Dec 27, 2013

Borges: Avelino Arredondo và Sách Cát

"Avelino Arredondo" và "Sách Cát" nằm về cuối tập Sách Cát của Borges.

"Avelino Arredondo" là một trong những truyện của Borges gây nhiều dư âm nhất cho tôi về cách hình dung diễn tiến các sự việc trong thực tại, còn "Sách Cát" miêu tả tóm gọn rất hiệu quả quan niệm của Borges về sách, bất tận, vĩnh hằng…





Avelino Arredondo

Sự việc xảy ra ở Montevideo vào năm 1897.

Thứ Bảy nào nhóm bạn cũng ngồi quanh cái bàn dài ở quán cà phê Globo, đám người da trắng nghèo biết mình không thể mời khách về nhà hoặc muốn trốn chạy khỏi nhà mình. Tất cả đều là người gốc Montevideo; thoạt đầu họ dè dặt đón nhận Arredondo, vốn xuất thân từ vùng nội địa, vô cùng rụt rè, không bao giờ hỏi câu gì. Anh mới đôi mươi; gầy gò với làn da sạm, anh khá bé nhỏ và mang dáng dấp hơi vụng về. Khuôn mặt anh hẳn sẽ nhạt nhòa lắm nếu bù lại anh không có ánh mắt ấy, vừa cương nghị vừa như buồn ngủ. Anh làm cho một tiệm bán vải vóc trên phố Buenos Aires và học luật vào những lúc hoang vắng. Khi mọi người phản đối cuộc chiến tranh đang tàn phá đất nước, cái cuộc chiến đang được ông tổng thống ra sức kéo dài vì những lý do đáng ghê tởm, Arredondo chỉ nín lặng. Anh cũng nín lặng khi bị chọc là kẻ keo kiệt.

Không lâu sau trận Gerros Blancos, Arredondo bảo các bạn họ sẽ không gặp anh một thời gian vì anh phải quay về Mercedes. Tin này không làm rộn một ai. Có người khuyên anh nên cẩn thận với lũ gaucho của Aparicio Savaria; Arredondo mỉm cười đáp rằng anh không sợ tụi da trắng. Người kia, một tay da trắng, không nói gì nữa.

Chia tay với vợ chưa cưới Clara thì nặng nề hơn. Anh nói với cô gần như giống hệt khi nói với những người khác. Anh bảo cô đừng đợi thư vì anh sẽ rất bận. Clara chấp nhận lời giải thích không phản đối, vốn dĩ cô viết không thạo. Họ rất yêu nhau.

Arredondo sống ở ngoại ô. Phục vụ anh là một phụ nữ mulatto cùng họ với anh vì tổ tiên bà từng là nô lệ cho gia đình anh mãi từ hồi Cuộc Chiến Lớn thời Rosas. Có thể hoàn toàn tin cậy Clementina; anh lệnh cho bà nói với tất cả những ai tới kiếm anh là anh đang ở nông thôn. Anh đã lĩnh kỳ lương cuối cùng chỗ tiệm buôn.

Anh vào ở trong căn phòng cuối nhà, nó nhìn ra cái sân đất nện. Đây là một biện pháp thừa nhưng nó giúp anh khởi sự cuộc nhốt mình tự nguyện.

Từ cái giường sắt hẹp anh dùng để quay lại với thói quen ngủ trưa, anh thoáng buồn bã nhìn lên một giá sách trống không.

Anh đã bán tất cả sách, kể cả đống giáo trình luật. Anh chỉ còn một quyển Kinh Thánh mà anh chưa từng đọc và sẽ không đọc hết.

Anh giở từng trang ra đọc, lúc thì say sưa, lúc thì thấy chán, và anh tự bắt mình phải học thuộc lòng một chương nào đó trong Sách Xuất Hành và đoạn cuối Sách Giảng Viên. Anh không cố hiểu những gì mình đọc. Anh là người có tư tưởng thoáng đạt nhưng không đêm nào anh không đọc kinh Lạy Cha như đã hứa với mẹ khi chia tay bà lên Montevideo. Anh nghĩ hứa với mẹ rồi không giữ lời chắc sẽ gặp bất hạnh.

