tôi,
hay ngắm các ý của tôi và thấy đàn thú của tôi
và mơ hồ mỉm cười như kẻ không hiểu người ta nói gì
và muốn làm ra vẻ là mình hiểu.

Tôi chào tất cả những ai vì ngẫu nhĩ sẽ đọc tôi,
đưa một đường ngả mũ thật rộng trước họ
khi họ trông thấy tôi ở bậu cửa nhà
ngay lúc cỗ xe xuất hiện trên đỉnh đồi.
Tôi chào họ và chúc họ có nắng,
hay là mưa, khi mưa là thứ họ cần,
và chúc cho nhà họ có
gần một cửa sổ mở
một chỗ ngồi thật khoan khoái
nơi họ sẽ ở mà đọc tôi.
Và chúc cho, lúc đọc những câu thơ tôi, họ nghĩ
rằng tôi là một điều tự nhiên -
chẳng hạn, cái cây già
dưới bóng nó, hồi vẫn còn trẻ con,
họ từng gieo người xuống, do đã chán chơi đùa,
đưa ống tay cái áo kẻ sọc lên
mà chùi mồ hôi trên trán hầm hập nóng.


II

Ánh mắt tôi nét như một bông hướng dương.
Tôi vẫn quen đi trên các con đường,
hết nhìn sang trái lại quay phải,
nhưng thỉnh thoảng cũng ngoảnh lại phía sau...
Và những gì tôi thấy vào mọi lúc
đều là những điều trước đó tôi chưa bao giờ thấy,
tôi hoàn toàn có ý thức về chuyện này.
Tôi biết cảm thấy nỗi sững sờ
của đứa bé, ngay lúc sinh ra,
hiểu rằng nó đã thực sự được sinh ra...
Tôi cảm thấy mình sinh ra vào mọi lúc
cho sự mới vĩnh cửu của Thế giới...

Tôi tin vào thế giới như tin bông hoa cúc đầu xuân,
vì tôi thấy nó. Nhưng tôi không nghĩ đến
vì nghĩ thì tức là không hiểu...
Thế giới đã không được làm ra để chúng ta nghĩ tới
(nghĩ tức là bị đau mắt)
mà để chúng ta nhìn nó, cảm thấy đồng tình...

Tôi đây chẳng có triết học nào: tôi có các giác quan...
Tôi nhắc đến Tự nhiên không phải vì biết nó là gì,
mà vì tôi yêu nó, và tôi yêu nó là bởi
kẻ nào yêu đâu có bao giờ biết cái hắn yêu,
cũng như tại sao yêu, hay yêu nghĩa là gì...

Yêu, đấy là sự trong trắng vĩnh cửu,
và sự trong trắng duy nhất, là không nghĩ.


III

Lúc nhập nhoạng, cúi mình nơi cửa sổ,
và biết, như thể theo lối xiên, là có những cánh đồng trước mặt,
tôi đọc cho tới khi mắt đau nhức
quyển sách của Cesário Verde.

Tôi thương ông mới dạt dào sao! Đó là một người nông thôn
bước đi, bị cầm tù trong tự do, trên các phố phường.
Nhưng cách ông ngắm các ngôi nhà,
và cách ông quan sát phố xá,
và lối của ông hướng vào các vật,
ấy là phong cách của người đang ngắm cây,
và người ấy hạ ánh mắt xuống con đường mình đang đi trên
và nhận ra các bông hoa mọc trên cánh đồng...

Chính vì thế ông mới buồn đến vậy
nỗi buồn chẳng bao giờ ông thú nhận,
nhưng ông bước đi trong thành phố giống người ta đi ở nông thôn,
và buồn như việc ép hoa vào những quyển sách
và cắm các cành cây nhỏ vào bình...


IV

Cơn giông tối nay ập xuống,
đổ ào từ các dốc bầu trời
như một đợt lở to lớn...
Không khác một người giũ khăn trải
trên một cửa sổ cao,
và những mẩu nhỏ, tất tật cùng nhau rơi,
gây chút tiếng động trong lúc rụng,
từ trên trời mưa tuôn
đến mức làm đen kịt các con đường...

Những tia chớp lay đảo bầu không khí
và rung chuyển không gian
thật giống một cái đầu to đang lắc,
tôi không hiểu tại sao - tôi chẳng hề thấy sợ -
lại đi khởi sự cầu nguyện nữ thánh Barbe
như thể tôi là một gái già vớ vẩn...

A, chính trong lúc cầu nguyện nữ thánh Barbe
tôi cảm thấy mình còn đơn giản hơn
so với thật ra tôi hay tưởng...
Tôi cảm thấy tâm hồn khiêm nhường và thích ru rú
của một người có cuộc đời trôi đi
bình thản, như bức tường bao khu vườn;
được thiên phú các ý cùng tình cảm vì là như vậy,
giống một bông hoa có màu và có mùi,
Tôi cảm thấy mình là người tin vào nữ thánh Barbe...
A, có thể tin vào nữ thánh Barbe!

Kẻ tin vào tồn tại của nữ thánh Barbe
hẳn nghĩ đó là một tạo vật hiển hiện
bằng không thì hắn có thể nghĩ gì?

(Xảo quá! Biết gì đây về nữ thánh Barbe
các bông hoa, cây cùng đàn thú?
Một cành cây, nếu nó suy nghĩ,
hẳn sẽ chẳng bao giờ có thể dựng ra cả thánh lẫn thiên thần.
Hẳn nó có thể nghĩ mặt trời
là Chúa, và cơn giông
là một vô số những con người
đang giận dữ trên đầu chúng ta...
A, sao mà các con người đơn giản nhất
cũng ốm yếu và ngu xuẩn và rối loạn đến thế
ở bên cạnh sự đơn giản sáng sủa
cùng tồn tại hoàn toàn lành mạnh
của những cây to và các cây nhỏ!)

Và tôi, ôm lấy tất tật các ý nghĩ kia,
tôi đã bởi vậy mà thấy kém sung sướng...
Vì thế mà tôi ủ dột, sầu muộn và u tối
như một ngày nơi cơn giông cứ đe dọa suốt
thế rồi cũng chẳng bùng lên tận lúc đêm buông...


V

Có khá là nhiều siêu hình học ở trong sự không-nghĩ.

Điều tôi nghĩ về thế giới?
Tôi có biết chăng, điều tôi nghĩ về thế giới?
Nếu bị ốm tôi sẽ nghĩ đến điều này.

Tôi có ý nào về các vật?
Ý kiến nào về nhân và quả?
Tôi từng suy ngẫm gì về Chúa và tâm hồn
và về việc tạo ra Thế giới?
Tôi đâu biết. Đối với tôi nghĩ về những cái đó là nhắm mắt lại
và không nghĩ. Đấy là kéo ri đô
cửa sổ phòng tôi (nhưng nó lại chẳng có chút ri đô nào).

