Aug 16, 2019

Tờ báo, quyển tạp chí, cuốn sách

Vừa kết thúc loạt thuyết trình ba buổi sáng của tôi về lịch sử báo chí Việt Nam (14, 15, 16 tháng Tám, tại Hàng Bài, Hà Nội).

Cũng giống loạt thuyết trình hồi năm ngoái về École de Genève (xem ởkia và ngược về trước, theo các đường link, cũng như trong label "doclythuyet"), ngoài một số điều khác, đây là lúc để tôi ghi nhận một sự kiện: sự sụp đổ của nghiên cứu tại Việt Nam (với các collateral của nó), nhất là nghiên cứu dạng thiết chế. Nếu cần phải nói chỉ một nguyên nhân cho điều đó, tôi sẽ nói, đó là vì đặc quyền xã hội. (label "lsbcvn" không chứa đựng đầy đủ những gì liên quan đến báo chí)

Tài liệu cho người nghe mấy hôm vừa rồi:






Trên đây tôi nói đến mấy vấn đề cho đến giờ còn chưa bao giờ được sáng tỏ (tiểu sử Schneider, nhất là Schneider qua đời năm nào; Đông Dương tạp chí có bao nhiêu số và thật ra đã tồn tại như thế nào; hai tờ báo rất ít được biết đến trong sự nghiệp Nguyễn Văn Vĩnh: Notre JournalNotre Revue). về Nguyễn Văn Vĩnh, xem ởkia và ngược về trước theo các đường link

(một chủ đề quan trọng nữa mà tôi đã trình bày cách đây vài năm: về đoạn cuối của thời tiền chiến, cụ thể là quãng 1945-1946, xem ởkia; tôi cũng đã đưa trở lại một số điều liên quan tới một "đoạn khó" nữa, đoạn báo chí Hà Nội thời Pháp chiếm đóng 1947-1954, xem ở label "4754"; tất nhiên đã có không ít thứ về báo chí Sài Gòn trước 1975 và một số điều khác về quãng hậu 75)

Đây là hai "hậu thân" của Đại Nam đồng văn nhật báo (Nam Việt quan báoNam Việt công báo):



Hai hình ảnh trên đây: courtesy of Vũ Hà Tuệ; cũng Vũ Hà Tuệ tìm thấy tài liệu (Schneider viết tay, năm 1903) dưới đây, từ Internet:


Có thể dễ dàng suy đoán rằng mọi hiểu biết về tiểu sử Schneider cho đến thời điểm này, không ít thì nhiều, xuất phát từ nội dung tờ giấy viết tay trên đây (cái đó phản chiếu cho đến cả vào wikipedia), nhất là chi tiết liên quan tới "siège de Paris" (đây là sự kiện của cuộc chiến tranh Pháp-Phổ, cùng Công xã Paris). (tuy nhiên Schneider qua đời năm nào thì không ai biết, chính vì thế tôi nhấn mạnh vào điều đó: ta sẽ thấy ở gần như mọi nơi có nhắc tới Schneider, người ta nói Schneider chết vào năm 1929 hoặc 1930 - nhưng Schneider chết năm 1921; chi tiết này liên quan không ít tới câu chuyện báo chí đang bàn - vả lại, điều đó làm cho năm 1921 trở thành cái năm đặc biệt tang tóc đối với tờ Trung Bắc tân văn, vì chỉ trong vòng một năm không chỉ chủ nhân (cũ - nhưng vẫn thân thiết) của họ qua đời, mà còn qua đời hai thành viên trụ cột của tờ báo; tôi sẽ sớm trở lại kỹ lưỡng hơn với thời điểm 1921 của Trung Bắc tân văn: đây là đúng 15 năm trước cái chết của Nguyễn Văn Vĩnh)

Xem kỹ hơn, ở năm 1891, đoạn thứ hai, Schneider viết: "đã lập ra hoặc góp phần lập ra gần như mọi ấn phẩm được thực hiện tại Hà Nội". Trên thực tế, cộng số năm tồn tại những tờ báo (và tạp chí) mà Schneider đã sáng lập ở Đông Dương, ta có một tổng gấp mấy lần tuổi thọ Schneider (Schneider sống được đúng 70 tuổi); còn nếu như cộng hết các số báo mà những tờ đó từng ra được trong lịch sử của chúng, con số tổng hẳn không hề kém so với số lượng số báo mà tờ Nhân dân (một kỷ lục vô song) từng ra được (kể từ số 1 năm 1951) - thậm chí rất có thể phía Schneider còn vượt xa, rất xa. Schneider chính là cha đẻ của những tờ báo và tạp chí có tuổi thọ vào hàng lớn nhất của thời tiền chiến Việt Nam. Chẳng hạn, Trung Bắc tân văn ra được trên 7.000 số, trong vòng ngót 30 năm - đây mới chỉ là một tờ, và đi kèm với nó (chỉ riêng nó) còn có một số tờ khác.

