Jul 6, 2015

Đi tìm thời gian đã mất không phải là đi tìm thời gian đã mất

Cách đọc Đi tìm thời gian đã mất kém nhất là đồng hóa nó với nhan đề của nó, coi đó là một câu chuyện về sự thể "đi tìm thời gian đã mất". Tác phẩm lớn đồng thời cũng có nhan đề lớn, nhan đề ấy là một yếu tố quan trọng làm nên tổng thể, nhưng những nhan đề vĩ đại bao giờ cũng đánh lừa.

Có thể lúc đầu Marcel Proust thực sự mường tượng La Recherche là một cuộc tìm kiếm thời gian, một cuộc hồi tưởng thật dài và đầy rung động, và nếu như thế ta hoàn toàn có thể coi đó là một bộ tiểu thuyết dùng để áp dụng lý thuyết triết học của Henri Bergson. Nhưng, như tôi đã viết hôm qua (xem thêm ở đây), La Recherche đã thay đổi gần như toàn bộ kể từ khi ở dạng ý tưởng ban đầu cho tới tác phẩm hoàn chỉnh. Những thay đổi ấy không chỉ nằm ở cấu trúc và dung lượng. Viết xong La Recherche, mọi thứ ban đầu đã đổ sụp, từ đống đổ nát ấy mà mọc lên một cái gì khác hẳn. Thật ra, đó chính là ý nghĩa nguyên ủy của mọi tác phẩm nghệ thuật đích thực: chúng chẳng tuân theo cái gì hết, không một quy luật nào, không một sự thao túng có ý thức nào, không một kế hoạch chi tiết nào. Nhất là, chúng nhất định không tuân theo chính tác giả của chúng; một tác phẩm văn chương khởi sự nổi loạn chống lại nền chuyên chế của tác giả viết ra chúng bắt đầu mang dáng dấp của một tác phẩm lớn. Ban đầu, La Recherche là một tập hợp của những cặp nhị nguyên lồ lộ: thời gian đã mất/thời gian tìm thấy lại, phía Swann/phía Guermantes, trí tuệ/trực giác; ở tác phẩm hoàn chỉnh, vẫn còn nguyên những cặp nhị nguyên ấy, còn thêm vào nhiều "cặp" hơn nữa, nhưng tất cả đã ở một bình diện khác hẳn, với rất nhiều sắc thái. Chỉ cần nhớ rằng tập cuối cùng mà Proust viết để hoàn thành La Recherche, tập trung tâm, tập quyết định bộ xương sống cho cả bộ sách, mang tên Sodome và Gomorrhe. Ngay lập tức, hai thành phố bị Chúa trừng phạt trong Kinh Thánh vì tập quán hư đốn này không còn thực sự mang tính chất nhị nguyên đối lập nữa: Sodome và Gomorrhe nằm trên cùng một bình diện của tình dục đồng giới, chứ không đối lập với nhau. Các "cặp" nảy sinh về sau cũng có cùng dạng như vậy: Charlus/Swann hoặc Albertine/Gilberte.

Và nhất là, giữa hai "cặp" hay hai "cực" có một cái gì đó rất mơ hồ len lỏi vào, không để cho ta thực sự định nghĩa được, làm cho sự đối lập không còn thực sự là đối lập. Marcel Proust xuất phát từ những quan niệm triết học rất rõ ràng, nhưng hành động viết hay nói đúng hơn là tính chất thiếu rõ ràng (mang tên équivoque) của văn chương đã nhào nặn lại tất cả, đã chế tạo ra những thứ khác hẳn. Ta đưa những thứ này vào một đầu của một cái máy và tưởng rằng sẽ nhận được kết quả như thế này ở đầu bên kia, nhưng rốt cuộc hóa ra lại không phải; kết quả hoàn toàn khác, thậm chí còn có thể hoàn toàn trái ngược với mọi trông đợi. Một ví dụ rất lớn: hồi nhỏ, Marcel tưởng rằng "phía Swann" và "phía Guermantes" là hai phía chia cắt với nhau hoàn toàn, thì đến lúc, ở đầu tập cuối Thời gian tìm thấy lại, về lại Combray ở nhà Gilberte Swann lúc này đã là Gilberte de Saint Loup (ngôi nhà Tansonville), thì Marcel phát hiện ra hai phía ấy không hề tách biệt (xem thêm đoạn trích ở đây). Không chỉ độc giả bất ngờ liên tiếp khi đọc Đi tìm thời gian đã mất, mà chính tác giả cũng bất ngờ liên tục khi viết nó. Giờ đây đọc các bản thảo mà Marcel Proust viết để chuẩn bị cho La Recherche, những đoạn sau này sẽ bị bỏ đi, bị viết lại, ta mới thấy tầm vóc của vấn đề: bản nháp rất tầm thường, có những đoạn thậm chí còn vô duyên, kém cỏi, nhưng lúc được viết lại, chúng lung linh ngay lập tức. Marcel Proust đã phải bất ngờ với chính mình rất nhiều; sự bất ngờ của nhà văn truyền lại tới đọc giả, nên ta cũng phải bất ngờ. Proust đã phải trải qua rất nhiều "chuyển hóa" (transformation) trong quá trình viết; tới lượt mình, độc giả cũng trải qua rất nhiều chuyển hóa. Tất nhiên là độc giả đích thực.

