Hẳn ý thức được tính chất “không thể xếp hạng” tuyệt đối của của cuốn sách này, nên mặc dù nó được đọc rất nhiều trong hơn năm chục năm qua bởi vô số người thuộc đủ mọi giới, bài báo chính của chuyên đề Claude Lévi-Strauss của “Magazine Littéraire” (tháng Năm 2008) đã tìm cách né tránh vấn đề bằng cách đặt tít “Cuộc phiêu lưu vĩ đại của trí tuệ” và chú trọng miêu tả một nhà khoa học khi tuổi trẻ thực sự không biết phải làm gì với cuộc đời mình. Khi là một cuộc phiêu lưu, thì tập tục hôn nhân ở các xã hội “nguyên thủy”, đời sống trí thức Paris, các dải núi non Nam Mỹ, tất tật đều có thể là những điều bất ngờ vĩnh viễn, làm người ta quên đi, hay lờ đi, những câu hỏi gây bực mình về thể loại hay là gì gì nữa.
Nhưng dù có thế nào, thì vẫn còn một câu hỏi không thể bỏ qua: tại sao nhiệt đới lại buồn? Tại sao lại đem quết một vệt màu lạnh lên một thực thể nếu không phải là nóng bỏng thì cũng là luôn luôn có nguy cơ nồng cháy? Hóa ra là những tươi vui nhiệt tình và sắc màu rộn ràng của lễ hội Rio de Janeiro (thì chính nó đấy, đối tượng quan trọng của “Nhiệt đới buồn”) không thể đại diện cho một hình ảnh về “xứ nhiệt đới”?
Và cái “buồn” của “Nhiệt đới buồn” cũng đặc thù ghê gớm, khiến cho bản dịch tiếng Anh vẫn giữ nguyên nhan đề của nguyên bản tiếng Pháp, “Tristes Tropiques”.
Nếu muốn đẩy suy nghĩ đi đến chỗ tận cùng (đó cũng là điều mà “phiêu lưu” gợi ý cho chúng ta), có lẽ ta nên hiểu Lévi-Strauss phản ứng mạnh mẽ với du ký Tây phương đến thế nào, tới mức cho là kỳ khôi cái chuyện đồng bào của ông cứ mải miết đi tìm kỳ hoa dị thảo độc đáo của Đông phương; và cũng vậy, không thể bỏ qua cái sự buồn cứ vương lại như một nốt ruồi khó ưa trên bìa cuốn sách.
Nhiều người đã tìm cách giải thích, trong đó có một người Đông phương, thuộc về một đất nước không hẳn nhiệt đới nhưng cũng trong một thế giới “khác” so với Tây phương: với nhà văn Thổ Nhĩ Kỳ Orhan Pamuk, cái thành phố Istanbul nằm trên vĩ tuyến 41 của ông gợi lên “nỗi buồn” ở người quan sát Tây phương (cụ thể là Lévi-Strauss) là bởi vì trong cái nhìn của họ trước những hoang phế của nơi đây có lẩn quất một mặc cảm tội lỗi, khiến họ cứ ra sức mà tô vẽ, mà phết sơn lòe loẹt lên cảnh tượng xa lạ mà họ đang chứng kiến.
Trong cuốn “Istanbul” (cũng một hồi ký và cũng đồng thời là khảo cứu, cũng đồng thời là tiểu thuyết thành ra chẳng thuộc về cái gì hết), Pamuk (cũng một người có thiên hướng nghệ thuật và cũng không biết làm gì với cuộc đời mình khi trẻ tuổi) phân biệt nỗi buồn tự bên trong con người Istanbul với nỗi buồn xuất hiện trong cái nhìn của người ngoài. Cũng tương tự như vậy, lẽ dĩ nhiên “Nhiệt đới buồn” có thể hiểu trực nghĩa rằng có những điều buồn bã của nhiệt đới mà nếu nhạy cảm người ta có thể cảm nhận, nhưng quan trọng hơn cả, và ở đây có một sự chuyển dịch hao hao với phép hoán dụ, “Nhiệt đới buồn” còn có nghĩa nỗi buồn nằm trong chính bản thân Lévi-Strauss, người từ xa tới. Điều này được thể hiện một cách chu đáo ở các phần hai và phần ba, nhất là khi nhà nhân chủng học nhận ra tuyệt đại đa số cảnh hoang sơ Nam Mỹ không có lý do từ tính chất nguyên thủy, mà do bị tàn phá, và khi ông ngao ngán với cái nỗi niềm suy nghĩ kỳ khôi của đám trí thức thuộc địa chỉ chăm chăm kiếm lấy mảnh bằng mà chẳng mảy may quan tâm tới khoa học hay tới nhiệt đới của họ.
