Dec 25, 2012

Buồn chán

Tôi ngại những lời tự khai của nhà văn, họa sĩ hay nhạc sĩ, kể cả khi được hỏi lẫn lúc chẳng ai buồn hỏi, phát biểu rằng họ sáng tác “bằng cả tấm lòng”. Giật gân như thế dễ gây tủi thân cho những ai tự xét thấy mình chỉ làm “các thứ” bằng một nửa, hoặc một phần tư, thậm chí chỉ một mẩu nhỏ của tấm lòng.

Tôi cũng ngại những đánh giá về một ai đó, bảo rằng người ấy làm một công việc gì đó với rất nhiều “tâm huyết”. Lưu lượng máu qua tim hẳn lớn (hết đợt này lại tới đợt khác) nên có những người lúc nào cũng tâm huyết, muôn thuở ở trong một sự bừng bừng khí thế nóng bỏng và gay cấn. Đến chiến sĩ ra trận đêm xuống còn lạnh xìu đi, nhưng nhiều nhà sáng tạo gây cảm giác lúc nào cũng giống y như một lò lửa lớn.

Niềm hân hoan tưng bừng từng tràn ngập môi trường sáng tạo ở nhiều nơi trong nhiều thời kỳ, những lúc như vậy nhiều người nghĩ rằng miễn có một tầm lòng, một bầu nhiệt huyết rừng rực thì ắt sẽ sản sinh ra đủ mọi giá trị tầm vóc nhân loại và địa cầu, vĩnh viễn tồn tại đến mai hậu.

Tôi lại càng ngại khi nhìn vào lịch sử, dòng văn chương hay được người đời phóng túng gọi là “tả phái” hay cấp tiến, dấu chứng nhận cho lương tri của nhân loại tiến bộ, dòng văn chương đó hóa ra lại thật nhiều tính chất “thời vụ”, một mùa chưa qua đã phai hết cả hương vị, chủ yếu có tác dụng kích thích tinh thần giới trẻ (thường là theo một số hướng khá nguy hiểm) rồi gây khó dễ cho công cuộc kiểm kê sau này của chuyên gia văn học sử. Trong khi ấy, không ít tác phẩm lúc mới chào đời bị coi là đứa trẻ sơ sinh nguy hiểm, mối đe dọa của cả thế hệ, về sau lại cứ dai dẳng ánh lên một sắc đen độc đáo không thể ngăn chặn nổi. Céline là một nhà văn “hữu phái” đích thực, tác phẩm thì toàn những đen tối, xấu xa, thậm chí nhầy nhụa (“Hành trình đến tận cùng đêm tối” và nhiều nữa), nhưng rồi gần trọn thế kỷ qua đi, người thời chúng ta đọc văn chương của thời ấy (giờ đã được gọi là “cổ điển”) cứ nhất định phải tìm đến Céline chứ không phải những cuốn tiểu thuyết phấn khởi truyền tin tưởng vào một tương lai huy hoàng.

Và dẫu có thế, người thời nào cũng vậy, như một phản ứng tức thì, tuyên dương đen tối quá khứ nhưng lại ngoảnh lưng trước những bí hiểm hiện tại. Nhà văn nào lỡ mang một tinh thần nghịch dị đích thực cầm chắc được hưởng số phận “bị nguyền rủa” (khái niệm này được nhà thơ Paul Verlaine nghĩ ra nhằm trỏ những nhà sáng tạo bị đương thời coi rẻ, như bản thân ông và Arthur Rimbaud). Lịch sử trông thì thông thống vậy thôi nhưng thật ra lại là thứ dạy được ít bài học cho con người nhất.

Thật là một điều có ý nghĩa rất lớn khi mà con người đứng ở ngọn nguồn của tính hiện đại trong nghệ thuật, nhà thơ Baudelaire, lại kết tinh hóa thiên tài thơ ca của mình bằng một sự đen tối thăm thẳm: tập thơ “Hoa ác”. Không những thế, Baudelaire còn đi ngược lại mọi trào lưu thịnh hành lúc bấy giờ bằng việc đặt vào trọng điểm tâm thế mình cái khái niệm rất đáng bị nghi ngờ và quả thật đã bị nghi ngờ rất dai dẳng: khái niệm “spleen”.

