Jan 2, 2014

Raymond Carver trong mắt học trò

Bài viết của Jay McInernay đăng ngày 6 tháng Tám năm 1989 trên tờ The New York Times về Raymond Carver. Nhan đề của bài viết là "Raymond Carver: A Still, Small Voice".

McInernay là tác giả của Bright Lights, Big City và tác phẩm nổi tiếng không kém, Story of My Life; McInernay thời trẻ thân cận với Bret Easton Ellis, hai người thuộc cùng một thế hệ nhà văn Mỹ.

Về Raymond Carver xem thêm ở đâyở đây.


-----------


Một năm sau khi Raymond Carver qua đời, cái hình ảnh về ông cứ không ngừng quay trở lại với tôi là hình ảnh một người nào đó ngả hẳn sát vào ông để cố nghe rõ lời ông nói. Vì ông toàn lẩm bẩm. Từng có lần T. S. Eliot miêu tả Ezra Pound, mentor của mình, là “người ra sức nói cho một người điếc đặc biết là ngôi nhà đang bị cháy.” Cung cách Raymond Carver trái ngược hẳn. Căn phòng có đầy khói, lửa đã bén vào những tấm thảm, thì Carver cũng chỉ hỏi, “Ừm, hình như ở đây hơi nóng thì phải?” Còn bạn thì ngồi trên ghế, gắng sức chồm người về phía ông mà nói, “Ông bảo gì cơ, Ray?” Không bao giờ khăng khăng nói điều gì, hiếm khi nào mạnh miệng tuyên bố, ông thật không giống một thầy giáo. Tôi từng có lần ngồi nghe Carver trả lời phỏng vấn suốt hai tiếng rưỡi. Nhà văn điều khiển cuộc phỏng vấn cứ liên tục đẩy máy ghi âm vào sát ông hơn và cuối cùng hỏi Carver là có thể đặt nó lên lòng ông không. Vài hôm sau người phỏng vấn gọi điện, gần như tuyệt vọng: gần như không thể nghe rõ giọng của Ray trong máy ghi âm. Từ “nói nhỏ” cũng chưa chuẩn để miêu tả cách nói năng của ông; điều này còn trầm trọng hơn nữa những lần ông bị đẩy vào địa hạt của những điều khái quát hay các mệnh lệnh.

Như tôi đã nói, ông lẩm bẩm, điều này trước kia dường như chỉ là một cái tật, tương tự bẻ ngón tay hay rung chân, giờ đây với tôi nó cho thấy một sự nhún mình sâu sắc và một niềm tôn trọng đối với ngôn ngữ, gần như kinh sợ, một sự phản chiếu cảm quan của ông rằng từ ngữ cần được nâng niu vô cùng cẩn trọng. Như thể đại khái không thể nào nói những gì ta muốn nói. Như thể thậm chí vậy còn có thể là nguy hiểm. Nghe ông nói về viết văn ở lớp học hay tại phòng khách ngôi nhà kiểu Victoria to lớn nơi ông sống cùng Tess Gallagher ở Syracuse, ta cảm nhận được một nhà văn yêu kính từ ngữ của các bậc thầy đã trao ngôn ngữ cho ông, những bậc thầy đó chú tâm đến việc có thể ông không xứng đáng được nhận công cụ ấy. Ta cảm thấy niềm kính trọng ngôn ngữ này - sự nhún mình gần như kinh hãi - ở mỗi câu trong tác phẩm của ông.

