Nước Pháp và Việt Nam
Không phải chỉ từ năm 1858 mối liên quan giữa Pháp và Việt Nam mới bắt đầu trở nên chặt chẽ, trong cả sự cảnh giác, dè chừng và gần gũi. Cuốn sách Người Pháp và người Annam, bạn hay thù, Ngô Văn Quỹ d., NXB Tổng hợp TPHCM, 2006, 95.000đ của Philippe Devilliers đi ngược lại lịch sử, đến tận bản Hiệp ước 1787 (ký giữa Nguyễn Ánh và vua Louis XVI). Từ tài liệu lưu trữ, tác giả tìm ra được “lỗi tại Montigny”, viên chỉ huy Pháp tại Thượng Hải trong những năm 1850. Được cử sang Annam, vì không khôn khéo trong ngoại giao, ông ta đã gây xích mích nghiêm trọng với triều đình Huế, và kể từ đó, các quân bài đô mi nô tiếp theo sẽ đổ thành một dây chuyền, kéo dài suốt gần một trăm năm lùng nhùng trong những trận chiến và mưu toan chính trị của cả hai bên.
Có hai điều đáng tiếc trong cuốn sách bằng tiếng Việt: thứ nhất, quãng thời gian mà cuốn sách thật sự viết về không được ghi rõ ở bìa sách: trên thực tế, trong tựa nguyên bản có viết rõ quãng thời gian đó: 1856-1902. Năm 1902, đồng thời với những biến động xã hội lớn ở “chính quốc”, quá trình thực dân hóa (thực chất là thuộc địa hóa) tại Việt Nam đã được hoàn thành, với những đô thị lớn và cơ sở hạ tầng. Và đó cũng là lúc trường Viễn Đông Bác Cổ lừng danh (EFEO, do toàn quyền Doumer thành lập năm 1898) bắt đầu có những bước phát triển đáng ngưỡng mộ trong công việc nghiên cứu văn hóa lịch sử Đông Dương). Điều đáng tiếc thứ hai là không có tiểu sử Philippe Devilliers, một trong hai người Pháp đầu tiên có những nghiên cứu thành công về Việt Nam sau 1945. Sau 50 năm sưu tầm tư liệu, cuốn sách của Devilliers mới được xuất bản tại Pháp gần đây, vào năm 1998. Người thứ hai là Jean Lacouture, từng có mặt ở Việt Nam trong đội quân của tướng Leclerc, khi còn là một ký giả trẻ; Lacouture là tác giả của cuốn tiểu sử lừng danh về Hồ Chí Minh (1967) và cuốn sách Việt Nam giữa hai kỳ hòa bình (1965). Trong cuốn sách tự thuật gần đây của mình (Seuil, 2005), Une Vie de rencontres (Một đời gặp gỡ) (chưa có bản dịch tiếng Việt), Jean Lacouture cũng dành một chương để kể lại những năm tháng tại Việt Nam, cùng với nỗi xúc động khi được tiếp xúc với “tướng Giáp”.
Cũng trong mạch sách nghiên cứu đáng tin cậy này là tác phẩm được trông đợi của tiến sĩ Emmanuel Poisson, Quan và lại ở miền Bắc Việt Nam – Một bộ máy hành chính trước thử thách (1820-1918), NXB Đà Nẵng, Đào Hùng và Nguyễn Văn Sự d., 2006, 90.000đ, một cuốn sách hết sức thuyết phục và chu đáo về hệ thống quan lại triều Nguyễn, đồng thời có một bổ khuyết quan trọng về phần lại, sau khi phần quan đã quá được “thiên vị” trong các nghiên cứu từ trước đến nay. Cuốn Bảo Đại hay những ngày cuối cùng của vương quốc An Nam, NXB Phụ Nữ, Nguyễn Văn Sự d., 2006, 58.000đ của Daniel Grandclément lại đi vào một cuộc đời nằm ở hồi kết của những ảnh hưởng trực tiếp của Pháp đến Việt Nam.
