+ Cuối năm, thêm một bài bị out báo không cho đăng.
Năm 2009, văn học Việt Nam nếu có sôi động thì cũng chủ yếu là vì một số vụ việc mang lại buồn nhiều hơn vui. Trong một năm có rất ít tác phẩm mới đáng chú ý, thì sự trở lại của những gương mặt thời trước cũng như việc tái bản sách của vài nhà văn trước đây ít được phổ biến tác phẩm thực sự góp phần rất quan trọng cho một đời sống văn chương lành mạnh.
Trước hết là Trần Dần. Trường ca (mà Trần Dần gọi là “hùng ca-lụa”) Đi! Đây Việt Bắc có một hành trình gian khổ đúng như hành trình sáng tạo của tác giả. Sau hơn năm mươi năm, Đi! Đây Việt Bắc mới lần đầu tiên xuất hiện ở dạng nguyên vẹn (Nhã Nam và NXB Hội Nhà văn). Mặc dù đã từng được xuất bản một cách chính thống vào năm 1990 dưới nhan đề Bài thơ Việt Bắc, chương II và chương cuối bài thơ hùng tráng này đến nay mới được trả về chỗ của chúng.
Con đường đi của Đi! Đây Việt Bắc đã được nhà nghiên cứu Lại Nguyên Ân vạch lại kỹ lưỡng ở lời bạt cho cuốn sách. Trích đoạn “Hãy đi mãi” (tức chương cuối) đã in trên báo Văn năm 1957 và nhiều trích đoạn khác in trên một số ấn phẩm sau này, nhưng rõ ràng là với một tác phẩm có tầm vóc như thế này, nếu không có toàn bộ văn bản thì ý nghĩa nghiên cứu sẽ mất đi rất nhiều.
Đã phải chờ đợi lâu lắm rồi người ta mới được đọc những câu thơ nổi tiếng của Trần Dần trong nguyên tác: “Tôi/chửa có khi nào/quên táo bạo/chửa khi nào/quên hát/quên đau/Tôi yêu đất mẹ đây/có cỏ hoa làm chứng/Tôi yêu/chủ nghĩa này/cờ đỏ cãi cho tôi/Nhưng chẳng thể/rúc kèn cũ rích/Vác loa mồm kêu:/“Hiện tại rất thiên đường!”” Câu thơ sau đây như thể tiên đoán trước những ngày khó nhọc sẽ tới với Trần Dần: “Tôi có thể/mặc thây/ngàn tiếng chửi tục tằn/trừ tiếng chửi: “Sống không sáng tạo!””
Vấn đề in trở lại tác phẩm của những nhà văn trước đây ít được phổ biến nên và cần được xem là một công việc bình thường, thậm chí phải làm. Vũ Trọng Phụng từng bị xem là rất có vấn đề, nhưng rồi ông trở thành một trong những niềm tự hào lớn nhất của văn chương Việt Nam không chỉ trong nước mà còn trên thế giới. Cuốn tiểu thuyết Biển và chim bói cá của Bùi Ngọc Tấn mới in đã được tái bản, chứng tỏ sức hút của tài năng bao giờ cũng mạnh mẽ hơn mọi quyết định hành chính. Hy vọng là trong thời gian không xa nữa, tác phẩm xuất sắc nhất của ông, Chuyện kể năm 2000, sẽ được in lại.