Việc tiếp xúc với văn chương Carver hồi đầu thập niên 1970 là một trải nghiệm gây ra nhiều thay đổi cho không ít nhà văn thuộc thế hệ của tôi, một trải nghiệm có lẽ tương tự như khi phát hiện những câu văn của Hemingway trong thập niên 1920. Quả thật, ngôn ngữ của Carver rất giống ngôn ngữ của Hemingway - đơn giản và sáng sủa, lặp nhiều, gần với nhịp điệu của trò chuyện, cụ thể trong miêu tả đồ vật. Nhưng Carver hoàn toàn thoát khỏi cái tôi lãng mạn từng khiến cách viết của Hemingway trở thành một hình mẫu dở tệ cho các nhà văn khác vào cuối thế kỷ 20. Những quán cà phê, khách sạn và chiến trường châu Âu bị thay thế bởi các khu nhà di động và khu chung cư, những công việc tao nhã bị thay thế bởi những thứ nghề nghiệp vô vọng. Lũ cá hồi bơi trong những lạch nước của Carver có đủ khả năng trở thành bọn cá đột biến gien do ô nhiễm. Rượu vang ngon lành bị thay thế bởi rượu gin rẻ tiền, bản tình ca rượu chè bởi nỗi cực nhọc đần độn của thói nghiện rượu toàn thời gian. Một số nhà bình luận thấy tác phẩm của ông gây trầm uất vì những lý do ấy. Nhưng với nhiều nhà văn trẻ, tác phẩm đó có rất nhiều tính chất giải phóng.

Một khía cạnh trong những gì cơ hồ Carver nói với chúng ta - ngay cả với những người chưa từng bao giờ ở trong một xưởng mộc hay một khu nhà di động - là văn chương có thể được tạo nên chỉ từ sự quan sát cuộc sống thực, bất kỳ đâu và bằng bất kỳ cách nào nó được trải qua, ngay cả khi nó được trải qua với một chai ketchup Heinz trên bàn và cái ti vi nhiễu sóng. Điều này là mới mẻ vào cái lúc “metafiction” giáo điều đang chiếm thế thượng phong. Ông là hình mẫu làm sống dậy cả chủ nghĩa hiện thực lẫn hình thức truyện ngắn.

Mặc dù là thầy giáo trong phần lớn cuộc đời, Carver chưa bao giờ cố ý tập hợp quanh mình một đám đệ tử. Nhưng vào thời điểm tôi lai vãng ở các trường đại học và trong giới xuất bản New York hồi cuối những năm 70 đầu những năm 80, không nhà văn nào được bàn đến và được bắt chước nhiều như thế, bởi các nhà văn ta hay gặp ở các buổi đọc sách và hội thảo. Có lẽ phải từ khi Donald Barthelme bắt đầu in truyện hồi thập niên 60 mới có một nhà văn viết truyện ngắn tạo được nhiều ồn ào đến như vậy trong thế giới văn chương.

Vốn đã quy phục Carver từ trước vì đọc tuyển tập đầu tiên của ông, Em làm ơn im đi được không?, một cuốn sách mà chỉ riêng nhan đề thôi cũng đã khiến tôi muốn mua, vài năm sau đó tôi đã rất may mắn được gặp ông rồi trở thành sinh viên của ông tại Đại học Syracuse hồi đầu những năm 80. Mặc dù trên cả nước có hàng nghìn chương trình dạy viết văn, có lẽ người ta vẫn không thể trả lời rốt ráo được rằng có thể dạy viết văn hay không. Việc Faulkner và Fitzgerald chưa bao giờ có bằng văn chương chẳng nói lên điều gì. Tiểu thuyết gia và nhà văn viết truyện ngắn cũng khoái ăn như bất kỳ ai khác, và có xu hướng tìm trợ cấp trong quá trình theo đuổi sáng tạo của mình. Với giới nhà văn hồi những năm 20, sống ở Paris thì tiện hơn, còn trong những năm 30 thì phải trông chờ vào tiền trợ cấp, và cả một cuộc đổ xô đi tìm thành công ở Hollywood. Những năm gần đây, các trường đại học đã trở thành nguồn trợ cấp cho các lớp học viết văn.

