Dec 2, 2010

Larbaud


Giờ với Hình Tượng

Valery Larbaud

Tặng Francis Jourdain

---------------

Valery Larbaud (1881-1957) là một trong những nhà văn quan trọng nhất của Pháp đầu thế kỷ XX, thuộc những người chủ chốt của tờ tạp chí Nouvelle Revue Française xung quanh André Gide; tiểu thuyết nổi tiếng nhất của ông mang tên Barnabooth (1913); ông cũng tham gia dịch Ulysses của James Joyce; truyện ngắn dưới đây được rút từ tập Enfantines (1918). Nếu tôi mà có nhà xuất bản riêng, Larbaud sẽ là nhà văn đầu tiên tôi cho vào collection mang tên “Elegance” :d Ở Việt Nam đã in ít nhất một bản dịch tác phẩm của Larbaud, đố các bác một phát nhể ;p

---------------


Buổi chiều đầu tiên đẹp trời đã cắm trại trong vườn và cắt cử một tia nắng leo lên mỗi cửa sổ để canh gác. Có thể hình dung thấy đường viền của má hồng, một cái nhìn xanh biếc, một cô chị gái tóc vàng cúi người xuống trong ánh sáng ngược. Thế nhưng không được quay đầu ra cửa sổ. Không được nhúc nhích. Thậm chí là không được nhấc một ngón tay lên. Cái đồng hồ treo bên trên lò sưởi chỉ năm giờ năm phút. Ông Marcatte đã muộn năm phút; dấu hiệu tốt đây. Giá như mà thêm một lần nữa ông lại bỏ buổi dạy… Hoặc giả giá như năm giờ rưỡi ông mới tới: sẽ chỉ còn phải học nửa giờ ký xướng âm nữa mà thôi. Không được nhúc nhích: một cử động nhỏ nhất cũng có thể làm ông đến: cần phải để cho số phận được toàn quyền: một cử động nhỏ nhất cũng có thể làm lùng bùng một rắc rối ở đâu đó. Cứ ngồi yên trong ghế bành, hướng thẳng mặt vào lò sưởi. Và im lặng. Giống như cây đàn piano mở sẵn và quyển vở khép lại, trên bìa là hình cậu bé Mozart lên dây chiếc đàn violon…

Năm giờ bảy phút… Ôi! nhanh nữa lên nào, Thời gian ơi, nhanh nữa lên nào. Mười ý nghĩ nhỏ bé chạy lên bíu lấy cái kim lớn cố sức làm cho nó đi xuống nhanh hơn một chút về phía cô em gái của nó đang đợi sẵn tít bên dưới, giữa số V và số VI… Khuôn mặt có cặp mắt xanh lơ, và cái bóng má hồng tóc vàng bên cửa sổ, thảy đều bị xóa nhòa; và bầu trời nghiêm nghị của buổi chiều đang tan loãng thành từng mảng trắng trong những cái gương, những cửa kính và những đồ đạc đánh xi bóng. Và một thằng bé con, ngồi trong ghế bành, đợi ông thầy dạy ký xướng âm. (Một cái tủ kêu cọt kẹt.)

Ông ấy sẽ bấm chuông cửa. Đây đang là nửa phút chuẩn bị để đón ông ấy; để từ biệt những suy nghĩ dịu dàng và ấm nóng đến thế, mà ta đang nghe thấy… Năm giờ mười lăm phút. Một góc tù đã trở thành một góc nhọn, và giờ đây cái kim to sẽ phải đi xuống nhanh hơn bởi nó đã có độ nghiêng lớn hơn. Chắc chắn nó sẽ phải đi xuống nhanh hơn rồi (người ta có nghĩ tới điều ấy khi làm ra cái đồng hồ chăng? hoặc giả người ta đã lắp một cái phanh làm kim lớn đi xuống cũng chậm ngang như là khi nó đi ngược lên trên mặt đồng hồ ở bên kia số VI?) Ông ấy có thể đến vào bất cứ giây nào: mười lăm phút muộn giờ thì có là gì; hai mươi phút thì đã nghiêm trọng hơn: khi ấy cơ may có được một tiếng đồng hồ trống rỗng và tự do sẽ tăng lên. Đó là một tiếng đồng hồ bồng bềnh, từ Pornic tới Noirmoutier: năm giờ là bến đã biến mất: năm giờ rưỡi sẽ là giữa biển, nơi một mặt trời trắng lóa vỡ tan ra trên tấm thủy tinh đen phồng lên xẹp xuống, trong khi ý nghĩ cứ tìm cách tóm lấy khoảnh khắc lúc ta đang ở chính giữa cuộc hành trình. Một tiếng tự do, có thể - nhưng trống rỗng: không có trò chơi nào… Không được nhúc nhích: một cử động nhỏ nhất cũng sẽ làm tròng trành con thuyền mà một thằng bé con đang dồn hết sức lực để chèo từ năm giờ đến sáu giờ, trên đại dương thời gian.