Bí ẩn của các vật? Nhưng tôi biết gì đây, về bí ẩn?
Bí ẩn duy nhất, ấy là có những người đi nghĩ về bí ẩn
kẻ ở dưới mặt trời và nhắm mắt,
khởi sự không còn biết mặt trời là gì nữa
và nghĩ nhiều thứ chứa đầy sự nóng.
Nhưng hắn mở mắt ra và thấy mặt trời
và hắn không còn nghĩ được gì nữa
vì ánh sáng của mặt trời đáng giá hơn những ý nghĩ
của tất tật các triết gia cùng tất tật các nhà thơ.
Ánh sáng của mặt trời không biết nó làm gì.
Và do vậy nó không đánh lừa, nó chung và tốt.

Siêu hình học? Siêu hình học nào mà lại có những cái cây này?
Thứ siêu hình học về việc lục và rậm và có các cành
và ra quả khi đến lúc, thế thì đâu bắt chúng ta phải nghĩ,
chúng ta đây, vốn không biết nhắm vào tồn tại của chúng.
Nhưng, siêu hình học nào tốt hơn siêu hình học của chúng
tức là không biết tại sao chúng lại sống
và cũng không biết là mình không biết điều này?

"Sự tạo thành thiết thân của các vật..."
"Biểu nghĩa thiết thân của Vũ trụ..."
Toàn bộ cái đó sai, toàn bộ cái đó vớ vẩn.
Thật không tin nổi, chuyện người ta đi suy nghĩ về những cái đó.
Cứ như là nghĩ tới các lý do cùng mục đích
Khi chớm sáng bừng lên, và trên sườn của những cái cây
một thứ vàng mơ hồ và bóng láng dần mất đi phần bóng tối của nó.

Nghĩ đến biểu nghĩa thiết thân của các vật,
đó là một thứ thêm vào, giống nghĩ đến sức khỏe
hay giơ một cái cốc về phía nước suối.

Biểu nghĩa thiết thân duy nhất của các vật,
ấy là sự thể chúng chẳng có biểu nghĩa thiết thân nào.

Tôi không tin Chúa vì tôi chưa bao giờ thấy Chúa.
Nếu ông ta muốn tôi tin vào mình.
Thì chắc hẳn ông ta phải tới nói chuyện với tôi
và sẽ đi vào cửa nhà tôi
nói với tôi: Ta đây!

(Có lẽ điều này nghe hết sức lố bịch
đối với ai, vì không biết nhìn các vật nghĩa là gì,
không hiểu được người nhắc đến chúng
theo cách nói mà việc quan sát chúng dạy cho.)

Nhưng nếu Chúa là các bông hoa cùng những cái cây
và những núi và mặt trời và ánh trăng,
thì tôi tin vào ông ta,
thì tôi tin vào ông ta mọi giờ,
và cuộc đời tôi toàn chỉ là kinh cầu cùng lễ mi-xa,
và một ban thánh thể thông qua mắt và thông qua thính giác.

Nhưng nếu Chúa là những cái cây cùng các bông hoa
và những ngọn núi và ánh trăng và mặt trời,
thì tại sao tôi lại gọi ông ta là Chúa?
Tôi gọi ông ta là hoa là cây là núi là mặt trời và ánh trăng;
vì, nếu ông ta được làm ra, để tôi nhìn thấy được,
thành mặt trời và ánh trăng và hoa và cây và núi,
nếu ông ta xuất hiện trước tôi như cây và núi
và ánh trăng và mặt trời và hoa,
thì đấy là vì ông ta muốn tôi biết ông ta
ở tư cách cây và núi và hoa và ánh trăng và mặt trời.

Và chính vì vậy tôi nghe lời ông ta
(tôi biết gì về Chúa nhiều hơn so với chính Chúa đây?)
tôi nghe lời ông ta bằng cách sống, lối bộc phát,
như con người mở mắt và nhìn thấy,
và tôi gọi ông ta là ánh trăng và mặt trời và hoa và cây và núi
và tôi yêu ông ta mà không nghĩ tới ông ta,
và tôi suy nghĩ ông ta bằng mắt và bằng tai
và tôi đi về phía ông ta vào mọi giờ.


VI

Nghĩ đến Chúa là không nghe theo lời Chúa
bởi Chúa đã muốn rằng chúng ta không biết tới mình,
do đó ông ta đã không hiện ra trước chúng ta...

Hãy đơn giản và bình thản
như các dòng suối và những cái cây,
và Chúa sẽ yêu chúng ta, biến chúng ta
trở nên đẹp như những cái cây và các dòng suối,
và ông ta sẽ trao cho chúng ta màu lục mùa xuân của mình
cùng một dòng sông nơi chúng ta lao xuống chừng kết cục tới!...


VII

Từ làng mình tôi thấy về trái đất toàn bộ những gì người ta có thể thấy về Vũ trụ...
Chính vì lẽ đó làng tôi cũng to lớn bằng một đất nước khác nào đó,
vì kích thước của tôi là những gì tôi nhìn thấy
chứ đâu phải kích thước vóc dáng của riêng tôi...

Tại các thành phố cuộc sống nhỏ hơn
so với ở đây trong nhà tôi trên đỉnh ngọn đồi này.
Tại các thành phố những tòa nhà khóa tầm mắt lại,
giấu chân trời đi, đẩy các ánh mắt chúng ta xa khỏi toàn bộ bầu trời,
thu nhỏ chúng ta lại vì chúng tước đi khỏi chúng ta những gì mắt chúng ta có thể trao cho chúng ta,
và làm chúng ta nghèo nàn đi vì sự giàu có duy nhất của chúng ta là trông thấy.


VIII

[...]


IX

Tôi là một người trông đàn.
Đàn thú, ấy là các ý nghĩ của tôi
và tất tật các ý nghĩ của tôi thảy đều là những cảm tri.
Tôi nghĩ bằng cặp mắt và với hai tai
và với hai bàn tay và với hai bàn chân
và với cái mũi và với cái miệng.

Suy nghĩ một bông hoa là nhìn thấy nó và hít nó
và ăn một quả là biết nghĩa của nó.

Chính vì vậy khi vào một ngày nóng
tôi cảm thấy buồn vì tận hưởng những cái đó tận mức ấy,
và nằm thõng thượt trong đám cỏ,
và nhắm đôi mắt nhức nhối lại,
tôi cảm thấy toàn bộ cơ thể mình đang nằm trong thực tại,
tôi biết sự thật và tôi hạnh phúc.


X

"Này, người gác đàn kia,
đang ở phía dưới con đường,
gió thổi qua nói gì với anh?"