Vì quá sáng suốt, Lévi-Strauss không sao tự bó hẹp tác phẩm của mình vào một khuôn khổ nào, và cũng chính vì lẽ ấy, ông không thể không nhìn thấy sự buồn của miền nhiệt đới vui.
Nhị Linh
Về cái sự buồn hay gì đó của nhiệt đới, chắc cũng khá là thú vị nếu chư vị tham khảo Diễn văn Nobel của Derek Walcott, cũng đề cập tới cái "nỗi niềm nhiệt đới" ấy, trong tương quan với cái nhìn của các chú xứ lạnh châu Âu, ha ha.
ReplyDeleteĐa tạ bác CD, đây là cái link:
ReplyDeletehttp://vietnamnet.vn/vanhoa/2008/01/763172/
Chúc mừng Nhị Linh đã viết hay trở lại. Nhân dịp kỷ niệm hơn 2000 năm Chúa Giáng Sinh phải không?
ReplyDeleteđọc xong entry này em vẫn chưa hiểu tại sao nhiệt đới lại buồn...hì...quyển này gây tò mò quá, tiện thể hỏi có bác nào ở SG có sách và sẵn sàng cho em mượn hôn?
ReplyDeleteem chỉ mới đọc chương đầu, mà đã buồn lắm rồi.
ReplyDelete"Nhiệt đới buồn" là Nhiệt đới trong một đôi mắt Buồn. Nỗi buồn trong đôi mắt đó là một nỗi buồn mà NL đã tinh tế nhận ra "không thể xếp hạng". Mà kẻ đã không cần được xếp hạng như tác giả N.Đ.B - dĩ nhiên ông ta thưà sức để làm cho mình có thể xếp hạng được lắm chứ - thì không thể dễ daǹg Vui khi một Nhiệt đới đang "bị tàn phá" bởi nhiều thế lực.
ReplyDeleteRất thích các cấu trúc câu anh dùng trong bài này.
ReplyDeleteBài rất thú vị! Nhân đây, xin hỏi bác cái này tí (hỏi thật, chứ không làm khó đâu nhá): Cấu trúc "passive voice" trong ngôn ngữ Âu Tây thì không có gì phải nói, nhưng trong tiếng Việt nó cưng cứng thế nào ấy, thí dụ như "mặc dù nó được đọc rất nhiều trong hơn năm chục năm qua bởi vô số người thuộc đủ mọi giới". Giả sử viết "mặc dù vô số người thuộc đủ mọi giới đã đọc nó rất nhiều trong năm chục năm qua", bác có phiền lòng vì một lý do cụ thể và nhạy cảm nào không? Tôi thấy viết thế tự nhiên hơn là dùng "được ... bởi".
ReplyDeleteBản dịch tiếng Anh, 1973, của John và Doreen Weightman, giữ tên của nguyên bản. Bản dịch tiếng Anh, 1961, của John Russell, có tên là "A World on the Wane" (Một thế giới tàn tạ; Một thế giới suy thoái), không đầy đủ, thiếu các chương 14, 15, 16 và 39.