Bản thân Carver là một sản phẩm của hệ thống mới này, ông đã học viết văn tại Writers’ Workshop ở Đại học Iowa và Stanford, rồi sau đó dạy viết văn để kiếm sống. Đó là một việc ông làm vì nhu cầu, một vai trò không khiến ông cảm thấy thoải mái. Ông làm việc đó để kiếm sống, vì nó dễ hơn những nghề khác ông từng làm - làm việc ở một xưởng cưa và một bệnh viện, nhân viên ở trạm xăng, nhân viên gác cổng, nhân viên giao hàng, biên tập viên sách giáo khoa. Tuy biết ơn cái công việc nhàn nhã này nhưng ông không thực sự hiểu tại sao những người có tài viết văn lại nhất thiết phải có năng lực dạy học. Và ông rất rụt rè. Lần nào ý nghĩ sắp phải lên lớp cũng làm ông căng thẳng. Những ngày phải dạy học ông trở nên bồn chồn, cứ như thể ông là sinh viên đến ngày phải đi thi.

Giống nhiều nhà văn giảng dạy ở các trường đại học, Ray được yêu cầu dạy các giờ Anh ngữ cộng thêm vào các giờ dạy viết văn. Một môn tên là Hình thức và lý thuyết truyện ngắn, Ray thừa hưởng từ chương trình học Anh ngữ ở bậc đại học. Phương pháp của ông tại các lớp này là mỗi tuần chỉ định một tập truyện ngắn, gồm các tác giả đương thời cũng như tác giả thế kỷ 19, cộng với các bản dịch. Flannery O’Connor, Chekhov, Ann Beattie, Maupassant, Frank O’Connor, John Cheever, Mary Robinson, Turgenev rồi lại Chekhov. (Ông yêu quý các nhà văn Nga thế kỷ 19.) Ray mở đầu giờ học bằng một câu kiểu như, “Nào, các bạn, các bạn có thích Eudora Welty không?” Ông thích lắng nghe hơn giảng bài, nhưng ông cũng đọc những đoạn văn ông thích, nói về những điểm khiến ông yêu quý trong cuốn sách mà ông đã chọn. Ông chú tâm vào chi tiết, ở thật sát với văn bản, và rồi sẽ đến lúc ông tỏ ra rất bồn chồn nói đến thứ văn chương lay động ông.

Một kỳ học nọ, có một nghiên cứu sinh tiến sĩ rất hăng hái vào học trong lớp vốn chủ yếu gồm toàn nhà văn. Hồi ấy, khoa Anh ngữ, giống nhiều khoa khác trên cả nước, đã trở thành chiến địa giữa các lý thuyết gia và các nhà nhân văn chủ nghĩa, và chủ nghĩa hậu cấu trúc đã phủ bóng nặng nề lên trường đại học. Sau vài tuần dự vào sự tiếp cận văn chương tùy hứng và theo lối ấn tượng chủ nghĩa của Carver, lý thuyết gia trẻ tuổi đã phản đối mạnh mẽ: “Lớp học này tên là Hình thức và lý thuyết truyện ngắn nhưng chúng ta chỉ làm mỗi một việc là ngồi đây bàn về những cuốn sách. Hình thức và lý thuyết ở đâu rồi?”

Ray có vẻ sầu thảm. Ông gật đầu và hít một hơi thuốc lá rõ dài. “Câu hỏi hay đấy,” ông đáp. Sau một quãng nghỉ dài, ông nói tiếp, “tôi nghĩ trọng tâm ở đây là chúng ta đọc những cuốn sách hay, bàn về chúng… Rồi các bạn tự tạo ra lý thuyết cho mình.” Rồi ông mỉm cười.

Cả khi dạy viết văn cũng thế, Carver rất nhỏ nhẹ. Ông không nghĩ mình nên làm bất kỳ ai nản chí. Ông bảo ngoài kia đã có đủ sự nản chí cho bất kỳ ai đương đầu với mọi bất trắc nỗ lực trở thành nhà văn, và rõ ràng ông nói điều đó từ kinh nghiệm riêng. Với Ray, cả phê bình, cũng như văn chương, là một hành động đồng cảm, khiến ta nhập vào bên trong người khác. Ông không thể hiểu nổi các nhà văn đi viết những bài điểm sách tiêu cực và từng có lần mắng tôi vì làm thế. Ông tin hư cấu và thơ là là những hoạt động huynh đệ với nhau. Trong số rất ít người Ray ghét ra mặt có một nhà thơ từng từ chối cho ông vay 50 đô la khi xe ông bị hỏng ở Salt Lake City; hai nhà phê bình từng tấn công tác phẩm của ông, và các nhà văn từng tấn công bất kỳ người bạn nào của ông.

