Jul 27, 2009

Chim chổng (mông) lên giời

Trong tiếng Anh, những người như Đan Đông được (đúng hơn là “bị”) gọi là “rệp” (bug): con rệp hút trộm máu các bữa tiệc. Chính vì vậy nhan đề tiếng Anh cuốn tiểu thuyết “Khách không mời” (tác giả: Geling Yan tức Yến Kha Lăng, Lê Quang dịch, Phương Nam và NXB Hội Nhà văn) có tên “The Banquet Bug” (Rệp Tiệc).

Còn trong tiếng Pháp, những người trơ mặt đến đóng giả nhà báo hoặc nhân vật mang lý lịch vượt trội để được tiệc tùng ngon lành và no nê có lúc được gọi là “hirondelle”, nghĩa là “chim nhạn”. Những con chim này không ẩn mình và không chờ chết; không có gì chung giữa những con chim chiến đấu vì cái dạ dày này và những con chim của dòng văn học nhiều nước mắt (Cha Ralph, xén lông cừu và trang phục màu tro của hoa hồng). Ngược lại, đó là những con chim xuất hiện ở những bữa tiệc xa hoa nhất, đụng đũa vào các món ăn cầu kỳ và bí ẩn nhất, thậm chí nhiều khi mặt còn lấp ló trên báo chí. Chúng cũng hoạt động rất tích cực để sống, quẫy đạp trong cõi đời khó nhọc, giống như Đan Đông của nhà văn Yến Kha Lăng, người có độc hai chiếc áo sơ mi nghiêm chỉnh, một màu trắng một xanh da trời, rất lo gây tổn thất cho cà vạt và luôn tự hỏi đến ăn tiệc lén lút như vậy thì sao lại có tội, vì lúc nào cũng “có quá nhiều thức ăn cơ mà”.

Đan Đông thò mỏ vào “mổ” các bữa tiệc cần có truyền thông làm bệ đỡ. Và vì bản chất vốn là “một con rệp thật thà” nên anh ta cũng có đạo đức riêng của mình: “Ăn tiệc là một công việc nghiêm túc và căng thẳng, đòi hỏi đạo đức nghề nghiệp tốt, siêng năng, dũng cảm, vân vân và vân vân” (tr. 17). Nghe rất giống đạo đức của mọi thứ nghề có chỗ đứng đường hoàng dưới mặt trời nào khác. Đạo đức này, trong “Khách không mời” sẽ còn được lồng vào với một đạo đức khác: không hề ngờ trước, Đan Đông dần trở nên giống như đích thực một “nhà báo chân chính”. Những cuộc gặp gỡ không ngờ bên bàn tiệc dẫn anh ta đến với một số con người đau khổ. Đến một lúc, Đan Đông “ngộ” ra được một điều mà ngay cả nhiều nhà báo được cấp thẻ hành nghề cũng chưa bao giờ nghĩ tới: làm báo nghĩa là “tìm những nhân vật thương đau, rồi đào bới những nỗi thống khổ của họ lên” (tr. 360).

Thủ pháp của Yến Kha Lăng không có gì mới mẻ, nhưng cũng chính có thể vì vậy mà nó thuyết phục: đặt sự xa hoa bên cạnh sự bần cùng, sự thờ ơ bên cạnh những xúc động chân thành từ tâm hồn một con người vẫn chưa thoát hết khỏi nguồn gốc nông dân như Đan Đông. Tương phản càng lớn, nhất là giữa những gì đút được thẳng vào mồm (tổng giám đốc Vũ chuyên xây nhà chung cư chất lượng tồi tệ ăn một bữa bằng tiền lương mấy năm của công nhân) khiến sự chua xót hiện lên không gợn một chút nghi ngờ: “Cái xã hội này bệnh hoạn rồi” (tr. 23).

Cũng vì đưa cái thấp kém vào đặt cạnh cái hào nhoáng nên tuy cũng cùng bày ra khung cảnh tồi tệ và xấu xa của nghề báo nhưng Đan Đông của “Khách không mời” không có gì chung với nhân vật lừng danh Georges Duroy của Guy de Maupassant trong “Bel Ami” (Anh bạn điển trai). Duroy lợi dụng nghề báo để tiến thân và đi lên trong xã hội, trong khi Đan Đông lợi dụng danh nghĩa phóng viên chỉ để ăn, rồi đi xuống trong xã hội: từ tư cách một “công nhân dự phòng” trở thành tội phạm, bị công an bắt, nghĩa là lâm vào số kiếp của một “con rệp có thể bị nghiền nát bất cứ lúc nào” (tr. 68).

