Dec 16, 2013

Marcel Proust giữa những ông lớn

Nếu có một "nghịch lý Việt Nam" thật, thì nghịch lý ấy ở trong thế giới sách vở là: Ở Việt Nam hiện diện quá ít tác giả thực sự lớn. Tác giả lớn thì lại hay chỉ có những tác phẩm phụ, và nếu ở một thời điểm có nhiều tác giả lớn thì giới dịch thuật Việt Nam hay chọn duy nhất một, có vẻ vì bị tác động bởi giải Nobel Văn chương.

Tình hình ấy thấy rõ đối với bộ tứ nhà văn vĩ đại của Pháp trước 1945: Marcel Proust, Paul Valéry, Paul Claudel và André Gide. Trong bộ tứ ấy, chỉ Gide thực sự hiện diện ở Việt Nam (nhưng rất nhiều người đọc tên ông ấy là gờ ít ghít sắc Ghít).

Paul Claudel là một tác giả có nhiều thời gian sống ở phương Đông. Tưởng chừng với một lý lịch như thế Claudel phải hấp dẫn độc giả Việt Nam. Nhưng không; cách đây gần chục năm tôi đọc bản dịch của một dịch giả rất nhiều tuổi, người đã sống qua giai đoạn không thể không biết đến Claudel nếu là một độc giả văn chương đích thực; bản dịch đó nhắc nhiều đến Claudel và không lần nào các chi tiết được dịch đúng.

Ví dụ về Paul Claudel:


Thú vị nhất ở phương diện so sánh với Marcel Proust là Paul Valéry. Hai người cùng thế hệ, có thể coi là đối nghịch với nhau vì (theo cảm nghĩ thông thường) Valéry là đại diện cho lý trí, suy luận, sự cao ngạo, còn Proust thì đại diện cho nửa còn lại của văn chương: duy cảm, trọng tình, thân ái. Nhưng trước hết họ rất giống nhau vì phải sau khi họ đã qua đời người ta mới bắt đầu cảm nhận rõ ràng được mức độ vĩ đại của họ, mặc dù khi còn sống cả hai đều đã rất nổi tiếng, Valéry là viện sĩ Viện Hàn lâm (với bài diễn văn tưởng niệm Anatole France ở Viện Hàn lâm lừng danh: cả bài không nhắc đến tên Anatole France đến một lần; có lẽ Valéry chính là người mở ra trào lưu chế nhạo Anatole France sau này, lên đến đỉnh điểm với nhóm siêu thực của André Breton), từng giao thiệp với Albert Einstein vân vân.

Đi tìm thời gian đã mất chưa được in đầy đủ khi Marcel Proust qua đời. Về phần Paul Valéry, sinh thời ông cho xuất bản không nhiều tác phẩm, nhưng sau đó di cảo để lại thì gây choáng váng cho toàn thể giới văn chương. Tác phẩm dị hình dị tướng Cahiers của Valéry phần lớn in sau khi chết: đó là những gì Valéry viết ra vào lúc sáng sớm hằng ngày. Viết xong rồi thì Valéry "tự cho phép mình ngu ngốc suốt phần còn lại của ngày".

Paul Valéry là một thần tượng văn chương, một "nhà văn của các nhà văn" đúng nghĩa. Roberto Bolaño từng miêu tả cơn cuồng Valéry ở các nhà văn Mỹ Latinh, và Borges từng gọi Valéry như một "symbol".

Có rất nhiều điều để so sánh giữa Proust và Valéry: quan niệm văn xuôi và thơ ca, cái nhìn nghệ thuật (mỗi bên độc đáo theo một cách riêng), cảm nhận về thế giới… Proust và Valéry đều như thể từng có trải nghiệm đặc biệt, thần bí: đến một ngày Proust bỗng tự nhốt mình vào phòng, còn Valéry khi mới ở độ tuổi hai mươi đã trải qua cái mà văn học sử gọi là "đêm ở Genoa", cái đêm như thể Valéry đã có một "khải thị" nào đó, quyết định toàn bộ cuộc đời ông sau này.

