Mấy đoạn tôi rất thích trong L'Empire des signes (Đế quốc ký hiệu) của Roland Barthes, 1970. Lưu ý là Roland Barthes không phải chuyên gia về Nhật Bản, cũng không có ý định làm chuyên gia về Nhật Bản.
Ngôn ngữ xa lạ
Giấc mơ: biết một thứ ngoại ngữ (kỳ lạ) [chơi chữ: étranger và étrange] nhưng lại không hiểu nó: cảm nhận được ở nó sự khác biệt, mà sự khác biệt ấy lại không bao giờ bị chiêu hồi bởi tính chất giao đãi bề mặt của ngôn ngữ, truyền đạt hay thông dụng; biết được những điều bất khả của ngôn ngữ chúng ta đã được khúc xạ một cách tích cực vào trong một thứ tiếng mới; học được tính hệ thống của cái bất khả hình dung; phá vỡ cái “thực” của chúng ta dưới hiệu ứng của những cách cắt câu khác, những cú pháp khác; phát hiện những vị trí khó tưởng tượng của chủ ngữ trong nói năng, xê dịch tôpô của nó; nói tóm gọn, xuống sâu vào trong cái không thể dịch, cảm thấy từ đó sự rung động dù cho không bao giờ làm giảm nhẹ đi được, cho đến khi trong chúng ta toàn bộ Tây phương chao đảo và ngả nghiêng cả các điều luật ngôn ngữ cha ông đã truyền lại từ đời trước và khiến chúng ta, khi đến lượt, trở thành người cha và sở hữu chủ của một nền văn hóa được lịch sử chuyển hóa thành “tự nhiên”. Chúng ta biết rằng theo một cách nào đó các khái niệm then chốt của triết học dòng Aristote đã bị bó buộc bởi những cấu âm chủ yếu của tiếng Hy Lạp. Ngược lại, sẽ tốt lành biết mấy khi được tự chuyển mình vào một ảo tưởng về những khác biệt không thể giảm trừ mà một ngôn ngữ rất xa xôi có thể gợi ý cho chúng ta theo từng tia ánh sáng một. Những trang viết của Sapir hoặc của Whorf về tiếng Chinook, Nootka, Hopi, của Granet về tiếng Trung Quốc, những lời của một người bạn về tiếng Nhật mở ra một thế giới tiểu thuyết toàn vẹn, cái ý tưởng mới chỉ nằm trong một vài văn bản hiện đại (nhưng trong đó không có tiểu thuyết nào), giúp chúng ta thoáng nhìn thấy một khung cảnh mà lời nói chúng ta (cái lời nói nằm trong quyền sở hữu của chúng ta) dù cố công đến đâu cũng không thể đoán định hay khám phá.
