Feb 18, 2011

Cô đơn như ngọn hải đăng

Virginia Woolf tạo ra cho hậu thế cả một “folklore” vây quanh mình. Các đạo diễn phải làm phim về cuộc đời bà và chuyển thể tiểu thuyết của bà lên màn ảnh, không chỉ một lần. Mrs Dalloway trở thành hình tượng về người phụ nữ ở tầng lớp cao trong xã hội, thanh lịch, trau chuốt và cao quý cả trong cái chết. “Dòng ý thức” rồi mối tình đồng tính được thuật lại trong “Orlando”, hình ảnh “tự đi mua hoa cho mình” và câu nói bất hủ “để viết văn, một người phụ nữ cần có tiền và một căn phòng”… Edward Albee từng viết vở kịch danh tiếng “Who’s Afraid of Virginia Woolf”. Người ta cũng nói rằng Woolf chính là một đối cực của James Joyce, rằng chắc hẳn bà sẽ nhăn mặt ghê tởm khi đọc đến đoạn Bloom rán món thận cho bữa sáng, nhưng lại gần gũi với Marcel Proust. Các vĩ nhân của giai đoạn đầu thế kỷ XX dường như yêu ghét thật rạch ròi và khẳng định chỗ đứng trong lịch sử của mình không chỉ bằng tài năng mà còn bằng trang phục và ý kiến.

Virginia Woolf, đại diện nổi bật cho nữ quyền luận giai đoạn đầu tiên, đại diện cho chủ nghĩa hiện đại trong văn chương, cũng lại là một nhân vật không thể bỏ qua khi bàn về dòng văn chương nữ của nước Anh, những Jane Austen, George Eliot, Katherine Mansfield…, sau tập tiểu luận “Căn phòng riêng” đã có thêm một bản dịch tiếng Việt mang tên “Tới ngọn hải đăng”, Nguyễn Thành Nhân dịch, Hà Thế & NXB Hội Nhà văn. Cuốn tiểu thuyết này là một đặc trưng cho phong cách viết văn của Woolf và là một khởi đầu rất tốt cho những ai muốn đi vào thế giới riêng của Virginia Woolf.

Cũng như văn chương Anh truyền thống, câu chuyện của Woolf mở ra bằng thời tiết: “Ừ, dĩ nhiên, nếu ngày mai trời đẹp” - câu nói của bà Ramsay, một “Mrs” nữa trong tập hợp các quý bà tinh tế rợn người mà Woolf từng tạo ra trong các tác phẩm của mình, Woolf, quý bà của nhóm Bloomsbury danh tiếng quy tụ những người như Lytton Strachey, Clive Bell, Leonard Woolf chồng Virginia, và có cả sự giao du của nhà kinh tế học vĩ đại John Maynard Keynes. Ba phần của cuốn tiểu thuyết, “Khung cửa sổ”, “Thời gian qua” và “Ngọn hải đăng” gồm vô số những cảnh nhỏ của đi dạo, chuyện trò, bữa ăn và đặc biệt là suy nghĩ. Woolf nhích mình khỏi Jane Austen của thế kỷ XIX (mà bà từng viết tiểu luận phê bình - các tiểu luận của Woolf có tầm quan trọng không thua kém tiểu thuyết của bà) chính ở điểm này: những “tea party” liên tu bất tận của Austen tập hợp các miêu tả nhân vật gọn gàng, chính xác ở hình dung bên ngoài và động tác cử chỉ, với tầm quan trọng đặc biệt lớn của những câu nói, còn ở Woolf, điều đáng chú ý nhất nằm trong đầu các nhân vật: mọi thứ đã nằm ở đó, chờ đợi nhà văn kéo chúng ra, nhưng điều này cần đến rất nhiều tỉ mỉ và can đảm. Con người theo kiểu Austen có thể hiểu nhầm về nhau nhưng rồi sẽ nhìn ra bản chất đích thực sau khi vượt được những thử thách cuộc sống, còn con người kiểu của Woolf nghĩ nhiều về người khác nhưng ý thức được rằng mình chẳng hiểu được ai cả.