Anh biết mình sẽ phải đợi đến buổi sáng 25 tháng Tám. Anh biết chính xác còn bao nhiêu lâu nữa mới tới ngày đó. Chừng nào đã đạt được mục đích, thời gian có thể ngừng, hoặc, chính xác hơn, sau đó có xảy ra chuyện gì thì cũng chẳng quan trọng nữa. Anh đợi ngày ấy như người ta đợi một niềm hạnh phúc hoặc một sự giải thoát. Anh đã để đồng hồ của mình chết ngõ hầu không mất thời gian ngó nó nữa, nhưng đêm nào khi nghe bên ngoài chuông điểm mười hai giờ, anh cũng xé một tờ lịch và tự nhủ: thế là bớt được một ngày.

Thoạt tiên anh muốn dựng ra một thói lệ: uống maté, hút thuốc lá Thổ tự tay anh vấn, đọc và đọc lại một số trang sách nhất định, thử nói chuyện với Clementina khi bà mang khay đồ ăn đến cho anh, lẩm nhẩm vài lời trước khi thổi nến. Nói chuyện với Clementina, một phụ nữ đã rất già, không phải chuyện dễ vì ký ức bà đã chôn chân ở vùng nông thôn xa xôi và ở cuộc sống thường nhật nơi đó.

Anh cũng bày bàn cờ ra và chơi lung tung những ván không kết thúc được. Bộ cờ thiếu mất một quân xe, anh thay bằng một viên đoạn hoặc một đồng hai mươi xu chơi tạm.

Để thời gian trôi qua nhanh hơn, sáng sáng Arredondo lấy giẻ và chổi dọn dẹp, lau chùi căn phòng, và tiêu diệt lũ nhện. Người phụ nữ mulatto không ưng nhìn anh hạ mình làm cái loại công việc thuộc phận sự của bà, thêm nữa anh lại còn làm việc ấy rất tệ.

Anh những muốn thức dậy khi mặt trời đã lên cao nhưng thói quen dậy thật sớm mạnh hơn ý chí. Anh rất nhớ bạn bè mặc dù, với một chút cay đắng trong lòng, anh biết họ sẽ chẳng tiếc nuối gì khi anh vắng mặt, bởi vì anh cứ khăng khăng tỏ ra rụt rè. Một chiều có người đến hỏi tin tức của anh và bị mời về ngay ở cửa. Clementina không quen người đó, thế nên Arredondo không bao giờ biết đó là ai. Vốn là người ghiền đọc báo, giờ anh thấy thật nặng nề khi phải dứt bỏ những viện bảo tàng trưng bày những thứ vụn vặt phù du ấy. Anh không phải người có thiên hướng suy tư hay thích ngẫm nghĩ.

Ngày và đêm cứ thế giống hệt nhau, nhưng các Chủ nhật với anh đặc biệt nặng nề.

Đến quãng giữa tháng Bảy, anh nghĩ mình đã sai lầm khi chia nhỏ thời gian ra, vì dù cho ta có làm gì, thời gian vẫn cuốn ta đi.

Thế là anh bèn mặc cho trí tưởng tượng phiêu bạt trên những khoảng rộng lớn của đất nước, giờ đây đang đẫm máu, trong ý nghĩ anh nhìn lại những cánh đồng Santa Irena chập chùng, nơi ấy anh từng thả diều, rồi một con ngựa chắc đã chết, bụi tung mù phía sau những đàn gia súc bị đám thợ chăn quất roi dẫn đi, chiếc xe đẩy hằng tháng từ Fray Bentos đến, chất đầy đủ thứ hàng hóa lặt vặt, vịnh La Agraciada nơi Ba Mươi Ba Anh Hùng đổ bộ, Hervidero, những dãy đồi, rừng và sông, rồi núi Cerro mà anh đã leo đến tận ngọn hải đăng trên đỉnh, tin rằng ở cả hai bên bờ dòng Plata không còn có nơi nào có thể ngắm được quang cảnh đẹp hơn. Từ ngọn núi ở vịnh anh nghĩ sang hình ngọn núi trên tấm quốc huy và ngủ thiếp đi.

