Jul 2, 2009

Chống mù lòa

Edgar Morin, ở cuốn sách xuất bản tại Việt Nam lần này, đặc biệt tỏ ra mạnh mẽ với các luận thuyết mang tính chiến đấu cao độ ở địa hạt tư duy con người. Trong Nhập môn tư duy phức hợp (Chu Tiến Ánh, Chu Trung Can dịch, NXB Tri Thức), triết gia nổi tiếng tỏ thái độ gay gắt trước thực trạng của tri thức, thông qua các cụm từ như “trí tuệ mù lòa”, “chủ nghĩa ngu dân”, “lý tính” bị “xuống cấp”, hay “bệnh lý hiện nay của tư duy”.

Sinh năm 1921, Edgar Morin cùng với các triết gia-nhà xã hội học như Alain Touraine, Pierre Bourdieu có tiếng nói uy tín ở nhiều lĩnh vực của khoa học thế giới. Từng tham gia Kháng chiến hồi Thế chiến thứ hai, Morin là một trong những người lập ra tạp chí quan trọng Arguments (Lập luận) năm 1956, từng nhận bằng tiến sĩ danh dự của rất nhiều đại học trên thế giới. Ông được biết đến nhiều nhất với bộ sách Phương pháp (Méthode) khởi thảo từ những năm 1970 (một số tập đã được dịch sang tiếng Việt, nhất là các tập bàn về vấn đề tri thức), và “tư duy phức hợp” (pensée complexe), cũng như có nhiều đóng góp trong lý thuyết thông tin của Claude E. Shannon, nhất là bổ sung theo đó thông tin mang trong nó một thực tại vật lý, tức là thông tin không thể bị tách rời khỏi yếu tố vật lý mang thông tin đó.

Trong Nhập môn tư duy phức hợp, Edgar Morin khẳng định tính tất yếu của tư duy phức hợp trong tư duy khoa học. Về cơ bản, ông chống lối tư duy đơn giản hóa, cổ súy cho một tư duy phức hợp, một “chuẩn thức” về tính phức hợp (thuật ngữ lấy lại từ Cấu trúc các cuộc cách mạng khoa học của Thomas Kuhn) và một “tri thức luận” về tính phức hợp.

Sở dĩ sự đơn giản hóa là không chấp nhận được là vì tri thức luận về tính đơn giản luôn dựa trên phép quy giản và đa số vấn đề, trong triết học và nhất là trong khoa học phương Tây, đều được giải quyết theo kiểu lựa chọn/vứt bỏ, nghĩa là “hoặc là… hoặc là…”, điều này theo Morin là “sự mù quáng của việc phản ánh đơn giản những gì là thực của thực tại” (tr. 3). Trong khi đó, các khoa học hiện đại (Morin chủ yếu nhắc tới vật lý học, điều khiển học và nhất là lý thuyết thông tin) đã chỉ ra sự tồn tại đồng thời của cả trật tự, vô trật tự lẫn tổ chức. Ví dụ dễ thấy nhất là giả thuyết Big Bang: từ hỗn độn của một vụ nổ “nguyên thủy” mà các hình thức trật tự ra đời; hoặc các tổ chức sống cũng vậy, trong khi các bộ phận (ví dụ như phân tử) có độ tin cậy thấp (các phân tử bị thoái biến rất nhanh) thì cái tổng thể lại có độ tin cậy cao (lấy lại ví dụ của John von Neumann về so sánh giữa tổ chức sống và bộ máy được tạo tác – von Neumann là tác giả cuốn sách quan trọng Máy tính và bộ não cũng vừa được NXB Tri Thức ấn hành qua bản dịch của Hà Dương Tường).

Áp dụng điều này vào hoạt động xã hội, có thể thấy rằng sự cắt xén, đơn giản hóa chính là nguyên nhân dẫn tới tính chất què quặt của các tranh luận trí thức, ở mọi nơi và nhất là tại Việt Nam.

