Jun 9, 2013

Ghi chép vụn vặt về Tên của đóa hồng


Động chạm đến các “magnum opus” trong nền văn hóa phương Tây không phải chuyện đơn giản, vì để trở thành một “great work” ở đó, tác phẩm phải chứa đựng trong nó cả một lịch sử cộng với một cách diễn giải độc đáo mà để nhìn nhận được cần rất rất nhiều thứ. Tên của đóa hồng không hề dễ dàng, chẳng phải vì nó có cốt truyện lắt léo, bày ra một mê cung (mê cung là món rất được một số nhà văn cự phách của thế giới phương Tây ưa thích, tiêu biểu hơn cả là Borges).

Trước hết: tại sao lại có cái đề tài gắn chặt với Chúa và tôn giáo này?

George Steiner, một người có kích thước tôn giáo đáng kể, từng chỉ ra rằng con người phương Tây mang một "nostalgia for the absolute" (hoài nhớ cái tuyệt đối), hậu quả từ sự xói mòn dần dà nhưng mãnh liệt của tôn giáo có tổ chức (organized religion) và thần học hệ thống (systematic theology). Steiner đặt câu hỏi: "does the truth have a future?" (liệu chân lý có tương lai không) rất chi là mệt mỏi bởi vì niềm tin chân lý nằm chính ở nền tảng của tinh thần phương Tây: "The truth shall make you free" (John, 8, 32).

Trong hệ thống luận điểm của Steiner còn có điểm đặc biệt: Steiner cho rằng trong con người phương Tây lẩn quất "the part of Asia", một mảnh tàn dư nào đó của châu Á [bán khai], điều này kéo Steiner lại gần học thuyết của Mircea Eliade, khi luận về Thiêng (Sacred) và Phàm (Profane), cho rằng ở con người hiện đại, bên trong nó, có cái phần ta gọi là homo religiosus (con người tôn giáo), cái kẻ sống trong một hệ thống nghi thức, mỗi nghi thức thật ra đều là một tái tạo khởi sinh của vũ trụ.

Nhận xét đầy châm biếm của Steiner: "The truth, I believe, does have a future; whether man does is much less clear. But I cannot help having a hunch as to which of the two is the more important".

Biết mối “nostalgia” cho một nỗi niềm “absolute”, kính Chúa tin đạo sống theo hiến pháp nhà thờ, thì sẽ hiểu tại sao dân Tây dành một vị trí trang trọng rất là vòng nguyệt quế thắt nơ cho văn chương động chạm vuốt ve tôn giáo, kể cả khi các tác phẩm công kích, nói xấu hay mỉa mai, châm biếm tôn giáo, nhằm bù đắp nỗi thiếu thốn bí tích và những gì lớn lao kỳ vĩ tầm vóc vũ trụ giờ bị tiêu biến.

Thế nên đã có Dan Brown, tác phẩm bán rất chạy, mới nhất là Inferno, một khái niệm then chốt trong Thần khúc của Dante.

(Dante là nhân vật hết sức quan trọng để nắm được cách vận hành của tri thức thời xưa)

Nhưng giáo hoàng của cõi văn chương này là Umberto Eco, và Kinh Thánh (ngộ đạo châm biếm) của nó là Tên của đóa hồng. Đương nhiên, để đẩy sự kỳ bí lên mức tối đa, một chuyên gia cự phách về Trung cổ như Umberto Eco sẽ phải chọn Aristotle làm ngòi nổ.

Đến đây thì ta buộc phải đối diện với một câu hỏi then chốt: Eco là chuyên gia về Trung cổ nghĩa là như thế nào trong mối tương quan với Tên của đóa hồng (vì ai chẳng từng nghe nói Umberto Eco là một chuyên gia về thời Trung cổ, vấn đề là vậy thì làm sao í chứ)?

Nghĩa là Tên của đóa hồng bắt buộc phải được xem xét không chỉ đơn độc như một tác phẩm văn học, mà như một tác phẩm văn học được viết ra dưới ngòi bút của một chuyên gia về Trung cổ, một lý thuyết gia văn học nổi tiếng.