"Rằng nó là gió, và nó thổi qua,
và rằng nó đã đi qua
và rằng nó sẽ lại đi qua.
Thế với anh, thì nó nói gì?"

"Nó nói với tôi nhiều hơn đấy.
Về biết bao điều khác nó bảo tôi,
về các kỷ niệm và những hối tiếc,
và các điều chưa từng bao giờ xảy ra."

"Anh chưa bao giờ nghe thấy gió thổi rồi.
Gió chỉ nói độc đến gió mà thôi.
Những gì anh đã nghe được nó nói tuyền là dối trá,
và sự dối trá nằm ở trong anh."


XI

Bà lớn kia ngồi chơi piano
thật dễ chịu nhưng đó không phải sự chảy các dòng sông
cũng như tiếng thì thầm mà lũ cây tạo ra...

Tại sao người ta lại phải có một cái piano?
Tốt hơn hết là nên có hai tai
và yêu Tự nhiên.


XII

Các mục đồng của Virgile thổi sáo và chơi những nhạc cụ khác
và hát về tình yêu lối văn chương.
(Sau đó - tôi, kẻ chưa từng bao giờ đọc Virgile;
và tại sao tôi lại đi đọc ông ta?)

Nhưng các mục đồng của Virgile, những kẻ khốn khổ, là Virgile,
và Tự nhiên thì cũng đẹp y như cổ xưa.


XIII

Nhẹ, nhẹ, rất nhẹ,
một gió rất nhẹ thổi
rồi đi, vẫn thật nhẹ;
tôi không biết mình nghĩ gì
cũng không tìm cách biết.


XIV

Các vần thì chẳng quan trọng mấy với tôi. Hiếm khi
có hai cái cây giống hệt nhau, mọc cạnh nhau.
Tôi nghĩ và tôi viết đúng như những bông hoa có một màu
nhưng với ít sự hoàn hảo hơn trong cách tôi biểu hiện
vì tôi bị thiếu mất sự đơn giản thánh thần
được hoàn toàn là sự bên ngoài chính tôi và chẳng gì hơn như vậy.

Tôi nhìn và tôi rộn lên.
Tôi rộn lên như nước chảy những khi nào nền đất dốc.
Và thơ của tôi cũng tự nhiên như gió khởi lên.


XV

Bốn bài hát sau đây
đi chệch khỏi mọi điều gì tôi nghĩ,
chúng nói dối, không như mọi điều tôi cảm thấy,
chúng trái ngược với chính tôi đây vốn dĩ...

Tôi đã viết chúng trong khi tôi bị ốm
và chính vì thế chúng tự nhiên
và ăn nhập với những gì tôi cảm thấy,
chúng ăn nhập với những gì mà chúng không ăn nhập...

Những lúc ốm tôi phải nghĩ ngược lại
với những gì tôi nghĩ khi khỏe mạnh
(bằng không hẳn tôi đã chẳng ốm),
tôi phải cảm thấy điều ngược lại với cái mà tôi cảm thấy
lúc tôi được hưởng sức khỏe,
tôi phải nói dối bản tính tôi
của con người cảm thấy theo cách nào đó...
Tôi phải hoàn toàn bị ốm - các ý và mọi thứ.
Khi bị ốm, thì tôi không ốm vì một điều khác
Chính vì thế những bài hát tự phản đối lại tôi này
không có quyền năng phản đối tôi,
và chúng là phong cảnh tâm hồn tôi ban đêm,
vẫn nó, ngược hẳn lại...


XVI

Cuộc đời tôi chỉ là một cái xe bò kéo
do ngẫu nhĩ mà rên xiết trên đường, từ sáng sớm,
và quay trở về điểm xuất phát của nó
lúc trời nhập nhoạng, theo cùng con đường...

Hẳn tôi chẳng cần các hy vọng - mà chỉ cần những cái bánh xe...
Tuổi già của tôi hẳn sẽ không có cả các nếp nhăn lẫn tóc bạc...
Chừng nào tôi hết dùng được rồi, hẳn người ta sẽ gỡ mấy cái bánh của tôi đi và tôi sẽ nằm lại, bị lật ngược và tháo rời ra, dưới đáy một cái thung.


XVII

Trong đĩa của tôi hỗn hợp Tự nhiên mới kỳ sao!
Các chị em tôi, những cây nhỏ,
các đồng hành của suối, những nữ thánh
mà chẳng ai cầu nguyện...

Người ta cắt chúng ra và chúng nằm đây trên bàn chúng ta
và trong các khách sạn đám khách lớn giọng
đến đó với dây cu roa cùng khăn đắp
đòi "món xa lát", đầy hờ hững...,
mà chẳng hề nghĩ bọn họ đang đòi từ Đất Mẹ
sự tươi mát cùng các sản phẩm đầu mùa của nó,
những lời màu lục đầu tiên mà nó thốt,
những thứ đầu tiên sống động và lóng lánh
mà Noé nom thấy
khi nước rút đi và đỉnh của các núi
hiện ra, lục và đã ráo nước
và trong không trung xuất hiện chim bồ câu
vẽ ra cầu vồng sắc độ giảm dần...


XVIII

Sao tôi chẳng phải là bụi trên đường,
những người nghèo giẫm chân lên tôi...

Sao tôi chẳng phải là các dòng sông chảy,
với những cô thợ giặt trên bờ của tôi...

Sao tôi chẳng phải là các cây liễu bên bờ sông,
chỉ có bầu trời trên đầu và nước dưới chân...

Sao tôi chẳng phải là con lừa của người xay bột,
ông ta đánh đập tôi nhưng cũng rất trìu mến tôi...

Thà là như vậy còn hơn là cái kẻ băng ngang tồn tại
vừa đi vừa nhìn lại sau lưng, mang khổ nhục trong tim...


XIX

Ánh trăng, khi nó dội xuống cỏ,
tôi không biết điều nó gợi nhắc tôi...
Nó gợi cho tôi giọng của bà hầu già
từng kể cho tôi các truyện cổ tích.
Và bằng cách nào Đức Mẹ mặc váy kẻ ăn mày
ban đêm đi trên những con đường
đến cứu giúp bọn trẻ con bị ngược đãi.

Nếu tôi không thể tin nữa, rằng toàn bộ những cái đó đúng,
thì tại sao ánh trăng lại dội xuống cỏ?


XX

Tage thì đẹp hơn con sông chảy ngang qua làng tôi,
nhưng Tage không đẹp bằng con sông chảy ngang qua làng tôi,
vì Tage không phải là con sông chảy ngang qua làng tôi.

Tage chuyên chở những tàu lớn
và hôm nay trên đó vẫn di,
đối với những ai thấy ở khắp nơi điều không có,
kỷ niệm về các con thuyền cổ xưa.

