Jun 7, 2012

Vladimir Nabokov là một ông hoàng


Mở đầu bài tiểu luận vô cùng thành kính của mình về Nabokov (chính xác hơn là về những bài giảng văn học của tác giả Lolita tại Đại học Cornell), nhà văn Mỹ John Updike viết: “Vladimir Vladimirovitch Nabokov sinh cùng ngày với Shakespeare, vào năm 1899, ở Saint-Petersburg (ngày nay là Leningrad), trong một gia đình vừa giàu có vừa có dòng dõi quý tộc”.
Tiểu sử của Nabokov (dẫu rằng bản thân Nabokov hay khẳng định mình không quan tâm nhiều đến tiểu sử nhà văn) thường được người ta chú đến ở mấy khía cạnh: xuất thân cao quý và sinh vào một năm rất đặc biệt; chi tiết này cũng từng được Nabokov, tuy hay nói là không quan tâm nhiều đến tiểu sử, nhấn mạnh trong hồi ký Speak, Memory (Nói đi, ký ức), bảo rằng người ta rất hay lẫn lộn tuổi của ông với tuổi của thế kỷ XX. Cách nghĩ này ta thấy tương tự với một Victor Hugo, người từng tự ướm tuổi thơ của mình với tuổi thơ của thế kỷ (nhưng đó là thế kỷ XIX). Như vậy, Nabokov cũng sinh vào một năm kết thúc bằng con số 99 (một nhân vật nổi tiếng của Nabokov là Sebastian Knight trong Cuộc đời thực của Sebastian Knight cũng được giới thiệu vào ngay đúng dòng mở đầu tác phẩm là sinh ra vào năm 1899), đúng 100 năm sau ngày sinh của Balzac, nhưng sẽ có lúc Nabokov “hạ sát” Balzac và “chủ nghĩa hiện thực” mà ông rất không ưa. Trong số “nạn nhân” của Nabokov không chỉ có Balzac mà còn có Thomas Mann, Maxim Gorky và không ít người khác nữa.

Ở tiểu luận nói trên, nhà văn lớn của nước Mỹ John Updike đang giới thiệu tập bài giảng về các nhà văn vĩ đại của châu Âu được Nabokov trình bày trước sinh viên trong quãng đời làm giáo sư đại học của ông. Tuy không phải là học trò trực tiếp của Nabokov như mấy nhà văn lớn sau này của Mỹ, Don DeLillo và Thomas Pynchon, nhưng Updike cũng ước định được uy quyền và tác động to lớn không thể phai mờ của Nabokov lên sinh viên của ông: trong bài tiểu luận, Updike cho biết vợ ông, một sinh viên của Nabokov, mãi đến sau này vẫn không sao coi được Thomas Mann là một nhà văn “nghiêm túc”, chỉ vì ảnh hưởng của một ông thầy tầm cỡ.

Ngoài sự nghiệp tiểu thuyết gia, sự nghiệp một nhà văn viết truyện ngắn, sự nghiệp nhà thơ, sự nghiệp dịch giả, sự nghiệp sưu tầm bướm và sự nghiệp của một tài năng cờ vua, quãng đời dạy học ở nước Mỹ của Nabokov cũng là một thành công vang dội: từng có người coi các bài giảng của ông cũng quý giá về phương diện phân tích nghệ thuật văn chương ngang với thư từ của Flaubert, các lời giới thiệu của Henry James và nhật ký của Virginia Woolf. Nói tóm lại, trong toàn bộ thế kỷ XX, khó tìm được một nhà văn nào có tầm vóc lớn hơn Vladimir Nabokov: nói một cách đơn giản, Nabokov là một ông hoàng văn chương.

Ta có thể tưởng tượng ra sự ngự trị của Nabokov bằng chính hình ảnh ông điều khiển các lớp học của mình. Theo lời Nabokov, ông giữ mối quan hệ rất xa cách với sinh viên; ông còn đánh số ghế ngồi để biết được rõ ai ngồi chỗ nào. Nhưng được theo học Nabokov quả là một diễm phúc cho những sinh viên thực sự mê văn chương. Nabokov là người hào phóng tuyệt đỉnh, ông đầu tư thời gian và công sức cho các bài giảng không kém gì đầu tư cho những cuốn tiểu thuyết. Ông hướng sinh viên vào những gì thường ít ai để ý, như màu mắt của bà Bovary, hay cách bố trí các đồ vật trong phòng ngủ của Gregor Samsa; Nabokov còn chi tiết đến độ vẽ lên giấy cái “con bọ” lừng danh nhất trong lịch sử văn chương, hóa thân của Samsa. Ông cũng sẵn sàng thay đổi ý nghĩ mà không cố chấp: theo lời khuyên của nhà văn Edmund Wilson, Nabokov đã quyết định coi trọng Jane Austen và Charles Dickens, kết quả là chúng ta được đọc những lời bình luận tuyệt vời của ông về hai nhà văn cổ điển này.