Với Morin, “những chân lý sẽ phải chết” (tr. 72) và “thế giới là chính quá trình tự sụp đổ phân rã mà nó tự tổ chức” (tr. 94). Đề xuất của ông là một tư duy dựa trên tính phức hợp với ba nguyên tắc cơ bản: “đối hợp lôgic” (trật tự và vô trật tự là đối thủ của nhau nhưng lại bồi bổ cho nhau); đệ quy tổ chức (cá nhân sinh ra xã hội mà xã hội sinh ra cá nhân); toàn hình (một điểm rất nhỏ bé cũng chứa đựng hầu như toàn bộ thông tin của đối tượng được biểu hiện). Hệ hình, hay “chuẩn thức” mới này không có giá trị giáo điều hay áp đặt, mà giống như một thách thức đối với đầu óc con người.

Sức thuyết phục của Edgar Morin có được một phần từ uy tín khoa học vốn có của ông, một phần từ cách thức đi thẳng vào vấn đề không một chút kiêng dè, nhưng cũng có một phần (nhất là với người đọc Việt Nam) nhờ vào khả năng đưa ra các ví dụ xã hội hết sức phù hợp.

Trong Nhập môn tư duy phức hợp có hai lần Morin lấy ví dụ từ cách tổ chức nhà nước của Liên Xô, vốn gần gũi với người Việt Nam. Ở hai trang 9 và 10, ông chứng minh nguyên lý lựa chọn dữ kiện bằng hệ thống trại tập trung Xô viết (goulag): goulag có thể bị gạt ra ngoài lề của chế độ xã hội chủ nghĩa Xô viết như một hiện tượng tiêu cực phụ và có tính nhất thời, nhưng trái lại cũng có thể coi goulag như hạt nhân trung tâm của hệ thống, làm rõ bản chất toàn trị của hệ thống ấy. Theo Morin, “tùy cách tiến hành tập trung, phân chia giai tầng, chia tách hoặc đồng nhất hóa, mà nhãn quan về Liên Xô có thể hoàn toàn thay đổi” (tr. 10).

Ví dụ thứ hai, từ trang 142 đến 144 Morin lý giải hết sức cặn kẽ về tính chất đồng thời tồn tại của trật tự và vô trật tự qua hình thức tổ chức của nền kinh tế Liên Xô trước năm 1990. Theo tác giả, “chế độ kế hoạch hóa tập trung cực kỳ cứng nhắc, rất chi ly” (tr. 142). Chế độ cứng nhắc như vậy không cho phép nền kinh tế vận hành bình thường, thậm chí là vận hành, nhưng tại sao kinh tế Liên Xô trên thực tế vẫn hoạt động, không những thế còn có thành quả nhất định? Đó là vì ở bên trong tính trật tự của chế độ kế hoạch hóa tập trung đã nhanh chóng hình thành một sự vô trật tự, mà Morin gọi là “vô chính phủ”: cấp cao nhất thì vẫn ra những mệnh lệnh thật nghiêm, nhưng ở dưới là “tràn lan tình trạng vô chính phủ tự phát và mang tính tổ chức” (tr. 143). Con người sống trong kiểu tổ chức như vậy thường xuyên dối trá, tìm mọi cách vắng mặt khỏi công việc chính thức của mình để tìm công việc lặt vặt khác nhằm kiếm thêm cho đủ sống, và để thực hiện đủ các chỉ tiêu do nhà nước ấn định (một cách cứng nhắc), các giám đốc xí nghiệp sẵn sàng điện thoại cho nhau để đổi chác sản phẩm. Chính tính vô trật tự đã “cấu kết” với tính trật tự để vãn hồi cho một sự tồn tại không hợp lý, dĩ nhiên điều này chỉ có thể trong một khoảng thời gian nhất định.

Để hiểu thêm về vấn đề này, gần đây đã có một tác phẩm quan trọng mang tên Về trí thức Nga, nhiều tác giả, La Thành và Phạm Nguyên Trường dịch, NXB Tri Thức. Cuốn sách là tập hợp bài viết của nhiều tác giả giúp ta nhìn sâu vào lịch sử và cách nhìn của giới trí thức Nga. Cái đáng phục hơn cả của tầng lớp này chính là tinh thần phản biện và tinh thần tự phê phán: ta dễ dàng đọc được sự ưu tư của họ về thời cuộc, và cả suy nghĩ thẳng thắn về tính chất “phản tri thức” của nước Nga, sự yếu kém và hèn nhát của chính mình.