Tôi nhớ tới những cuốn tiểu thuyết lớn khác. Để đơn giản, tôi sẽ nói đến một "bộ tứ huyền ảo" của tiểu thuyết thế giới trong văn chương thế kỷ XX, những tiểu thuyết mà bất kỳ độc giả văn chương nào cũng từng phải đọc. Đó là Lolita của Vladimir Nabokov (xem thêm ở đây), Trăm năm cô đơn của García Márquez (xem thêm ở đây), câu chuyện về cái trống của Günter Grass (xem thêm ở đây) và Những đứa con của nửa đêm của Salman Rushdie (xem thêm ở đây).

Giờ đây, bằng toàn bộ kinh nghiệm đọc của mình, tôi hiểu ra rằng cả bốn cuốn tiểu thuyết ấy đều đến được chính xác đường ranh giới của sự vĩ đại; cả Nabokov, Grass, García Márquez và Rushdie đều sờ được vào một thế giới khác nhưng đều không vượt qua được lằn ranh. Lằn ranh này là cái gì? Là thứ mà, Brodsky chứ không phải Nabokov, Bernhard chứ không phải Grass, Borges chứ không phải García Márquez, Naipaul chứ không phải Rushdie, bước qua một cách đơn giản và dễ dàng, trong khi cả bộ tứ kia trống giong cờ mở nhưng chỉ đến được đúng đường ranh giới. Muốn biết sâu xa từng tác phẩm thì phải đọc lại, lần đọc sau hoặc sẽ làm tác phẩm thực sự lớn được nâng thêm lên nữa, nhưng làm tác phẩm chỉ gần lớn tụt hẳn đi. Mới gần đây, tôi cố đọc lại Kỹ nghệ lấy Tây của Vũ Trọng Phụng mà không nổi, trong khi các truyện của Nguyễn Huy Thiệp ở thời kỳ đỉnh cao vẫn rất đẹp, mà Nguyễn Huy Thiệp lại chính là người "bắt" trúng luôn Vũ Trọng Phụng và con người bên trong của Vũ Trọng Phụng trong truyện ngắn "Bài học tiếng Việt".

Đi tìm thời gian đã mất là hiện thân của một điều gì đó tuyệt đối. Ngoài Proust, chỉ Kafka mới làm được điều này, chứ ngay cả James Joyce cũng không làm được (nhưng "học trò" của Joyce là Samuel Beckett lại làm được rất dễ dàng, ở một mức độ chóng mặt, nhưng là về sau này, cái giai đoạn mà người ta cứ tưởng ông hoàng là Alain Robbe-Grillet nhưng hóa ra đó lại là Beckett).

Một trong những nguyên nhân, theo giải thích riêng của tôi, ở riêng trường hợp Proust, là Proust không chỉ là nhà văn mà còn là một nhà phê bình. Đi tìm thời gian đã mất thật ra có một tầm sâu rất dày dặn là bình luận nghệ thuật. Độc giả Việt Nam đã biết đến Proust bình luận hội họa, nhất là tranh của Vermeer, trong Bên phía nhà Swann. Những thời điểm đáng nhớ khác nữa trong bộ sách là, chẳng hạn: Proust nhận xét về âm nhạc của Fauré (Fauré chính là hình mẫu quan trọng nhất để Proust tạo ra nhân vật Vinteuil và âm nhạc của Vinteuil, "bản xô nát của Vinteuil", theo một phân tích rất thuyết phục của Antoine Compagnon); rồi Proust đứng biện hộ cho Wagner chống lại chỉ trích của Paul Bourget và cả Nietzsche liên quan đến tính chất suy đồi (décadence); Proust và lời bình luận tổng thể các tác phẩm văn chương Pháp thế kỷ XIX trong Cô gái bị cầm tù; những lời trò chuyện giữa Proust và nam tước Charlus, vô cùng hài hước, vô cùng châm biếm, liên quan đến các tiểu thuyết của Balzac trên chuyến tàu ở Balbec, trong tập Sodome và Gomorrhe (Đi tìm thời gian đã mất rất buồn cười, nó chính là bộ sách hài hước nhất trong số mọi kiệt tác văn chương); và cả hình ảnh Marcel Proust người hay bắt chước để học viết văn (xem thêm ở đây), khi ở đầu tập Thời gian tìm thấy lại xuất hiện đoạn pastiche giọng văn của anh em Goncourt.

Đừng nghĩ Đi tìm thời gian đã mất là đi tìm thời gian đã mất, thì ta đã có thể khởi đầu một cuộc đọc Đi tìm thời gian đã mất đích thực và biết đâu với rất nhiều thành tựu.


Quên tình yêu
Paul Valéry hạ sát Marcel Proust

4 comments:

  1. Hay, mọi tác phẩm nghệ thuật đích thực không tuân theo một quy luật nào hết, chống lại cả tác giả.

    ReplyDelete
  2. Chào bác, cháu muốn hỏi nên đọc những tác phẩm nào trước khi đọc Đi tìm thời gian đã mất để thật sự hiểu rõ bộ tiểu thuyết này ạ?

    ReplyDelete
    Replies
    1. http://nhilinhblog.blogspot.com/search/label/tien-but

      Delete