May 24, 2011

Chia chác

Dưới đây là đoạn mở đầu Bản đồ và vùng đất, cuốn tiểu thuyết mới nhất của Michel Houellebecq. Jed Martin là một họa sĩ đương đại, cảnh mở đầu này mô tả một bức tranh (thuộc thời kỳ sơn dầu của Martin, sau thời kỳ nhiếp ảnh và trước thời kỳ video art) vẽ Jeff Koons và Damien Hirst, tên của nó là "Damien Hirst và Jeff Koons chia nhau thị trường nghệ thuật". Bức tranh này rồi sẽ bị Martin phá hủy. Trong Bản đồ và vùng đất, Houellebecq tự cho mình một sự xa xỉ rất lớn là sử dụng cả một cốt truyện SF lẫn một cốt truyện trinh thám, nhưng đều là đưa ra mà không buồn giải quyết vấn đề :) Cái kết thì thực sự làm tôi nhớ đến Trăm năm cô đơn.

-----------

Jeff Koons đứng bật dậy khỏi ghế, hai cánh tay vung về phía trước trong một cơn hứng khởi. Ngồi trước mặt ông trên một cái ghế sofa bằng da màu trắng một phần phủ vải lụa, hơi thu mình lại, Damien Hirst như thể sắp thốt nên một lời phản đối; khuôn mặt ông ửng đỏ, sầu muộn. Cả hai đều mặc com lê đen - bộ của Koons có các đường sọc mảnh - một chiếc sơ mi trắng và một cà vạt đen. Giữa hai người, trên cái bàn thấp là một giỏ đựng những thứ trái cây dầm mà không ai chú ý đến; Hirst uống một lon Budweiser Light.

Sau lưng họ, một ô kính lớn mở xuống một khung cảnh toàn những tòa nhà cao tạo thành một sự chằng chịt kiểu Babylon những hình đa diện khổng lồ, trải dài đến tận chân trời; đêm thật sáng, không khí trong suốt. Như thể đang ở Qatar, hoặc Dubai; trang trí của căn phòng trên thực tế lấy cảm hứng từ một bức ảnh rút ra từ một quảng cáo Đức rất xa xỉ, khách sạn Emirates ở Abu Dhabi.

Trán Jeff Koons hơi sáng bóng lên; Jed lấy bút lông đánh mờ đi, rồi lùi lại ba bước. Chắc chắn là có một vấn đề với Koons. Hirst về cơ bản thì dễ nắm bắt: có thể làm ông trở nên tàn bạo, vô sỉ, theo kiểu “tôi ngồi trên đống tiền của tôi ị vào các người”; cũng có thể biến ông thành nghệ sĩ nổi loạn (nhưng dù sao thì vẫn giàu) theo đuổi một tác phẩm đầy hoang mang về cái chết; cuối cùng, ở khuôn mặt ông có cái gì đó như tứa máu và nặng nề, điển hình kiểu Anh, trông rất giống một người hâm mộ [có bác nào biết “fan de base” chính xác là gì không?] câu lạc bộ Arsenal. Nhìn chung là có các khía cạnh khác nhau, nhưng có thể kết hợp được trong bức chân dung thuần nhất, có thể tái hiện, về một nghệ sĩ Anh điển hình của thế hệ ông. Còn Koons thì như thể mang trong mình cái gì đó có tính chất kép, giống như một điều mâu thuẫn không thể vượt qua giữa sự mưu mô thông thường của địa hạt kỹ thuật-thương mại và sự xuất thần của người khổ hạnh. Đã ba tuần nay Jed bỏ công sửa sang biểu hiện của Koons đang đứng bật dậy khỏi ghế, hai cánh tay vung về phía trước trong một cơn hứng khởi như thể đang cố thuyết phục Hirst; việc này cũng khó y như khi phải vẽ một nhà văn theo phái Mormon chuyên viết văn khiêu dâm. 

Anh có những bức ảnh chụp Koons một mình, chụp với Roman Abramovitch, Madonna, Barack Obama, Bono, Warren Buffett, Bill Gates… Không bức ảnh nào diễn đạt được dù chỉ một mảy may tính cách của Koons, thoát được ra khỏi cái vẻ ngoài một tay bán xe ôtô mui trần Chevrolet mà ông đã chọn khoác lên mình để đối mặt với thế giới, thật là đáng bực, mặt khác từ lâu nay các nhiếp ảnh gia đã làm Jed phát bực, đặc biệt là các nhiếp ảnh gia lớn, với cái sự ngạo nghễ làm hé lộ được trong những bức ảnh của mình sự thật của những người làm mẫu cho họ; họ chẳng hé lộ được cái gì hết, họ chỉ làm mỗi một việc là đứng ra trước mắt bạn và nhấn nút kích hoạt động cơ chiếc máy của họ để chụp lấy hàng trăm bức ảnh, sung sướng nhỏ mọn, thốt ra những tiếng cục cục trong cổ họng, và sau này họ chọn lấy những bức đỡ tệ nhất của cả loạt, đó chính là cách họ tiến hành, không có ngoại lệ, tất cả những tay tự cho mình là nhiếp ảnh gia lớn ấy, Jed quen biết cá nhân một số trong đó và chỉ cảm thấy một niềm khinh bỉ đối với bọn họ, anh xem tất tật bọn họ có khả năng sáng tạo gần gần ngang bằng với một cái máy Photomaton.


Trong bếp, vài bước chân đằng sau lưng anh, hệ thống đun nước nóng liên tục phát ra những tiếng lạch xạch khô khốc. Anh đứng lặng, tê liệt. Đã là 15 tháng Chạp.

1 comment:

  1. - Ặc ặc bác sắp xếp bài viết kiểu gì mà khó đọc thế.

    ReplyDelete