Bây giờ vẫn có tiếng rao hàng ngoài đường vào ban đêm, bán bánh mì, bán những thứ đồ ăn vặt như sắn luộc khoai luộc. Nhưng rất nhiều đã chuyển sang hình thức rao qua loa, giống như bán báo đợt trước ra rả tin tức đã thu sẵn, giọng thường xuyên có âm sắc Hải Phòng, Hải Dương hay ngoại thành Hà Nội. Đợt vừa rồi kiếm được quyển Người ven thành của Tô Hoài, một bản in rất đẹp, chưa kịp đọc nhưng nghe "ven thành" đã thấy hay rồi, văng vẳng như cái tên quyển sách Ngoại ô của Nguyễn Đình Lạp. Tô Hoài vừa rồi trở thành nhân vật cho Vương Trí Nhàn, bài viết "Tô Hoài nhìn từ một khoảng cách gần" chắc đã nhiều người đọc. Đến cả mấy ông bên CAND cũng đọc thì chắc dân tình ối người đọc rồi hehe. Nhìn vào mấy bản khác nhau, kể cả bản ghi có chỉnh lý, sửa sang, tất tật đều thấy từ "blaser" trong câu nói của Tô Hoài về Vương Trí Nhàn: "Còn Nhàn thì ông blaser quá, tức là chai sạn mất rồi..." Hình như không ai biết ý Tô Hoài muốn nói "blasé" (gần nghĩa với "nonchalant"), ơ hờ, thờ ơ, hờ hững, còn "blaser" chẳng có nghĩa gì cả.
Tiếng động ngoài phố bây giờ chủ yếu là tiếng điện tử. Dạo này còn đỡ, cách đây vài năm mấy cái thiết bị cân đo con người chạy khắp nơi khắp chốn mà "Rất hân hạnh được phục vụ, rất hân hạnh được phục vụ". Nghe nhiều đến phát sốt phát rét, muốn không những cả đời không cân đong đo đếm gì nữa mà còn cả không tắm không cạo râu không thay quần luôn. Xóm nhỏ chợ Tân Định cách đây vài năm, trời nóng chang chang mà mấy cái kem Wall's (chắc buôn bán thất bát giờ biến mất rồi thì phải) cứ liên tục mấy tiếng nhạc gớm ghiếc nghe hao hao "Không có tiền, không có tiền". Lại nhớ đến bản étude của Bach ngày xưa, đồng loạt lũ học trò gọi là "Túi không tiền" vì suốt ba trang chỉ lặp đi lặp lại một âm sắc nghe hao hao như "Túi không tiền". Nghe thật là buồn nhưng thật ra cùng với "Étude brillante" đây là một bản nhạc rất xuất sắc. Có thể làm người ta quên đi cái sự thật là "túi không tiền".
Liếc qua lại Tình yêu kéo dài ba năm (L'Amour dure trois ans) của Frédéric Beigbeder. Vừa mới in xong, bìa trông nâu sồng nhưng cũng có chất. Lại một ví dụ nữa của autofiction. Văn chương Pháp mà, autofictionnel. Nhưng quyển này của Beigbeder không phải là tồi. Quyển Bí ẩn nĩa ba răng, tức chính là Sous les vents de Neptune, chật vật mất năm chương mới vào được chuyện. Đúng kiểu tôi thích: nhà văn lắm mồm nhiều chữ. Tôi thích sự không kìm giữ, những gì hào phóng, sự phân phát quá tay quá liều, rượu không ngừng chảy và lời không ngừng tuôn. Một độc giả văn học chân chính phải đọc những quyển tiểu thuyết thật là dày, những trường giang tiểu thuyết, những đợt sóng vỗ của ngôn từ. Để bù cho những lúc khác. Fred Vargas chuyển hẳn so với Trong những cánh rừng vĩnh cửu, nhưng cái mô hình ấy thì vẫn giữ nguyên. Một tỉnh lẻ nào đó ngoài Paris, phố Saint-Paul nơi Adamsberg có cảm xúc đầu tiên về cái đinh ba? Ở đây là Strasbourg, miền Đông, chứ không phải Normandie ở Tây Bắc như Trong những cánh rừng vĩnh cửu. Một hệ thống biểu tượng chặt chẽ và liên hoàn, dào dạt: không còn là thơ Racine và Corneille như Trong những cánh rừng vĩnh cửu, mà là các vị thần trên đỉnh Olympe. Dĩ nhiên việc không biết Junon là ai không ảnh hưởng mấy đến khả năng hiểu và cảm nhận cuốn sách. Nhưng biết thì vẫn tốt hơn :)
Cấu trúc "không chỉ/không những... mà/mà còn..." là một cấu trúc mới, trước đây người ta dùng phổ biến từ "nhưng" ở vị trí từ "mà". Nguyên nhân rất có thể là sự mô phỏng máy móc từ "mais" (non seulement... mais...).