Nhưng Nabokov cũng là một ông hoàng khắc nghiệt. Ông chế giễu Sigmund Freud bất cứ khi nào có dịp, ông “hạ sát” những Balzac, Mann và Gorky, nhưng có lẽ trường hợp điển hình hơn cả là Dostoevsky. Viết về tác giả Anh em nhà Karamazov, ngay lập tức Nabokov đưa ra bản án: “Dostoevsky không phải là một nhà văn lớn, mà là một nhà văn khá tầm thường”. Trong tiểu sử mà ông viết về Dostoevsky, Nabokov có chỗ rất tinh quái, kể rằng Dostoevsky từng phải ngồi tù ở một pháo đài do tổ tiên của ông là Tướng Nabokov làm chỉ huy. Ông từng viết, rất rõ rành: “Nhiều nhà văn tên tuổi chỉ đơn giản là không hề tồn tại trong mắt tôi. Tên của họ được khắc lên những tấm mộ rỗng, sách của họ chỉ là những cái bìa rỗng…”

Ở đây ta chạm tới một điểm rất thú vị nhưng cũng rất phức tạp: Nabokov không ưa gì chế độ bạo chúa hà khắc ở nước Nga, nhưng cái nhìn của ông không hề đơn giản; ông từng viết trong một tiểu luận rất nổi tiếng về lịch sử văn học Nga: “Chính quyền và cách mạng, Sa hoàng và những người cấp tiến, đều là philitxtanh trong nghệ thuật. Các nhà phê bình cấp tiến chiến đấu chống lại chế độ bạo chúa, nhưng họ lại mở ra một chế độ bạo chúa của riêng họ”.

Đây là một đoạn văn có tính cách chính trị không dễ thấy trong toàn bộ trước tác của Nabokov. Đúng như một ông vua học vấn cao, Nabokov ưa làm thơ và hướng đến những thứ đẹp đẽ, cao cấp (như sưu tầm bướm và đánh cờ vua) hơn là chính trị và sự vụ quốc gia. Nhưng Nabokov, tuồng như là thế, đến lượt mình cũng là một người mang không ít đặc điểm bạo chúa. Trong một tiểu luận đầy sáng suốt, Orhan Pamuk ca ngợi cái đẹp trong văn của Nabokov, nhưng cũng nói rằng bên cạnh vẻ đẹp ấy, ông còn nhìn thấy ở Nabokov sự bạo ngược và tàn nhẫn, và hẳn văn Nabokov sẽ không đẹp đến vậy nếu thiếu đi sự tàn nhẫn kia.

Ta biết là Nabokov rất thích trích dẫn lời Vua Lear (King Lear), đặc biệt quan tâm đến hai ông hoàng khác của văn chương là Shakespeare và Puskin, và một cuốn tiểu thuyết ông viết thời còn ở châu Âu (chính xác là ở Đức) mang nhan đề Vua, Hoàng hậu và Tên hầu. Ông là một ông hoàng có những khả năng kỳ lạ: chính ông tuyên bố là mình không tư duy bằng ngôn ngữ, mà bằng hình ảnh, và có khả năng gắn chữ và số với màu sắc, và trong hồi ký ông tuyên bố mình nổi loạn chống lại sự sắp đặt của tự nhiên. Ông là một nhân vật lớn tự bẩm sinh, ông là một ông hoàng của không chỉ Lolita, và không chỉ trong Lolita ta mới thấy bản thân ông xuất hiện trong câu chuyện dưới dạng đảo tự của cái tên Vladimir Nabokov (nhân vật Vivian Darkbloom) mà trước đó ông cũng đã xuất hiện trong Vua, Hoàng hậu và Tên hầu dưới một đảo tự tên mình khác: Blavdak Vinomori. Nabokov không chỉ là một ông hoàng, ông còn là một ông hoàng kỹ tính và rất láu lỉnh.

Vladimir Nabokov là ông hoàng ngự trị tại một vương quốc rộng mênh mông nhưng không hẳn là nhiều thần dân. Tin tốt lành về vương quốc này là thần dân của Nabokov đều có tinh thần tuân phục rất cao; đồng thời đó cũng chính là tin xấu.

-----------

Hai chi tiết trong tiểu thuyết của Nabokov không sao quên nổi: trong Lolita, khi Charlotte Haze đưa Humbert Humbert đi xem nhà để chuẩn bị thuê, H. H. nhìn thấy ở đáy bồn tắm một cái lông uốn theo hình dấu chấm hỏi, và trong Cuộc đời thực của Sebastian Knight, lúc mẹ thằng bé bỏ rơi nó trong phòng khách sạn ở Paris, đồng hồ chỉ 2 giờ 10, được Nabokov so sánh với bộ ria mép có hai đầu vuốt sáp vểnh lên.

5 comments:

  1. Bài viết đọc thích phết.

    Nabokov hạ sát Mann, Balzac, Gorky và Dos vì nhìn chung không thích văn học có tính thiết kế và tính mục đích (đạo đức). Còn Nabokov chế giễu Sigmund Freud ở mọi lúc mọi nơi, chế giễu một cách ngớ ngẩn và chưa bao giờ thuyết phục được ai hết, thì chẳng qua chỉ vì ghen tức thôi. Ghen tức một người vĩ đại hơn và thông minh hơn mình nhiều lần. Thế mới khổ.

    :)

    ReplyDelete
    Replies
    1. "Còn Nabokov chế giễu Sigmund Freud ở mọi lúc mọi nơi, chế giễu một cách ngớ ngẩn và chưa bao giờ thuyết phục được ai hết, thì chẳng qua chỉ vì ghen tức thôi. Ghen tức một người vĩ đại hơn và thông minh hơn mình nhiều lần."

      Rõ là bạn không biết gì về Nabokov và Freud, cũng không biết Nabokov nói gì về Freud.

      Delete
  2. Hôm nay mới đọc bài này, thiệt là khơi gợi nhiều cảm hứng đó!

    ReplyDelete
  3. Oh, vậy Pushkin sinh cùng năm với Balzac.

    ReplyDelete
  4. ‘Ông là một nhân vật lớn tự bẩm sinh, ông là một ông hoàng của không chỉ Lolita’
    vâng

    ReplyDelete