Đêm đêm gió Nam mang tới sự dịu mát ru đằm giấc ngủ. Anh không bao giờ mất ngủ.

Anh yêu sâu sắc vợ chưa cưới của mình nhưng anh tự nhủ một người đàn ông không được nghĩ đến phụ nữ, nhất là khi những phụ nữ ấy không ở bên cạnh. Cuộc sống nông thôn đã dạy anh quen với nếp sống thanh đạm. Còn chuyện kia thì… anh cố sao càng ít nghĩ đến kẻ mà anh căm ghét càng tốt.

Tiếng mưa rơi gõ lên mái nhà bầu bạn với anh.

Với một tù nhân hay một người mù, thời gian trôi chảy như nước trên sườn dốc.

Đến quãng giữa đợt tự nhốt mình, Arredondo đã hơn một lần được trải nghiệm cái thời gian gần như nằm bên ngoài thời gian ấy. Ở chỗ căn thứ nhất của khu nhà có một cái giếng, dưới đáy có một con cóc; chưa bao giờ anh nảy ra ý nghĩ thời gian của con cóc, rất gần với vĩnh cửu, chính là loại thời gian mà anh mong mỏi.

Sắp đến ngày ấy, anh lại thấy sốt ruột. Đêm nọ, không chịu nổi nữa, anh đi ra phố. Mọi thứ như thể mới mẻ và to lớn hơn. Rẽ ở một góc phố, thấy có ánh đèn, anh bước vào một quán cà phê. Vào đến đây mà không làm gì cũng dở, nên anh gọi một cốc rượu. Tụi lính đứng trước quầy tán chuyện với nhau. Một tên nói:

“Các cậu cũng biết là đã có lệnh cấm ngặt nhắc đến các trận đánh. Chiều qua bên bọn tớ xảy ra một chuyện chết cười. Bọn tớ đi qua trước trụ sở tờ La Razón thì nghe bên trong có tiếng kẻ nào đang vi phạm lệnh này. Không chần chừ, bọn tớ bèn đi vào. Phòng biên tập tối om, nhưng bọn tớ cứ thế nã đạn vào cái kẻ vẫn tiếp tục nói. Khi rốt cuộc hắn cũng đã im mồm, bọn tớ mò mẫm tìm để lôi hắn ra ngoài, nhưng lúc ấy bọn tớ mới nhận ra đó là một cái đài phát thanh, nó cứ thế mà tự nói thôi.”

Cả bọn rũ ra cười. Arredondo vẫn im lặng. Tên lính hỏi anh:

“Chuyện hay phải không, aparcero?”

Arredondo không nói lời nào, thế là tên lính mặc quân phục tiến lại gần nói với anh:

“Hét to câu này ngay lập tức: Tổng thống Juan Idiarte Borda muôn năm!”

Arredondo không chịu làm theo. Trong những tiếng vỗ tay chế giễu, anh đi ra đến cửa. Một câu chửi cuối cùng vẳng ra theo khi anh đã ngoài phố:

“Nỗi sợ thì không thù oán và không ngốc.”

Anh đã hành động như một kẻ hèn nhát, nhưng anh biết mình không phải kẻ hèn nhát. Anh chậm rãi đi về nhà.

Ngày 25 tháng Tám, Avelino Arredondo thức giấc khi đã hơn chín giờ. Trước tiên anh nghĩ đến Clara rồi sau đó mới nghĩ đến ngày hôm nay. Anh nhẹ nhõm tự nhủ: Kết thúc cực hình chờ đợi rồi. Cuối cùng cũng đã tới ngày huy hoàng!

