Mar 5, 2010

Một cái êm rất xóc

Viết báo chán thật. Ván nào anh cũng ăn gian.
-----------------

Di cảo Trần Dần cho chúng ta biết ông không chỉ viết thơ, mà còn viết văn xuôi (tiểu thuyết, truyện ngắn) và rất nhiều trang nhật ký. Trần Dần còn là một dịch giả, dịch nhiều bài thơ của Bertolt Brecht hay Maiakovski cùng nhiều tiểu thuyết, trong đó một số đã được in, không đề tên dịch giả hoặc đề tên Vũ Văn Kha, Trọng Kha, sau này khi in lại một số tác phẩm đã được đề tên dịch giả Trần Dần. Trong khi chờ đợi kho di cảo này được khai thác trong tương lai, chúng ta có thể quay trở lại với bản “hùng ca-lụa” mang tên Đi! Đây Việt Bắc! mới xuất hiện ở dạng toàn vẹn (Nhã Nam & NXB Hội Nhà văn, 2009).

So với bản in chính thức đầu tiên mang tên Bài thơ Việt Bắc (NXB Hội Nhà văn, 1990), Đi! Đây Việt Bắc! có thêm hai chương (chương 2 và chương 14 tức chương cuối, trước đây từng đăng báo đặt tên là “Hãy đi mãi”). So sánh kỹ hơn, bản 1990 cũng thiếu thêm vài câu so với bản 2009. Tính tổng cộng, bản 1990 thiếu 156 câu trong tổng thể 908 câu của bản 2009. Yếu tố “hùng ca” được Trần Dần khẳng định hai lần: “Ta sống/giữa/bản hùng ca nguy hiểm” (Ch. 1) và “Bản hùng ca/ròng rã/viết/mười năm” (Ch. 12). Bản hùng ca lớn chính là cuộc kháng chiến của dân tộc; sống trong bản hùng ca ấy, con người cá nhân cũng có bản hùng ca riêng của mình. Đi! Đây Việt Bắc! lồng mỗi cá thể người vào bức tranh chung, nó viết về Việt Bắc (“chiếc nôi Việt Bắc/bế bồng ta”) và nó cũng viết về một con người duy nhất: “Người khách đến!/Thuyền lên/bến lạ”; hai “nhân vật thơ” này chung một cuộc chuyển động, vì cả hai chung một tâm thế: “Nhưng hãy đi đi/Những ngày qua/không đáng sống!”.

Cuộc kháng chiến được miêu tả bằng một sự dữ dội hiếm thấy trong thơ ca Việt Nam. So với một tập thơ nổi tiếng đương thời cũng có chủ đề Việt Bắc là tập thơ Việt Bắc của Tố Hữu (in cuối năm 1954, tức là khoảng ba năm trước khi Trần Dần viết xong tập thơ của mình) thì mọi chuyện khác hẳn. Cái trữ tình ở Tố Hữu khiến Xuân Diệu, một trong những người đầu tiên bình luận về tập Việt Bắc, đã thốt lên ngay từ năm 1955 rằng “cả nước Việt Nam đồng lòng” đọc thơ Tố Hữu. Lời nhận xét này không có gì là quá đáng. Về phần Trần Dần, sự dữ dội của ông mãi nhiều năm sau này người ta mới được chiêm ngưỡng, và không phải là độc giả đại chúng chiêm ngưỡng thơ ông: những câu kể chuyện như “Tôi phải kể/chuyện/mùa đông 47 - Hàng chục vạn quân/súng ống/đùng đùng - Vây kín đặc/nước Cộng Hòa mới đẻ…” (Ch. 2), những miêu tả hết sức đặc biệt như “Tôi leo lên/con đường vạc núi/cheo leo - lò bễ mũi/lò bễ tai/cùng thở” (Ch. 9), “Mấy triệu lỗ chân lông/thở dốc” (Ch. 10)… không đặt độc giả trước một bức tranh, mà kéo người ta vào cùng cảm giác của tác giả, và độc giả bị đe dọa sẽ phải choáng ngợp.

