Mar 23, 2014

Wladimir Ashkenazy ở Hà Nội

Cuộc đời này thật trớ trêu, lần đầu tiên tôi được nghe Ashkenazy chơi nhạc hóa ra lại là ở Hà Nội.

Vì vội vã chưa kịp nghiên cứu từ trước, khi nhìn thấy hai cây đàn trên sân khấu, tôi mới hiểu ra, bản Divertissement à la hongroise (à mà thật ra là "à la hongroise" hay "à l'hongroise" nhỉ, chưa bao giờ tôi chắc được chỗ này) sẽ không được chơi bốn tay theo cách truyền thống.

Wladimir Ashkenazy ở Hà Nội, tôi nhớ đến Hennessy lần thứ nhất, tôi 16 tuổi, Rostropovich đã chơi ở đây, cho đến tận bây giờ mới lại có thêm một tượng đài tầm cỡ ấy; giữa hai mốc thời gian, tôi từng đi nghe nhiều người khác, nhưng phải gần năm năm nay tôi không còn đến Nhà hát lớn, thú thực tôi nghĩ mình sẽ chịu không thấu cái cảnh ngồi nghe các concerto của Rachmaninov hay các bản nhạc của Traikovsky.



Một thời gian dài tôi từng lùng sục những cái đĩa CD chất lượng tồi tệ để nghe Ashkenazy chơi Schumann, nhất là Schubert, tôi cũng biết trước cảm giác sẽ rất mạnh khi nghe trực tiếp như thế này.

Nhưng không thể diễn tả nổi, khi câu đầu tiên, cũng là câu chủ đề, vang lên như thế, không phải câu đầu tiên, chỉ nốt đầu tiên thôi.

Bậc thầy là bậc thầy ở cách chạm phím đàn, câu nhạc nổi tiếng đó của bản Divertissement này được Ashkenazy làm ta quên đi mọi cặp bốn tay từng chơi trên đời (có vô số cặp như thế).

Bậc thầy là bậc thầy ở những khúc nhạc chậm; Ashkenazy bước vào buổi concert bằng một khúc andante, ngay lập tức chiếm lĩnh toàn bộ không gian, một cách đường bệ, đầy khô khan như một cột đá, không rung rinh xúc cảm, triệt tiêu không phải mọi biểu cảm mà là mọi động thái có thể hướng tới biểu cảm màu mè; Ashkenazy đi thẳng vào âm nhạc.

Làm thế nào để miêu tả được âm nhạc? điều này gần như là bất khả, nhưng chỉ là gần như: Marcel Proust đã làm được điều đó, cũng một cách bậc thầy, trong một đoạn dài đáng nhớ của Bên phía nhà Swann, rồi lặp lại còn mãnh liệt hơn trong tập La Prisonnière của bộ Đi tìm thời gian đã mất, với tác phẩm của Vinteuil.

Bản Divertissement làm tôi mệt gần chết, rất may ngay sau đó là đến nhạc Brahms; tôi chưa bao giờ ưa nổi sự mạch lạc của Brahms và sự lộng lẫy xủng xoảng của Traikovsky; tôi nghĩ đến Cô thích nhạc Brahms? của Françoise Sagan được Mai Thảo phóng tác; tôi còn nghĩ đến một thứ vớ vẩn hơn, cái câu "cô vừa nghe Brahms vừa thủ dâm"; lại còn vớ vẩn hơn nữa: *^$*(%^# các thể loại phim hoạt hình, làm người ta thấy Brahms hay Liszt là tưởng tượng ra Tom & Jerry.

Tôi nhớ đến một cuộc tình dĩ vãng; cô ấy là một nghệ sĩ biểu diễn âm nhạc, và tôi đã điên cuồng hình dung hai đứa cởi quần áo trong tiếng loại nhạc mà cô ấy chuyện "trị"; cuối cùng sự thực không như là mơ, cởi quần áo nhau mà chẳng mấy điên cuồng, cũng chẳng có chút nhạc nhẽo nào; và chúng tôi cũng nhanh chóng nhận ra, tôi thì muốn trốn vào âm nhạc của cô ấy để thoát khỏi cuộc đời, trong khi ngược lại cô ấy muốn trốn vào đời tôi để thoát khỏi âm nhạc.