Anh thong thả cạo râu, cái gương phản chiếu khuôn mặt thường ngày của anh. Anh chọn một cái cà vạt màu đỏ và mặc lên người bộ quần áo đẹp nhất. Anh ăn trưa muộn. Bầu trời xám xịt báo hiệu cơn mưa; anh thì lại vẫn hình dung bầu trời sẽ rạng rỡ. Tim anh thắt lại khi anh vĩnh viễn rời khỏi căn phòng ẩm ướt. Ngoài sảnh, anh gặp Clementina, anh đưa bà những đồng xu cuối cùng còn lại trong túi. Trên tấm biển của cửa hiệu kim khí anh nhìn thấy hình những viên kim cương nhiều màu sắc và anh tự nhủ đã hai tháng nay anh quên biến chúng. Anh đi về phía phố Sarandi. Đó là một ngày lễ, ngoài phố rất vắng người.

Anh đến quảng trường Matriz thì vẫn chưa tới ba giờ. Vừa xong bài Te Deum; một nhóm chức sắc, sĩ quan quân đội và giáo sĩ đang chầm chậm bước xuống các bậc thang nhà thờ. Thoạt nhìn, những chiếc mũ cao mà vài người còn cầm trên tay, những bộ quân phục, quân hàm, vũ khí và áo chùng khiến ta có cảm giác là đông người lắm; trên thực tế tổng cộng chỉ có khoảng ba mươi người. Arredondo, không hề cảm thấy chút sợ hãi nào, thấy lòng mình ngập tràn sự kính trọng. Anh hỏi xem ai là tổng thống. Người ta trả lời anh:

“Người kia kìa, đang đi bên cạnh đức tổng giám mục đội mũ tế và cầm trượng ấy.”

Anh rút súng ra và bắn.

Idiarte Borda tiến lên vài bước, ngã sấp mặt xuống đất và thốt ra vài từ nghe rất rõ: Tôi chết đây.

Arredondo tự nộp mạng cho nhà chức trách. Sau này anh sẽ tuyên bố:

“Tôi là thành viên Đảng Đỏ và tôi tự hào nói điều đó. Tôi đã giết Tổng thống, hắn phản bội và làm dơ bẩn đảng chúng tôi. Tôi đã cắt đứt liên hệ với bạn bè và vợ chưa cưới của tôi, để không làm liên lụy đến họ; tôi đã không đọc tờ báo nào để không ai có thể nói rằng tôi chịu một ảnh hưởng nào đó. Chỉ mình tôi chịu trách nhiệm với hành động trừng phạt này. Giờ thì cứ việc xử tôi đi.”

Hẳn mọi việc đã xảy ra như thế, tuy rằng phức tạp hơn; tôi mơ là mọi việc đã xảy ra như thế.


* Câu chuyện này có thực: Juan Idiarte Borda (1844-1897), tổng thống Uruguay từ 1894, bị sát hại trên cầu thang nhà thờ lớn Montevideo sau một buổi lễ. Arredondo đã được bào chữa bởi luật sư Luis Melian Lafinur, ông họ của Borges.

  


Sách cát

… thy rope of sands…
George Herbert (1593-1633)

Đường thẳng do vô số điểm tạo nên, mặt phẳng do vô số đường thẳng tạo nên, khối do vô số mặt phẳng tạo nên, siêu khối do vô số khối tạo nên… Không, nhất định, more geometrico, đây không phải là cách hay nhất để bắt đầu truyện. Ngày nay có quy ước phải khẳng định mọi câu chuyện huyền ảo là có thực; tuy nhiên, truyện của tôi là thực.

Tôi sống một mình ở tầng năm một tòa nhà trên phố Belgrano. Cách đây vài tháng, cuối buổi chiều, tôi nghe có tiếng gõ cửa. Tôi mở cửa và một người lạ mặt bước vào. Đó là một người đàn ông cao lớn, đường nét khuôn mặt khó miêu tả. Cũng có thể do cận thị mà tôi nhìn ra như vậy. Toàn bộ dáng vẻ của anh ta toát lên sự nghèo nàn thanh nhã. Anh ta mặc đồ màu xám, tay xách một cái va li. Tôi nhận ngay ra anh ta là người nước ngoài.

