quyển này, mới ra:
là tôi tự mua đấy nhé, không được gửi tặng như quyển trước :p
A Lịch Sơn Đắc Lộ đặt chân đến Đàng Ngoài năm 1627, là người khởi đầu của nhiều thứ (chữ Quốc ngữ thì không hẳn de Rhodes là "cha đẻ": các nghiên cứu gần đây đã chỉ ra rõ ràng de Rhodes thừa hưởng công việc của một số người trước đó, ví dụ Barbosa): chẳng hạn, nhờ de Rhodes mà thánh Giu-se (Joseph) có vị trí như vậy trong Công giáo Việt Nam
de Rhodes khiến chúng ta phải suy nghĩ về vai trò của các "tiên khởi"; điều này sẽ còn lặp lại ở một nhân vật về sau: Trương Vĩnh Petrus Ký; ở những người "tiên khởi", có rất nhiều điều mà từ điểm nhìn hiện nay nhìn lại, rất khó đánh giá - về cơ bản là không thể có một đánh giá thuần nhất
một giáo sĩ dòng Tên xuất thân Avignon (à, tôi đã đến Avignon xem Tòa Thánh, nhưng Avignon có cây cầu gãy hấp dẫn hơn), rồi lại lang thang ở Đại Việt, Đàng Trong Đàng Ngoài, ghi chép rất nhiều thứ, ví dụ Đắc Lộ bảo Thăng Long Kẻ Chợ hồi đó có đến một triệu dân (nhưng điều này thì chắc chắn đúng: người Việt Nam sinh đẻ rất nhiều, nếu không như thế, sẽ chẳng có đủ người để đánh nhau); đúng như Tạ Chí Đại Trường đã nói, người phương Tây ghi chép ở Việt Nam, gần như không bao giờ viết được tên riêng của con người (de Rhodes, trong cuốn sách về Đàng Ngoài này, khiến ta phải đoán, qua miêu tả hành trạng, ai là Nguyễn Kim, ai là Trịnh Kiểm, ông nào gả con gái cho ông nào, và các vua Mạc đã làm gì etc.), chỉ ghi được đại khái "chúa Bằng" (tức Trịnh Tùng); lúc de Rhodes đến Đàng Ngoài thì Trịnh Tráng đang tại vị; nhưng de Rhodes lại miêu tả kỹ lưỡng lễ tịch điền chẳng hạn, đồng thời làm phát sinh một "thế lực tà ma" tên là "Võ Tuấn" khiến dân chúng rất sợ, cuối năm trốn hết vào trong chùa, nhân vật Võ Tuấn quỷ dị này dường như cho đến giờ chính người Việt Nam cũng chưa biết được là ai
thấy quyển này quay trở lại, trong cơn bốc đồng, thiếu điều tôi đã thò ra quyển của Christoforo Borri bản đầu, quyển của Tavernier bản đầu, Linguae Annamiticae seu Tunchinensis brevis declaratio của chính Đắc Lộ, bản đầu; nhưng sau nghĩ lại, thôi, chưa đến lúc, cứ để sau đã :p
tôi quan tâm hơn đến Hồng Nhuệ Nguyễn Khắc Xuyên, người dịch Lịch sử vương quốc Đàng Ngoài, cũng là người dịch cuốn sách của Borri về Đàng Trong năm 1621, cùng vô số tác phẩm quan trọng khác nữa
Nguyễn Khắc Xuyên có vị trí không nhỏ trong cả ngành thư tịch học:
(ấn bản sau này cùng quyển tương tự về Tri tân tôi ngại lục)
Nguyễn Khắc Xuyên kết hợp với linh mục Phạm Đình Khiêm, một trong những tác phẩm trọng yếu nhất về lịch trình Quốc ngữ:
tôi học được vô biên thứ từ cuốn sách này
(xem con dấu kìa :p)
về Phạm Đình Khiêm, xem thêm ở kia
nhân tiện, có ai biết đích xác không, nói cho tôi phát: Phạm Đình Khiêm và Phạm Đình Tân có họ hàng gì với nhau không nhỉ? (cùng trong đường link vừa xong: một hậu thân của Đắc Lộ giai đoạn "cuối tiền chiến", một nhà xuất bản và một cái giải thưởng)
Nguyễn Khắc Xuyên trong mảng sách đặc thù Công giáo:
trong một diễn biến khác :p, rất liên quan: Đàng Trong cuối thế kỷ 17 (đời chúa Nguyễn Phúc Chu, chúa Minh hoặc chúa Ninh), sách cũng vừa ra:
như vậy, đồng thời, ta có hai "account lịch sử" về Đại Việt thế kỷ 17, một của người phương Tây về Đàng Ngoài, một của người phương Đông về Đàng Trong; Thích Đại Sán tức Thạch Đầu đà, một họa sĩ siêu hạng, có số phận bi thảm sau khi từ Đại Việt trở về Trung Hoa, từ vị trí thượng khách giảng kinh cho chúa Nguyễn đến một cái chết nhiều bí ẩn; câu chuyện Thích Đại Sán sang Đại Việt cũng rất quan trọng trong cuốn sách này (Thiên chúa giáo và Phật giáo giao tranh tại Việt Nam còn thể hiện ở những điểm như thế; thời điểm Thích Đại Sán sang đây, chúa Nguyễn thi hành cấm đạo Gia-tô một cách mạnh tay)
thế kỷ 17 đánh dấu một đảo chiều lớn: trở về trước, nếu muốn tìm sử liệu, người ta sẽ quay sang Trung Hoa, như Hoàng Xuân Hãn từng tham khảo sách của Lý Đào khi viết về Lý Thường Kiệt, còn từ đây, sẽ có rất ít "du ký Trung Hoa", ví dụ ngoài cuốn sách của Thích Đại Sán (gần đây được sử dụng rất nhiều vì có chi tiết về Hoàng Sa) chỉ còn rất ít, chẳng hạn cuốn sách của Chu Thuấn Thủy; người ta sẽ dựa nhiều hơn vào ghi chép của người phương Tây
bản dịch Hải ngoại kỷ sự được in tại Sài Gòn năm 1963, lần tái bản này có sự hiệu chú của Nguyễn Thanh Tùng; tiến sĩ Tùng đã viết một bài tựa rất hiển hách
sách cũng in bài nghiên cứu của Trần Kinh Hòa, nhân vật kỳ lạ từng có nhiều nghiên cứu đáng giá đã qua đời năm 1995; trong số những người cùng có profile hao hao như Trần Kinh Hòa, tôi đặc biệt quan tâm đến Lý Văn Hùng, thật ra có vai trò rất lớn trong nghiên cứu Kiều; Bửu Cầm đã dựa rất nhiều vào Lý Văn Hùng khi xác định "lam bản Kiều" (xem thêm ở kia)
No comments:
Post a Comment