Tage chảy xuôi Tây Ban Nha
và Tage tuôn ra biển ở Bồ Đào Nha.
Ai cũng biết điều đó.
Nhưng rất ít người biết đâu là dòng sông của làng tôi và nó đi đâu
và nó từ đâu đến.
Và chính qua đó, vì nó thuộc về ít người hơn,
nó tự do hơn và lớn hơn, con sông của làng tôi.

Nhờ sông Tage người ta đi về phía Thế giới.
Quá Tage là có châu Mỹ
và tài sản cho những ai tìm được nó.
Chẳng ai từng có bao giờ nghĩ đến những gì có thể tồn tại
vượt quá con sông của làng tôi.

Con sông của làng tôi không làm người ta nghĩ tới điều gì.
Kẻ nào ở gần nó thì chỉ đơn giản là ở gần nó.


XXI

Nếu có thể cắn vào cả trái đất
và tìm được một vị ở nó,
hẳn tôi sẽ sung sướng hơn trong thoáng chốc...
Nhưng đâu phải lúc nào tôi cũng muốn được sung sướng.
Thỉnh thoảng cũng cần phải bất hạnh
để có thể tự nhiên được...

Vả lại đâu phải ngày nào trời cũng nắng,
và mưa, nếu nó bị quá thiếu đi, người ta phải gọi nó.
Chính vì thế tôi mang bất hạnh cùng hạnh phúc,
hết sức tự nhiên, ở tư cách con người không thấy kinh ngạc
về chuyện có núi và bình nguyên
với cỏ cùng các tảng đá.

Điều cần phải, là người ta tự nhiên và bình thản
trong hạnh phúc cũng như trong bất hạnh,
đấy là cảm thấy giống người ta nhìn,
nghĩ giống người ta bước đi,
và, ở địa hạt cái chết, nhớ rằng ngày chết đi,
rằng mặt trời lặn thì đẹp, và thật đẹp buổi đêm ở đó...
Bởi vì chuyện là như vậy, thế cho nên...


XXII

Giống một người vào một ngày mùa hè mở cửa nhà anh ta
và bằng toàn bộ khuôn mặt mình rình sự nóng các cánh đồng,
xảy ra chuyện đùng một cái Tự nhiên thẳng tay quất roi
vào khuôn mặt các giác quan của tôi,
và tôi, tôi giữ từ đó rối loạn và mù mờ,
cố mà hiểu
chẳng biết gì, như thể ra sao...

Nhưng kẻ nào từng muốn tôi tìm cách hiểu?
Kẻ nào từng bảo tôi rằng có một cái gì đó để hiểu?

Khi mùa hè lướt trên mặt tôi
bàn tay nhẹ và nóng làn gió của nó,
tôi chỉ phải cảm thấy khoái cảm về việc cơn gió tức là gì
hoặc cảm thấy khó chịu vì nó quá nóng,
và, dẫu tôi có cảm thấy theo cách nào,
thì vẫn là như vậy, bởi vì tôi cảm thấy nó, đấy chính là nghĩa vụ của tôi, cảm thấy nó.


XXIII

Ánh mắt tôi cũng xanh giống bầu trời
và cũng yên như nước dưới nắng.
Nó như vậy, xanh và yên
vì nó không tra hỏi, cũng chẳng hoảng sợ...

Nếu tôi tra hỏi và hoảng sợ,
thì sẽ không sinh ra các bông hoa mới trên đồng cỏ
và mặt trời sẽ không trải qua chuyển hóa khiến nó đẹp thêm lên...
(Ngay cả khi những bông hoa mới sinh ra trên đồng cỏ
và mặt trời làm cho đẹp thêm lên,
tôi vẫn cảm thấy ít hoa trên đồng cỏ hơn
và tôi thấy mặt trời xấu hơn...
Vì mọi vật đều như chúng vốn dĩ, và vậy đấy,
và tôi chấp nhận, không cả cảm ơn,
nhằm không có vẻ nghĩ đến cái đó...)


XXIV

Những gì chúng ta thấy từ các vật, ấy là các vật.
Tại sao chúng ta lại thấy một điều nếu có một điều khác?
Tại sao việc thấy và nghe thấy lại có thể là ảo tưởng,
nếu nhìn thấy và nghe thấy thực sự là nhìn thấy và nghe thấy?

Điều cốt yếu là ở chỗ người ta biết nhìn,
người ta biết nhìn mà không khởi sự nghĩ,
người ta biết nhìn những lúc người ta nhìn,
thậm chí còn không nghĩ khi nhìn thấy
cũng như nhìn thấy khi nghĩ.

Nhưng cái đó (khốn khổ cho chúng ta, phải mang lấy một tâm hồn!)
cái đó đòi hỏi một nghiên cứu sâu sắc,
cả một kỳ học tập cái nghệ thuật trút bỏ sự học
cùng một nhốt kín vào tự do của tu viện này
về nó các nhà thơ miêu tả những ngôi sao như là các bà nữ tu vĩnh cửu
và những bông hoa như các phụ nữ ăn năn cũng phù du ngang mức tin tưởng,
nhưng tại đó những ngôi sao rốt cuộc chỉ là các ngôi sao
và hoa thì là hoa,
dựa vào chính đó chúng ta gọi chúng là sao và hoa.


XXV

Những bong bóng xà phòng mà đứa trẻ kia
khoái chí thổi ra từ một cái ống
là, trong sự trong mờ của chúng, cả một triết học.
Sáng, vô dụng và trung chuyển như Tự nhiên,
bạn của những con mắt như các vật,
chúng là những gì mà chúng vốn dĩ,
với một sự chính xác tròn xoe và bay bổng,
và chẳng ai, kể cả đứa trẻ bỏ mặc chúng lại,
dám bảo rằng chúng là nhiều hơn so với những gì chúng tỏ ra.

Một số gần như không thấy được trong không khí bừng sáng.
Chúng giống gió thổi qua và chỉ khẽ chạm vào các bông hoa
về đó chúng ta chỉ giản dị biết là nó đang thổi qua
vì một cái gì đó trong chúng ta nhẹ đi
và chấp nhận mọi điều rõ nét hơn.


XXVI

Đôi khi, vào một số ngày có ánh sáng hoàn hảo và chính xác,
nơi các vật có được toàn bộ thực tại của chúng mà chúng mang quyền năng,
thật dịu dàng tôi tự hỏi mình
tại sao cả tôi cũng đi yếu lòng mà gán
sự đẹp cho các vật.