Xem kỹ hơn bản lý lịch tự khai trên đây, ta còn thấy nhiều điều khác nữa: vì đây là một tờ giấy có in "en-tête", có thể chắc chắn ở thời điểm 1903 Schneider đã có trong tay ba tờ báo: Đại Nam đồng văn nhật báo ("Journal en caractères" tức là báo bằng chữ nho), Revue Indochinoise (tờ tạp chí bắt đầu ra từ nửa đầu thập niên 90 của thế kỷ 19, và cũng có tuổi thọ rất dài), nhất là L'Avenir du Tonkin (một nhật báo, ra từ 1885), tờ báo vô cùng quan trọng - tôi sẽ rất sớm đặc biệt quay trở lại với nó.

Đó là dòng chữ in phía bên trên, nhưng chưa hết, vì còn có một cột chữ in bên tay trái: cột này liệt kê những gì mà Schneider phụ trách in, ta thấy có Công báo (Journal officiel) hay BEFEO tức là tờ tập san của EFEO (Viễn Đông Bác cổ). Hay Bulletin Administratif của "Douanes et Régies" tức là của nhà đoan. Nhà đoan (hải quan) là một khâu rất quan trọng trong môi trường thuộc địa. Chẳng hạn, chính một nhân viên nhà đoan ở bến cảng Anvers đã thấy ngạc nhiên về hàng hóa xuất và nhập giữa nước Bỉ và thuộc địa Congo, từ đó mà có khám phá đầu tiên về những gì thực sự xảy ra bên Congo: đó chính là vụ diệt chủng tồi tệ dưới thời vua Léopold nước Bỉ, và đó mới thực sự là mở màn cho cuộc giết chóc chưa từng có của cả thế kỷ 20. Congo: ta không còn lạ, chính là chủ đề cuốn tiểu thuyết Heart of Darkness của Joseph Conrad, nhưng đó (mở rộng hơn nhiều) cũng trở thành chủ đề cho một cuốn tiểu thuyết rất lớn gần đây của một nhà văn mà chúng ta không xa lạ, Mario Vargas Llosa.

Cho nên, tôi sẽ còn quay trở lại với các ấn phẩm liên quan tới nhà đoan thời Đông Dương - cũng như Journal Officiel và một số cơ quan ngôn luận của chính quyền thực dân Indochine, chẳng hạn Công báo của Nha học chính (Nha học chính thì rất khác so với "Sở Học chính Bắc kỳ" - mảng này (Sở Học chính Bắc kỳ) gần đây là quay trở lại một phần, sản phẩm từ Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I của Việt Nam).

Cũng sẽ không ai, nhà nghiên cứu cũng như nhà sưu tầm (cái đuôi "nhà sưu tầm" rất quan trọng, thậm chí tôi còn thấy đa phần những người giảng dạy và làm công việc nghiên cứu về văn chương và báo chí Việt Nam, hiện nay, có hiểu biết về câu chuyện sáchcâu chuyện báo kém xa so với một nhà sưu tầm hạng trung bình), ngày nay, nói được Đông Dương tạp chí có bao nhiêu số ("có bao nhiêu số" là điểm hệ trọng hàng đầu trong miêu tả và hiểu biết về một tờ báo).

Về Notre JournalNotre Revue, xem ởkia.

(tức là, chỉ trong tài liệu trên đây, tôi đã giải quyết mấy điểm chưa ai nhìn rõ được; đó cũng chính là một trong những nền tảng cho cái nhìn vào câu chuyện báo chí Việt Nam của tôi - cần phải, trước hết, gỡ được mấy nút thắt lớn nhất)


Nhóm tài liệu thứ hai:


Trên đây là một trang lấy từ quyển danh mục của Paul Boudet, đoạn nửa đầu thập niên 20 của thế kỷ 20.