Quả vậy, trong tiếng Nhật, sự tràn lan của các hậu tố mang tính chức năng và tính phức tạp của các yếu tố ghép sau cho thấy rằng chủ ngữ tiến lên trong phát ngôn xuyên qua những đề phòng, những lặp lại, những chậm trễ và những nhấn mạnh mà thành quả cuối cùng (sẽ không thể nói đến một dòng đơn gồm các từ khác nhau) biến chủ ngữ thành một cái vỏ bọc lớn bên trong trống rỗng lời nói, và không phải cái lõi đầy đặn này là thứ dẫn dắt các câu của chúng ta, từ bên ngoài và từ trên cao, khiến cho điều với chúng ta như thể là một sự thái quá về tính chủ quan (người ta nói rằng tiếng Nhật phát ra các ấn tượng chứ không phải là các ghi nhận) lại là một cách thức pha loãng, xuất huyết chủ ngữ vào một ngôn ngữ phân mảnh hóa, tiểu hóa, nhiễu xạ, cứ thế mãi cho đến sự trống rỗng. Hoặc là điều này nữa: cũng như nhiều ngôn ngữ khác, tiếng Nhật phân biệt giữa cái sống động (con người và/hoặc động vật) và cái không sống động, đặc biệt ở các động từ là của nó; thế nhưng các nhân vật hư cấu được đưa vào trong một câu chuyện (kiểu như: ngày xưa có một ông vua) lại mang dấu hiệu của sự không sống động; trong khi mọi môn nghệ thuật của chúng ta đều chạy đứt hơi để ban lệnh cho “cuộc sống”, “hiện thực” của những con người trong tiểu thuyết, thì ngay chính cấu trúc của tiếng Nhật lại đưa về hoặc giữ những người đó mãi trong tính chất sản phẩm của họ, các ký hiệu hoàn toàn bị cắt đứt khỏi bằng chứng ngoại phạm dẫn chiếu: bằng chứng của vật sống động. Hoặc nữa, theo một cách triệt để hơn, vì đó là việc hình dung những gì mà ngôn ngữ của chúng ta không hình dung được: làm thế nào mà chúng ta có thể tưởng tượng một động từ vừa không có chủ ngữ vừa không có thuộc ngữ thế mà lại vẫn là một ngoại động từ, chẳng hạn như một hành động nhận biết không có chủ thể nhận biết và không có đối tượng nhận biết? Tuy vậy chính sự tưởng tượng này là điều chúng ta buộc phải có khi đứng trước dhyana Indu, gốc của ch’an Trung Quốc và zen Nhật Bản, dĩ nhiên không thể dịch thành suy tưởng [méditation] mà không viện dẫn đến chủ thể và chúa: cứ thử đuổi những cái đó đi mà xem, chúng sẽ quay trở lại liền, và ngồi vắt vẻo trên ngôn ngữ của chúng ta. Những hiện tượng ấy, và còn rất nhiều nữa, cho thấy rất rõ rằng thật nực cười khi cứ muốn đặt nghi ngờ về xã hội của chúng ta mà lại không buồn nghĩ tới các giới hạn của thứ ngôn ngữ (quan hệ mang tính công cụ) mà chúng ta phải dùng đến khi muốn phản đối nó: cũng giống như là muốn giết một con sói bằng cách ngồi yên ổn ở trong mõm nó vậy. Các bài tập về một thứ ngữ pháp không bình thường này ít nhất cũng có lợi thế là khiến chúng ta đặt nghi ngờ lên bản thân ý hệ của lời nói chúng ta.
Không lời
Khối xào xạc của một thứ ngôn ngữ xa lạ tạo ra một vòng bảo vệ đầy êm ái, bao bọc lấy người nước ngoài (chỉ cần đó không phải là một đất nước thù địch) trong một tấm màng âm thanh, chặn đứng ở bờ tai anh ta tất cả những sự tha hóa của tiếng mẹ đẻ của anh ta: nguồn gốc, địa lý cũng như tầng lớp xã hội của người nói thứ tiếng kia, trình độ văn hóa, trí thông minh, sở thích, hình ảnh thông qua đó người kia tự xây dựng thành một con người và đòi hỏi bạn phải thừa nhận. Vì vậy, thật là cả một cuộc xả hơi khi ở nước ngoài! Ở đó tôi được bảo vệ chống lại sự ngu dốt, sự thô tục, sự phù phiếm, sự hào nhoáng, quốc tịch, tính chuẩn mực. Thứ ngôn ngữ xa lạ, mà tuy vậy tôi vẫn nắm bắt được nhịp thở, khoảng không gian xúc cảm, nói tóm gọn là ý nghĩa [signifiance] thuần túy, tạo nên xung quanh tôi, trong khi tôi di chuyển, một sự chóng mặt nhè nhẹ, lôi kéo tôi vào sự trống rỗng nhân tạo của nó, chỉ được tạo ra cho một mình tôi: tôi sống trong một cái khe, thoát hoàn toàn khỏi mọi thứ nghĩa đầy đủ. Ở đó anh đã xoay xở thế nào về mặt ngôn ngữ? Ngầm ý: Anh đã làm thế nào để đảm bảo được cái nhu cầu cốt tử về giao tiếp? Hoặc chính xác hơn, lời khẳng định mang tính ý hệ mà lời tra vấn thực tế nói tới: chỉ có giao tiếp trong lời nói.