Sự đẹp, một bông hoa có tình cờ mà có nó chăng?
Một thứ quả thì có tình cờ mà có sự đẹp chăng?
Không: chúng có màu và hình
và tồn tại, chỉ vậy thôi.
Sự đẹp là tên của một cái gì đó không tồn tại mà tôi trao cho các vật để đổi lấy khoái thú mà chúng mang đến cho tôi.
Cái đó chẳng biểu nghĩa gì.
Vậy thì tại sao tôi lại nói về các vật: chúng đẹp?

Phải, cả tôi nữa, kẻ chỉ sống bằng sống,
vô hình, đến hội vào với tôi các dối trá của những con người
trước các vật,
trước các vật chỉ hài lòng với việc tồn tại.

Thật khó việc là mình và chỉ nhìn thấy cái hiển hiện!


XXVII

Chỉ tự nhiên thì mới thần thánh, và nó lại không thần thánh...

Nếu tôi nói về nó như về một bản sinh,
thì đấy là vì để nói đến nó tôi cần nhờ tới ngôn ngữ của những con người
thứ trao cho các vật nhân tính
và áp đặt một cái tên vào cho các vật.

Nhưng các vật bị tước mất tên cùng nhân tính:
chúng tồn tại, và bầu trời thì lớn còn mặt đất thì rộng,
và trái tim chúng ta với kích thước của một nắm tay...

Cầu cho tôi được ban phước vì toàn bộ những gì tôi biết.
Tôi tận hưởng toàn bộ những cái đó như một người biết rằng mặt trời tồn tại.


XXVIII

Hôm nay tôi đọc gần hai trang
từ quyển sách của một nhà thơ thần bí,
và tôi đã cười bằng như kẻ đã khóc rất nhiều.

Các nhà thơ thần bí là những triết gia bị ốm,
và các triết gia là những kẻ bị điên.

Vì các nhà thơ bảo rằng hoa có những cảm tri,
rằng đá thì có tâm hồn
và rằng các dòng sông hưng phấn lên dưới ánh trăng.

Nhưng hoa, nếu chúng cảm thấy, thì đấy đâu phải là hoa,
mà là những con người;
và nếu đá có một tâm hồn, thì chúng là các vật sống, chứ không phải đá;
và nếu những dòng sông hưng phấn lên dưới ánh trăng,
thì chúng là những kẻ bị ốm.

Cần phải chẳng hề biết hoa, đá và sông là gì,
thì mới nói được đến các tình cảm của chúng.
Nói đến tâm hồn của đá, của hoa, của sông,
đấy là nói về chính mình cùng những suy nghĩ sai.
Nhờ Chúa các tảng đá chỉ là các tảng đá
và những dòng sông chỉ là những dòng sông
và hoa thì chỉ là hoa mà thôi.

Đối với tôi, tôi viết văn xuôi của những câu thơ tôi
và hết sức sung sướng vì thế,
vì tôi biết rằng tôi hiểu Tự nhiên từ bên ngoài;
chứ không biết nó từ bên trong
vì Tự nhiên không có bên trong -
nếu chẳng vậy nó đã không phải là Tự nhiên.


XXIX

Tôi không luôn luôn y hệt trong lời lẽ và trong những gì tôi viết
tôi thay đổi, nhưng tôi không thay đổi nhiều lắm.
Màu của các bông hoa không y hệt dưới nắng
và những lúc có mây bay ngang
hoặc khi bóng tối buông
rồi thì hoa có màu của bóng tối.

Nhưng ai nhìn giỏi đều thấy vẫn là cùng những bông hoa ấy.
Do đó, lúc tôi có vẻ không nhất trí với chính tôi,
người ta phải quan sát thật kỹ:
nếu từng quay sang phải,
thì giờ đây tôi lại quay sang trái,
nhưng tôi vẫn là tôi, đứng trên cùng hai bàn chân -
vẫn là cùng một kẻ, nhờ ân huệ của trời và của đất,
của cặp mắt tôi và hai tai tôi chăm chú
và nhờ sự đơn giản trong tâm hồn tôi...


XXX

Nếu người ta muốn tôi có một thứ thần bí, thì được, tôi có.
Tôi là người thần bí, nhưng chỉ với cơ thể.
Tâm hồn tôi đơn giản và không suy nghĩ.

Thần bí của tôi nằm trong sự từ chối biết.
Nó đồng nghĩa với sống và không nghĩ đến cái đó.

Tôi không biết Tự nhiên nghĩa là gì: tôi ca ngợi nó.
Tôi sống trên đỉnh một ngọn đồi
trong một ngôi nhà quét vôi trắng và đơn độc,
và đấy là định nghĩa tôi.


XXXI

Nếu đôi khi tôi nói rằng các bông hoa mỉm cười
và nếu có lúc tôi bảo rằng những dòng sông hát,
thì đấy không phải là vì tôi tin rằng trong các bông hoa có những nụ cười
và trong sự chảy các dòng sông có những bài hát...
Mà vì bằng cách ấy tôi khiến những kẻ giả dối cảm thấy rõ hơn
tồn tại thực chân xác của các dòng sông cùng những bông hoa...

Vì tôi viết để cho bọn họ đọc tôi cho nên đôi khi tôi phải hy sinh cho sự thô thiển trong các phản ứng của bọn họ...
Tôi không nhất trí với chính tôi, nhưng tôi được giải tội,
vì tôi là cái điều nghiêm túc ấy, một người diễn giải Tự nhiên,
vì có những người không hiểu ngôn ngữ của nó,
do chỗ, nó chẳng hề có ngôn ngữ nào.


XXXII

Hôm qua một người của các thành thị
nói ở cửa của khách sạn.
Ông ta cũng nói cả với tôi.
Ông ta nói về công lý và về cuộc chiến nổ ra nhằm làm cho công lý ngự trị
và về những người công nhân chịu đau khổ
và về công việc liên tục, và về những ai bị đói,
và về những người giàu, chỉ bọn họ sinh ra đã được ươm vàng...

Và lúc đó, nhìn tôi, ông ta thấy nước mắt tôi chảy ra
và ông ta khoan khoái mỉm cười, nghĩ rằng tôi đang cảm thấy
nỗi khổ mà ông ta cũng cảm thấy, cùng lòng cảm thông
mà ông ta bảo mình cảm thấy.

(Nhưng tôi chỉ nghe ông ta loáng thoáng.
Quan trọng gì với tôi đây những con người
và chuyện bọn họ đau đớn hay tưởng mình đau đớn?
Thì bọn họ cứ như tôi đi - và bọn họ sẽ không đau đớn.
Toàn bộ đau khổ trên đời đều phát xuất từ chỗ chúng ta cứ làm khổ lẫn nhau,
hoặc để làm điều tốt, hoặc để làm điều xấu,
tâm hồn của chúng ta và trời và đất là đủ cho chúng ta.
Muốn hơn nữa là làm mất cái đó, và quăng chúng ta vào bất hạnh.)

