May 19, 2011

Sống mãi rồi cũng gặp thần chết

Các bác bắt đầu kỷ niệm, ăn mừng đi nhá :)

“Sống mãi rồi cũng gặp thần chết”, hay văn hoa hơn, “sống là để chết”, rồi “sống là một liều thuốc độc đặc biệt hữu hiệu chắc chắn dẫn tới cái chết” vân vân và vân vân là những trò chơi nghịch dụ và trùng ngôn, tựu trung lại là quẩn quanh trong phạm trù tu từ học; thế nhưng, cái chết thì hành động, chứ không vướng mắc chuyện tu từ, và có những lúc thần chết hoạt động hết công suất, như ở những giai đoạn nhất định của Thế chiến thứ hai, theo mô tả của cuốn tiểu thuyết “Kẻ trộm sách” (Markus Zusak, Cao Xuân Việt Khương dịch, dtbooks và NXB Trẻ).

Thần chết, nhân vật của “Kẻ trộm sách”, kể về một ngày tháng Sáu năm 1942: “Họ liên tục nuôi dưỡng tôi. Hết phút này sang phút khác. Hết buổi tắm này sang buổi tắm khác” (tr. 367), và với vị thần chết hay gọi tên Chúa (vị thần chết mẫn cán và cả, điều này xét cho cùng cũng không thực sự quái lạ, rất từ tâm), bầu trời ngày hôm ấy “có màu của những người Do Thái”, và vị thần chết có trí nhớ phi thường của một người “cường ký” “sẽ không bao giờ quên ngày đầu tiên ở Auschwitz, lần đầu tiên ở Mauthausen”.

Ngay lập tức, ta hiểu là mình đang đọc một cuốn tiểu thuyết có nỗ lực lớn lao về một cách nhìn nhận độc đáo, nó kể chuyện chiến tranh và giết chóc, cuộc đời và tình yêu từ cái nhìn của thần chết đan xen với cái nhìn của cô bé Liesel trên phố Thiên Đàng ở thị trấn Molching thuộc ngoại ô Munich. Liesel đến sống với gia đình Hubermann sau khi tách rời khỏi những bi kịch của gia đình trước đó (bố, mẹ và em trai), chơi thân (và có thể nói là yêu) cậu bạn Rudy, che giấu và gần gũi (và cũng có thể nói là yêu) Max Vandenburg người Do Thái, nhưng chủ yếu Liesel sở dĩ được thần chết quan tâm đặc biệt, thậm chí còn giữ trong túi của mình cuốn sổ ghi chép của cô bé, là bởi mối liên hệ của cô bé với những quyển sách, trong đó không ít là sách “ăn trộm”.

Cuốn tiểu thuyết, tuy vậy, còn hơn một nỗ lực về sự độc đáo, khi mà tính chất độc đáo của nó thực sự được giữ gìn từ đầu đến cuối, dưới bàn tay của một nhà văn khăng khăng không từ bỏ trong suốt một chặng đường dài cái nhìn dịu dàng với mọi nhân vật (lẽ dĩ nhiên người ta có thể làm như vậy một khi đã nâng niu cả đến nhân vật thần chết); nhân vật của Markus Zusak thoạt nhìn qua ai cũng đáng sợ, nhưng thật ra đều không phải vậy, ở bên dưới bề mặt luôn luôn “có một cái gì đó khác”, chẳng hạn bà vợ ông thị trưởng hay bà mẹ nuôi Rosa của Liesel. Trong điều kiện chiến tranh, cái vỏ đáng sợ bên ngoài là tấm mai bảo vệ con người ta trong cuộc tranh đấu vì sự tồn tại.

“Kẻ trộm sách”, với cách tái hiện khung cảnh đời sống trong chiến tranh của nó, có thể so sánh với bộ ba tác phẩm kỳ lạ của Agota Kristof từng làm sửng sốt độc giả thế giới: cùng chọn nhân vật trung tâm là những đứa trẻ con, “Kẻ trộm sách” cũng như “Cuốn vở lớn”, “Bằng chứng” và “Lời nói dối thứ ba” của Kristof có thể mang lại những cảm giác và nhận xét rất khác so với những gì từng có về cuộc thế chiến ghê gớm ấy. Liesel và Rudy của “Kẻ trộm sách” hẳn cũng đáng nhớ trong lịch sử văn học như hai anh em sinh đôi Claus và Klaus trong ba cuốn tiểu thuyết vừa kể tên. Ở một phương diện nhiều “nghiêm túc” hơn, “Kẻ trộm sách” thuộc vào những tác phẩm quan trọng về cuộc sống người dân Đức tại các thành phố nằm dưới những trận mưa bom của máy bay Đồng Minh, chẳng hạn như cuốn tiểu thuyết viết năm 1947 của Hans Fallada mang tên “Jeder stirbt für sich allein”, hay được biết đến trong tiếng Anh với cái tên “Ai cũng chết một mình” hoặc “Một mình ở Berlin”, kể về cuộc sống của một tòa nhà trên phố Jablonski, Berlin. Cũng như ở đây, trong “Kẻ trộm sách”, điều nổi bật là cuộc sống ấy sắp xếp để nạn nhân lúc nào cũng sống cạnh đao phủ, và không ai thực sự biết hàng xóm của mình là nạn nhân hay đao phủ.

Nét tươi sáng, tích cực trong đời sống mỗi lúc một cực khổ hơn, về thực chất là hết sức đen tối, của người dân một thị trấn nhỏ trong chiến tranh, nằm ở những quyển sách. Những quyển sách mà cô bé Liesel phải rất chật vật lắm mới đọc được sau rất nhiều phiêu lưu nguy hiểm và cố gắng không ngưng nghỉ, không chỉ có giá trị tinh thần; trên thực tế chúng còn cứu sống cô, “theo lối vật chất”: vào cái đêm thị trấn bị ném bom, cô bé Liesel đọc sách dưới tầng hầm nên thoát chết, khi được tìm thấy, cô bé “đang nắm giữ một cách tuyệt vọng lấy những từ ngữ đã cứu sống” mình (tr. 520).

Nhị Linh

9 comments:

  1. đọc nhanh ác, mình còn chưa được tặng sách:)

    ReplyDelete
  2. xời, phải đọc trước rồi chỉ ngồi đợi nó in xong thôi chứ ;p

    ReplyDelete
  3. Sách nào mà cũng đắt như cuốn này thì sống cũng như chết mất. :(
    Thôi, mình đành tải bản tiếng Anh về đọc trên iPad vậy.

    ReplyDelete
  4. nhìn chung iPad chỉ có hại: gây đau mắt, trật cột sống, chai đầu ngón tay, làm người ta hết tiền mua cái khác và thúc đẩy dục vọng khoe khoang hehe

    ReplyDelete
  5. Chúc mừng sinh nhật bạn NL, chúc bạn vui khỏe trẻ giỏi nỏi mãi :))
    ngườimiềnnam

    ReplyDelete
  6. ui xời cám ơn bác, mặc dù chả hiểu "nỏi" là cái zì :p

    ReplyDelete
  7. Đồng ý với bạn Nhị Linh, tiền mua Ipad mình nướng vào sách Nhã Nam hết rồi, nhưng dục vọng khoe khoang hình như không hề giảm :D

    ReplyDelete
  8. Bạn NL sướng thật, sinh nhật còn có người thổi vào tai kìa ^^

    ReplyDelete