Nhưng phần viết về chính bản thân con người Trần Dần mới thực sự kỳ thú trong Đi! Đây Việt Bắc!: ông là người “mất quê hương/từ khi/mới đẻ” (Ch. 5), và trong ông khao khát “đi” đến “phải lòng/muôn hải lý”, vì ông “đói tự do/như/những bến tàu”. Trong cuộc đi cá nhân mình, ông hiểu mình đang đồng hành cùng một lý tưởng: “Hãy tin chắc/rồi ta/xứng đáng - một vòng hoa đỏ nhất/phủ quan tài” (Ch. 14).

Cái gập ghềnh, trúc trắc của thể thơ bậc thang theo hơi hướm Maiakovski là cái gập ghềnh không thể phù hợp hơn để viết về Việt Bắc hùng vĩ, về gian truân nhọc nhằn của một cuộc kháng chiến vĩ đại, cũng như không thể phù hợp hơn với trạng thái tinh thần sôi nổi của Trần Dần đang làm một cuộc dỡ bỏ những gì cũ kỹ để hứng lấy sự mới mẻ trong toàn bộ tính chất hiểm trở và khúc khuỷu của nó.

Gần về mặt hình thức với Maiakovski hay là chủ nghĩa vị lai Nga, nhưng những suy nghĩ của Trần Dần cũng lại rất gần với chủ nghĩa vị lai Ý, ở một thái độ kiên quyết đoạn tuyệt, kiên quyết hướng tới tương lai, đặt tương lai vào trong tầm tay với: “Đi!/Đi!/Đi!/Thế hệ đã qua/khác gì cái chết? - Người ta/rất nên/chế tạo ra tương lai/trên trái đất tí hon này” (Ch. 4). Cũng như Tuyên ngôn vị lai do Marinetti chấp bút năm 1909 hùng hồn tuyên bố “Đứng trên đỉnh cao của thế giới lại một lần nữa chúng tôi tung lời thách thức hỗn hào tới những vì tinh đẩu”, Trần Dần đối xử với mặt trời như một kẻ ngang hàng: “Được một lão mặt trời/làm biếng” (Ch. 4), “Chẳng cách nào/dạy ông trời/cao tít mù kia”, “Nhưng cao tít trên kia/con mắt chột/mặt trời” (Ch. 6)…, ông cũng tạo ra hàng loạt lối nói vô cùng đặc biệt, gắn cái nói năng của thời ông sống với những hiện tượng tự nhiên xa xưa nhất: “Các vì sao/đi họp/cuối năm” (Ch. 11), “Tưởng như/quá khứ hết nhiệm kỳ”, “Cái rét/làm đông/miếng tiết bầu trời!”. Những gì ông nói tới cũng thật hùng tráng, những gì thật lớn lao, thật tổng quát, thật kiệt cùng: “Tôi đói/mọi cái gì/tôi chửa biết - mọi khát khao/hy vọng/loài người” (Ch. 5), “Tôi ghê tởm/mọi cái gì/như nước đọng” (Ch. 8), “Đi!/Cho hết/mọi chiến tranh/trên trái đất!” (Ch. 9), “Hãy phạt gãy/mọi lưỡi lê tối tăm/đày đọa bình minh!” (Ch. 14).

Đến đây chúng ta đã có thể nói kỹ hơn về nhan đề bài viết, theo tôi cũng là điểm độc đáo nhất của tập Đi! Đây Việt Bắc!. Ở “Thay lời nói đầu” đặt ở đầu sách, trích nhật ký Trần Dần 1954, một quan niệm tổng quát về thơ đã được Trần Dần nêu ra như một hướng sáng tạo của riêng ông: ông muốn thơ ông “rất nhịp nhàng, nhưng đó là một cái nhịp nhàng tạo nên bằng những cái gồ ghề, khúc khuỷu, chối tai, rức óc. Nhưng mà những cái đó lại nhịp nhàng. Nghĩa là tất cả những cái xóc họp lại thành cái êm. Một cái êm rất xóc”.

