Apr 27, 2009

Sushi Wasabi Bougie Mini

Các nhà văn nữ Nhật Bản được dịch ra tiếng Việt trong thời gian gần đây đã đưa đến một hình tượng văn chương hiếm khi thấy trong tiểu thuyết: hình tượng dịch giả. Người nghèo, người giàu, bác sĩ, luật sư, kẻ si tình, gã phụ bạc, cô nương diễm lệ, và đặc biệt nhà văn, tất thảy đều từng có những cái tên riêng gây lưu luyến cho người đọc bao đời. Nhưng dịch giả, cái kẻ từng bị nhà văn García Marquez gọi là “con khỉ” bắt chước mình, có lẽ không mấy gợi hưng phấn văn chương, cái công việc đều đều tẻ nhạt đặc thù của nghề này, sự cần mẫn thô kệch của nó dường như không thích hợp để tạo ra vòng hào quang thu hút, hay một sự say mê vượt khỏi cái thông thường, hay một sự nhọc nhằn đáng sợ, hay một tầm vóc lớn lao gây choáng ngợp…

Banana Yoshimoto có một nhân vật chính là dịch giả kỳ bí trong N.P, và gần đây hơn Yoko Ogawa cũng làm điều tương tự trong Quán trọ Hoa Diên Vỹ (Lan Hương dịch, Nhã Nam và NXB Văn học). Hoa diên vỹ (Iris) vừa là tên một loài hoa, vừa là tên một nữ thần trong thần thoại Hy Lạp. Dường như ngoài đó ra còn có thêm một dấu ấn thần thoại Hy Lạp khác nữa, ở nhân vật dịch giả - kẻ tự yêu mình Narcissus và nữ thần buồn bã Echo (cô gái trẻ Mari) cứ không ngừng chạy theo chàng Narcissus để si mê trong vô vọng.

Dần dà, đọc văn chương Nhật Bản, ta chợt hiểu ra không chỉ trong ẩm thực người Nhật mới thích cá sống và wasabi, mà ở lĩnh vực nào họ cũng thích những gì xộc thẳng lên mũi làm mụ mị cả đầu óc. Các khái quát về căn tính dân tộc tuy luôn đơn giản và “cliché” đến đáng ngạc nhiên nhưng phần lớn cũng đúng đến đáng ngạc nhiên: khó tìm được người Đức nào không “vuông vắn”, người Pháp nào không hoa lá cành, người Ý nào không nói nhiều, [người Việt nào không nhổ nước bọt ra đường, thích thiên nhiên hơn phòng kín khi giải quyết vấn đề vệ sinh cơ thể] và tiểu thuyết Nhật nào không đậm đặc tình dục kỳ quái. Tình dục trong tác phẩm của những nhà văn như Tanizaki hay Murakami (nhất là Ryu) luôn cay nồng, xộc lên gây choáng váng.

Nhiều người không ăn được wasabi, nhưng khi đã quen thì thường lại rất thích.

Cô gái trẻ ở quán trọ Hoa Diên Vỹ có cơn choáng váng đầu tiên trong truyện (và hẳn cũng là đầu tiên trong đời) vào cái đêm lộn xộn ấy, khi quán trọ của mẹ con cô bỗng ồn ào lên lúc nhân vật người đàn ông trung niên sắp về già dẫn gái bán hoa vào rồi hai bên cãi nhau. Toàn bộ sự lộn xộn bị dập tắt bằng một câu nói duy nhất, phát ra bằng một giọng nói làm rung động cô gái trẻ đến tận sâu xa trong lòng. Đó là “một giọng nói đầy chín chắn”, một “chất giọng tuyệt vời” (tr. 11), nói đúng hơn là một giọng nói ma lực sẽ dẫn dắt cô gái Mari mười bảy tuổi bước vào và đi qua một cuộc phiêu lưu vừa quyến rũ vừa khủng khiếp với dịch giả tuổi trung niên kia.