Thoạt tiên, tôi cứ nghĩ anh ta nhiều tuổi; sau đó thì tôi nhận ra mình đã nhầm khi căn cứ vào mái tóc vàng thưa thớt gần như ngả sang màu trắng, kiểu Bắc Âu. Trong cuộc trò chuyện giữa chúng tôi, kéo dài không quá một tiếng đồng hồ, tôi được biết anh ta là người Orkney.

Tôi mời anh ta ngồi xuống ghế. Mất một lúc anh ta mới cất tiếng. Từ anh ta toát lên vẻ buồn bã, giống hệt như tôi hiện giờ.

“Tôi bán sách Kinh Thánh,” anh ta bảo tôi.

Với chút hợm, tôi đáp:

“Ở nhà tôi có nhiều bản Kinh Thánh tiếng Anh, có cả bản đầu tiên, của Jean Wiclef. Tôi cũng có bản của Cipriano de Valera, bản của Luther, xét từ khía cạnh văn chương thì đó là bản tệ nhất, và một bản Vulgate tiếng Latinh. Anh cũng thấy đấy, tôi không có thiếu Kinh Thánh.”

Anh ta im lặng một lúc rồi nói với tôi:

“Tôi không chỉ bán Kinh Thánh. Tôi có thể cho ông xem một quyển sách linh thiêng chắc sẽ khiến ông quan tâm. Tôi đã mua nó ở biên giới Bikaner.”

Anh ta mở va li và đặt vật đó lên bàn. Một quyển sách khổ octavo, bìa bọc vải. Hẳn nó từng qua tay nhiều người. Tôi xem nó; tôi kinh ngạc trước trọng lượng bất thường của nó. Trên gáy tôi đọc được Holy Writ, phía dưới là Bombay.

“Chắc là sách thế kỷ mười chín, tôi nêu nhận xét.”

“Tôi không biết. Tôi chưa bao giờ biết,” đó là câu trả lời của anh ta.

Tôi mở hú họa. Tôi không nhận ra quyển sách viết bằng tiếng gì. Các trang có vẻ đã khá sờn rách và chữ thì xấu, được trình bày thành hai cột giống như Kinh Thánh. Các dòng in rất sít và được bố trí thành các khổ. Góc trên các trang có các chữ số Arập. Tôi nhận thấy một trang chẵn được đánh số (chẳng hạn thế) 40514 và trang lẻ ngay sau đó đánh số 999. Tôi lật qua trang này, đến một trang mang tám chữ số. Trang này có một hình minh họa nhỏ, như ta hay thấy trong các từ điển: một cái mỏ neo vẽ bằng bút, trông vụng về như do tay một đứa trẻ.

Người lạ mặt nói:

“Ông nhìn nó cho kỹ đi. Sẽ không bao giờ ông nhìn thấy lại nữa đâu.”

Trong câu nói này có điều gì đó như đe dọa, nhưng không phải ở giọng nói. Tôi bèn đánh dấu chỗ chính xác rồi gập quyển sách lại. Tôi giở lại nó. Tìm thế nào, dù cho lật từng trang, cũng không thấy cái mỏ neo đâu nữa. Để che giấu nỗi kinh ngạc, tôi bảo anh ta:

“Đây là một phiên bản của Sách Thánh bằng một thứ ngôn ngữ Hindu, có phải không?”

“Không,” anh ta đáp.

Rồi, hạ thấp giọng như muốn nói một bí mật, anh ta nói:

“Tôi đã mua quyển sách này tại một ngôi làng vùng đồng bằng, với vài rupi và một quyển Kinh Thánh. Người chủ cũ của nó không biết đọc. Tôi ngờ rằng anh ta coi quyển Sách Của Các Sách là một tấm bùa. Anh ta thuộc đẳng cấp thấp nhất, giẫm lên bóng của anh ta là bị lây bệnh đấy. Anh ta bảo tôi quyển sách của anh ta tên là Sách Cát, vì quyển sách này giống như cát, không có khởi đầu cũng không có kết thúc.”