Cuốn tiểu thuyết này xứng đáng được xếp vào danh mục tác phẩm xuất sắc lấy lưu manh làm chủ đề sáng tác. Danh mục này rất dài trong văn học Trung Quốc (cũng như văn học Việt Nam). Dù được thể hiện theo cách này hay cách khác, được nhìn nhận không giống nhau ở mỗi trường hợp, nhưng văn học Trung Quốc quả thực dày đặc lưu manh, từ các chàng thảo khấu thích bắn cung và đào tường khoét ngạch trong “Thủy Hử” của văn chương cổ điển cho tới kiệt tác “AQ chính truyện” của Lỗ Tấn sau này, rồi cả trong tác phẩm của các nhà văn trẻ hiện nay. Văn học hóa sự lưu manh dường như là một dòng văn chương không thể bỏ qua; mặt khác nó cũng đặc biệt hấp dẫn. Dù thế nào đi nữa, văn học hóa sự lưu manh chắc chắn vẫn tốt hơn nhiều so với lưu manh hóa văn học.

Nhị Linh

26 comments:

  1. Bác ơi thế Ông bạn đẹp hay còn gọi là Anh bạn điển trai (sic) :D là của ai dịch bác có nhớ không ạ? Xa xưa hình như từng có một quyển in loại giấy đau mắt mà lưu lạc phương nào mất tăm, càng không nhớ được dịch giả nữa...

    ReplyDelete
  2. Có một tình trạng xảy ra cho văn học Việt Nam là có rất nhiều người "chôm" tác phẩm ngoại quốc, sửa sửa thành tên Việt, chuyện Việt, rồi để tên của mình.
    Ví dụ đọc Phạm Thị Hoài cảm giác của tôi là bà này chôm chuyện của mấy ông Tây quá đi.
    Bây giờ đọc sơ sơ chuyện kinh dị của mấy bà Di Li, Giao Chi, tôi thấy mấy bà này chắc chắn là chôm chuyện ngọai quốc.
    Bà Hoa kia vụng hơn bà Hoài, bà Li, bà Chi thôi

    ReplyDelete
  3. cái câu cuối công nhận ác ôn. Mà báo số này lại chậm bạn NL ợ.

    ReplyDelete
  4. Tôi lại nghĩ văn học hóa hiện tượng lưu manh mà không khéo thì văn nó cứ chợ búa thế nào ấy. Văn mà cứ như chửi thì cũng chán.

    ReplyDelete
  5. Có ít nhất là hai bản dịch "Bel Ami", nhất thời chịu không nhớ là của những ai, một Sài Gòn ("Anh bạn điển trai" và một Hà Nội ("Người bạn đẹp") thì phải.

    Aristotle: thì không phải vậy mới đáng nói chứ. Ở Mỹ tìm quyển này chắc dễ lắm.

    Anonymous: tôi chẳng thấy có liên quan gì cả.

    ReplyDelete
  6. Chưa đọc quyển này bạn NL ơi, nhưng mà nghe mấy câu trích làm mình liên tưởng tới Lê Thị Liên Hoan ạ.

    ReplyDelete
  7. Xuân tóc đỏ có nằm trong đám lưu manh này không?

    ReplyDelete
  8. chết thật sao các bạn liên tưởng giỏi thế nhỉ, câu trả lời của mình là không ạ

    XTĐ thì lại có ạ

    ReplyDelete
  9. à quên mất một chi tiết kỹ thuật: quyển này nếu tìm ở Việt Nam thì phải tìm theo tên tác giả "Kha Lăng Yến" chứ không phải "Yến Kha Lăng" như tôi viết

    tôi đã tìm hiểu ở chỗ các bạn giỏi tiếng Tàu, sự thực thì anh Lê Quang và Phương Nam đã đặt sai vị trí họ tên của Geling Yan

    ReplyDelete
  10. Tại sao văn học TQ (và ở mức độ ít hơn là văn học VN) lại đầy rẫy các hiện tượng lưu manh. Tôi nghĩ rằng đây là vấn đề về văn hóa, văn hóa TQ và VN có những sự đồng cảm nhất định với hiện tượng lưu manh. Về việc này, Lỗ Tấn cũng đã nhận ra khi ông ghê sợ việc người Trung Quốc khoái chí tôn vinh các hảo hán giang hồ ăn thịt người.