Đấy là những gì tôi nghĩ tới, tôi đây,
trong lúc người bạn của loài người nói
(và điều này làm tôi cảm động đến phát khóc),
cứ như là tiếng thì thầm xa xa của đá cuội
vào tàn ngày ấy
chẳng chút giống với những tiếng chuông của một chủng viện
nơi hẳn nghe được lễ mi-xa các bông hoa cùng những dòng suối
và các tâm hồn đơn giản như tâm hồn tôi.

(Xin ngợi ca Chúa về điều tôi đây không tốt
và việc tôi có lòng ích kỷ tự nhiên của các bông hoa
cùng những dòng sông đi theo đường của chúng
bận tâm mà chẳng hề biết
duy nhất cho việc nở hoa và chảy.
Nó đấy, sứ mệnh duy nhất của Thế giới,
cái sứ mệnh tồn tại thật sáng sủa
và biết làm điều này mà chẳng hề nghĩ đến.)

Và người kia đã im, mắt ngoảnh về phía mặt trời lặn.
Nhưng đâu là tương quan giữa mặt trời lặn và cái kẻ căm ghét hay yêu?


XXXIII

Những bông hoa khốn khổ trong các giỏ những khu vườn kiểu Pháp.
Chúng có vẻ sợ cảnh sát...
Nhưng đẹp tới nỗi chúng nở theo cùng một cách
và có cùng nụ cười cổ xưa
mà chúng từng có cho ánh mắt đầu tiên của người đầu tiên
nhìn thấy chúng hiện ra và chạm nhẹ vào chúng
nhằm xem chúng có nói hay chăng...


XXXIV

Tôi thấy chuyện người ta không nghĩ là tự nhiên đến mức
đôi khi tôi bật cười một mình,
tôi chẳng biết rõ lắm là về điều gì, nhưng ấy là một điều gì đó
có tương quan nào đó với sự thể có những người nghĩ...

Và bức tường của tôi, nó có thể nghĩ gì đây về bóng của tôi?
Đôi khi tôi tự hỏi mình điều đó, cho tới lúc tôi nghĩ ra là mình đang tự đặt các câu hỏi...
Thế là tôi chán tôi quá và cảm thấy rối lòng
như thể tôi đang dùng một bàn chân rét cóng mà nhằm vào tồn tại của tôi...

Cái này thì có thể nghĩ gì về cái kia?
Chẳng gì nghĩ gì.
Mặt đất có ý thức nào không về những đá cùng cây mà nó mang?
Nếu là như vậy, ừ thì, được!
Quan trọng gì đâu, với tôi?
Nếu nghĩ tới những điều ấy,
tôi sẽ ngừng trông thấy những cây to cùng cây nhỏ
và tôi sẽ ngừng nhìn thấy Trái đất,
để chỉ còn thấy độc những suy nghĩ của chính tôi...
Tôi sẽ buồn và sẽ ở lại trong bóng tối.
Nhưng như thế, không suy nghĩ, tôi sở hữu cả Trái đất lẫn Bầu trời.


XXXV

Ánh trăng xuyên qua những cành cây cao,
các nhà thơ đủ mặt nói là còn hơn nữa
chứ không chỉ là ánh trăng xuyên qua những cành cây cao.

Nhưng đối với tôi, kẻ không biết mình nghĩ gì,
ánh trăng xuyên qua những cành cây cao nghĩa là gì,
ở bên ngoài sự thể rằng nó là
ánh trăng xuyên qua những cành cây cao,
thì không còn là
ánh trăng xuyên qua những cành cây cao nữa.


XXXVI

Nói rằng có những nhà thơ là các nghệ sĩ
và vật lộn với những câu thơ của mình
như một thợ mộc trên đống ván!...

Sao mà buồn vì không biết nở!
Vì phải giăng hết câu thơ này đến câu thơ khác, giống kẻ đang xây một bức tường,
rồi xem nó có được không, và loại bỏ đi nếu mà không được!...
trong khi ngôi nhà nghệ sĩ duy nhất là toàn Trái đất,
nó thay đổi và lúc nào cũng đi và luôn luôn vẫn thế.

Tôi nghĩ tới cái đó, không phải như người ta nghĩ, mà như người ta thở,
và tôi ngắm các bông hoa và tôi mỉm cười...
Tôi không biết chúng có hiểu tôi chăng
không cả biết mình có hiểu chúng không,
nhưng tôi biết rằng sự thật ở trong chúng và ở trong tôi
và trong tặng phẩm thần thánh vốn dĩ chung cho chúng ta
đấy là để cho chúng ta đi mà sống trên Trái đất
và để cho chúng ta ôm trong tay các Mùa sung sướng
và để gió hát nhằm ru ngủ chúng ta
và hủy bỏ đi trong giấc ngủ chúng ta tất tật những giấc mơ.


XXXVII

Như một cụm lửa to tướng
mặt trời lặn nán lại trên các đám mây đờ ra.
Từ xa vẳng tới một tiếng còi mơ hồ trong buổi tối rất yên bình.
Chắc đấy là tiếng còi một đoàn tàu hỏa phía xa.

Đúng vào lúc ấy đến với tôi một sầu muộn mơ hồ
và một ham muốn êm ả mơ hồ
nó hiện ra và biến mất.

Đôi khi, dọc các dòng suối,
cũng hình thành trên nước những bong bóng
chúng sinh ra và tan đi -
và chúng chẳng có nghĩa nào khác
ngoài việc là các bong bóng nước
sinh ra và tan đi.


XXXVIII

Cầu phúc lành cho cùng mặt trời của các vùng đất khác
thứ biến tôi thành anh em của tất tật con người,
bởi vì tất tật con người, vào một khoảnh khắc trong ngày, đều nhìn nó giống tôi,
và vào khoảnh khắc thuần khiết đó,
chỉ toàn là thanh thản cùng âu yếm,
họ quay trở vào trong sầu khổ
và với một tiếng thở dài gần như không thể nhận biết
với Người đích thực và nguyên thủy
kẻ từng trông thấy Mặt trời sinh ra và còn chưa mê thích nó.
Vì điều đó là tự nhiên - tự nhiên hơn
là mê thích vàng và Chúa
và nghệ thuật và luân lý...


XXXIX

Bí ẩn của vật, vậy thì nó ở đâu?
Vậy thì nó ở đâu, mà lại chẳng hề hiện ra
để chỉ cho chúng ta thấy dẫu chỉ điều nó là bí ẩn?
Dòng sông biết gì về điều đó và cái cây biết gì về điều đó?
Và tôi, kẻ vốn dĩ chẳng hơn gì chúng, tôi biết gì về điều đó?
Mọi lần nào tôi ngắm các vật và nghĩ tới những gì con người nghĩ về chúng,
tôi lại cười như một dòng suối vờn nước mát lên một tảng đá.

