May 29, 2010

Say sưa đạo văn





Đạo văn thời nào ở Việt Nam cũng là một vấn đề rôm rả. Mỗi thời kỳ lại có một người nổi bật lên như là champion về phát hiện, tố cáo, buộc tội đạo văn. Trước 1945 là Kiều Thanh Quế, Sài Gòn trước 1975 là Thế Phong, còn ngày nay là, chẳng nói các bác cũng biết, Nguyễn Hòa.

Đạo văn đủ mọi kiểu dạng đã được/bị nói quá nhiều rồi. Những cái tên trong lịch sử dính dáng tới mấy cái án đạo văn cũng không ít: Lưu Trọng Lư, Lan Khai etc. Thời Sài Gòn trước 1975 có mấy vụ cũng đình đám. Ở đây tôi nhắc tới hai vụ, vụ thứ nhất có thể gọi là đạo văn xuyên Nam-Bắc, vụ thứ hai thì chỉ có phạm vi trong miền Nam.

Hoàng Trọng Miên in bộ Việt Nam văn học toàn thư tổng cộng hai tập (mặc dù dự định ban đầu rất to tát) khoảng cuối những năm 1950, bộ sách được giải thưởng của nhà nước, có lời tựa của Tam Ích, nghe nói còn có sự "bảo kê" của Nguyễn Đức Quỳnh nữa. Kể từ đó đến nay, rất nhiều người đã nói bộ sách này (tập I, phần về thần thoại) đã đạo văn quyển sách Lược khảo về thần thoại Việt Nam của Nguyễn Đổng Chi in tại miền Bắc năm 1956, bằng một cách nào đó đã "vượt tuyến" vào Nam.

Vụ việc này có thể dễ dàng tìm được thông tin từ Thế Phong, đã đăng trên Internet, hình như là trang newvietart, rất chi tiết; Nguyễn Huệ Chi cũng có lần trả lời phỏng vấn nhắc tới việc đó.

Thế Phong hiện nay vẫn sống ở Sài Gòn, còn Hoàng Trọng Miên hay những người như Phan Kim Thịnh vẫn còn in không ít sách sau này.

Vụ thứ hai không hiểu sao sau này chưa bao giờ tôi thấy có ai nhắc tới, nó liên quan tới các nhà nghiên cứu rất nổi tiếng của Sài Gòn thời ấy: Giáo sư linh mục Thanh Lãng và cặp Nguyễn Tấn Long-Phan Canh.

Khi cho Phong trào Văn hóa in bộ Phê bình văn học thế hệ 1932 (2 tập, năm 1972), Thanh Lãng viết lời tựa mang tên "Tại sao xuất bản?", nói "Sở dĩ có hai quyết định khổ tâm này là vì ba đấng đại văn hóa Nguyễn Tấn Long, Nguyễn Hữu Trọng và Phan Canh cứ đánh cắp tà tà các bài giảng khoa in Ronéo của tôi để đem xuất bản thành sách ký tên mấy đấng".

Nguyễn Tấn Long (rất nhiều khi là cùng Phan Canh) là tác giả mấy bộ sách lớn: Việt Nam thi nhân tiền chiến (sau có thêm một tập phụ tên là Khuynh hướng thi ca tiền chiến), Thi ca bình dânThi nhân Việt Nam thế hệ 1954-1973 gần đây đều đã tái bản trừ bộ cuối cùng (hôm trước bị tiền bối B. chê tủi thân thế, vì tôi miss mất một đời in của bộ Thi ca bình dân).

Đọc các lời tựa của Thanh Lãng lúc nào cũng rất fun và thấy hừng hực, như là lời tựa một quyển sách không nhớ rõ, hình như Thế hệ dấn thân yêu đời hay là Đối kháng Trung Hoa, Thanh Lãng tức tối, bực dọc vì bộ sách trước đó in nhiều lỗi quá.