Cả Proust và Valéry đều để lại những "incipit", những mở đầu tác phẩm cực kỳ nổi tiếng.

Mở đầu La soirée avec Monsieur Teste của Valéry là câu: "La bêtise n'est pas mon fort" (Ngu xuẩn không phải sở trường của tôi). Câu này đến mãi Jacques Derrida còn say sưa bình luận :p

Ngoài ra, liên quan đến Valéry còn có giai thoại liên quan đến một câu văn: André Breton cho biết Valéry khinh bỉ thể loại tiểu thuyết, vì tiểu thuyết "kiểu Balzac" là cái thể loại khiến ta phải viết những câu ngớ ngẩn như "La marquise sortit à cinq heures" (Bà hầu tước ra khỏi nhà lúc năm giờ). Câu này cũng có một hậu thế vô cùng rực rỡ.

Giờ đây ta quay lại với câu mở đầu À la recherche du temps perdu:

"Longtemps, je me suis couché de bonne heure."

Câu này nghe qua rất tầm thường nhưng nó rất điển hình cho văn chương của Proust, từ ngữ thì dễ (không như Valéry, học trò của Mallarmé), khi ghép lại thành câu thì rất mơ hồ.

Các bản dịch tiếng Anh xưa nay phải vật lộn với câu này.

Bản dịch đầu tiên (Rememberance of Things Past) của Scott Moncrieff:

"For a long time I used to go to bed early."

Cùng bản dịch này nhưng sau khi đã có bàn tay sửa chữa của Kilmartin và Enright:

"For a long time I would go to bed early."

Bản dịch mới (In Search of Lost Time - chưa đầy đủ cả bộ) của Lydia Davis:

"For a long time, I went to bed early."

Và giờ đây ta đến với câu này trong bản dịch tiếng Việt (Đặng Thị Hạnh):

"Trong một thời gian dài, tôi đã thường đi ngủ sớm."

Tại sao cái câu đơn giản này lại gây ra nhiều mệt mỏi đến thế? Trước hết là vì bỗng nhiên Proust chia động từ ở passé composé ("je me suis couché"), khiến ta trở nên hoang mang vì không biết tác giả đang nói đến thời điểm nào. Dùng xong một động từ ở passé composé như vậy (trong trần thuật cổ điển của văn chương Pháp, passé composé rất ít được sử dụng, thời động từ phổ biến nhất là passé simple) thì cả đoạn đầu tiên lại toàn động từ ở imparfait. Trong tiếng Anh gần như không thể diễn đạt được cảm giác về thời gian giống như trong tiếng Pháp như vậy.

Một điều bất ngờ nữa là Proust lại để trạng từ chỉ thời gian "longtemps" lên đầu câu. Điều này hơi lạ trong văn tiểu thuyết, nó giống cách hành văn của truyện cổ tích hay truyền kỳ hơn ("il était une fois", "ngày xửa ngày xưa"). Nên trong tiếng Việt có lẽ cũng cần một bất ngờ nho nhỏ - nhưng trong tiếng Việt trạng từ thời gian đặt lên đầu câu thì lại không hề có gì bất ngờ.

Bởi vì mỗi người đều nên có một Marcel Proust riêng, nên nếu là tôi, thì câu "Longtemps, je me suis couché de bonne heure" hẳn sẽ trở thành "Tôi đi ngủ sớm suốt một thời gian dài".


André Maurois về Marcel Proust
Marcel Proust và Alain-Fournier
Robert Brasillach về Đi tìm thời gian đã mất

13 comments:

  1. La traduction de NL est la plus émotionellement correcte, comme d'habitude.
    LH

    ReplyDelete
    Replies
    1. et que pourrait-on faire avec la phrase de Valéry (celle avec "la bêtise")?