“Một cái êm rất xóc” là một trường hợp rất điển hình của phép nghịch dụ (oxymoron), nghĩa là đặt hai điều trái nghĩa cạnh nhau. Đi! Đây Việt Bắc! bị chi phối bởi ý tưởng về làm thơ này, nên để hiểu nó có lẽ cần đặc biệt quan tâm tới các nghịch lý. Trần Dần cho “những ngày qua” là “không đáng sống”: “Mùa xuân/bị hắt hủi/mùa hạ/bị gạt lừa! - Rét băm chém/quê hương/đày ải - Lưỡi-lê-mưa-dầm/xiên/thấu ngực/sang lưng” (Ch. 4), cho rằng những gì mình đã mất đi là những điều không đáng để tiếc nuối: “Tôi mất/những mùa thu/không én liệng - Mất/mùa xuân/nhạt nhẽo cành đào” (Ch. 5), nhưng ta vẫn đọc thấy một cái gì âu yếm lắm với quá khứ và những trải nghiệm đã qua, cũng như ta vẫn đọc ra nỗi niềm tha thiết với gian khó nguy nan của kháng chiến: “Mười năm/đã/dắt nhau qua/tôi vẫn/nặng bên lòng” (Ch. 4). Liên tục chế giễu mặt trời vùng núi âm u, nhưng niềm vui của Trần Dần như thể chạm tay vào được khi nhìn thấy mặt trời: “Nhưng/bỗng dưng/đúng ngọ/nắng bừng ra - như/một đứa xổng tù/hốt hoảng” (Ch. 7).

Những điều nghịch lý bên trong làm nên một tâm trạng thực sự hiện đại. Con người hiện đại ngoảnh nhìn về quá khứ mà đi tới chứ không quay lưng. Trần Dần thực sự hiện đại ở chỗ ấy, ông có lối di chuyển giống như cách đi của con tôm mà Apollinaire từng miêu tả trong bài “Con tôm” (L’Écrevisse): “Như những con tôm đi/Giật lùi, giật lùi”. Trên quãng đường đó, Trần Dần làm đúng như mấy câu thơ ông đã viết ở gần cuối Đi! Đây Việt Bắc!: “Tôi chẳng thể làm sao/nhút nhát được - Ở trong tôi/còn sức mạnh gì - Chính/là sức/những ai/oan khốc nhất - những ai/đau khổ nhất/địa cầu ta” (Ch. 14).

----------------

NB. Bài này viết xong trước cuộc tọa đàm về Trần Dần hôm thứ Hai vừa rồi, sau buổi đó cũng không sửa chữa một chữ nào. Post bản này lên đây cho mục đích texte intégral.

Liên quan tới bài viết này, những chuyện xảy ra làm tôi bực mình đến mức muốn làm một cái gì đó thật là kinh khủng, thật là bạo liệt, thật là khúc khuỷu. Tôi quyết định bỏ hút thuốc. Bác đằng kia bắt đầu tính giờ đi. Top Chrono.

27 comments:

  1. Câu "Ván nào anh cũng ăn gian" là của NL hay TD?

    Bác nào tính giờ?

    ReplyDelete
  2. Tôi sẽ không yêu Trần Dần đâu
    Vì tình ấy khổ đau oan khốc quá
    Yêu vỡ óc tim cũng không thỏa
    Khối nhọc nhằn tội vạ anh mang

    Những câu thơ trích dẫn của Trần Dần trong bài trên hay quá, tôi đọc cũng muốn làm gì bạo liệt, khúc khuỷu, kinh khủng. So với bạn Nhị Linh thì quyết định của tôi có khi còn khó khăn hơn: bỏ Internet.

    ReplyDelete
  3. Thôi, chúc bạn NL thực hiện quyết định của bạn thành công, tôi rút lui quyết định của mình, tôi không yêu Trần Dần đâu.

    ReplyDelete
  4. @Goldmund:
    Thơ Trần Dần:
    "Nhân loại- tôi không chơi với các anh nữa
    ván nào anh cũng ăn gian."