Từ đầu đến cuối Quán trọ Hoa Diên Vỹ, Yoko Ogawa dẫn dắt người đọc bằng rất nhiều mảnh nhỏ của sự tinh tế. Tinh tế trong những nhận xét, cảm nhận, như khi lần đầu tiên hẹn hò cùng dịch giả, Mari thấy từ ông ta không tỏa ra chút “hương vị gia đình” nào, và như thể là một nhân vật “chẳng liên quan gì đến dòng chảy thời gian” (tr. 44). Sự tinh tế còn đặc biệt nằm trong các chi tiết rất nhỏ mà Ogawa liên tục đưa vào mạch truyện, một cách đầy tự nhiên và duyên dáng: mái tóc của Mari, người đàn bà trùng tên (Iris) với quán trọ, rồi Mari trùng tên với nhân vật chính trong cuốn sách tiếng Nga mà dịch giả đang dịch, sự xuất hiện của người cháu nhân vật dịch giả, và đặc biệt là câu chuyện xảy ra với bà giúp việc. Những chi tiết tâm lý trong một cuộc đối đầu ngầm đầy khốc liệt nhưng không được ai biết tới giữa cô gái trẻ và người đàn bà có thói ăn cắp vặt được Ogawa xếp vào tiểu thuyết như một cách để đẩy các nhân vật đi xa hơn trong các giới hạn nội tâm của mình. Cách miêu tả những sự kiện vặt vãnh nhưng đầy ý nghĩa đó gợi ta nhớ đến hai nhà văn bậc thầy của Ogawa: Tanizaki, mà cô kính trọng, và Paul Auster, mà cô từng gặp và rất ngưỡng mộ, đặc biệt là tiểu thuyết Moon Palace.

Vẫn sự tinh tế ấy được Ogawa thể hiện theo những cách thức hoàn toàn khác trong Nhật ký mang thai hoặc Giáo sư và công thức toán, hai tiểu thuyết khác đã được dịch ra tiếng Việt. Khi nồng ấm thì rất mực nồng ấm và đầy xúc cảm, như ở Giáo sư và công thức toán, nhưng lúc cần lạnh lẽo thì cô cũng có thể đẩy sự ghê sợ và nỗi ám ảnh lên mức độ rất cao, như trong Quán trọ Hoa Diên Vỹ. Wasabi của Ogawa có nồng độ rất mạnh, hiếm khi nó để cho độc giả được bình thản đứng bên ngoài. Quán trọ Hoa Diên Vỹ lôi tuột chúng ta vào một câu chuyện đầy chênh vênh, bắt đầu từ một giọng nói, và kết thúc bằng một âm thanh khác: tiếng rơi xuống nước của nhân vật dịch giả.

Nhị Linh

8 comments:

  1. Xét cho cùng vẫn phải có chút gì đó dính đến "Moon Palace" của Paul Auster mới được...:)) :))

    ReplyDelete
  2. hehe bạn Quách không phải lúc nào cũng cứ xuyên thẳng vào vấn đề như thế chứ :)

    ReplyDelete
  3. Người Đức "vuông vắn" nghĩa là sao hả bạn Nhị Linh hiền dịu đoan trang?

    ReplyDelete
  4. là "carré" đó bạn VWC :) từ này rút từ một cuộc nói chuyện với một bạn

    ReplyDelete
  5. This comment has been removed by the author.

    ReplyDelete
  6. Có bạn gái dịu dàng nào dắt díu anh đọc các anh giai người Mỹ, các anh ý thì có nhiều sách mà chả thể nào đọc tử tế được, mà đời thì dài quá, dài quá...

    ReplyDelete
  7. Khoan khoan... Dịch giả của Hotel Iris không thấy lão dịch giả trong đó là kẻ ái kỷ cho lắm. :D Một người Nhật đã bảo em thế này: "Tình yêu trong Hotel Iris là một tình yêu trong sáng." Ặc ặc...

    "người đàn ông trung niên sắp về già"<--- Lão ấy già rồi, ngót 60 cơ mà.

    :D Dường như cánh dịch giả bị các nhà văn coi xường quá nhể. :D

    ReplyDelete
  8. "Dần dà, đọc văn chương Nhật Bản, ta chợt hiểu ra không chỉ trong ẩm thực người Nhật mới thích cá sống và wasabi...luôn cay nồng, xộc lên gây choáng váng".

    ôi em vừa đọc cái đoạn này vừa cười, đúng thật thế, sao anh lại khái quát về văn chương Nhật có tính chất của wasabi đúng thế nhỉ?

    ReplyDelete