      Delete
    2. Très drôle aussi, mais demande peut-être à Dong Nhon (même si la bêtise n'est pas son fort non plus, ce me semble, mais il a l'air de bien connaître la bêtise des autres, hehe). Quant à moi, je n'ai presque pas lu P. Valéry.
      LH

      Delete
  2. xem lại mới để ý, Proust thì có nhiều mở ngoặc đơn mà không có đóng, tôi thì lại có một ngoặc đơn đóng mà tìm mãi không thấy ngoặc mở đâu :p (đã sửa)

    ReplyDelete
  3. Hồi xưa- thời tôi còn trẻ - tôi rất ưa thích mỗi khi đọc một bản văn thuộc thể 'kê đơn, bốc thuốc' mà vài đàn anh văn nghệ vẫn thường nói. Tuy nhiên chỉ những ai có tầm hiểu biết quảng đại, cách diễn giảng không mắc tật thiên kiến và nhất là trải nghiệm trong đời của tác giả, bản văn mới đem đến nhiều vui thích nơi người đọc. Thỉnh thoảng xem vài chia sẻ của Nhị Linh, chắc hẳn ai là người có thú vui đọc sách cũng ít nhiều cảm mến. Có những cuốn sách hay luôn là bạn tốt với nhiều người và cũng có vài người luôn là bạn tốt của tác giả những cuốn sách..( VVHP )

    ReplyDelete
  4. "Marcel Proust, Paul Valéry, Paul Claudel và André Gide". Xếp hạng của NL, dù là "vô thức"? :D

    ReplyDelete
  5. theo truyền thống thì Valéry và Claudel lại hay được xếp thành một đôi, Proust thì xa lạ với NRF, Valéry thì tuy được Gide giới thiệu vào nhóm Mallarmé nhưng cũng không hẳn thân cận với Gide, còn Gide ném bản thảo của Proust đi thì ai cũng biết rồi :p

    ReplyDelete
  6. "Trong một thời gian dài, tôi đã thường đi ngủ sớm": chữ "đã" có cần thiết không nhỉ?
    "Tôi đi ngủ sớm suốt một thời gian dài": dịch cách này có vẻ khác thường, cách trên thông thường hơn. Khác thương không phải là dở, nhưng cần phải có lý do đặc biệt nào đó. Ở đây, có vẻ lý do đó là để cho tương ứng với sự khác thường trong bản chính: "Longtemps" được mang lên đầu câu.

    ReplyDelete
  7. "Trong bộ tứ ấy, chỉ Gide thực sự hiện diện ở Việt Nam (nhưng rất nhiều người đọc tên ông ấy là gờ ít ghít sắc Ghít)."
    Không biết tiếng Pháp người ta đọc sai cũng dễ hiểu thôi. Bạn chắc gì đã phát âm đúng tên các ông Tolstoy, Dostoyevsky, Nabokov...

    ReplyDelete
    Replies
    1. khiếp, mấy cái nguyên tắc sơ đẳng về trọng âm tiếng Nga thì có gì

      Delete
    2. Câu đấy ai chả nói được :)) Easier said than done :))
      Mà nếu bạn thực sự đọc đúng tên các ông Nga, chưa chắc đã đọc được tên các ông Tây Ban Nha, blah blah, nói chung các nhà văn viết những ngôn ngữ khác bạn không biết.
      :))

      Delete
  8. Hình như bản dịch Proust của nhà Penguin bị dừng hay sao mà em lên trang web họ xem có 4 tập à. Họ không ra tập nào nữa cách đây 10 năm rồi

    ReplyDelete
  9. thông báo chính thức là 2018 sẽ có đủ bộ rồi còn gì

    tình hình cụ thể là: bản đầu Montcrieff (thật ra chỉ có sáu tập, thiếu tập cuối, bổ sung sau, tập cuối này có một bản Anh và một bản Mỹ); năm 1981 ra bản revised Kilmartin, dựa trên bản tiếng Pháp được san định lại 1954, nhưng vẫn giữ nhan đề chung Remembrance of Things Past, 1992 có thêm bản revised mới, Enright, đổi nhan đề chung thành In Search of Lost Time; từ 1995 thì bắt đầu dự án bản dịch mới, chỉ sau tập đầu (Lydia Davis) đã gây cãi nhau dữ dội, bộ mới này cũng có tên chung In Search of Lost Time

    ReplyDelete