Ở một khía cạnh khác, như một câu trả lời của giới học giả Việt Nam trước các tác phẩm của các tác giả Pháp, Phan Ngọc mới cho xuất bản cuốn sách nhỏ Sự tiếp xúc của văn hóa Việt Nam với Pháp, NXB Văn hóa Thông tin và Viện Văn hóa, 2006, 31.500đ, bao gồm những ý kiến sáng tỏ từng được đăng rải rác nhiều nơi, giờ được tập hợp lại thành một hệ thống. Cuốn sách đưa ra những gợi ý đặc biệt có ý nghĩa với những người làm trong ngành ngôn ngữ và dịch thuật, mà quan trọng hơn cả là chương VII, “Sự tiếp xúc ngôn ngữ giữa Việt Nam và Pháp”, nơi chúng ta hiểu được (với nhiều ví dụ) sự chuyển dịch của các yếu tố ngữ nghĩa và phong cách thành các yếu tố ngữ pháp. Và cũng biết được quá trình hình thành mạo từ, giới từ, ngữ liên từ “do áp lực” của ngữ pháp tiếng Pháp. Chúng ta sẽ biết tại sao ngày nay chúng ta lại buồn cười khi nghe những cụm như “ngõ hầu” hoặc “gia dĩ”. Theo Phan Ngọc, quá trình biến đổi từ một ngôn ngữ tổng hợp thành một ngôn ngữ phân tích cũng đã từng diễn ra trong cặp quan hệ tiếng Latinh-tiếng Pháp.
Quan điểm ngữ pháp Việt Nam sao phỏng ngữ pháp châu Âu (cụ thể là Pháp) một lần nữa được trình bày công khai trong một cuốn sách này khiến chúng ta nín thở chờ xem phản ứng của giới ngôn ngữ học, vì đã từ lâu, quan điểm đó giữ vị trí “minh tinh” nhưng chưa bao giờ thiếu lời chỉ trích. Dù sao, quan hệ và tiếp xúc giữa Pháp và Việt vẫn chưa bao giờ là đơn giản. Mặc dù vậy, có vẻ như là nhà ngôn ngữ học của chúng ta, tuy đưa ra lý thuyết không thể nói là không có rất nhiều yếu tố thuyết phục, ở nhan đề sách lại không dùng một mô phỏng phổ biến theo lối “giữa... và” mà lại dùng “của... với”; những người không chuyên về ngôn ngữ học rất khó hiểu đó là một cách nói sẵn có trong tiếng Việt, hay là một mô phỏng theo kiểu khác hẳn hoặc từ một nơi khác.
Không hẳn là những cuốn sách bàn trực tiếp về mối quan hệ giữa Pháp và Việt Nam, trong dòng sách hư cấu, một cuốn tiểu thuyết xuất sắc của người nước ngoài viết về Việt Nam của David Bergen vừa được Nhã Nam và NXB Văn học ấn hành: Ở lưng chừng thời gian, Nguyễn Tuệ Đan d., 2007, 48.000 đ. Không nhiều chính trị như Một người Mỹ trầm lặng của Graham Greene, cũng không nặng nề tính chất “saga” như Saigon của Anthony Grey, cuốn tiểu thuyết của nhà văn Canada có thể coi như là cuốn sách lấy bối cảnh Việt Nam đậm màu sắc văn chương nhất từng được viết ra.
Năm 2006, khi khai mạc bảo tàng Branly đồ sộ ở Paris (một trong những sự kiện văn hóa lớn của thành phố, bởi sau khi tòa nhà thư viện quốc gia François Mitterand được xây xong cách đây vài chục năm, bảo tàng Branly do kiến trúc sư Jean Nouvel vẽ mẫu mới là một công trình lớn đầu tiên của Paris), khu trưng bày đặc biệt dành phần lớn diện tích cho những bức ảnh về Georges Condominas cùng các hiện vật ông thu thập được trong cuộc nghiên cứu người dân tộc thiểu số Việt Nam của nhà dân tộc học tài năng. Nước Pháp có thêm được một nhà dân tộc học lớn nhờ “chất liệu Việt Nam”, và Việt Nam dần hiện diện ở Pháp thoát ra ngoài những hình ảnh cũ mèm về đấu xảo thuộc địa và những cô gái mắt xếch.