ReplyDeleteThực ra, quyển sách này là văn chương sáng tác, chứ nhẹ về phần khảo cứu, vì ở mỗi nơi Lévi-Strauss chỉ lưu lại chừng vài tuần, không hiểu thổ ngữ cũng không đủ thời gian hội nhập để cảm nhận sâu sắc về nhân chủng học. Văn chương lai láng, tả cảnh dạt dào, than thở não nùng, ấy là điểm chính. Tuy nhiên, ông ta khéo léo, mở đầu bằng câu "Tôi ghét du hành và các nhà thám hiểm" để đặt độc giả vào cái nhìn về ông (hay về tác phẩm) mà ông muốn, tức là một nhà nhân chủng học (nghiêm túc), chứ không phải là một người đi du lịch (cho vui). Tác giả than "(cảnh) buồn" có lẽ vì cái nhìn tiêu cực của ông về trào lưu của văn hóa, mà trước khi chết ông cũng tuyên bố: "the world in which I am finishing my existence is no longer a world that I like" (thế giới mà trong đó tôi đang kết thúc kiếp nhân sinh này không còn là một thế giới mà tôi ưa thích).
@ Anonymous: Theo tôi, bạn NL và mọi người có thể dùng active lẫn pasisive voice (tiếng Việt đang trên đà phát triển ;-) tùy vào ngữ cảnh, mục đích nhấn mạnh từ nào cuả người viết. Viết tin, văn kiện thì active voice là tốt nhất, nhưng văn chương, nhất là thơ, thì passive voice nghe nhiều khi hấp dẫn lắm chớ, ví dụ: "Khi Jack quay trở lại, hắn hốt hoảng sững sờ, tay lái con tàu giờ đang được điều khiển bởi một tên Da màu Nhiệt đới!"
ReplyDelete"Ý này xin được góp" - ui nghe qua là hổng được rồi, phải không?
"Xin cảm ơn NL vì đã cho đăng còm naỳ" - ui thảm quá.
Vậy thì, xin góp ý này và cảm ơn NL nếu còm được đăng.
Sau buổi dạ tiệc, cô bé tuyên bố, "A good time was had by all!" Tiếng Việt dịch thế nào cho ổn? Đồng ý là người Mỹ họ muốn nhấn mạnh điều "good time", nhưng không có nghĩa là mình cứ xăm xăm chuyển ngữ y hệt. Cho nên, dich kiểu passive voice trong trường hợp này thì nghe rất thảm. ("Ai nấy đều hể hả!" là một cách phát biểu rất Việt Nam, tại sao không dùng?) Còn câu thí dụ của cậu trên kia, tôi có thể viết thế này: "... tay lái con tàu đang do một tên Da màu Nhiệt đới điều khiển!". Tôi không tin là tiếng Việt đang trên đà phát triển theo kiểu... "copy" cấu trúc ngoại ngữ, cứng ngăng ngắc í. Như đã thấy, "good" và "well" trong tiếng Anh, tùy ngữ cảnh nghe không sao, chứ tiếng Việt mà cứ "tốt" với "tốt" thì chẳng ra cái thể thống gì cả. Thí dụ, "học giỏi" chứ chẳng phải "học tốt", "hiểu thấu" hay "hiểu kỹ" chứ chẳng phải "hiểu tốt", "nấu khéo" chứ chẳng phải "nấu tốt", "văn hay" chứ chẳng phải "văn tốt", "vợ đảm" chứ chẳng phải "vợ tốt", "giáo dục con cái chu đáo" chứ chẳng phải "giáo dục con cái tốt", v.v... Có phải mình thiếu chữ đâu nào?
ReplyDelete"I had good meal today. You're such a good cook!" có lẽ nên dịch là "Hôm nay anh được ăn một bữa cơm ngon. Em quả là người nấu bếp khéo!", chứ chẳng phải là "Anh ăn một bữa cơm tốt. Em thật là người nấu tốt!" Thử nói với vợ kiểu "tốt" như thế xem ngày mai cô ấy còn nấu cơm "tốt" cho cậu ăn không nào! :)
ReplyDelete@Anonymous: Bạn à, phải cố tình giữ cái phần quan trọng cuả lời nói, cái chấn động cuả vấn đề vào tận cuối câu, như người ta chỉ bung ra kết thúc vào lúc hạ màn vở kịch: "Một tên Da Vàng Nhiệt đới"! Nó "dính" vào trí nhớ cuả người đọc "trước khi ra về". Còn có ngủ ngon được hay không thì chỉ có trời mới biết, phải không bạn?