Thật may mắn, để chống lại nỗi buồn chán, đã có Hình Tượng. Dễ tìm được nó lắm, nếu mà biết. Nhưng đứa trẻ là người duy nhất biết. Chỉ nó từng nhìn thấy Hình Tượng trong các đường vân đá của lò sưởi: một Hình Tượng dài nghiêm túc và trẻ trung, nhẵn nhụi, cặp mắt thật sâu, trán hẹp, một nửa bị che khuất dưới vành lá. Cái miệng nhỏ màu đen mở hé. Hé nhiều hơn so với lần trước, có lẽ vậy. Giá mà Hình Tượng biết nói! Bằng một giọng thật nhỏ không sao mà tưởng tượng nổi, một “giọng nói của đá”, hẳn là thế. Không, nó chỉ im lặng… Hình Tượng, chúng ta hiểu nhau không cần lời nói. Ta giữ bí mật của người, hỡi ông hoàng thần diệu; ta chưa từng nói cho ai biết là có một Hình Tượng trong những đường vân đá lò sưởi; và ta đã ngăn người khác nhìn về phía người. (Nhưng đám người lớn thì có biết nhìn gì đâu, thật là may.)

Hỡi Hình Tượng cao quý, khi nào thì sự thần diệu của người mới chấm dứt? ngày mai hay có lẽ một tháng nữa, hay một năm nữa. Khi ấy sẽ là đêm, hẳn vậy. Thời gian của người sẽ chấm dứt; người sẽ rời khỏi lò sưởi, và ngày hôm sau, thế vào chỗ của Hình Tượng, sẽ không có gì khác ngoài màu xanh lục thẳm sâu của đá và những đường viền vàng của nó, cái thứ chữ viết mà con người vẫn còn chưa học được cách đọc.

Trong khi chờ đợi, hỡi Hình Tượng, hãy tới ngồi đây trên con thuyền nhỏ của ta. - Đã có người bấm chuông! Cửa sắp mở, và ông Marcatte cùng món ký xướng âm sẽ bước vào cùng mùi thuốc lá và những bàn tay già nua của họ, cả những cái móng tay dày khộp nữa, những móng tay cong lại và ám xỉn vì hút thuốc. Mọi ý nghĩ nhỏ bé đều chạy trốn, và con thuyền thiếu điều thì đảo điên, và Hình Tượng hòa lẫn vào với các đường vân đá… Báo động giả thôi. Cửa đó là cửa dành cho gia nhân.

Hình Tượng, quay trở lại đi; nào ta cùng nhau đi dạo trong rừng. (Thật là lạ, cái quyền năng tưởng tượng ra khu rừng, như thể là ta đang ở đó, trong khi vẫn còn ở đây, trong ghế bành; cần phải để tâm tới điều này, dõi theo ý nghĩ này. Nhưng các lối đi trong rừng thì vui hơn nhiều. Thế là một ý nghĩ nhỏ bé vụt đến, như một chú ong, bay vo ve ở ngay cửa tổ; tìm thấy lối vào đang đóng; rồi bay tới chỗ những bông hoa.) Một con tàu làm bằng ý nghĩ đi đến đất nước tên là khu rừng, mang theo Hình Tượng cao quý đội vành hoa trong một cái rương thật quý làm bằng ý nghĩ.

Đến nơi rồi; ta phải hỏi lối vào bến cảng của những tán lá; ta phải vạch những cành cây đầu tiên; ta dấn sâu vào màu đen lục biếc. Ta gặp một ánh nắng đơn côi. Ta đi theo lối mòn chứa cả nghìn bí mật. Ta đi ngang qua con đường lúp xúp bụi cây nơi chỉ nhìn thấy được những lá và lá, và bên trên những chiếc lá, một con đường màu xanh lơ giống hệt con đường màu hồng của khu rừng, và đó chính là con đường màu xanh lơ của bầu trời. Không gì nhúc nhích trong làn ánh sáng bất động, ngoại trừ, nơi xa xa kia, cây dương nhỏ bé lên cơn rùng mình ngay giữa trưa - hay đó là để ra dấu hiệu, biết đâu? Thêm một lần nữa ta lại lặn sâu vào bóng tối và dưới những cành cây nơi mặt đất khô, bên dưới đám cỏ nóng, vẫn trung thành lưu giữ các dấu vết xưa của bánh xe, từ mãi năm nảo năm nào hồi người ta đốn cây (khi ấy người ta đã nhìn ra được hình dạng ngọn đồi). Và đột nhiên ta đã ở dưới những cây thông, đội vệ binh hoàng gia của rừng, bất động và cao vút, với những cờ xí màu đỏ và vàng.

