Ý (Idee/idée/idea) là một cái gì - giống một hình ảnh - rất nhẹ (mảnh thì đúng hơn). Nếu không viết "ý" mà viết thuần túy theo lối ghi âm, là "í", thì chuyện càng rõ ràng hơn nữa - trong nhiều thứ tiếng, phổ biến thành ngữ đại ý "thẳng như chữ i" hoặc "đặt dấu chấm lên trên chữ i".
(nhân tiện, đã tiếp tục Mai-nương Lệ-cốt: câu chuyện đang đi đến hồi chung cục, "Biết đâu địa ngục thiên đường là đâu", anh chị lại mắc vòng tù ngục và viễn cảnh phải đi sang châu Mỹ đã hiện ra; cũng tiếp tục "Nguyễn Văn Vĩnh và hai tờ báo", cũng như bài "Hai nguồn" (Bergson), trên và dưới)
Chính vì nó vô cùng nhẹ, ý có thể dịch chuyển (hết sức dễ dàng) qua nhiều vùng. Tại vùng của tưởng (trí tưởng tượng - liên quan rất nhiều đến cơ chế phóng chiếu), nó là "ý tưởng". Một ý tưởng thì rất hiếm khi đi vào tầng của thật hay thực (hiểu một cách ngắn gọn, gần như không nhân-quả). Nó biến thành "ý niệm" trong khu vực của niệm (tức là niệm năng) - đó chính là tương đương của notion (chứ idea thì không phải "ý niệm", mà là ý). Nó cũng có thể được hình dung là phóng to ra, to đùng: đại ý. Tất nhiên, nơi địa hạt của nghĩ, ta có ý nghĩ.
Còn rất nhiều dịch chuyển khác nữa, nhưng đồng thời với đó, cũng vì nhẹ, cho nên nó cao. Nó cao, cho nên nó trở thành lý tưởng (ideal). Thế giới Ý của Platon, etc. Đó là thứ dùng cho một hoạt động: chiêm ngưỡng.
Nhưng nghịch lý của ý xuất hiện, với ý luận (ideology/idéologie). Đó là - trước hết - sự trả thù của ý. Không gì nhẹ bằng ý, nhưng cái nhẹ tột cùng có thể trở nên vô cùng nặng - bởi vì ý luận - trước hết - rất nặng. Nặng là do buộc.
Một môn đệ thân tín của Nicolas de Cues (nhân vật trọn vẹn thuộc về thế kỷ 15, và cũng như mọi nhân vật của thời ấy, chỉ riêng cái tên đã gây rối trí: "Nicholas of Cusa", "Nikolaus von Kues", "Nicolaus Cusanus" hay thậm chí "le Cusain" - tất tật đều chỉ cùng một người) khi san định trước tác của thầy đã thêm vào chữ "N" lừng danh của Nicolas de Cues chữ "I", để cho hệ thống được đầy đủ: học trò san định tác phẩm của thầy (Luận ngữ sinh ra theo cùng cách, Socrate tồn tại trong lời kể của Platon) cũng là một chiêm ngưỡng.
Nhưng, định mệnh của con người là không thể chiêm ngưỡng nguồn: không bao giờ sự chiêm ngưỡng là trực tiếp, chính vì vậy mà có tầm quan trọng của phản chiếu, khúc xạ - con người không chịu nổi chính cái đó, cũng như chẳng bao giờ chịu đựng được sự thật. Hình ảnh thực sự con người nhất là hình ảnh người ngồi ngắm trăng: người ta ngắm trăng vì không thể chiêm ngưỡng mặt trời. Bao giờ nguồn gốc cũng thiêu đốt, và quá mức nguy hiểm.
(còn nữa)
nếu nó nhẹ vì có trọng lượng thì sao :P
ReplyDeletecái đó thì luôn luôn đúng: một dạng trọng lượng "virtual"
ReplyDelete❤️ khi dấu chấm trên chữ i rơi xuống, nguyên tắc phách đổi chiều
ReplyDeleteđợi rằm