Trong năm 2009 còn có mấy cuộc trở lại đầy ý nghĩa nữa. Những ngày cuối năm, trường Đại học Sư phạm đã tổ chức cuộc hội thảo về Nguyễn Mạnh Tường, đưa lại một gương mặt quan trọng của lịch sử trí thức Việt Nam thế kỷ XX còn chưa được nghiên cứu. Một nhân vật khác trước đây mới chỉ xuất hiện thấp thoáng cũng trở thành một dấu ấn lớn của năm vừa rồi: Vũ Đình Long. Tuyển tập kịch Vũ Đình Long (NXB Hội Nhà văn) gồm nhiều vở kịch của tác giả Chén thuốc độc, những tác phẩm trước đây gần như không thể tìm được, dù chưa thật trọn vẹn. Tuy nhiên, cũng cần nói rằng sân khấu mới chỉ là một phần trong các đóng góp của Tân Dân Vũ Đình Long cho văn hóa Việt Nam. Sẽ còn cần các nghiên cứu khác chỉ ra tầm vóc thực thụ của ông trong ngành xuất bản, khi mà trước 1945 Vũ Đình Long đã tạo dựng được cả một đế chế xuất bản chưa từng có, với các ấn bản ngày nay là đối tượng tìm kiếm và mơ ước của các nhà sưu tầm: Tiểu thuyết thứ bảy, Ích hữu, Tao đàn, Phổ thông bán nguyệt san…
Cuối cùng là một sự trở lại kép rất đáng giá cho nghiên cứu lịch sử phê bình văn học Việt Nam: trong cùng một năm, cả hai nhân vật nổi bật nhất của phê bình trước 1945 là Hoài Thanh và Trương Tửu đều làm người đọc bất ngờ. Cuốn sách Hoài Thanh trên báo Tràng An (NXB Hội Nhà văn) là kết quả công việc sưu tầm của nhà nghiên cứu Từ Sơn, đem lại cho bạn đọc ngày nay các bài viết của Hoài Thanh thời kỳ tiền Thi nhân Việt Nam. Những năm 1935, 1936 đó Hoài Thanh có rất nhiều đề tài để viết, không nhiều văn chương, mà chủ yếu là bình luận xã hội, cung cấp thông tin nước ngoài, và thường xuyên phê phán chính quyền bảo hộ, lên tiếng bảo vệ người nghèo. Đây cũng chính là quãng thời gian xảy ra vụ tranh luận “Nghệ thuật vị nghệ thuật - Nghệ thuật vị nhân sinh” nổi tiếng. Theo tôi, với các tài liệu vừa phát hiện được, trong khi chờ đợi thêm các tài liệu mới, cần nhìn nhận lại thực chất cuộc tranh luận ấy, vì ngay tên gọi của nó đã khó nói là chính xác, và rất khó ghép Hoài Thanh vào phạm trù “vị nghệ thuật” được.
Trương Tửu, nhà phê bình đối lập hẳn với Hoài Thanh ở phương pháp và bút pháp, lại gây bất ngờ theo một cách khác: Tuyển tập văn xuôi (NXB Lao động) của Trương Tửu dựng lại một chân dung đầy đặn về nhà văn Trương Tửu, người từng có tác phẩm được các nhà phê bình khác như Vũ Ngọc Phan và Kiều Thanh Quế hết sức khen ngợi. Tuyển tập lần này có tới 12 tác phẩm, có thể gọi là các “xã hội tiểu thuyết” và “tâm lý tiểu thuyết”, trong suốt nhiều năm rất ít người từng được đọc, và sự “trở lại” lần này của Trương Tửu giúp người ta có cái nhìn chính xác hơn về sự nghiệp của ông, một sự nghiệp cũng gian nan không kém sự nghiệp của Trần Dần.
Sao lại không đăng? Vì Trần Dần và Bùi Ngọc Tấn à?
ReplyDeletePS: Nha Trang có sóng thần không?
Vì sao: PS: Nha Trang có sóng thần không?
ReplyDeleteBạn ở NT à? Nếu thế thì rất tiéc, vì tôi vừa ra ngoải về. Hẹn lần sau sẽ gặp nhé...
Bài cuả Nhị Linh tuy ngắn gọn nhưng đầy đủ mọi vấn đề cuả văn học nghệ thuật và tự do sáng tác. Xin chia buồn.
ReplyDeleteEm đọc Hải Triều và thấy băn khoăn về danh hiệu kẻ thắng cuộc trong cuộc bút chiến với HT như lịch sử văn học VN chính thống mô tả .Cũng thật khó nuốt trôi những lý lẽ Hải Triều công kích Phan Khôi , coi cụ Phan không phải người theo chủ nghĩa duy vật .
ReplyDeleteLàm người được như Trần Dần thì thời đại nào cũng khó. CKN2000 thì mình nghĩ phải còn lâu lắm lắm mới được xuất bản ở VN
ReplyDeleteHi my friend! I wish to say that this article is amazing,
ReplyDeletegreat written and come with approximately all vital infos.
I'd like to peer more posts like this .