Roland Barthes tạo ra huyền thoại
Thử tưởng tượng một việc đầy tính chất phiêu lưu thế này: tự viết ra những huyền thoại của thời chúng ta sống. Những gì thường ngày nhất, ăn nhập nhất với nhịp điệu cuộc sống hiện tại. Việc này liên quan đến thay đổi một chút (thật ra là khá nhiều) lối nghĩ thông thường: đã là huyền thoại thì phải là Hy Lạp, cũng như đã là kiếm hiệp thì phải là Kim Dung, hay đã là tháng Tư thì phải là hoa loa kèn. Điều kiện: những huyền thoại đó phải thật sự được rất đông đảo người ta biết đến (nếu không dám hy vọng là tất cả mọi người). Chắc cũng đã xa rồi con trâu, cánh đồng, Giang Minh Sài. Ngày nay nếu chọn 33 huyền thoại phổ biến nhất, hẳn trong danh sách sẽ có xe Matiz (thay cho xe Phượng Hoàng và xe Dream), các quán cà phê Highlands (thay cho cà phê Trung Nguyên), dẫn chương trình truyền hình Lại Văn Sâm, tủ văn phòng Hòa Phát, phim truyền hình dài tập Cảnh sát hình sự, cầu thủ bóng đá Văn Quyến, băng vệ sinh Kotex, ca sĩ Tuấn Ngọc và Dương Trung Quốc (đã đàng hoàng thế chỗ Lê Văn Lan như đại diện ưu tú của giới sử học trên các - đúng hơn là tất cả - loại phương tiện truyền thông đại chúng).
Ý tưởng đó của tôi không phải tự dưng mà có. Đảo chiều suy nghĩ thông thường không bao giờ là chuyện dễ dàng cả, rất nhiều khi phải nhờ đến gợi ý ở đâu đó. Con số 33 cũng không phải là vô tình (đừng nghĩ ngay đến bia - bia 333 ngày nay nhất định không còn nằm trong danh sách chung khảo short list các huyền thoại gần gũi nữa; nó đã phải nhường chỗ cho bia tươi Đức - ăn kèm xúc xích to tổ chảng - của phố Vũ Ngọc Phan hoặc tầng hai tòa nhà Hàm Cá Mập, nếu chưa tính đến Sư Tử Vàng phố Thái Thịnh). Đó là danh sách mà tờ báo Le Nouvel Observateur (Người quan sát mới) đưa ra trong số của tuần thứ ba tháng Ba 2007.
33 tác giả thuộc hàng “gần huyền thoại” (trong số đó, nói cho đúng, có những người đã thực sự là huyền thoại, như các nhà văn Philippe Sollers, bậc trưởng lão của văn học Pháp và Frédéric Beigbeder, nhà văn thành công nhất của thế hệ trẻ ngoài phạm vi ảnh hưởng của cả Thế chiến thứ hai và cuộc cách mạng tình dục năm 1968) viết về 33 thứ đồ vật/nhân vật/khái niệm mà họ cho là điển hình hơn cả của cuộc sống Pháp ngày nay. Những bài viết ngắn đó đều hết sức nghiêm túc, dù chủ đề không hẳn là lúc nào cũng nghiêm túc theo một cách nhìn nào đó. Nhà văn Jean-Paul Dubois chọn món sushi của Nhật Bản, nhà phê bình nổi tiếng Charles Dantzig chọn các series phim truyền hình nhiều tập. Máy định vị GPS lắp trong xe hơi dưới cái nhìn của Beigdeber có ý nghĩa như thế này: “Giọng đều đều của cái máy không có giáo dục cho lắm (nó không nói “xin vui lòng” hay “cám ơn”) nhưng người ta vẫn răm rắp làm theo các mệnh lệnh của nó, vì biết là nó chứa đựng sự thật”.
Nhà báo Didier Jacob cung cấp cho tin nhắn điện thoại di động một chức năng hết sức quan trọng, đó là làm cho con người “quay trở về làm người, nghĩa là giống như con vật” bởi vì ngôn ngữ bị cắt vụn mà tin nhắn sử dụng không còn là ngôn ngữ đầy đủ và hoàn thiện bình thường nữa. Jacob còn tưởng tượng ra cảnh Marcel Proust loay hoay thu gọn những câu văn dài dằng dặc lừng danh của mình để nhét vừa một cái tin nhắn trên điện thoại Nokia. Một huyền thoại, theo một nhà nhân học tham gia chuyên đề của tờ Le Nouvel Observateur, “không đơn giản là một truyện kể. Nó giả định sự tồn tại của một vũ trụ với những nền tảng không thể hiển nhiên hơn.”