Bác Nhị Linh thân mến,
ReplyDeleteHôm nay đã khênh về cuốn Comment parler des livres que l’on n’a pas lus?
Để dành đọc dần dần năm dài tháng lạnh – sẵn đi tiệm sách, thấy quyển N’espérez pas vous débarrasser des livres của Jean-Claude Carrière và Umberto Eco khiên luôn…
Đúng là đừng hòng thoát được lưới sách.
Nhiều sách thấy hay quá nhưng đầu óc có hạn… Pierre Bayard có quyển Maupassant, juste avant Freud. Nghe cái tựa thấy hay rồi.
Cám ơn bác Nhị Linh giới thiệu Pierre Bayard.
Cám ơn nữa.
Cấu trúc không những... mà còn..., không chỉ... mà... chẳng mới lắm đâu Dũng. Anh nhớ hồi học lớp Ba (chương trình Việt, trước '75) đã bắt tập làm văn đặt câu theo cấu trúc ấy: Ông ta không chỉ nói ngọng mà còn nói nhịu. Cái "không chỉ... nhưng" là sai văn phạm trầm trọng.
ReplyDeleteLL: ở chỗ bạn đi khiêng sướng nhỉ. Bayard còn có viết về Balzac và nổi tiếng nhất là quyển Qui a tué Roger Ackroyd, chuyên ngành nghiên cứu của ông ấy là psychanalyse.
ReplyDeleteQB: vậy thì vẫn diễn ra song song cả hai quá trình đấy. Nguyễn Văn Trung cho tới 1973, 1974 vẫn "nhưng" và cho tới giờ nhiều nhân vật tai to mặt nhớn vẫn viết như thế.
Hồi bé đi học mà anh viết một câu không chỉ... nhưng thì bị đòn quắn mông. Anh có thấy mấy tai bự mặt béo ấy.
ReplyDeleteĐọc bài về Tô Hoài xong thấy ngán các bác phê bình dễ sợ. Hoa mắt chóng mặt nhức đầu :(
ReplyDeleteNgoai o cua Nguyen Dinh Lap em da doc roi , dang tim Ngo hem , xem vo chong bac Nhon , cai Quyen song di den dau . Noi chung giai doan 30-45 san sinh ra nhieu vi kiet xuat that, tiec la gan day tac pham cua nhung nguoi nay moi duoc pho bien rong rai .
ReplyDeleteỦa, "Ngoại ô" đã in lại rồi hả bạn? NXB nào và năm bao nhiêu thế?
ReplyDeleteÔi cái này nhiều kiến thức quá, toàn lạ lẫm. phải từ từ coi.
ReplyDeleteCảm ơn bác
bác này sao độc tài thế, để cho thiên hạ còm đôi chút cho vui, sao bác cắt cụp hết thía
ReplyDelete"Ngoại ô" tái bản năm 2002, đẹp lắm .
ReplyDelete"Tiếng rao có lúc rời rạc, thứ nọ tiếp thứ kia, ì ộp như tiếng ếch kêu; có lúc chụm vào nhau, pha trộn với nhau làm vang động cả một góc phố. Từng lúc, mỗi trận gió chồm nổi dậy, xoắn xuýt cuốn những dư âm ấy ném lùa vào mọi căn nhà hai bên rẫy phố".
Hà hà , 3 năm trôi qua mới trở lại . Ngoại ô và Ngõ hẻm in cùng một quyển năm 2010 của NXB Văn học . Còn Ngoại ô em đọc cách đây 3 năm xuất bản năm 1997 của NXB Văn hóa thông tin ( hình như là bản đầu tiên sau 1945 ) .
ReplyDelete