    ReplyDelete
  5. Nhã Nam sao không tái bản cuốn Thơ Trần Dần nhỉ? Không thấy có ở hiệu sách để mua.

    ReplyDelete
  6. Bài hay quá, ăn gian mà thế này thì cũng nên tiếp tục ăn gian.
    Nhị Linh bỏ hút thuốc được thì sẽ là sự kiện trọng đại đấy ;)

    ReplyDelete
  7. Cảm ơn bạn HY. Vâng, đúng là nghe khẩu khí TD thật. Tưởng bạn NL hôm nay viết ra một câu như TD!:)

    ReplyDelete
  8. "Trần Dần cho “những ngày qua” là “không đáng sống”: “Mùa xuân/bị hắt hủi/mùa hạ/bị gạt lừa! - Rét băm chém/quê hương/đày ải - Lưỡi-lê-mưa-dầm/xiên/thấu ngực/sang lưng”
    báo cắt đọan này làm giảm mất sức nặng của đọan "nhưng ta vẫn đọc thấy một cái gì âu yếm lắm với quá khứ và những trải nghiệm đã qua"
    (mình thích câu này nhất!)
    TTVH số này các bạn mình viết đều hay xuất sắc :))

    ReplyDelete
  9. Ra bạn Nhị Linh cũng hút thuốc ư?

    ReplyDelete
  10. chẳng những hút, mà còn chích nữa

    ReplyDelete
  11. vâng, em có thể làm chứng, bác GM năn nỉ mãi mà NL vẫn rắn, không chích cho phát nào.

    ReplyDelete
  12. Nhị Linh giỏi, có lẽ chỉ kém Nhất Linh (!). Nhưng Nhất Linh chỉ là Nguyễn Tường Tam, rõ ràng số ba họ Nguyễn. Nhị Linh vẫn giỏi.
    Cơ mà Trần Dần là khác biệt. Không Maia, cũng chẳng vị lai Nga, vị lai Ý gì cả. Là lính, bước không cùng nhịp tướng, thì ra ngòai đội hình, hát tiếng thơ của mình. Chấp nhận số phận bi thảm, Trần Dần cố thét lên (bằng tiếng thơ cách tân),như gió thốc một lực đẩy vào lưng bạn đọc, bạn thơ và cả bố tướng của thời đại ông (yêu thơ hay không mặc lòng) đòi thay đổi, đòi thóat khỏi giả trá, u mê và tàn bạo. Trần Dần ôm mộng tướng sóai trên thi đàn mà bất thành. Ông chết luôn từ lúc chưa thực sự lìa đời nhưng đã kịp tạo được cú chớp giật trong văn học sử VN chưa xa về cách Sống-Sáng tác-Chết.
    Tôi đọc thấy Trần Dần như thế, không phục bài giảng của Nhị Linh.
    Xin thứ lỗi!
    LVS

    ReplyDelete
  13. Vầng, TTVH lần này có mặt từ CVD, bác Lâm Hồng, bác Cường Mạnh nên chị So khen là phải!
    Các bác phải thông cảm là Trần Dần có mặt trên TT&VH của Thông tấn xã VN là sự gắng sức cực kỳ của chị em ban CT. Hoan hô chị em TT&VH Cuối tuần nhân ngày phụ nữ VN.
    Người nhà :)

    ReplyDelete
  14. Bác Lại Văn Sâm cũng quan tâm tới thơ như vậy cơ ạ :)

    Bác không phục hay không nhất trí cũng không thành vấn đề, cám ơn đã có tiếng nói.

    Theo cách tôi nhìn cho đến lúc viết "Đi! Đây Việt Bắc!" ở Trần Dần vẫn còn một quán tính từ thời "Tuyên ngôn Dạ Đài": "Chúng tôi - một đoàn thất thố - đã đầu thai nhằm lúc sao mờ. Cho nên buổi chúng tôi xuất hiện, chúng tôi để cho tàn suy giấc mơ của những người thuở trước."

    ReplyDelete
  15. À theo một số người, tất tật bút danh Nhất Linh, Nhị Linh, Tam Linh, Tứ Linh đều là của Nguyễn Tường Tam hết cả.