    Trong khi đó, hiện tượng này lại rất hiếm trong văn học phương Tây. Robin Hood tuy là thảo khấu nhưng lại là hiệp sĩ chứ không phải lưu manh.

    ReplyDelete
  11. Anh Nhị Linh check mail người hâm mộ gửi đi. :P

    ReplyDelete
  12. "Ông bạn đẹp" là của Phùng Văn Tửu dịch.

    ReplyDelete
  13. To bao anh dang giu muc la to gi vay?

    ReplyDelete
  14. Robin Hood chưa bao giờ là thảo khấu lẫn hiệp sỹ cả.

    AQ cũng chưa bao giờ là lưu manh.

    Các bác lằng nhằng quá

    ReplyDelete
  15. À, có Khổng Ất Kỷ, Second Linh ơi.

    ReplyDelete
  16. Robin Hood sau chả được phong hiệp sĩ còn gì. Trước đó cũng là thảo khấu outlaw, chặn đường cướp thuế nhà nước, tiền của tu viện không là thảo khấu thì là gì?
    AQ cũng đầu đường xó chợ, theo đuôi mấy thằng lưu manh đi cướp của chùa, tuy bản chất ngờ nghệch nhưng cũng bị lưu manh hóa khi cách mạng nổ ra đấy chứ.

    ReplyDelete
  17. hôm nay vừa đọc được một câu, nghe đâu như là của Nietzsche: không có sự thật, chỉ có diễn giải :)

    ReplyDelete
  18. Lại có vấn đề mới, và vẫn là cái tên "Geling Yan": vừa có bạn thông báo đây chính là "Nghiêm Ca Linh" nổi tiếng, từng cộng tác viết kịch bản cho các đạo diễn Trần Khải Ca, Trương Nghệ Mưu, Lý An. Nghiêm Ca Linh cũng từng được nhắc đến trên báo chí Việt Nam, thậm chí đã có sách in ở Việt Nam (search được ngay trên Internet).

    Không hiểu sao Phương Nam và anh Lê Quang lại phiên thành "Kha Lăng Yến". Tôi cũng cứ yên tâm là phiên đúng nên không check, chỉ hiểu là đặt sai thứ tự tên họ nên sửa lại chi tiết ấy.

    Không kịp sửa trên báo huhu.

    ReplyDelete
  19. Đành rằng Lê Quang dịch không phải từ tiếng Trung (?) nhưng Phương Nam vẫn mạnh về mảng sách tiếng Trung vậy mà sao lại mắc lỗi này nhỉ?

    ReplyDelete
  20. This comment has been removed by the author.

    ReplyDelete
  21. Dù là dịch từ tiếng Anh nhưng đây vẫn là một lỗi nặng. Lẽ nào người dịch lại không gúc trước tên tác giả trước khi dịch?

    ReplyDelete
  22. Cảm ơn bác.
    Trương Nghệ Mưu đang chuyển thể tiểu thuyết Thirteen Girls in Jinling City của Geling Yan thành phim. Một quyển nữa của Geling Yan cũng đã thành phim là Xiu Xiu: The Sent-Down do chính bà tự viết kịch bản. Còn một quyển khác cũng lại được đưa lên màn ảnh Shao nu Siao Yu là do Lý An viết kịch bản cùng với đạo diễn Sylvia Chang.

    ReplyDelete
  23. Chào Goldmun, chào 5x, mọi người công việc tốt cả chứ. Ở đây gặp nhiều người quen quá, he he. :-)

    Nhân thể hỏi Nhị Linh, chị Hoàng Yến là chị nào thế. Trước mình biết 1 chị Yến lấy anh Harry, không biết có phải chị Yến này không???

    Nkd

    ReplyDelete
  24. bác GM em không biết, còn em chẳng biết chị HY nào lấy anh Harry đâu ạ

    ReplyDelete
  25. Trời ạ,hôm nay mới biết chị NKD chào mình ở đây, không đáp lại thật là thất lễ quá. Tự vả vào mồm ba cái. Chị NKD vẫn bàn về thơ ở cái diễn đàn vietphd đấy chứ?:)

    ReplyDelete