Tinh thần độ lượng với người khác thật đáng nói ở một người rụt rè như ông. Ông thường xuyên viết thư trao đổi với hàng chục nhà văn, sinh viên và người hâm mộ. Ông viết những lá thư giới thiệu và thư động viên tinh thần, giúp người khác tìm việc và kiếm trợ cấp, nhà xuất bản và người đại diện, đi cùng bạn bè cần người hỗ trợ đến những cuộc gặp gỡ vì mục đích cai rượu đầu tiên của họ.

Một hôm, tôi cự ông vì đã tỏ ra dễ dãi với một sinh viên mà tôi nghĩ là viết lách quá tệ, ông bèn kể cho tôi một câu chuyện: trước đó không lâu ông làm giám khảo trong một cuộc thi văn chương uy tín. Người chiến thắng với số phiếu tuyệt đối, với tác phẩm kể từ đó được ca ngợi rất nhiều, trước đây từng là sinh viên của ông, có lẽ là sinh viên kém nhất, ít hứa hẹn nhất mà ông từng dạy trong vòng hai mươi năm. “Sẽ ra sao nếu tôi làm cô ấy nản chí?” ông hỏi. Câu phê phán nặng nề nhất của ông là: “Tôi nghĩ sẽ là tốt nếu bạn bỏ lại truyện này sau lưng.” Tôi cho câu ấy có nghĩa là để đến được Thi Sơn người ta phải đi qua một khung cảnh xấu xí. Nếu làm theo đúng ý Carver, hẳn các lớp có thể do sinh viên tự quản lý với nhau, nhưng với ông sự tán thưởng của bản thân ông quá quý giá, thành thử ông không thể im lặng không nói ra.

Có lần ông ngồi ở lớp dạy viết văn của mình nghe đọc một truyện dài, kỳ quặc: như tôi còn nhớ, câu chuyện viết về hai nhân vật tách biệt, đưa họ đến với nhau, miêu tả họ tán tỉnh nhau rồi lấy nhau. Sau một loạt khởi đầu hụt họ quyết định cùng nhau mở một quán ăn, những chuẩn bị cho việc ấy được miêu tả hết sức chi tiết. Vào ngày khai trương một băng cướp mang súng tiểu liên ập vào và giết hết mọi người trong quán. Hết chuyện. Sau khi gần như mọi người trong phòng học ngập khói thuốc đã diễn tả sự thất vọng của mình với cốt truyện, chúng tôi quay sang Ray. Rõ ràng ông đang hoang mang. Rốt cuộc ông nói rất nhỏ, “Chà, thỉnh thoảng một truyện ngắn cũng cần có một khẩu súng tiểu liên.” Câu trả lời này có vẻ làm hài lòng cả tác giả lẫn những người cảm thấy câu chuyện đã được cứu thoát khỏi vẻ thảm hại của nó.

Vào kỳ học đầu của tôi, Ray quên mất không cho điểm tôi ở lớp viết văn. Tôi nói với ông điều đó, và chúng tôi đến văn phòng khoa để giải quyết. “Anh đã viết rất hay đấy,” ông nói, và bảo tôi sẽ được điểm A. Tôi thấy sung sướng, nhưng bớt sung sướng hẳn khi Ray mở sổ điểm viết chữ A vào bên cạnh tên tôi, dưới một cột dày đặc những điểm A. Dường như ai cũng viết hay cả. Trên lớp ông trân trọng từng truyện ngắn - đối xử với chúng như với những thực thể sống, có lẽ chúng hơi ốm yếu, hay nhiều thiếu sót, nhưng là những thứ có thể nuôi dưỡng và chữa chạy.