    ReplyDelete
  16. Nhị Linh ở đây không liên quan gì đến Nhất Linh đâu. Liên quan đến chính nhị linh ấy - double identity:)

    ReplyDelete
  17. Một trong những cái thúi của các bác trong nước viết blog là tính bầy đàn, tính Đảng
    Đi đâu cũng "một lòng theo nhau". Hễ một thằng trong Đảng hô là có các Đồng Chí khác theo nhau hò khoan hò hụi hò dô ta
    Hễ một thằng hải ngoại lọt vô, bị "bề" ngay. Và các đồng chí khác cũng cứ theo đấy mà "bề hội đồng. Lên mấy cái blog trong nước riết rồi chán như đọc báo Thể Thao Văn Hóa, Nhân Dân. Đi đâu cũng gột không hết tính "đồng chí đồng rận" của các bác
    Hải Ngoai Hưng Ca

    ReplyDelete
  18. Em ê ẩm cả phía trước lẫn phía sau rồi, cho nên rằng thì là bây giờ dạn dĩ lắm, bác Hưng Ca ạ. Thuốc hay chích, em cứ thích bấm vào, xem các bác nhất trí mà sướng rên í.

    ReplyDelete
  19. bác sẽ không bị bề, ít nhất là được một lần này :)

    ReplyDelete
  20. Nhị Linh cho tôi giễu nhại chút nhé: "Liên quan tới bài viết này, những chuyện xảy ra làm tôi bực mình MẨY đến mức muốn làm một cái gì đó thật là kinh khủng LONG, thật là bạo liệt GIƯờNG, thật là khúc khuỷu KHềU. Tôi quyết định bỏ hút thuốc la´(đã bị ai đó lén gắn đầu lọc). Bác đằng kia bắt đầu tính giờ RìNH đi." Xin cảm ơn.

    ReplyDelete
  21. Linh: Tin đâu như sét đánh ngang/Nhị Linh đang thuốc chuyển sang bực mình :))

    ReplyDelete
  22. Cảm ơn NL luôn có những entry hay, chắc chắn NhiLinh hay hơn Nhất Linh. Giữa thời buổi này mong có một Nhất Linh cũng qúi lắm rồi, sao còn chê nhỉ. Nếu NL có bỏ thuốc thì hãy "Vứt mẩu thuốc cuối cùng xuống dòng sông" như TTT, đừng quẳng càn vào kho xăng nhé. :-)

    ReplyDelete
  23. Nhị Linh bỏ thuốc đi. Anh bỏ được gần một năm rồi. Cũng là lần thứ năm quyết tâm bỏ thuốc.

    ReplyDelete
  24. Hóa ra hòa thượng THT cũng từng hút thuốc và bỏ thuốc đến 5 lần, hóa ra Nhị Linh cũng hút thuốc. Thế mà lâu nay tớ cứ nghĩ chỉ có cánh "vai u thịt bắp mồ hôi dầu" như tớ mới nghiện chứ.

    ReplyDelete
  25. Hì, bác Phú không nên nhìn người căn cứ vào lý lịch như vậy chứ :))

    ReplyDelete
  26. Đọc đến câu cuối bạo liệt, quên phéng mất cả Trần Dần ở trên. Rõ khỉ... Đi!/Đi!/Đi!/Thuốc lá thuốc lào/bỏ hút thà chết!

    ReplyDelete
  27. Về việc hút thuốc và bỏ hút thuốc cuả NL có lẽ giống Bùi Giáng: “Nhe răng cười trong bóng tối... không bao giờ bắt chuồn chuồn mà cứ bảo rằng mình luôn luôn bắt chuồn chuồn... Không thiết chi đọc [và dịch] sách mà vẫn cặm cụi đọc [và dịch sách] hoài... Chán chường thi ca mà cứ làm [và mơ tưởng] thơ ... Chuốc sầu vạn đại thì bảo rằng ["một cái êm rất xóc"] mua vui cũng được một vài trống canh”....

    ReplyDelete