Cô ấy phát hiện ra tôi chán chết, tôi cũng không vừa, thấy nghệ sĩ biểu diễn là lũ chán chết.

Điều tôi nghĩ cũng không hẳn sai (trong khi điều cô ấy nghĩ về tôi thì chắc chắn đúng); trong quãng thời gian điên cuồng tìm hiểu về cuộc đời những Horowitz hay Glenn Gould, tôi thấy họ chán khủng khiếp.

Nhưng đúng như Ashkenazy nói trong bài trả lời phỏng vấn tờ Đẹp sau buổi biểu diễn, âm nhạc là một thế giới, và nó là một thế giới không thể diễn tả nổi, không gì có thể sánh với cảm giác ở trong âm nhạc.

Tôi nhớ đến những nhà hát từng qua, Opéra Garnier và nhiều nơi nữa, nhưng nhớ nhất là khán phòng của Nhạc viện Hà Nội, nơi chúng tôi chen chúc nhau vào xem một nghệ sĩ nước ngoài nào đó đến biểu diễn, căng mắt xem đến chỗ đó thì tay ấy sẽ xử lý thế nào, gừ lên tiếc nuối hay thật ra là sung sướng khi có một chỗ lỡ nhịp, sai nốt.

Không gì so sánh được với sự đắm chìm vào âm nhạc, hàng tiếng và hàng tiếng. Chẳng gì khác bên ngoài còn tồn tại được nữa.

Ashkenazy đã chuyển sang Mussorgsky, đã đến cuối bản nhạc, khi nghệ thuật bậc thầy về chạm phím đã kết thúc quá đẹp cho những nốt nhạc rời, khẽ cuối cùng, báo hiệu một màn đêm đang lịm tắt.

Và đến bản nhạc đinh của chương trình: Le Sacre du printemps; tôi cứ tò mò mãi cho đến sau đó giở tờ chương trình ra đọc thì mới hiểu tại sao lại có Igor Stravinsky: đây gần như là nhạc mục được Ashkenazy chuẩn bị cho Tokyo, Hà Nội được ăn ké nên mới có thể có Stravinsky ở đây được.

Thật khó hình dung từ trước Le Sacre du printemps có thể được chơi như thế này: năm 1913, chắc chắn Marcel Proust từng đến nhà hát để nghe (và xem) nó từ rất sớm, thậm chí buổi première (điều này chắc có thể kiểm tra được), khi ấy chắc chắn nó rất sôi động, Daghialev và Nijinsky thời ấy làm mưa làm gió ở Paris.

Còn cha con Ashkenazy đã diễn tấu một Le Sacre du printemps tuyệt đỉnh thanh đạm; kể cả những quái dị đầy đặc tính chủ nghĩa hiện đại (tôi nhớ mình từng vật lộn với Scarlatti trong nỗi sửng sốt bực bội ra sao) cũng không làm cho Ashkenazy để mất đi sự bề thế lạnh lùng; khi Wladimir giữ bè trầm ở đoạn gần kết, tôi thấy như thể đó là một con nhân sư tóc bạc trắng, tay không hề hất lên, người không hề lúc lắc, đến chỗ cao trào như thế mà đầu vẫn không chuyển động ngang, vẫn chỉ một mực có vài cử động dọc.

Con nhân sư ấy, trong bài phỏng vấn, nói rất rõ rằng cuộc đời này bất công lắm.

Đúng thế, tôi tin một người như Ashkenazy hiểu thấu đáo sự bất công này: âm nhạc, trong một thính phòng, vang lên cho rất nhiều người nghe, nhưng sự bình đẳng này không buồn che giấu một sự bất công ghê gớm, vì không có gì mà con người tạo ra lại bất công như âm nhạc: tại sao con người ta có thể tập đàn hai mươi tiếng mỗi ngày trong suốt nhiều chục năm, mà gần như tuyệt đối không một ai đến được mắt cá chân Ashkenazy?

Điều này đã được miêu tả một cách tuyệt vời, sống sượng, điên giận, trong The Loser của Thomas Bernhard, khi câu chuyện liên quan đến một nhân vật quỷ dị khác, Glenn Gould.

1 comment: