May 4, 2014

García Márquez

Không phải đến giờ khi Gabriel García Márquez đã mất đi, chủ đề García Márquez và văn chương Mỹ Latinh (ở Việt Nam về cơ bản được khái quát hóa, thật ra là thu giảm kiệt cùng, thành "chủ nghĩa hiện thực huyền ảo") mới là đáng nói, bởi nói gì thì nói, García Márquez là nhà văn nước ngoài hiện diện mạnh mẽ nhất ở Việt Nam trong vòng ba mươi năm vừa rồi.

Tôi (mà ai chẳng vậy) có kỷ niệm riêng về việc đọc Trăm năm cô đơn, mà tôi đã kể sơ qua ở đây.

Đó là năm 1988, cùng lắm là 1989, tôi cũng có tập Người chết trôi đẹp nhất trần gian bản in đầu cực đẹp, và rất nhớ cái lần ra Hiệu sách Nhân dân ở Giảng Võ (giờ đang bị phá tan hoang) mua tập Dấu máu em trên tuyết (bản thân truyện "Dấu máu em trên tuyết" với tôi là một kỷ niệm đọc kinh hoàng).

Hệ quả của việc đọc Trăm năm cô đơn thì thực sự dã man, khó mà kể nổi, và nói ngay luôn được, tôi vô cùng ác cảm với văn chương của García Márquez. Nó càng vĩ đại một cách khách quan thì nỗi ác cảm riêng đậm đặc tính chủ quan của tôi càng lớn thêm.

Trong lịch sử đọc García Márquez riêng của tôi, mãi cho đến lúc sờ đến Sống để kể lại tôi mới thấy văn chương García Márquez hay; Sống để kể lại, với tôi, là thứ hay nhất García Márquez từng viết, về độ vĩ đại thì tất nhiên kém "Trăm năm cô đơn", nhưng cũng chỉ kém tí ti thôi.

Bài tôi viết về Sống để kể lại là bài duy nhất tôi từng viết về văn chương García Márquez, cách đây tầm mười năm (bài này bây giờ đọc có mấy chỗ hơi buồn cười).

Điều tôi quan tâm hơn bản thân sự qua đời (cũng vĩ đại không kém tác phẩm của García Márquez) của García Márquez là: hậu García Márquez là gì, cũng như trong văn chương Mỹ Latinh, ta nên quan tâm hậu các nền độc tài là gì.

Sau García Márquez, sau Borges, văn chương Mỹ Latinh đã có nhiều thế hệ xuất chúng chiến đấu kịch liệt trong niềm ngưỡng mộ những tượng đài để giật đổ, vượt qua những tượng đài ấy, một cuộc chiến đấu cực kỳ cam go, nhưng cũng thật huy hoàng: có những quái vật khổng lồ và quái ác để chiến đấu là một điều gì đó vô cùng sung sướng.

Sắp tới đây tôi sẽ nói nhiều về các thế hệ nhà văn Mỹ Latinh sau Borges và sau García Márquez, những con người theo tôi còn làm nên sự "huyền ảo" mạnh mẽ hơn cả so với "chủ nghĩa hiện thực huyền ảo" ngay cả ở đỉnh cao của "chủ nghĩa" này.

Cuộc chiến đấu ấy, có thể nhìn nhận theo cách của Salman Rushdie, nghĩa là coi việc Roberto Bolaño tỏ ý khinh bỉ García Márquez là một cái gì đó rất nông nổi, trẻ con. Nhưng cũng có thể coi cuộc chiến đấu ấy thực sự là sinh tử. Bản thân Salman Rushdie cũng vậy thôi, viết văn mà không làm người ta quên được đất nước Ấn Độ của Tagore và Nehru, thì viết văn làm gì.

Truyền thống và lịch sử oái oăm là vậy.

García Márquez đặt ra câu hỏi: tại sao bà nội bà ngoại không được bay lên trời? Còn các thế hệ sau đó hỏi câu khác: tại sao bà nội bà ngoại lại cứ phải bay lên trời?

Câu hỏi thứ hai với tôi make sense hơn nhiều. Thật ra, tôi luôn luôn ở trong vòng common sense, có thể có cảm tình hay nuôi nhiều tò mò với những thứ "ngoài vòng", nhưng không thực sự nuốt trôi được những cái mà tôi coi là "over" trong sự nhìn nhận cuộc đời và các chi tiết của cuộc đời.

Và một điều nữa: García Márquez mất đi thực sự là một sự kiện, hy vọng là giới dịch giả Việt Nam thấy rằng đã đến lúc nên có một bản dịch Trăm năm cô đơn mới, để sự vĩ đại của tác phẩm ấy còn vĩ đại và đẹp hơn nữa, để vượt qua sự vĩ đại của Nguyễn Trung Đức trong vòng ngót ba mươi năm vừa qua.

3 comments:

  1. Cho em hỏi: Nguyễn Trung Đức dịch GGM từ tiếng gì?

    ReplyDelete
  2. từ tiếng gốc TBN, trên sách ghi cùng vài người nữa

    ReplyDelete
  3. Trăm năm cô đơn thì ba người dịch,
    Tướng quân giữa mê hồn trận, Tình yêu thời thổ tả, một mình Nguyễn Trung Đức dịch.

    ReplyDelete