Ngoài những gì rất gần gũi với cuộc sống của những người viết các huyền thoại đó, “quá Pháp” để chúng ta có thể nhanh chóng hiểu được (như chương trình thời sự lúc 20 giờ mỗi tối, nữ chính trị gia Ségolène Royal hay cô diễn viên Emmanuelle Béart), một số đồ vật khác chung cho cả thế giới ngày nay: hàng không giá rẻ, blog, cái “tóm tắt hoàn chỉnh nhất con người điện toán” hay dụng cụ tìm kiếm Google, “con nhện trên Mạng”.
“Các huyền thoại năm 2007”, tên chuyên đề của tuần báo, cũng không phải là ý thích bất chợt. Đây là một hồ sơ đặc biệt để kỷ niệm 50 năm ra đời cuốn sách nhỏ của Roland Barthes. Cuốn Mythologies (Các huyền thoại) in năm 1957 có đầy đủ các yếu tố để gây sốc. Khi đó đang là một nghiên cứu viên mới vào nghề, viết báo “tay trái”, Roland Barthes đi vào những khía cạnh bất ngờ nhất: mốt quần áo, xe ôtô Citroën, món beef-steck, cuộc đua xe đạp vòng quanh nước Pháp Tour de France, như những đối tượng hết sức nghiêm túc của công việc nghiên cứu. Và cũng nhờ xuất phát theo hướng đó, lý thuyết gia văn học xuất sắc sẽ đưa ra những nền móng cho bộ môn ký hiệu học. Nghĩ đó là một sự nhập thế hay dấn thân thì hẳn là cũng có phần đúng, nhưng có lẽ là quá sức đơn giản. Roland Barthes thuộc vào những người không chịu tự nhốt mình và để người khác nhốt mình vào những thứ hạng có sẵn. Nếu không phải là nhà phê bình Pháp lớn nhất của thế kỷ XX, thì nhất định ông cũng là nhà phê bình đa dạng nhất, và, kèm theo đó một cách lôgic, độc đáo nhất. Ở Việt Nam hiện nay, ngoài bản dịch xuất sắc Độ không của lối viết (nhà văn Nguyên Ngọc), chưa có tác phẩm nào của Roland Barthes được giới thiệu rộng rãi. Ngay cả Độ không của lối viết (tác phẩm đầu tay của Barthes - 1953) cũng chỉ tìm được độc giả trong một phạm vi trí thức với số lượng tương đối nhỏ.
Roland Barthes viết về huyền thoại, và sau này chính ông cũng trở thành huyền thoại. Năm 1980, khi ông bị tai nạn ôtô chết, cả khu trí thức nhộn nhịp Saint-Germain-des-Prés của Paris đã lặng đi. Đến nay đã có vô số sách viết về ông và tác phẩm của ông. Và ngay cả một cuốn sách nhỏ như Các huyền thoại cũng được báo chí tưng bừng kỷ niệm vào năm 2007 này. Bài học mà Barthes cho chúng ta là: chuyện nhỏ không phải là chuyện không nghiêm túc, tuy rằng nghiêm túc chưa phải lúc nào cũng đảm bảo là lớn... chuyện.
Cuốn đầu tiên trong mấy cuốn nhắc đến ở đây vơ về trong một đợt bán sách giảm giá nào đó, sách dày, in đẹp, rất tiện việc gối đầu.
ReplyDeleteĐánh giá của NL về Ở lưng chừng thời gian giống mình phết, ôm hôn thắm thiết nào:)
một là bifteck (Pháp), hai là beefsteak (Anh Mỹ), không có "beef-steck".