Nhưng đã tới rồi cái lối đi mà chưa từng bao giờ ta cả gan đi cho đến tận cùng, cái lối đi sẽ dẫn tới, ngay đoạn ngoặt âm u nhất, một dòng suối gần như bị bỏ quên và không có tên, thứ nước màu nâu chảy lững lờ dưới một tấm mái lá cây đan kết chằng chịt, được nó buồn bã soi bóng phản chiếu. Xa hơn nữa ta bắt gặp một lối đi có lẽ là dẫn sang một quãng trống nằm dưới quyền chiếm giữ của một quốc gia cúc gai khổng lồ khủng khiếp. Rồi tiếp đó là một cánh đồng có cái đầm ven bờ bắc hai tấm ván cho các bà các cô giặt quần áo. Sau nữa, là khoảng cây cao nơi sinh sống của duy nhất một con chim lớn buồn thảm đột nhiên cất cánh với tiếng ồn giống hệt cánh cửa tủ mở ra! Và ngay gần đó, một bữa nọ, ta nhìn thấy một cái rương sắt đan, cạnh một cái bẫy sói, và khi cúi mình xuống cái rương, ta thấy một con mèo ghi mắt xanh như mắt trẻ con chạy tới chạy lui. Rồi đột ngột ta đã ở rìa khu rừng, bên bờ con suối lớn, bờ bên kia là đã bắt đầu cánh đồng cỏ và mặt trời, và ta nhận ra nếp gấp của ngọn đồi, và ta thấy trên cao kia một góc mái của ngôi nhà. Lối đi dẫn xuống dưới, mở rộng ra, lại xuống nữa trong khi một cành cây cuối cùng vẫn cố níu giữ ta lại; chừng nào đi qua được cây cầu gỗ nhỏ, là coi như chúng ta đã thoát ra khỏi Vương quốc Cây cối.

Hình Tượng, Hình Tượng cao quý, trong khi chờ đến giờ khắc được giải thoát, ta hãy cùng nhau làm một cuộc hành trình khác vào trong những lục địa của mặt trời đang lặn: cái bầu trời bên trên khu vườn giống như là bản đồ một thế giới khác hẳn, màu xanh lơ điểm sắc vàng…

Sáu giờ kém mười - thoát rồi! Ông Marcatte sẽ không đến. Giờ thì đã có thể nhúc nhích: mang con thuyền xuống; nháy mắt thật khẽ chào tạm biệt Hình Tượng vẫn ở nguyên trong đá, hơi buồn và một chút sững sờ, cái miệng he hé mở; và lặng im đặt con thuyền trong suy tưởng vào cái cảng cuối cùng cũng tới được… Giờ đây chúng ta đã ở bên ngoài bóng tối và bên ngoài hiểm nguy. Một con chim nhạn rỉa bộ lông sau vòng lượn…

Nhưng ở tận sâu của đá, Hình Tượng vẫn chờ lúc kết thúc sự thần diệu của mình. Nó sẽ còn chờ nữa chừng nào chúng ta hai mươi tuổi; và những đứa trẻ sau chúng ta rồi cũng sẽ phát hiện ra nó.

9 comments:

  1. Tình yêu và tuổi trẻ nhỉ, hình như có lần mình nhìn thấy ở tủ sách nhà thằng bạn, bố nó làm NXB Văn nghệ, cái thằng sách gì cũng có mà chả đọc bao giờ, tiên sư nó chứ

    ReplyDelete
  2. đúng dzậy luôn, nguyên tác "Fermina Márquez", cô bé Nam Mỹ chuyển đến học một trường ở Pháp, hình như Paris

    "Tình yêu và tuổi trẻ", Huỳnh Phan Anh dịch

    các bác muốn biết thế nào là tình yêu thì đọc "Amants, heureux amants" của Larbaud í, mà bên Anh Mỹ dịch thế nào nhỉ, "Lovers, Happy Lovers" à?

    ReplyDelete
  3. Từ đó đến nay vẫn chưa có thêm cuốn nào của Larbaud được dịch à anh ơi

    ReplyDelete
  4. Replies
    1. hic tự hỏi mấy ngài hà thúc lang đâu hết rồi, đang làm gì. Đau nhất làem thích đọc dòng vh nước ngoài, đặc biệt là các nhà văn của Pháp nhưng em lại mù tiếng Pháp

      Delete
  5. không phải đàn ông đâu, cũng không phải là một người

    ReplyDelete
    Replies
    1. em chẳng quan tâm 1 người hay tá người, đàn ông hay đàn bà. Chỉ suy nghĩ bình thường không hậu trường hậu triếc rằng họ giỏi Pháp văn quá (có vẻ giỏi hơn cả anh) sao kg làm công việc dịch thuật cho người đọc được nhờ. Em mà có vốn e sẽ đầu tư góp cổ phần cho anh mở nxb riêng liền :D

      Delete
  6. đúng thế, quan tâm làm gì, à nhưng mà họ đều có dịch đấy nhá haha

    mở nxb riêng mất thời gian lắm, không đi chơi thoải mái được, chán lắm hehe

    ReplyDelete
  7. vậy ra thế giới học thuật của anh(mà chắc tgiới nào cũng thế) thỉnh thoảng cũng có những vụ nham nhở nhỏ nhen thế nhỉ.

    ReplyDelete