Mặc dù lúc nào Ray cũng khích lệ, nhưng ông cũng có thể nghiệt ngã nếu biết người ta trông chờ sự phê bình. Các sinh viên may mắn được ông đối xử với các truyện ngắn theo cùng cách ông đối xử với rất nhiều bản nháp của chính ông. Các bản thảo được trả về tơi bời với những gạch xóa, những thay thế kỹ lưỡng của Carver, dấu chấm hỏi và thắc mắc nguệch ngoạc. Tôi từng đưa đi đưa lại cho ông một truyện ngắn đến bảy lần; chắc ông phải bỏ đến 15 hay 20 tiếng đồng hồ cho nó. Ông là một biên tập viên tỉ mỉ, bị ám. Trong phòng làm việc của ông, khi chỉ có hai người, ông hay biến thành một cha rất dữ, giọng ông dần dà cứng rắn hẳn lên.

Có lần chúng tôi tranh luận 10 hay 15 phút về từ “earth” mà tôi dùng. Carver cảm thấy nên thay bằng từ “ground”, và ông cảm thấy điều này đáng để bàn kỹ. Cuộc trò chuyện này là vô giá; tôi thường xuyên nghĩ đến nó trong lúc viết. Bản thân Carver sau này cũng lấy nó làm ví dụ trong một tiểu luận ông viết cùng năm ấy, bàn về tầm ảnh hưởng của John Gardner, mentor của ông. “Ground là ground, ông nói, nó có nghĩa là ground, là bùn, kiểu những thứ như thế. Nhưng nếu dùng “earth” thì lại là chuyện khác, nó có những hàm nghĩa khác.”

Tiểu thuyết gia John Gardner là người thầy dạy viết văn đầu tiên của Ray. Họ gặp nhau tại Chico State College, California, vào thập niên 1960. Ray bảo cả đời mình khi viết ông luôn luôn cảm thấy có Gardner nhìn qua vai mình, đồng tình hoặc không đồng tình với một số từ, mệnh đề và chiến lược. Phạt phạm lỗi. Ông bảo một thầy giáo dạy viết văn giỏi là điều gì đó giống một ý thức văn chương, một giọng nói phê phán thân tình rót vào tai ta. Tôi biết ông muốn nói gì. (Tôi cũng có một ý thức như thế; nó hay nói lẩm bẩm.) Sau gần hai mươi năm, Carver gặp lại ông thầy cũ, lúc đó sống và dạy học chỉ cách Syracuse chưa đầy một trăm dặm, tại Binghamton, N.Y., và việc Gardner tán thưởng tác phẩm của ông có ý nghĩa rất lớn đối với ông. Mùa xuân năm 1982, tôi ghé nhà Ray vài phút sau khi ông nghe tin Gardner chết trong một tai nạn xe cộ.

Quẫn trí, ông không thể ngồi im một chỗ. Chúng tôi đi vòng vòng quanh nhà và cái sân, vừa đi ông vừa nói về Gardner.

“Hồi ấy tôi còn chẳng biết một nhà văn thì trông như thế nào,” Ray nói. “John trông giống một nhà văn. Ông ấy có mái tóc đó, và ông ấy hay mặc cái thứ đó, trông giống một cái áo choàng. Tôi đã cố bắt chước dáng đi của ông ấy. Ông ấy hay để tôi ngồi viết trong phòng làm việc của ông ấy vì tôi không có nổi một nơi nào yên tĩnh. Tôi đã xem đống giấy tờ của ông ấy, ăn cắp nhan đề những truyện ngắn của ông ấy để dùng cho những truyện ngắn của tôi.”

Vậy nên hẳn là ông hiểu khi tất cả chúng tôi chẳng hề ngượng ngùng đánh thó từ ông, sinh viên chúng tôi ở Syracuse, Iowa, Stanford rồi tất cả những lớp dạy viết văn khác trên toàn quốc, gần như ai ai cũng như thể viết và cho in những truyện mang nhan đề của Raymond Carver như “Do You Mind If I Smoke?” hay “How About This, Honey?” Chắc chắn ông không khoái trò nhân bản vô tính. Nhưng ông biết bắt chước là một phần của việc đi tìm giọng riêng.