ReplyDeletetks :) định sửa nhưng thôi, để lưu dấu tích một thời nông nổi ;p
ReplyDeleteĐấy, biết sai và nhận sai có phải mọi chuyện trở nên nhẹ nhõm biết bao nhiêu không? :))
ReplyDeleteHồi đến Branly em chả biết Georges Condominas là ông nào cả nhưng vào phát là ấn tượng luôn bởi số hiện vật VN bày ở đấy nhiều đến hãi hùng :D
ReplyDeletemột thời nông nổi, và dấu tích của nó, cũng là huyền thoại đấy!
ReplyDelete"Chúng tôi đã ăn rừng", kiếm đê, có mấy ấn bản đấy, với cả brochure cực đẹp cuộc triển lãm hồi Condominas sang Việt Nam cách đây hai, ba năm gì đó
ReplyDeletemà có hiểu tại sao "Chúng tôi đã ăn rừng" không ;d cách ghi lịch của người Tây Nguyên đấy
giờ thì em biết chứ, mà k dám nói ra sợ bác Mun lại ao với chả ước. cái tuyển tập Nguyên Ngọc trong danh sách ao ước của bác í là từ cuốn này tòi ra đấy :D
ReplyDeletecuốn Quan và lại ở miền Bắc thì chưa thấy bao giờ :|
"Jacob còn tưởng tượng ra cảnh Marcel Proust loay hoay thu gọn những câu văn dài dằng dặc lừng danh của mình để nhét vừa một cái tin nhắn trên điện thoại Nokia."
ReplyDeleteđúng đấy. bài vở trên mạng, kể cả blog này, đa phần vụn vặt như brouillon. ấy thế mà cãi nhau ỏm tỏi, cứ như thật í :D
chạ thấy liên quan gì cả ;p
ReplyDeletevứi cả brouillon thì cũng có qualité chớ hehe
Bạn anonymous ở trên kia nói: "bài vở trên mạng, kể cả blog này, đa phần vụn vặn như brouillon". Bạn làm ơn cho biết: báo giấy tiếng Việt có tờ nào khá hơn?
ReplyDeleteBạn cũng nói: "ấy thế mà cãi nhau ỏm tỏm, cứ như thật". Xin hỏi: lên mạng thì phải giữ mồm giữ miệng à? thế hôm ở cà phê Trung Nguyên có cãi nhau không?
Nên tính thêm cho Frédéric Beigbeder một huyền thoại nữa về tính chua ngoa.
ReplyDeleteBác Đới Tứ Kiệt vừa bị anh giai này khuyên là "viết bằng tiếng Pháp thì cứ viết nhưng nên có dịch giả tử tế". Trên Le Figaro Magazine thì phải, điểm sách cuốn "3 vies chinoises".
Theo tôi, vấn đề của bác Đới không phải là tiếng Pháp mà là văn chương. Bác ấy có viết bằng tiếng Hoa thì đỉnh cao có lẽ vẫn là "Balzac và cô bé thợ may Trung Hoa".
Một người rất hiền lành, kín đáo, thích Hà Nội hơn Bắc Kinh.
Beigbeder thì phải cả complexe de Peter Pan nữa, cho đăng đối với complexe de D. của ĐTK ;p
ReplyDeleteỪ, nhưng Beigbeder tài năng hơn ĐTK nhiều chứ. Chanh chua thì Houellebecq cũng không kém, chê cả Le Clézio đấy thôi.
ReplyDeleteDũng dịch "Au secours pardon" đi. Hay là dịch rồi mà mình không biết.
@ ND : "bài vở trên mạng, kể cả blog này, đa phần vụn vặt như brouillon"
ReplyDeleteChính những ý tưởng sáng tạo đến từ những brouillons này đấy, chứ không phải từ những bài báo rỗng tuếch, phô trương dùng để mua danh. Nếu bạn là dân học hành nghiên cứu mà suy nghĩ như vậy thì quả thật rất là đáng tiếc.
Blog này làm tôi liên tưởng đến các quán cà phê quanh các trường Đại học nước ngoài, nơi sinh viên (và giáo sư) có thể trao đổi thoải mái, nhiệt tình và bất vụ lợi tất cả những ý tưởng mới của họ.
Chưa dịch ;p Ở VN sắp có bản dịch "Un roman francais" rồi ngay sau đó sẽ là "L'Egoiste romantique", quyển kia thì chưa biết lắm ;)
ReplyDelete