Những cái nhìn phản tỉnh như vậy phù hợp với tinh thần chống mù lòa về tri thức của Edgar Morin, khi ông nói đến yêu cầu “tự phê phán” và “tự suy ngẫm” đối với mỗi chúng ta (tr. 66).

------------------

Tôi định đi thêm một khía Morin nữa, những điều chưa nói hết trong bài trước. Tờ báo tôi vẫn cộng tác từ chối đăng. You know why?

6 comments:

  1. Sự đơn giản hoá biểu lộ tính kiêu ngạo trong hoạt động tư duy. Có người nói: "Cái gì không biết coi như không có". Thế cho nó nhanh. Quyển của von Neumann dịch ra bây giờ em thấy hơi hâm hâm, có lẽ mục đích chính là để giải ngu.
    Nhịp độ bài này bác viết hơi gấp gáp thì phải, cứ như đang thở hổn hển, đọc thấy khó chịu. Và viết như thế kia, có chữ "chủ nghĩa ngu dân" thì không được nhận đăng cũng phải thôi :D

    ReplyDelete
  2. ừ cái này là cố tình biased, bị phát hiện ngay :)

    giải ngu cũng tốt, kiêu ngạo cũng chẳng phải toàn bộ xấu, nhũn nhặn nhiều khi như thần kinh hehe

    ReplyDelete
  3. Bần đạo dốt nát, có lẽ phải đi học cái Tư duy phức hợp của ông Morin này thôi. Theo cách suy nghĩ quê mùa của bần đạo, cái gì ta chưa ngộ ra thì cũng phức hợp lắm, lúc ngộ ra rồi thì cũng đơn giản thôi bạn Nhị Linh thân mến ạ. THT

    ReplyDelete
  4. hì bác NBC, em cũng đang thử tìm hiểu mấy cái complexe bên nhà bác :)

    vấn đề có lẽ nằm ở chính chữ "ngộ" đó bác: cũng giống như các khái niệm mà bác nghiên cứu thôi, có những cái phức tạp tít mù nhưng khi được trình bày ra và nắm được vài điểm cốt yếu thì sẽ không còn tít mù nữa. "Tư duy phức hợp" cũng chỉ là một cách đặt tên, nắm được những cái ông ấy muốn nói là quan trọng hơn.

    anw, bác đọc sách đi :) em giới thiệu sách, mục đích dĩ nhiên là dụ người khác đọc :P

    ReplyDelete
  5. Sau khi đọc bài giới thiệu sách của bác Nhị Linh thì tôi lại cảm thấy không cần phải đọc sách. Tôi có cảm tưởng rằng đây lại là một thứ gì đấy kiểu như Lacan từng phán về số phức hay Derrida phán về thuyết tương đối (một trường hợp tương tự của Việt Nam là những bài phát biểu về thuyết tương đối ở hội thảo gì đấy về Einstein mà có những nhân vật như Nguyễn Huệ Chi, Nguyên Ngọc tham gia, Talawas có đăng những bài viết này). Nước Pháp có kha khá hoàng đế cởi truồng nên cũng rất nên thận trọng với những thứ thuộc về triết học Pháp mà lại có dây dưa với những ý tưởng, khái niệm hay lý thuyết của khoa học tự nhiên.

    ReplyDelete
  6. Thế là mất một độc giả tiềm năng rồi.

    Ý bác ĐA nhắc tới vụ Sokal đợt trước? Cá nhân mà nói tôi không thấy có dấu hiệu nào như vậy, tất nhiên không loại trừ việc tôi không nhìn thấy, hoặc sự cởi truồng không phải kiểu này mà là kiểu khác.

    Ý cuối của bác hiển nhiên là đúng nhưng theo tôi không được ổn lắm về lôgic.

    ReplyDelete