Tôi đặt tay trái lên bìa sách, ngón cái ép sát vào ngón trỏ rồi mở quyển sách ra. Có cố đến đâu cũng công cốc: lúc nào cũng có ít trang giữa bìa và ngón tay cái của tôi. Cứ như thể chúng mọc ra từ quyển sách vậy.

“Giờ ông thử tìm trang cuối đi.”

Mọi cố gắng của tôi cũng đều thất bại; tôi chỉ đủ sức ấp úng bằng cái giọng không còn là giọng của tôi nữa:

“Không thể nào.”

Vẫn thì thầm, người bán Kinh Thánh bảo tôi:

“Không thể nào, nhưng mà lại đấy. Chính xác là quyển sách này có số trang bất tận. Không trang nào là trang đầu, không trang nào là trang cuối. Tôi chẳng biết tại sao chúng lại được đánh số kiểu võ đoán như vậy nữa. Có thể là để ta hiểu rằng các thành tố của một chuỗi vô tận có thể được đánh số theo một cách thức tuyệt đối ngẫu nhiên.”

Rồi, như thể buột miệng nói ra suy nghĩ của mình, anh ta thêm:

“Nếu không gian là vô tận thì chúng ta ở vào bất kỳ điểm nào của không gian. Nếu thời gian là vô tận thì chúng ta ở vào bất kỳ điểm nào của thời gian.”

Câu nói của anh ta làm tôi bực bội.

“Anh có theo đạo, phải không?” tôi hỏi.

“Vâng, tôi theo dòng Tin Lành Calvin. Lương tâm tôi thanh thản. Tôi chắc chắn là mình đã không lừa đảo anh chàng bản xứ kia, đem Lời Chúa đổi lấy quyển sách quỷ quái của anh ta.”

Tôi trấn an anh ta, bảo anh ta không có gì để tự chê trách, rồi hỏi có phải anh ta chỉ đi ngang qua đây. Anh ta đáp rằng sắp tới đây chắc anh ta sẽ về nước. Khi ấy tôi mới được biết anh ta là người Xcôtlen, quê anh ta ở quần đảo Orkney. Tôi bảo anh ta rằng cá nhân tôi rất yêu mến xứ Xcôtlen, vì tôi rất hâm mộ Stevenson và cả Hume nữa.

“Và cả Robbie Burns nữa,” anh ta chỉnh tôi.

Tôi vẫn luôn tay giở quyển sách bất tận trong lúc chúng tôi nói chuyện.

“Anh có định tặng mẫu vật kỳ lạ này cho Bảo tàng Anh quốc không?” tôi hỏi anh ta, vờ tỏ ra hững hờ.

“Không. Tôi định dành nó cho ông đấy,” anh ta đáp, và nêu một cái giá rất cao.

Tôi thành thực trả lời rằng tôi không đáp ứng được số tiền này, và bắt đầu suy nghĩ. Sau vài phút, tôi nghĩ ra một kế hoạch.

“Tôi đề nghị ta trao đổi nhé,” tôi nói. “Anh đã có được quyển sách này chỉ với vài đồng rupi và một quyển Kinh Thánh; còn tôi sẽ đưa anh lương hưu của tôi mà tôi vừa mới lĩnh đây, kèm với quyển Kinh Thánh Wiclef viết bằng tuồng chữ gô tích. Của bố mẹ tôi để lại đấy.”

A black letter Wiclef!” anh ta thì thầm.

Tôi vào buồng trong lấy tiền và quyển sách cho anh ta. Anh ta lật giở sách, săm soi trang nhan đề với vẻ say sưa của dân ghiền sách.

“Ta thỏa thuận vậy đi nhé,” anh ta bảo tôi.