(đây cũng là thao tác cần thực hiện với không ít nhà văn trí thức, ví dụ David Lodge: các tiểu thuyết của Lodge, Changing Places, Small WorldNice Work, ngoài miêu tả rất mả thế giới đại học và học thức, còn trình bày không ít khía cạnh của các lý thuyết văn học; chìa khóa để đi vào đặc điểm này là tác phẩm After Bakhtin trong đó Lodge trình bày rất rõ ràng các quan điểm văn học của mình; Steiner thì viết After Babel còn Lodge thì viết After Bakhtin)

Tốt nhất để theo được mạch “tri thức” trong Tên của đóa hồng (cách ứng xử duy nhất với một tác phẩm erudite chính là erudition, vậy thôi) là đọc công trình lý thuyết làm nên vị thế rất cao của Umberto Eco trong giới lý thuyết: Opera Aperta (tức Open Work, tức L’Oeuvre ouverte), “Tác phẩm mở”, mà sinh viên theo ngành lý thuyết văn học kiểu gì cũng từng có lúc phải đọc trong biography chính thức, thậm chí nhiều khi còn vớ phải đề thi bình luận, phân tích một đoạn trong đó.

Đại khái, Opera Aperta nêu lên rằng bất kỳ sự tiếp nhận tác phẩm nghệ thuật nào cũng phải bao gồm cả một “interpretation” (diễn giải) và một “performance” (biểu hành), nôm na là sự tiếp nhận từ phía độc giả cần chủ động để hoàn thành “nghĩa” mà tác phẩm bày ra đó, có nghĩa sẵn nhưng chưa hoàn chỉnh (vậy nên có cái note sau này Eco đặt vào cuối Tên của đóa hồng).

Và có hiểu các quan niệm của một Eco lý thuyết gia kiêm chuyên gia thời Trung cổ thì mới thấy cách kém cỏi nhất để đi vào Tên của đóa hồng là dựa vào hệ thống “biểu tượng”, vì trọng tâm của tri thức Trung cổ không phải “symbol” mà là “allegory” (phúng dụ) (Todorov từng viết cả một quyển sách rất dày để chỉ ra con đường đi từ allegory đến symbol).

Cái allegory thời Trung cổ này có nguồn gốc sâu xa trong truyền thống thông diễn của thần học, và xuất hiện một cách tường minh trong một đoạn văn của Dante được giới nghiên cứu trích dẫn rất nhiều: nghĩa của các văn bản thiêng không chỉ có một, mà có ba khía cạnh: “moral”, “allegorical”, “anagogical”. Bắt đầu từ đây, Eco lập luận, độ “mở” của tác phẩm bắt đầu xuất hiện, nhưng độ mở ban đầu ấy dừng ở các giới hạn nhất định. Tên của đóa hồng “chơi” với sự mở ấy, trong quan niệm của một người Trung cổ. Tính chất điều tra, trinh thám trong Tên của đóa hồng nằm trong sự tự do có điều kiện theo đúng cách vận hành của quan niệm về “nghĩa” của Trung cổ: “a range of rigidly preestablished and ordained interpretative solutions”.

Tạm thế đã :p

6 comments:

  1. Đọc xong bài này tôi càng háo hức chờ đợi thư viện gửi cho tôi cuốn Inferno (đọc "chùa")!

    Kể ra Dan Brown giải nghĩa "symbol" dễ hiểu đấy chứ? Điều khiến tôi thích ở Dan Brown là có vẻ ông càng ngày càng tiến bộ hơn, ít nhất về mặt tìm tòi hiểu biết thường thức, tuy không dám nói thế về mặt văn chương.

    Mais, qu'est-ce que la littérature? Nếu không là lịch sử của chính con người nói chung qua quá trình sống và suy tư của mỗi cá nhân trong tương quan với Toàn Thể (vũ trụ). (Tương quan giữa cá thể với vũ trụ chính là đầu dây mối nhợ của nỗi hoài vọng khôn cùng - the ultimate nostalgie!).

    Đây chỉ là diễn giải của cá nhân :D

    ReplyDelete
  2. Chít rùi, đọc bài ni mới nhớ Tên Của Đóa Hồng mang về bỏ lăn bỏ lóc chưa đọc. Cũng chỉ tại lão Beigbeder quỷ quái cứ bắt mình Nostalgia for the Ass hoài. Hix, hix...

    ReplyDelete
    Replies
    1. bác có bận họp TW quá mà lơ là thì nói chung ai cũng thông cảm thôi :p

      Delete
  3. Có từ tương ứng của anagoge trong tiếng Việt hay không?

    ReplyDelete