ReplyDeleteCũng còn tùy. Dịch sát theo Tây, theo Mỹ chưa phải là hay, cũng chưa phải là gột hết ý của tác giả trong cách nói của người Việt. Dù sao, nó đã là nhộn; hãy vui lòng đón nhận những lời cám ơn của tôi (it has been fun; please accept my thanks). Trí của tôi đã được mở tốt bởi những lời tốt của bạn (my mind has been well opened by your good comments). Nhấn mạnh ở "bạn" sau cùng rồi nhá. :))
ReplyDelete"I was bitten by a dog." "Tôi bị cắn bởi một con chó" và "tôi bị chó cắn". Dịch thế nào thoát hơn? Dĩ nhiên là cách thứ hai. Cũng "bị" đấy, cũng passive đấy, nhưng tự nhiên hơn nhiều. (Thời quá khứ trong tiếng Việt cũng hiểu ngầm luôn. Dĩ nhiên, đau thì vẫn còn đau, nhưng sự cố "bị cắn" đã qua rồi.)
ReplyDeleteNgười Việt thường có lối tư duy ngôn ngữ đường thẳng (argumentation linéaire?) nên thường sử dụng voix active (chủ động), đối nghịch với tính tình của họ là hơi thụ động. Vì thế cho nên chúng ta thường có xu hướng sử dụng nhiều động từ và các hành động được sắp xếp theo trình tự thời gian. Cái gì trước là cho trước (tiền đâu là đầu tiên). Ví như: "Con đi vệ sinh đánh răng rửa mặt ăn cơm rang cho chó ăn rồi soạn sách vở đi học nhé". Joyeux Noel Nhị Linh, Cao Dang, Phung Kien, Thanh Van, Nguyen Huu Hong Minh entre autres.
ReplyDeleteThis comment has been removed by the author.
ReplyDelete"passive"/"active" trong tiếng việt có phải là "ngụy vấn đề" (pseudo-problem) không nhỉ?
ReplyDeletebởi em nghĩ đâu phải cứ thêm "bị", "được" vào là thành câu "passive" và không phải câu nào có "bị"/"được" cũng là "passive".
"hắn té."
"hắn bị té."
"con bé ăn no nê."
"con bé được ăn no nê."
về mặt sắc thái, ta có thể công nhận sự hiện hữu của thể bị động trong tiếng việt. nhưng đem gán cái kiểu cấu trúc "passive" của tiếng nước ngoài (cụ thể là tiếng anh) vào tiếng việt thì không ổn lắm.
"tôi được/ bà con họ mạc giúp đỡ."
"tôi được giúp đỡ/ bởi bà con họ mạc."
Đồng ý với nhận xét về "bị/được". Xin "được phép" góp vài ý kiến (tức là các bác cho phép thì tôi mới nói). :)
ReplyDelete"Hôm qua, hắn trèo lên nóc nhà và hắn té" (một sự cố). "Làm gì mà nó đi cà nhắc thế? - Nó bị té hôm qua đấy ạ." Chữ 'bị' ở đây chỉ định một lý do nào đó.
"Con bé ăn no nê" (một sự cố). Còn câu thứ hai có thể hiểu trong hai cách. "Con bé được phép ăn no nê" (người ta bảo nó cứ tha hồ) hay "Con bé được cho ăn no nê" (người ta bầy món ăn linh đình cho nó). Chữ 'được' ở đây chỉ định một ảnh hưởng nào đó từ bên ngoài. Đôi khi, còn thấy chữ 'phải', như: "Con bé phải ngủ ngoài phòng khách" (vì một lý do nào đó) khác với "Con bé ngủ ngoài phòng khách" (có thể nó ngủ như thế mỗi tối). Hoặc "Tôi đi bộ về nhà" khác với "Tôi đành đi bộ về nhà" (vì chờ mãi không thấy người nhà đến đón).
