Dec 25, 2010

I once had a girl

Bỏ qua mối quan hệ phim-truyện thì bản thân bộ phim Rừng Na Uy đã dở. Trước đây (tất nhiên trước cả I Come with the Rain, vì I Come with the Rain cũng vô cùng tệ, và Trần Anh Hùng cũng giải thích vì suốt ngày phải ra tòa etc.) phim của Trần Anh Hùng đẹp trong một sự kháng cự rơi vào kitsch, lúc nào cũng ở bên bờ kitsch nhưng không rơi vào, sự ngấp nghé đó làm nên điểm đặc biệt của Trần Anh Hùng. Nhưng Rừng Na Uy thì thản nhiên rơi vào kitsch. Cảnh ăn chơi trong phòng, camera chầm chậm lướt qua những cây cột gương thật là ớn. Watanabe đến gặp Naoko thì phải hoặc là nền mưa hoặc là nền tuyết ngoài cửa sổ. Còn đặt thêm vào mối quan hệ phim-truyện (kiểu gì cũng không bỏ qua được), thì chắc trong số những người xem Rừng Na Uy  hôm ấy, ngoài tôi ra (nhận luôn cho thành khẩn :d) thì người ít hiểu tiểu thuyết Rừng Na Uy nhất là Trần Anh Hùng. Chỉ riêng đoạn cuối (có một bạn nói không khác gì xem gì Discovery Channel, thật là chuẩn xác) đã lệch hẳn khỏi khả năng diễn biến tâm lý của một người như Watanabe Toru.

Phim chán thì chỉ cần nói đến thế thôi :p

Khi nghe lại bài "Norwegian Wood" tôi bỗng thấy liên hệ giữa "And when I awoke, I was alone, this bird had flown" và Kurt Wallander trong Người đàn ông lo âu.

Ở tập cuối của xê ri Wallander này, ngoài việc tạo ra một cuộc điều tra, Henning Mankell còn phải hướng tới một mục đích nữa: đóng lại cả loạt truyện, tìm ra một đoạn kết. Tôi chỉ có thể nói rằng đoạn kết này rất buồn :(

Nhưng trước khi rất buồn, Người đàn ông lo âu cũng được mở ra bằng việc Linda sinh con gái (Klara), như vậy là Wallander đã có cháu. Mankell để cho hai người phụ nữ của cuộc đời Wallander xuất hiện trở lại - đều rất thoáng qua nhưng đều đau đớn. Mona và Baiba mỗi người theo một cách đẩy Wallander nhanh hơn đến kết cục. Vì quy định của nghề nghiệp :p tôi sẽ không để cho bị cậy răng tiết lộ cốt truyện, nhưng có thể nói được là với một người, Wallander đã trải qua experience của "When I awoke...", và có một trong hai người chết.

Cũng như ở phần lớn những cuốn tiểu thuyết khác của loạt Wallander, Mankell thể hiện một năng lực dẫn dắt bậc thầy, quản lý chi tiết vô cùng giỏi, nhưng đoạn kết thường xuyên yếu, nhiều lúc có những lỗ hổng về lập luận đáng ngạc nhiên. Những người thông minh (chẳng hạn như bạn today20 :d) không thích cách giải quyết vấn đề của Mankell. Tôi cũng không thích hehe. Người đàn ông lo âu lấy lại gần như toàn bộ sơ đồ lập luận của Bầy chó Riga, là sơ đồ lập luận kém hấp dẫn nhất trong toàn bộ loạt truyện. Đây cũng là lần Mankell hướng cái nhìn vào chính trị ở cấp cao, hoàn toàn không phải sở trường của ông. Sở trường của ông là những xung năng chết chóc, tội phạm ở những con người vô cùng bình thường, tầm thường, nhỏ bé, những người tỉnh lẻ. Một khi bối cảnh truyện đã chuyển sang thủ đô :d (như Riga, và lần này là Stockholm), tức thì overhyped ngay. Nhưng nếu thích Olof Palme Thủ tướng bị ám sát của Thụy Điển, Rosenbad tức Phủ Thủ tướng Thụy Điển, rồi những cái tàu ngầm, bí mật quốc gia, gián điệp etc. thì đọc cũng được.

Tôi thì quan tâm đến việc Mankell kết thúc cho Wallander như thế nào. Chắc là vì tôi có cái nhìn apocalyptic :) Giờ đây đã hết cả loạt Wallander chín quyển, có thể thấy rằng chuỗi ba quyển đầu tiên, Những kẻ sát nhân vô diện, Bầy chó RigaSư tử trắng (thật ra là sư tử cái đấy) vừa non tay vừa chưa tìm ra được hình thức sau này sẽ được ấn định cho gần như mọi tập khác: 40 chương, đúng đến chương 20 một sự kiện hoặc một nhận thức mới xuất hiện, dẫn tới một nửa thứ hai đổ dốc, nhiều khi là với tốc độ chóng mặt. Trong cả loạt Wallander có hai kiệt tác: ngoài Chậm một bước (One Step Behind/Les Morts de la Saint-Jean) còn Người đàn bà thứ năm (The Fifth Woman/ La cinquième femme).

Thật là tiếc vì ở đây có quá ít người thích và đọc Wallander và Mankell. Hậu quả là sẽ lại có thêm một project phải dang dở. Hic. Đời thật dang dở nhưng vẫn phải bột nở.

+ Mấy hôm vừa rồi nhận nhiều mail chúc mừng Giáng sinh, một số người viết thêm câu "Vinh danh Thiên chúa trên trời/Bình an dưới thế cho người thiện tâm". Tôi nhớ trong những năm 1970 giới Công giáo Việt Nam đã từng có tranh luận về hai câu này, và có một chiều hướng là đổi câu thứ hai thành "Bình an dưới thế cho người Chúa yêu". Vì người tốt đẹp thì ai yêu mà chẳng được, cần gì đến Chúa :p

1 comment:

  1. Đọc blog của chị luôn trong trạng thái khó hiểu. May là cũng hiểu được đoạn đầu.. Phim này nên rơi vào tay Vương Gia Vệ :D

    ReplyDelete