Tôi gặp Carver ở gần đoạn khởi đầu của cái mà ông thích gọi là “cuộc đời thứ hai” của mình, sau khi ông bỏ rượu. Tôi từng nghe những câu chuyện về Ray tồi tệ xưa kia, những câu chuyện mà bản thân ông thích kể. Khi gặp ông tôi nghĩ về những nhà văn khác như những kẻ điên rực rỡ nốc quá nhiều rượu, lái xe quá nhanh và gieo rắc những trang viết xuất chúng của mình dọc theo con đường đi tồi tệ. Có lẽ từng có lúc cả ông cũng như thế. Trong tiểu luận “Fires” ông viết, “Tôi từng nghĩ nhà văn là những người vào các thứ Bảy không đến hiệu giặt.” Hemingway có thể nào bị bắt quả tang đang giặt quần áo không? Không, nhưng William Carlos Williams thì có thể. Hoặc giả Chekhov yêu quý của Carver. Ở lớp học và trên trang viết, cách nào đó Carver đã mang đến cái tin tốt lành là trong vương quốc văn chương có cả màn giặt quần áo.

Không phải là thời ấy Ray bỏ nhiều thời gian ở hiệu giặt, mặc dù về cuối cuộc đời đã tốt lành với ông theo cách thức khiến ông dường như lúc nào cũng cảm thấy biết ơn. Nhưng biết được rằng máy chữ của một trong những bậc thầy của văn xuôi Mỹ đang gõ lách cách ngay trên phố kia, trong khi một người hàng xóm dọn đống lá và vài đứa trẻ chơi trò Frisbee còn lũ chó thì sống cuộc đời chó của chúng - bản thân nó với tôi đã là một bài học. Dù cho ở trung tâm công việc viết văn ẩn trú những bí ẩn đen tối như thế nào, ông vẫn khăng khăng về duy nhất một bí mật nghề nghiệp: ta phải sống sót, tìm lấy một chỗ yên tĩnh mà làm việc chăm chỉ ngày ngày. Và gặp ông uống cà phê, cùng ông xem một trận bóng chày hay một bộ phim ngu ngốc, mường tượng vài huyền thoại nguy hiểm về cuộc đời viết lách mà ông không thích giảng - mặc dù đôi lúc ông cũng có giảng, nếu nghĩ có thể giúp ích gì đó. Khi chúng tôi bắt đầu thân nhau, ở New York, ông cảm thấy mình buộc phải khuyên nhủ tôi, trong một loạt thư tuyệt vời, và một năm sau đó tôi chuyển bang để trở thành sinh viên của ông.

Đọc các đối thoại Plato, ta nhận ra rằng việc Socrates tự hạ mình là một cái gì đó giống như một mưu mẹo. Tuy nhiên, sự nhún mình của Ray rất sâu sắc và không phải ngụy tạo, là một trong những thứ đáng kinh ngạc nhất ở ông. Khi hỏi một sinh viên, “Anh nghĩ gì?” thì rõ ràng ông muốn biết thật. Đây như thể là một phương pháp sư phạm hiếm hoi và đầy cảm hứng. Những suy nghĩ riêng của ông được trình bày cẩn trọng đến mức ta biết được chúng đã được cân nhắc nhiều đến thế nào.

Tuy tuyên bố không thích dạy học nhưng ông đã tạo ra khác biệt rất lớn cho rất nhiều sinh viên. Chắc chắn ông đã làm thay đổi đời tôi một cách không thể đảo ngược và tôi cũng từng nghe nhiều người khác nói vậy.

Tôi vẫn dướn về phía trước, đầu ngả sang một bên để cố nghe rõ giọng nói của ông.

2 comments:

  1. Rất hay. Nhưng "khu nhà di động" là gì vậy?

    ReplyDelete
    Replies
    1. trailer park, khu tập trung các dạng nhà trên xe van, nhiều lúc có nghĩa rộng hơn chút, đại khái là tạm bợ

      Delete