Bởi biểu nghĩa mờ tối duy nhất của các vật,
ấy là chúng chẳng có chút biểu nghĩa mờ tối nào.
Như thế thì lạ thường hơn tất tật các lạ thường
hơn những giấc mộng của tất tật nhà thơ
hơn các suy nghĩ của tất tật triết gia,
việc các vật thực sự đúng như chúng tỏ ra
và không có gì để hiểu ở đó.

Phải, đây là điều chỉ các giác quan của tôi đã dạy cho tôi: -
các vật không có biểu nghĩa, chúng có một tồn tại.
Các vật là nghĩa mờ tối duy nhất của các vật.


XL

Trước mặt tôi bay ngang một con bướm
và lần đầu tiên trong Vũ trụ tôi nhận thấy
rằng lũ bướm không có cả màu lẫn chuyển động,
hệt như thế các bông hoa không có cả hương lẫn màu.
Chính màu là thứ được điểm màu trên các cánh của con bướm,
trong chuyển động của bướm chính chuyển động rộ lên,
chính hương là thứ được tẩm hương trong hương của bông hoa.
Con bướm chỉ là một con bướm
và bông hoa chỉ là một bông hoa.


XLI

Đôi khi vào lúc tối buông, mùa hè,
dẫu không có cơn gió nào, thì dường
thoảng qua, trong thoáng chốc, một cơn gió nhẹ...
Nhưng các cây vẫn bất động
bằng tất tật lá của chúng
và các giác quan chúng ta đã cảm thấy một ảo tưởng,
ảo tưởng về một thứ hẳn đã bỏ bùa cho chúng...

A, các giác quan, lũ người ốm nhìn thấy và nghe được!
Nếu như mà chúng ta đúng như chúng ta phải trở thành,
và chẳng hề có ở chúng ta nhu cầu ảo tưởng nào...
Chúng ta sẽ chỉ cần cảm thấy với một sự sáng sủa cường độ lớn
thậm chí còn không cần lo đến việc sử dụng những giác quan...

Nhưng nhờ Chúa trong Thế giới có sự thiếu hoàn hảo,
vì thiếu hoàn hảo là một vật,
và sự thể có những người nhầm lẫn thật độc đáo,
và việc có những người ốm khiến thế giới hay hơn.
Nếu không có sự thiếu hoàn hảo, thì sẽ thiếu đi mất một vật,
và phải có nhiều vật
thì chúng ta mới có nhiều để nhìn và nghe.


XLII

Cỗ xe băng qua trên phố, và rồi đi mất; phố đã không vì thế mà đẹp hơn cũng như thậm chí không xấu đi.
Cũng vậy mọi hành động con người trên thế giới rộng lớn.
Chúng ta không rút đi gì và không thêm vào gì; ta đi qua và ta quên;
và mặt trời sáng nào cũng đúng giờ.


XLIII

Thà là cú bay của con chim băng qua không để lại dấu vết,
còn hơn đường đi của con thú, mà dấu để lại trên mặt đất.
Con chim bay qua và quên, và chính là cần phải như vậy.
Con thú, nơi nào nó đã thôi ở và, do vậy, chốn ấy chẳng để làm gì,
cho thấy nó từng ở đó, điều này cũng chẳng để làm gì nốt.

Kỷ niệm là một phản bội đối với Tự nhiên,
vì Tự nhiên của hôm qua không phải là Tự nhiên.
Cái từng đã không là gì, và nhớ lại ấy là không thấy.

Bay qua đi, chim, bay qua đi, và hãy dạy tôi bay qua!


XLIV

Đột ngột tôi choàng tỉnh trong đêm
và đồng hồ đeo tay của tôi chiếm lấy toàn bộ đêm.
Tôi không cảm thấy Tự nhiên ở bên ngoài.
Phòng ngủ của tôi là một thứ tối tăm với những bức tường mơ hồ trắng.
Bên ngoài ngự trị một yên bình như thể chẳng gì tồn tại.
Chỉ cái đồng hồ đeo tay theo đuổi tiếng ồn nhỏ của nó
và cái vật nhỏ có các cỗ máy kia đang nằm trên bàn tôi
bóp nghẹt lấy toàn bộ tồn tại của trái đất và của bầu trời...
Tôi gần như tiêu đời vì nghĩ xem vậy thì nghĩa là gì,
nhưng tôi dừng khựng, và trong đêm tôi cảm thấy mình nhếch mép cười,
vì điều duy nhất mà cái đồng hồ của tôi biểu trưng hay biểu nghĩa
bằng cách dùng sự nhỏ nhoi của nó mà làm đầy ngập đêm to lớn
là cảm tri kỳ khôi về dùng sự nhỏ nhoi của nó mà làm đầy ngập đêm to lớn...


XLV

Một rặng cây đằng kia xa xa, đằng kia về phía cái gò.
Nhưng một rặng cây là gì? Những cái cây, chỉ vậy thôi.
Rặng và số nhiều của cây không phải các vật, đó là những cái tên.

Các tâm hồn buồn bã của con người đặt trật tự vào khắp nơi,
Vạch những đường từ vật này sang vật khác,
đặt các tấm biển ghi tên lên những cái cây tuyệt đối thực,
và vạch các đường song song vĩ tuyến và kinh tuyến
trên chính trái đất, cái trái đất vô tội và xanh rờn hơn toàn bộ những cái đó!


XLVI

Theo cách này hay cách khác,
tùy thuộc xem có đúng lúc hay không,
đôi khi có quyền năng nói được những gì mà tôi nghĩ,
và những lúc khác nói cái đó chẳng ra gì mấy và theo cách thiếu thuần khiết,
tôi viết các câu thơ của mình lối ngoài chủ ý,
như là, thể động viết không phải một điều được làm nên từ những cử chỉ,
như là, sự vị viết là một vật đến với tôi
giống đi tắm nắng.

Tôi tìm cách nói những gì tôi cảm thấy
mà không nghĩ tới những gì tôi cảm thấy.
Tôi tìm cách dựa vào các từ chống lại ý
và không cần đến hành lang
của suy nghĩ để dẫn tới lời.

Không phải lúc nào tôi cũng cảm thấy được những gì mà tôi biết là mình phải cảm thấy.
Chỉ hết sức chậm chạp suy nghĩ của tôi mới bơi qua được sông
vì đè nặng lên nó quần áo mà con người đã áp đặt cho nó.