Thế nhưng hóa ra là tại đất nước này (Nhật Bản), đế chế của các biểu đạt lại mênh mông đến vậy, nó vượt xa lời nói đến mức sự trao đổi các ký hiệu vẫn phong phú, cơ động, tinh tế đến choáng váng dù cho cái tính mờ đục đó của ngôn ngữ, và thậm chí lại chính nhờ tính mờ đục ấy. Lý do nằm ở chỗ tại đó cơ thể tồn tại, bày ra, cử động, chìa ra, không hề có dấu hiệu của chứng hysteria hay tự ái [narcissisme], mà theo một dự án gợi tình thuần túy - dù cho kín đáo một cách tinh tế. Giọng (chúng ta đồng hóa với nó các “quyền” của ngôi ngữ pháp) không phải là thứ giao tiếp (giao tiếp cái gì? tâm hồn của chúng ta - hẳn nhiên là rất đẹp - sự chân thành của chúng ta? uy tín của chúng ta?), mà là toàn bộ cơ thể (đôi mắt, nụ cười, mẩu tóc, cử chỉ, quần áo), cái tạo ra với bạn một kiểu tiếng chim hót líu lo trước đó sự chế ngự hoàn hảo các mã mất hết tính chất thụt lùi, trẻ con. Ấn định giờ một cuộc hẹn (bằng các cử chỉ, tranh vẽ, tên riêng) dĩ nhiên mất đến một giờ đồng hồ, nhưng trong một giờ đó, để có được một thông điệp sẽ bị phá hủy trong giây lát nếu được nói ra (vừa rất cốt yếu lại vừa rất vô bổ), toàn bộ cơ thể của người khác đã được biết đến, nếm náp, đón nhận, và cơ thể đó đã bày ra (không thực sự có mục đích nào) truyện kể của chính nó, văn bản của chính nó.
+ Kỳ quặc thật, ở đây Barthes cũng nói tới động từ "là", nhưng khi viết về Nguyễn Công Trứ, cũng bàn về động từ này, mà tôi không hề nghĩ gì tới Đế quốc ký hiệu cả.
Cuon nay co ban dich chua ha bac?
ReplyDeletekhi vào khấp khởi, khi ra phiền rầu.
ReplyDeletephải thường xuyên tới nhà sách coi cọp thiệt rồi :(
cái này thuộc loại không có đầu ra, vì chẳng mấy ai quan tâm, bác ạ :(
ReplyDeletevậy là có đi mòn mông, ngồi mòn dép cũng khôgn có sách mà đọc rồi :(
ReplyDelete"Trong khi mọi môn nghệ thuật cuả chúngta chạy đứt hơi để ban lệnh cho "cuộc sống", "hiện thực" cuả những con người trong tiểu thuyết, thì ngay chính cấu trúc cuả tiếng Nhật lại đưa về hoặc giữ những người đó mãi trong tính chất sản phẩm cuả họ..."
ReplyDeleteTUYỆT QUÁ. Nhị Linh ơi, bạn haỹ dịch cuốn này đi.
Lâu lâu vào ngó nhà bạn cho tỉnh người hehe Thế này mà mình lại bỏ tiếng Nhật. Thật là!
ReplyDeleteông Roland không phải chuyên gia về Nhật Bản mà phân tích điểm đặc biệt trong văn phạm tiếng Nhật hay quá trời anh ơi (với tiếng nhật thị lực em chắc cũng đạt 7/10 chứ không đến nỗi mù:))
ReplyDelete