Vấn đề nêu lên ở đây, lúc ban đầu, là kiểu dịch "Tôi được giúp đỡ bởi bà con họ Mạc" không ổn.
hehe, muôn đời kô bao giờ có một câu "I was bidden by a dog", bạn nào đấy đang học ESL không bao giờ nên dịch dọt gì
ReplyDeleteOf course, try this: "It's a good idea to take medical precautions if you're bitten by a dog." Or this: "I was bitten by a dog about 10 days ago. I had to go to the emergency room because the wounds were deep!"
ReplyDeleteBuồn cười... Biến thể của "bite" là "bitten", chứ chẳng phải "bidden"! Ai đang học ESL?
What is "medical precautions" ???. In English there is no such thing called "Medical Precautions', it's "Medical Prescription". I would never say "I was bitten a dog ..." Only ESL people would say so. I would say: "A Greyhound attacked me 10 days ago... or I have a dog bite on left leg ...
ReplyDeleteCái vụ bị cẩu xực này vui đấy. Cái cách dùng ngôn ngữ nó thể hiện văn hóa của người dùng. Bạn kia dịch từ "Tôi bị chó cắn" thành "I was bitten by a dog". Bạn này dùng "I was attacked by a dog". Người Mỹ không nói "I was bitten by a dog" vì đầu óc Tây Phương hơi bị cụ thể nên khi xử dụng ngôn ngữ họ cũng cụ thể hóa ngôn ngữ, vì vậy khi ta nói "I was bitten by a dog" là họ nghĩ chúng ta nói nguyên cả con người bị cắn. Họ biết là con chó cắn chỉ một nơi nào đó trên đùi, chứ con chó không thể cắn nguyên hết cả người ấy được.
ReplyDeleteTrong khi đầu óc nguời Việt hơi lơ tơ mơ không cụ thể cũng OK. Nên người Việt nói "Tôi bị chó cắn" là nói một cách tổng quát, và yêu cầu người nghe câu này phải hiểu là khi người ta bị chó cắn là bị ở chân ... chăng
chó cắn đâu mà chẳng được, chẳng phải có người bị chó cắn sứt tai sao :))
ReplyDelete"tớ/ bị/ chó cắn" theo em không có cấu trúc tương tự "I/ was/ bitten by a dog".
vì "chó cắn" có thể xem là 1 tổ hợp từ có 1 nghĩa xác định nên khi ta gặp tổ hợp từ này, não ta hiểu ngay nội dung của nó chứ không phân tích thành "chó"--"cắn", "bitten"--"by a dog"
vậy nên "tớ/ bị/ chó cắn." có cấu trúc tương đương với "tớ/ lãnh/ đạn."
còn câu "i was bitten by a dog" rõ ràng vẫn có mà, có điều "bitten by..." thường dc dùng cho nhện, rắn hơn là chó. để biết coi con nào cắn mọi người nên xem animal planet thường xuyên.
sao em thấy có medical precautions mà, với lại medical precautions khác nghĩa Medical Prescription
Lại một mùa nực nắng nóng của xứ nhiệt đới rồi. Anh có thể giới thiệu một số sách đã xuất bản ở Việt Nam mà rất hợp để đọc trong mùa hè được không? Tiêu chí là dày, ôm ấp cả mùa hè được :d
ReplyDeleteôm người í, ôm sách làm gì
ReplyDeleteOạch anh nói chuẩn luôn :o sang tháng thằng ku nhà em ra đời, xác định ở nhà ôm con một tay, một tay ôm sách :d
ReplyDeleteAhaa, its good discussion regarding this article here at
ReplyDeletethis weblog, I have read all that, so at this time me also commenting here.