Dec 17, 2012

Tên của đóa hồng

Cách đây nhiều năm, tôi đọc Tên của đóa hồng, đọc truyện. Giờ, tôi lại đọc Tên của đóa hồng, đọc sách. Hehe, vào đề thế cho nó oách thôi chứ thật ra giữa hai chuyện đâu có gì khác nhau mấy.

Đọc lần này là để kiểm chứng một điểm tôi đã mơ hồ nhận thấy: tương ứng của Kim Dung bên Tây là Umberto Eco (tôi chả ham gì cái món Đông Tây y biện biệt hay Đông Tây y kết hợp chủ toàn với cả chủ biệt, nhưng có những cái nhìn ra được, quan trọng hơn là nói ra được).

Vầng, Umberto Eco chính là Kim Dung. Và Umberto Eco rất pop; ý tưởng này tôi nghĩ đến một cách độc lập trong khi đặt ra so sánh Eco-KD, chứ ai lại đi “thuổng” của các đồng nghiệp ngang hàng như Assouline, Orthofer hay Esposito, dân chuyên nghiệp ai làm thế :p

Cả Eco lẫn Kim Dung đều tích cực xoáy sâu vào thiện và ác, chính và tà, đều cực kỳ hứng thú và truyền cảm hứng cực lớn về cách nhìn vào “chính tà” và “ngụy quân tử”, cao thủ và thường nhân, cao quý và thấp hèn: “ngày nay các tu sĩ thích ngắm nhìn những hình tượng trên cột cẩm thạch hơn đọc sách và ngưỡng mộ công trình của con người hơn là trầm tư về luật của Chúa”.

Khác biệt chính giữa Eco và Kim Dung là Kim Dung ngoài Tiếu ngạo giang hồ thì còn có Thiên Long bát bộ, Lộc đỉnh ký hay Tuyết sơn Phi Hồ, ký tên bằng tài năng ngạo nghễ xuất chúng. Eco thì sau Tên của đóa hồng, mô hình thì thành thục nhưng thi triển nội công thì yếu ớt, phí mất cái công phu tựu thành ngay từ buổi đầu. 

Tên của đóa hồng có thể được tóm tắt trong câu nói này của nhân vật Benno: “Chúng tôi hiến cuộc đời cho sách vở. Một sứ mạng tuyệt vời trong thế giới đầy hỗn loạn và suy tàn này”. Cuốn tiểu thuyết nói về sức mạnh và quyền lực của sách vở và kiến thức, đồng thời (rất nhị nguyên luận) đi vào mặt tối của tri thức và luận về cách sử dụng tri thức:

“Ba hoa quá có thể là tội, mà kín tiếng quá cũng vậy. Tôi không nghĩ cần phải che giấu những nguồn kiến thức. Ngược lại, theo tôi đấy là một điều rất xấu xa. Vì chúng là những bí ẩn có thể đưa tới cả điều tốt lẫn xấu, nên theo tôi nghĩ học giả có quyền và nghĩa vụ dùng một ngôn ngữ tối nghĩa, chỉ các đồng nghiệp mới hiểu nổi. Cuộc đời dành cho học giả lắm gian truân, phân biệt thiện ác cũng thật khó. Mà các học giả thời đại chúng ta thường chỉ là những người lùn đứng trên vai những người lùn.”

Câu trên đây nằm gần cuối sách, lời của nhân vật thám tử thầy dòng vô cùng hấp dẫn, William xứ Baskerville (cái tên này ngay lập tức làm ta liên tưởng đến “con chó săn của dòng họ Baskerville” và Conan Doyle). Huynh William là học trò của Roger Bacon, bạn của William xứ Occam (Occam’s razor), hiện thân tuyệt vời của sự chập chờn chính-tà, là tà đạo một cách rực rỡ, đi ngược lại mọi khuyên nhủ về sự khắc kỷ tinh thần của Cơ Đốc giáo.

Nhìn chung quyển này thì ai có chút mê văn chương đều đã đọc, thậm chí nằm lòng nhiều yếu tố, nên khỏi cần nói nhiều. Trong đó có luận bàn của Eco, giờ đã rất phổ biến, về tiếng cười:

Khi lão thầy tu mù Jorge xuất hiện: Verba vana aut risui apta non loqui: Không nói những lời rỗng tuếch hoặc gây cười.

“[T]ên Phản Chúa đã thật sự sắp đến rồi, vì chẳng kiến thức nào ngăn cản được hắn nữa […] Tên Phản Chúa có thể sinh ra từ chính lòng mộ đạo, từ lòng yêu Chúa hay chân lý quá mức, cũng như kẻ tà đạo sinh ra từ bậc thánh và kẻ bị ám ảnh từ nhà tiên tri vậy. Hãy sợ các nhà tiên tri, Adso ạ, và những kẻ sẵn sàng chết vì chân lý, vì theo thông lệ họ làm nhiều người khác chết theo, thường là chết trước, có khi chết thay họ” (William).

“Có lẽ sứ mạng của những ai yêu nhân loại là làm cho con người cười nhạo chân lý, là làm chân lý bật cười, vì chân lý duy nhất là học cách giải thoát chúng ta khỏi sự điên cuồng đam mê chân lý […] tự do của Chúa lại chính là bản án mà chúng ta phải hứng chịu, hay ít ra là bản án cho sự ngạo mạn của chúng ta” (William).

7 comments:

  1. Hông hiểu ý nghĩa của tựa sách của ông Eco :)

    ReplyDelete
    Replies
    1. đúng đến câu cuối cùng mới hiểu tại sao lại có cái nhan đề ấy

      Delete
  2. Bản dịch mới cuốn này sắp ra hả bạn?

    ReplyDelete
  3. Bạn ơi, như cuốn Queen Loana thì "chính tà" ở đâu? Tớ thấy xuyên suốt truyện của Eco toàn là các references ẩn, Eco mượn context của truyện để kể và kết nối các loại references. Còn Kim Dung thì mượn references làm context cho câu chuyện, cái gì cũng giải thích rất rõ ràng đơn giản chẳng có bí ẩn gì cả.

    ReplyDelete
    Replies
    1. hỏi hiểm thế

      nhưng cuối cùng thì truyện KD lại rất bí ẩn còn truyện Eco không khéo lại chẳng thấy bí ẩn gì

      Eco cũng rất giỏi dùng reference làm context đấy chứ nhỉ

      Delete
  4. Anh Nhị Linh trích từ bản dịch của Đặng Thu Hương là 1 bản dịch rất có vấn đề, tôi e rằng không hợp để bình luận. Bắt đầu từ mở đầu bà dịch sai rất nhiều mà toàn cái sai quan trọng. Điều này tôi thấy từ 4 năm trước khi so với bản tiếng Ý

    ReplyDelete