Woolf cũng không hẳn xa lạ với dòng văn chương gô-tích đậm đà dấu ấn trong lịch sử văn chương Anh, nhất là ở miêu tả những gì tối tăm, âm u: “Dường như không có gì có thể thoát khỏi cơn lũ bóng tối tràn trề đang luồn vào những lỗ khóa và khe hở” (tr. 177) hay “… đêm vẫn tiếp nối đêm. Mùa đông gom cất chúng và phân phát chúng đồng đều, với những ngón tay không mệt mỏi” (tr. 179). Nhưng cuốn tiểu thuyết của Woolf, dù kín đáo, vẫn liên hệ trực tiếp với thời cuộc, nhất là với cuộc chiến tranh. Trong “Mrs Dalloway” đã có ánh mắt kinh hoàng của người lính trẻ trở về từ mặt trận, còn ở đây mọi thứ đều tan nát vì chiến tranh, cả ngôi nhà, cả những mối liên hệ giữa một nhóm nhỏ thành viên trong một gia đình và một cộng đồng người khiêm tốn. Người đọc cũng tìm ra được dấu vết của một hiện tượng rất đặc trưng của thời ấy: hiện tượng các họa sĩ (trường phái ấn tượng) đổ xô về những chốn bờ biển để vẽ, qua câu chuyện của cô họa sĩ Lily Briscoe và hình ảnh họa sĩ Paunceforte khai mở một cái “mốt” mà ta thấy mơ hồ tương đồng với Gauguin và địa danh Pont-Aven.

Nhưng con người của Woolf cứ cô đơn như thế, mối cô đơn gọn gàng tinh tế giữa thời đại giết chóc và giữa những mối quan hệ thân thiết nhưng không mấy thân mật, như “ngọn hải đăng cổ kính mộc mạc” mà Mrs Ramsay cùng Tansley nhìn thấy khi ra tới bờ biển (tr. 41). Hình ảnh ngọn hải đăng hẳn không phải một điều ngẫu nhiên, và nhiều nhà văn cũng chọn nó để miêu tả sự cô đơn của con người, như gần đây là Roberto Bolaño, người đã để nhân vật Buba trong một truyện ngắn của mình cảm thán trong tâm tưởng: “Tôi thấy mình cô đơn như một ngọn hải đăng”.

Nhị Linh

+ bản dịch tiếng Việt sa vào một thói thường gặp khi dịch giả Việt Nam đối mặt với một dạng văn có quá nhiều câu dài: cắt ngắn bớt câu, và các trạng từ thường được dịch rất máy móc thành "một cách+xxx"

8 comments:

  1. Đa tạ anh. Những ngọn hải đăng quả thực luôn cô đơn. Lạc giữa cuốn tiểu thuyết của Bà Woolf cũng trở nên cô đơn.

    ReplyDelete
  2. Anh Dũng cố anh dũng:) duy trì trang blog này nhé. Quý lắm. Có rất nhiều điều mà người yêu thích văn chương muốn tham khảo, tìm hiểu có thể tìm thấy nơi này. NL viết từ năm 2009, mỗi năm gần 200 entries, có lẽ nhiều người như mình chưa thể đọc được hết ngay một lúc :) Mong chúc ngọn hải đăng luôn nhìn thấy những cánh chim hải âu và không cảm thấy cô đơn!

    ReplyDelete
    Replies
    1. 15 năm chưa bao giờ ngừng nghỉ

      Delete
    2. chỉ tiếc là NL ít gai góc hơn ngày xưa rất nhiều

      Delete
    3. Gừng càng già càng cay chứ, thời nào thì vẫn là NL thôi

      Delete
  3. ơ, có ở đây này

    ReplyDelete
  4. Và cả The Waves, dù em hiếm khi thấy người ta nhắc đến tác phẩm này

    ReplyDelete