Tôi tìm cách trút bỏ đi những gì mình đã học,
tôi tìm cách quên đi thức của suy nghĩ mà người ta từng dạy tôi,
gại đi thứ mực với đó người ta đã bôi bẩn các giác quan tôi,
lôi ra những cảm xúc đúng nghĩa của mình,
tháo hết đóng gói và trở thành tôi - chứ không phải Alberto Caeiro,
mà là một con thú người do Tự nhiên tạo ra.

Và do đó tôi đây đang viết, muốn sao cảm thấy được Tự nhiên, kể cả không với tư cách một con người,
mà như kẻ cảm thấy Tự nhiên, không gì hơn.
Bằng cách ấy tôi viết, lúc khá khi thì dở tệ,
khi chẳng khó khăn gì mà chạm được vào những gì tôi muốn biểu đạt và lúc lại phải quằn quại,
đây bị ngã, ở kia đứng lên lại,
nhưng lúc nào cũng theo đuổi con đường của tôi như một kẻ mù bướng bỉnh.

Quan trọng gì... Và dẫu có thế nào tôi cũng là một ai đó.
Tôi là Nhà Khám phá Tự nhiên.
Tôi là Kẻ Tìm kiếm các cảm tri đúng.
Cho Vũ trụ tôi mang tới một Vũ trụ mới
vì tôi mang cho Vũ trụ chính Vũ trụ.

Cái đó tôi cảm thấy và tôi viết ra,
hoàn toàn biết và thậm chí còn chẳng buồn nhìn,
là đã năm giờ sáng
và mặt trời, hẵng còn chưa ló dạng
bên trên bức tường của chân trời,
ngay cả vậy người ta vẫn thấy rõ được các đầu ngón tay nó
bíu lấy gờ trên của tường
chân trời đầy những ngọn núi thấp.


XLVII

Một ngày nét đến quá chừng,
nơi người ta thấy muốn đã làm việc thật nhiều
nhằm có thể chẳng làm gì trong hôm ấy,
tôi thoáng thấy, như một lối đi giữa đám cây,
cái có lẽ là Bí mật Lớn,
cái Bí ẩn Lớn mà đám nhà thơ giả hiệu hay nhắc đến.

Tôi thấy là không có Tự nhiên,
rằng Tự nhiên không tồn tại,
rằng có các núi, thung lũng, bình nguyên,
rằng có cây cối, hoa, cỏ
rằng có sông và đá,
nhưng không có một cái tổng mà những cái đó dự phần,
rằng một tổng thể thực và đúng nghĩa
chỉ là một chứng bệnh của suy nghĩ chúng ta.

Tự nhiên được làm từ các phần mà không có một tổng.
Có lẽ đấy là bí ẩn lừng danh người ta hay nhắc.

Đấy chính là cái, chẳng hề suy tư hay nấn ná lâu,
tôi đoan chắc đó hẳn là sự thật kia
mà tất cả mọi người tìm, mà không thấy,
chỉ mình tôi, vốn chẳng hề tìm, lại tìm ra.


XLVIII

Từ cửa sổ cao nhất của nhà tôi
với một cái khăn mùi soa trắng tôi nói lời giã biệt
những câu thơ của tôi, chúng lên đường đi về phía nhân loại.

Và tôi không cả vui lẫn buồn.
Đấy là số phận của các câu thơ.
Tôi đã viết chúng và tôi phải bày chúng cho tất tật
vì tôi đâu thể dùng chúng cách nào khác,
hoàn toàn giống hoa thì không thể giấu màu của nó,
hay dòng sông giấu là nó đang chảy,
cũng như cái cây giấu nó đang ra quả.

Chúng kìa, đã đi xa khỏi như trên xe ngựa
và tôi dẫu không muốn tôi cảm thấy buồn khổ
như một nỗi đau đớn trong cơ thể.

Ai biết được kẻ nào sẽ đọc chúng?
Ai biết chúng sẽ rơi vào những bàn tay nào?

Hoa, số phận của tôi đã hái tôi cho các cặp mắt.
Cây, người ta đã giật các quả của tôi cho những cái miệng.
Sông, số phận nước của tôi là không ở lại nơi tôi.
Tôi quy phục và tôi cảm thấy gần như vui sướng,
gần như vui sướng giống một người thấy mệt vì buồn.

Đi đi, hãy tách khỏi ta!
Cái cây trôi qua và lẫn vào trong Tự nhiên
Bông hoa tàn và bụi của nó kéo dài mãi mãi.
Dòng sông chảy rồi tuôn vào biển và nước của nó vẫn cứ là nước của nó.

Tôi trôi qua và tôi ở lại, giống Vũ trụ.


XLIX

Tôi về nhà, đóng cửa sổ lại.
Người ta mang đèn lại, chúc tôi ngủ ngon,
và giọng sung sướng tôi đáp chúc ngủ ngon.
Ơn trời cuộc đời tôi lúc nào cũng là vật này:
ngày ngập nắng, hoặc êm dịu mưa,
hay lồng lộn lên như thể Thế giới sắp kết thúc đến nơi,
buổi tối êm ả và các nhóm đi qua,
bị quan sát đầy chăm chú từ cửa sổ,
cái nhìn thân tình cuối cùng ném lên đám cây yên bình,
và rồi, cửa sổ đóng lại và đèn bật lên,
không đọc gì, không nghĩ gì, không ngủ,
cảm thấy sống chảy ở trong tôi như một dòng sông trong lòng của nó,
và bên ngoài một nỗi im lặng lớn như một vị thần đang ngủ.




-----------

Pessoa viết Người trông đàn, tác phẩm rất nổi tiếng, một mạch, tức là rất nhanh, viết không ngừng. Câu chuyện ấy cũng rất nổi tiếng.

Đấy là một trong những cú xoáy mạnh nhất của Pessoa, vốn dĩ là nhân vật có vô cùng nhiều cú xoáy.

Tôi thấy cũng cần làm như vậy, tức là dịch Người trông đàn thật nhanh, gần như liền một mạch không ngừng. Vấn đề không hẳn là nằm ở dịch, mà chủ yếu vấn đề là mô phỏng chuyển động. Có vẻ như là tôi đã làm được việc ấy.

(dịch từ bản tiếng Pháp của Armand Guibert)



-----------

Phần thứ VIII của Người trông đàn, như có thể thấy ngay, đã bị bỏ trống. Đấy là vì phần này đã bị chối bỏ (không hoàn toàn, nhưng có thể hiểu là vậy). Nếu muốn biết kỹ hơn:




phần đó đây:










2 comments:

  1. bác lại làm cháu đợi chờ

    ReplyDelete
  2. cháu đã đọc phần VIII như chúng vốn có, bác cho cháu mượn bản gốc phần này để đưa lên thivien đối chiếu bài cháu dịch nhé ạ

    ReplyDelete