Đó là một trạng thái tinh thần rất không nên có ở bất kỳ con người bình thường nào. Nó là nỗi sầu, là buồn chán, là uể oải, là nản chí, là bất cứ thứ gì trái ngược với tinh thần của “bằng cả tấm lòng” và “tâm huyết”. Nỗi buồn chán đó lại còn tệ hại hơn nữa bởi nó không có nguyên nhân, thành ra vô phương cứu chữa. Nó lả lướt trễ nải như một người đàn bà kiểu “femme fatale” bên cạnh một số khái niệm cận kề như “melancholia”, từng một thời bị coi là căn bệnh của tâm trí, cạnh nỗi buồn của nhiều dạng thức mà nhiều nhà sáng tạo lớn từng trải nghiệm, mà một số ví dụ là: cái buồn buồn của Claude Lévi-Strauss trong “Tristes Tropiques” (Nhiệt đới buồn) hay cái “hüzün” bàng bạc trong tác phẩm “Istanbul” của Orhan Pamuk; nhà tâm phân học nổi tiếng Julia Kristeva từng tạo ra một khái niệm lân cận, “mặt trời đen”, và trong cảm nhận của nhiều người thời xưa, chứng này có gì đó liên quan đến sao Thổ (Saturn).

Tính cố gắng nghĩ ra một câu kết hay ho cho bài viết này nhưng cơn buồn chán rực rỡ nổi lên, nên tôi để ngỏ nó như vậy.
Nhị Linh

9 comments:

  1. Em thì thấy mỗi bài của bác Nhị Linh trên blog này đều viết "bằng cả tấm lòng" và vô cùng "tâm huyết". :)) :))

    ReplyDelete
  2. Hehe NL thân mến, trong "Nhiệt đới buồn" thì ông C.Lévi-Strauss không "buồn buồn" đâu nhé. Ông ta buồn thật, nản luôn nhưng không than khóc mà trái lại, thỉnh thỏang điểm xuyết vài nụ cười nhẹ nhàng tự tại. Không kêu gọi, không dạy đời, không lên án cụ thể gì cả nhưng thấy rõ sự hòai nghi và có phần tuyệt vọng trước cách tổ chức xã hội, cách chung sống dẫm đạp tàn phá được che đậy bằng cái gọi là văn minh, cái phát triển thực ra chỉ là thay đổi...

    Mình đọc thấy ông ta như vậy.

    ReplyDelete
  3. buồn từ vực thẳm buồn lên
    đến được nửa vực thì thêm chút sầu :p

    ReplyDelete
  4. Người ta buồn chán khi quan sát thôi, còn khi thực hiện, hành động... chỉ có 1 khái niệm "năng lực đến đâu". Tấm lòng với lại tâm huyết là các khái niệm mơ hồ sinh ra để khỏa lấp cho năng lực rất hạn chế :P

    ReplyDelete
  5. Cái kết của bài "Buồn chán" hay quá .
    Đúng là "cơn buồn chán rực rỡ".
    Chúc an lành !

    ReplyDelete
  6. Anh Dũng à! Cho em hỏi:nếu em đã hơn 24 tuổi thì có được thi vào khoa Triết của trường Ecole Normale Superieure không ạ,nếu được thì em phải ôn tập những gì ạ? Mong anh bớt chút thì giờ trả lời giùm em,em xin trân thành cảm ơn!

    ReplyDelete
  7. Nếu quy định vẫn giữ nguyên như xưa thì có lẽ là không (tuổi tối đa để được dự thi Sélection Internationale là 23), nhưng trường vẫn xét một số trường hợp đặc biệt. Cần cụ thể gì thì trong hồ sơ ghi rất rõ. Chúc may mắn.

    ReplyDelete
  8. Trong một khắc đúng là "buồn nản rực rỡ" đấy thể nào lại sa chân vào đây...Ngây ngất quá, hết cả nản với buồn luôn! Xin đa tạ tác giả ^^

    ReplyDelete
  9. vui vẻ nhé, buồn nản làm quái gì

    à mà bác có định hậu tạ tôi cái gì không? :p

    ReplyDelete