Apr 29, 2014
Văn học miền Nam: Y Uyên và Thảo Trường
Y Uyên (tên thật là Uy), sinh năm 1940, viết văn rất sớm, không thoát quân dịch, qua võ bị Thủ Đức, tử trận tại quãng Phan Thiết (Nora)-Bình Thuận vì dính ba viên đạn, quân hàm chuẩn úy (hoặc thiếu úy), khi chưa đầy ba mươi tuổi. Cái chết của Y Uyên được nhiều người coi là rất đen đủi, vì ở thời điểm đó, gần như đã có quyết định chuyển Y Uyên về một nơi khác "an toàn" hơn.
Cuốn sách đầu của Y Uyên gây ra "tranh chấp nho nhỏ" giữa nhà Thời Mới (Võ Phiến) và nhà Giao Điểm (Trần Phong Giao), cuối cùng hai tập của Y Uyên đều in 1966, Tượng đá sườn non ở Thời Mới và Bão khô ở Giao Điểm; mặc dù vậy, các nhà xuất bản đều lỗ khi in tác phẩm Y Uyên. Trên tờ Văn số đặc biệt tưởng niệm Y Uyên, ra năm 1969, vài tháng sau khi Y Uyên tử trận, Trần Phong Giao đã kể lại khá rõ chuyện này.
"Không nỗi ngây ngất nào rực rỡ như nỗi ngây ngất chiến tranh, phía sau có lửa, phía trước có máu của mình" - Y Uyên
"Đời văn của anh khởi đầu cùng lúc với chiến cuộc, tiếp tục song song với chiến cuộc" - Thu Thủy (hẳn là bút danh của Võ Phiến)
Tuy vậy, Y Uyên không hoàn toàn là nhà văn viết về chiến tranh và đời lính, như Phan Nhật Nam. Y Uyên xuất sắc với một lối văn "đạm", ít tình cảm, thản nhiên, rất nhiều chi tiết và u uất, một nhà văn biệt tài viết truyện ngắn. Trong tổng số tác phẩm của Y Uyên, chỉ có một truyện dài, là Ngựa tía.
Ngay ở số Văn tưởng niệm Y Uyên, đã có người so sánh văn của Y Uyên với văn của Thảo Trường (nhất là Người đàn bà mang thai trên kinh Đồng Tháp), một nhà văn đi qua toàn bộ cuộc chiến tranh, mới mất cách đây không lâu.
Trước đây tôi không quan tâm đến Thảo Trường nhiều lắm, mới nhận ra Thảo Trường từng xuất bản rất nhiều tác phẩm, cùng tham gia nỗi hối hả rất đặc biệt của văn chương miền Nam một thời.
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
Lạc vào một trang ghi chép rất có giá trị về kiến thức văn học. Cảm ơn tác giả blog. Nhất định phải tìm đọc.
ReplyDelete