Phần mà Boudet (Boudet là ai? chỉ cần nhớ rất đơn giản: nếu không có Paul Boudet thì không có Thư viện Trung ương, ngày nay là Thư viện Quốc gia Việt Nam, phố Tràng Thi, Hà Nội) đang nói đến là các "périodique" (ấn phẩm định kỳ, tức là báo chí), được chia làm mấy phần:



(những tờ nào mà ở cuối có ghi "en cours" thì tức là vẫn tiếp tục tục ra vào năm 1926; nếu không phải như vậy, Boudet sẽ có miêu tả chi tiết bằng chữ nhỏ in ngay bên dưới, về lịch sử tồn tại)

Paul Boudet không chỉ có vai trò (đặc biệt lớn) đối với tổ chức và hoạt động của thư viện và lưu trữ tại Indochine (trên phương diện cốt yếu nhất) - đây là một trong những cựu học sinh của École des Chartes (Ngô Đình Nhu về sau cũng học ở đó). Điều này (một nhân vật có thể có nhiều vai trò) là hết sức bình thường trong môi trường Indochine (hành chính, nghiên cứu, giảng dạy, etc. nhiều khi không hề tách biệt): nhiều người thuộc bộ máy cai trị được biệt phái sang EFEO chẳng hạn; chính vì thế Louis Marty sẽ gặp Phạm Quỳnh ở đó, khởi đầu cho một tình bạn lâu dài và son sắt, kéo cả đời hai người (Phạm Quỳnh chết năm trước thì Marty chết năm sau, tức là 1946); cũng có viên chức hàng cai trị trở thành nhà nghiên cứu (thậm chí, nhà nghiên cứu lớn): Jean Przyluski sẽ có ghế dạy học tại Collège de France - đương nhiên, điều đó (Przyluski dạy ở Collège de France) khiến Nguyễn Văn Huyên được hưởng không ít lợi ích. Trong những gì liên quan chặt chẽ đến công việc lưu trữ, Boudet còn tổ chức nhiều cuộc trưng bày tài liệu cổ annamite; chưa hết, từ thập niên 20 của thế kỷ 20, Boudet còn trở thành Hội trưởng (Phạm Quỳnh là hội phó) của Société de Géographie de Hanoi, tức là Hội Địa dư Hà Nội - một hội phát hành không ít ấn phẩm (một số trước tác của Phạm Quỳnh có nguồn gốc là bài diễn thuyết tại đó). Tôi sẽ còn quay trở lại với Paul Boudet cả trên phương diện công chức nhà nước, nhà lưu trữ, nhà tổ chức các trưng bày cũng như chủ tịch một hội như "Hội Địa dư".


Chuyển qua một tài liệu khác:



(quay trở lại với bài báo rất quan trọng của Nguyễn Văn Tố về Nguyễn Văn Vĩnh)

Bài báo năm 1936 của Nguyễn Văn Tố chính là tài liệu tối quan trọng, trong một thời gian dài nó hướng lối cho tôi, tôi đã nhờ nó mà lần ra vài manh mối - dẫu rất nhỏ nhưng đều đặc biệt nhiều ý nghĩa. Tôi muốn nói chủ yếu bản danh mục tác phẩm Nguyễn Văn Vĩnh ở trong chú thích mà hai bức ảnh trên đây chụp đầy đủ. Nếu không có Nguyễn Văn Tố, chắc chắn rất nhiều thứ liên quan tới hành trạng Nguyễn Văn Vĩnh sẽ vô phương lần lại được. Tuy nhiên, cần lưu ý, điểm dở của bản danh mục trên đây nằm ở chỗ Nguyễn Văn Tố chỉ nhắc đến những gì đã in thành sách của Nguyễn Văn Vĩnh (nhưng có miêu tả đại cương về quá trình làm báo - lẽ ra, chỉ cần nhìn vào đó thôi người ta đã có thể suy ra gần như mọi chi tiết, đặc biệt là sự tồn tại của Đông Dương tạp chí và Trung Bắc tân văn - tôi sẽ quay trở lại điểm này ở bên dưới).


+) Trên đây, tôi rất nhấn mạnh vào các tờ báo ra ở Đông Dương không phải bằng quốc ngữ: bởi vì, một tệ lậu lớn của giới nghiên cứu báo chí ở Việt Nam là thản nhiên vứt chúng đi.

+) Một câu chuyện nhìn từ con mắt khác còn cho thấy: không chỉ Nguyễn Văn Vĩnh tuyệt đối không được biết tới, ngày nay (nhưng người ta thản nhiên không ngừng nhắc đến Nguyễn Văn Vĩnh, lại còn trao giải thưởng cho hồn ma Nguyễn Văn Vĩnh), mà đến cả Nguyễn Văn Tố, người ta cũng đâu biết gì, ngoài tập sách in mấy bài trên Tri tânThanh nghị hồi cách đây vài chục năm (bìa đen đen) rồi mới gần đây được in lại. Nhưng Nguyễn Văn Tố mà chỉ Tri tânThanh nghị thì cũng giống như Nguyễn Du mà không có Kiều. Chính vì vậy, tôi cũng đã bắt đầu loạt bài về Nguyễn Văn Tố - nhân vật có ý nghĩa đặc biệt lớn (cả trong báo chí, giảng dạy lẫn nghiên cứu - đó là trụ cột của EFEO), xem ởkia.