Cuối tập 2 Phê bình văn học thế hệ 1932 Thanh Lãng cho in "Bài bạt: Tôi đi hầu tòa" thuật lại toàn bộ vụ kiện tụng đạo văn đã diễn ra trước đó. Gọi là "bài bạt" nhưng thực chất dài tới cả trăm trang, vô cùng chi tiết, đúng là phong cách làm hồ sơ của một giáo sư chuyên sưu tầm tài liệu; trong lời tựa bộ Phê bình văn học Thanh Lãng cho biết: "Những tờ báo như tờ tuần báo Loa mà có lẽ cả miền Nam này chỉ có mình tôi có mà tôi phải mua với giá 70.000đ cách đây 10 năm; những tờ báo như tờ tuần báo Phong Hóa, ở miền Nam này chỉ có tôi và Tổng Thư Viện có, tờ báo mà tôi đã phải mua với giá là hơn 250.000đ; những tờ báo như tờ Ích Hữu, tờ Hà-Nội báo mà ở miền Nam này chỉ có mình Giáo sư Phạm văn Diêu có mà ông đã cho tôi mượn để trích tuyển. Tất cả các tờ báo này, tôi đã phân tích tỉ mỉ, ghi nhận xem có bao nhiêu biên tập viên, đường lối, chính sách của mỗi tờ báo, rồi trích tuyển các bài cần trích để cống hiến cho người sinh viên những tài liệu mà với phương diện riêng của họ, họ không thể nào có trong tay các tài liệu đó".

Không rõ bộ sưu tập của Thanh Lãng giờ ở đâu rồi.

Phê bình văn học thế hệ 1932 có toàn văn trên mạng đấy, các bác khỏi phải mượn tôi nhé :)

Nhưng vẫn còn một điều nữa cần nói về đạo văn: đạo văn không chỉ là sự ăn cắp, còn có khía cạnh tạo sinh, khía cạnh sáng tạo của đạo văn, tức là đạo văn như một thủ pháp. Đây là một vấn đề về lý thuyết, khi nào có thời gian thì nói sau, các bác muốn tìm hiểu thì có thể tìm theo key word Genette.

ơ ảnh nó cứ xoay đi đâu thế nhỉ :d

10 comments:

  1. Cảm ơn bác NL đã chỉ cho biết vụ cuốn Phê Bình của ông Thanh Lãng.

    ReplyDelete
  2. @ HTM đạo văn:
    Còn một tích nữa, là, HTM là người của Bắc Bộ Phủ, và được BBP gửi bản gốc của Đổng Chi, rồi từ đó làm ra bộ Văn Học Toàn Thư, được giải thưởng của Miền Nam, như vậy có nghĩa Diệm trao giải thưởng nhà văn phe ta.
    Sau 1975 HTM viết Đệ Nhất Phu Nhân là cũng trong chủ trương của Đảng cả đấy!
    Chán quá!
    NQT

    ReplyDelete
  3. "Sau 1975 HTM viết Đệ Nhất Phu Nhân là cũng trong chủ trương của Đảng cả đấy!"?
    Hình như không phải anh ạ, sau biến cố 1963 chứ không phải sau biến cố 1975. Cuốn tiểu thuyết in báo nhiều kỳ rồi mới in thành sách.
    T. T. C. T.

    ReplyDelete
  4. @ TTCD
    Tks
    Tôi nhớ lộn. NQT

    ReplyDelete
  5. Còn vụ Hồ Anh Thái đạo một đoạn trong Dibs in Search of Self. của Virginia M. Auxline thì sao?

    ReplyDelete
  6. cái gì xấu xa cũng là Bắc Kỳ hết nhỉ, Bắc Kỳ ăn cá rô phi :d

    vụ HAT tôi không biết, nhìn chung tôi không phải chuyên gia phát hiện đạo văn

    ReplyDelete
  7. Phạm Thị Hòai vô địch đạo văn, quyển Thiên Sứ là một thí dụ. Ai cũng tưởng PTH viết quyển này nhưng thực là là chôm từ quyển Cái Trống Thiếc "the Tin Drum" của Gunter Grass
    PTH sửa lại hay quá, ai cũng tưởng bà viết quyển này, khen rốt rít

    ReplyDelete
  8. @ Cái gì xấu xa
    Chán thật.
    NQT

    ReplyDelete
  9. bác gì ở trên chắc không phân biệt được pastiche, parodie với cả plagiat nhỉ

    "Ulysses" của Joyce có phải là đạo văn không?

    ở Việt Nam, có nên coi Lê Quý Đôn là một tay đạo văn siêu hạng không?

    và cuộc tranh luận xung quanh "tính khoa học" của Trần Đình Hượu đợt trước thật ra có make sense được tí nào không?

    ReplyDelete
  10. Sau ngày giải phóng miền Nam, còn có vô số vụ sửa chữa đôi chút các trước tác của Sài Gòn rồi gắn tên họ mình vào in sách xuất bản nữa đó.

    ReplyDelete