Tôi thấy ngạc nhiên vì anh ta đã không mặc cả. Mãi sau này tôi mới hiểu ra rằng anh ta đã đến nhà tôi cốt để bán cho tôi quyển sách. Thậm chí còn không đếm, anh ta nhét luôn xấp tiền vào túi.

Chúng tôi trò chuyện về Ấn Độ, về Orkney và các vua Na-uy từng cai quản quần đảo. Khi anh ta đi khỏi thì trời đã tối mịt. Tôi chưa từng gặp lại, cũng không biết tên anh ta.

Tôi tính xếp Sách Cát vào khoảng trống mà quyển Kinh Thánh Wiclef để lại, nhưng cuối cùng tôi quyết định giấu nó vào sau những tập Nghìn lẻ một đêm không cùng khổ sách với nhau.

Tôi đi nằm nhưng không ngủ nổi. Quãng ba hay bốn giờ sáng, tôi bật đèn lên. Tôi cầm lấy quyển sách bất khả và bắt đầu lật giở nó. Trên một trang, tôi thấy hình vẽ một cái mặt nạ. Phía trên trang giấy ghi một con số, mà tôi đã quên, lên đến lũy thừa bậc 9.

Tôi không cho ai xem kho báu của mình. Thêm vào niềm hạnh phúc được sở hữu quyển sách là nỗi sợ nó sẽ bị xoáy mất, rồi tới nỗi nghi ngờ rằng nó không thực sự bất tận. Hai nỗi lo lắng này càng làm tăng thêm tính ghét người cố hữu ở tôi. Tôi vẫn còn vài người bạn; giờ tôi ngừng gặp họ luôn. Trở thành tù nhân của quyển sách, gần như tôi tuyệt đối không đặt chân ra khỏi nhà nữa. Tôi dùng kính lúp săm soi gáy và các bìa sách cũ nát, kết quả là tôi loại trừ hoàn toàn khả năng đây là một món đồ lừa đảo. Tôi nhận ra rằng những hình minh họa nho nhỏ nằm trên hai nghìn trang khác nhau. Tôi chép chúng lại trong một bảng kê xếp theo bảng chữ cái, chẳng mấy chốc tôi đã viết đầy bảng. Chúng không bao giờ xuất hiện trở lại. Đêm đến, vào những quãng nghỉ hiếm hoi mà chứng mất ngủ tha không bắt tôi phải chịu, tôi mơ thấy quyển sách.

Sắp hết mùa hè thì tôi hiểu ra rằng quyển sách này thật gớm ghiếc. Chẳng ích lợi gì khi tôi nhận ra chính mình cũng thật gớm ghiếc, cứ dùng mắt mà nhìn và dùng mười đầu ngón tay mà mân mê nó. Tôi cảm nhận rằng đây là một thứ đồ vật ác mộng, một thứ dơ dáy phỉ nhổ và làm lụn bại hiện thực.

Tôi nghĩ đến lửa, nhưng lại e một quyển sách bất tận cũng sẽ cháy bất tận, rồi thì khói của nó sẽ làm ngộp thở toàn thế giới.

Tôi chợt nhớ từng đọc ở đâu đó rằng nơi tốt nhất để giấu một chiếc lá là một khu rừng. Trước khi về hưu, tôi làm việc ở Thư viện quốc gia, ở đó có chín trăm nghìn quyển sách; tôi biết rằng bên tay phải sảnh ngoài có một cầu thang xoáy trôn ốc dẫn xuống hầm lưu giữ tạp chí và bản đồ. Tôi lợi dụng lúc các nhân viên không để ý dúi quyển sách cát vào một ngăn ẩm ướt. Tôi cố không nhìn xem nó cao chừng nào và cách cửa bao xa.

Tôi thấy nhẹ nhõm một chút nhưng sau đó thậm chí tôi còn không muốn đi qua phố Mexico.


1 comment:

  1. Lâu lắm rồi mới thấy lại từ "dư âm" đẹp đến vậy.

    ReplyDelete