Cuốn sách Nguyễn Văn Tố vừa nhắc ở trên:


(gần đây - rất gần đây, như vừa nói - nó đã quay trở lại, trong một hình hài mới; nhưng hình hài thì có mới thật, mà hiểu biết về Ứng Hòe Nguyễn Văn Tố vẫn chẳng tăng chút nào)


Dưới đây là đồ hình miêu tả hoạt động của Nguyễn Văn Vĩnh, ở dạng cô đặc (version đầu tiên của hình vẽ này đã xuất hiện công khai từ cách đây mấy hôm, nhưng sau đó tôi đã sửa chữa, để đến được version hiện nay):


Một hình vẽ miêu tả khác:


"Một chân dung Nguyễn Văn Vĩnh":


(một điều mà tôi đã quên mất không nói trong mấy buổi sáng vừa rồi - có rất nhiều điều tôi đã không kịp nói, nhưng ngay từ đầu tôi đã chấp nhận điều đó, vì đằng nào thì cũng đâu có thể nào làm nổi - là: trong hoạt động của tinh thần, các đồ hình (còn được gọi, đôi khi, là "mạn đà la") có vai trò quan yếu; ý thức thì có tương quan lớn với ngôn ngữ, nhưng trước tinh thần, ngôn ngữ thường xuyên kiệt sức; điều này cũng giúp nhìn ra một mối quan hệ mở ra viễn tượng và chân trời lớn, ít nhất thì không tù đọng: cái từ ấn ấy, nó là từ chủ trì cho một nền văn minh sách, người ta in ấn để có các ấn bản, nhưng, hết sức tương tự, tinh thần là câu chuyện của những ấn tượng (ấn tượng tức là in vào): thêm một lần nữa, cần phải quay trở lại với Hume, nhưng Hume có chính xác ý nghĩa đó, vì nếu Bach là nhạc sĩ "evergreen" thì Hume là triết gia "evergreen")


Phần nội dung thuyết trình mà tôi chuẩn bị để nói cho ba buổi sáng (không nhất thiết giống hệt với những gì tôi đã nói):















Thuyết minh cho hơn chục trang viết tay trên đây (tất nhiên tôi ăn gian rất nhiều, đầy chỗ để trắng lại, vì mỏi tay) không hề đơn giản, ngay cả đối với tôi - nhất là đối với tôi.

Trước tiên, Nguyễn Văn Vĩnh là con người của hình thức. Điều này làm cho câu chuyện có thể bắt đầu được - một hệ quả từ đó: nó cho thấy rất rõ - ngay lập tức - một tệ lậu của nghiên cứu báo chí ở Việt Nam là quá mức tập trung vào nội dung (và tìm kiếm các ý nghĩa từ đó). Một tờ báo là một hình thức: khi nhận thông tin về một tờ báo nào đó, nếu không thấy nói nó có khổ như thế nào, thì tôi thấy gần như thông tin là vô giá trị: tôi sẵn sàng nói, hãy cho tôi biết khổ (rất đơn giản, một chiều bao nhiêu xăng ti mét, chiều còn lại bao nhiêu xăng ti mét), thậm chí chỉ cần có thế, khỏi cần nội dung của tờ báo (giống một nhà xuất bản thực sự biết thế nào là một cuốn sách nếu nhận được một bản thảo kèm với ghi chú của tác giả, nói rằng đây là một tuyệt tác nhưng vì quá vội viết tuyệt tác nên người ấy đã không kịp ghi dấu chấm, dấu phẩy, thì cần phải trả lời, hãy gửi cho chúng tôi các dấu chấm và dấu phẩy, không cần gì khác nữa, vì dấu chấm và dấu phẩy mới quan trọng, chứ không phải những gì ngài viết - cái đó chúng tôi hoàn toàn có thể thêm vào sau, rất dễ dàng; không gì dễ hơn là tạo ra tuyệt tác, nếu đã có dấu chấm dấu phẩy). Ở những tờ báo, tôi muốn biết kích thước, kích cỡ cũng như thợ may muốn biết số đo một số chỗ, giống toàn bộ nhân loại muốn biết số đo ba vòng của các phụ nữ. (danh mục Boudet phía trên luôn luôn viết rất rõ khổ báo; nhưng điều đó là đương nhiên, vì tuy rất thiên về hình thức nhưng tờ báo lại đồng thời cũng đích xác là một thứ vô cùng nhiều tính cách vật chất - nhưng biết làm thế nào đây, vì chuyện là thế)

Hình thức - nếu đúng là hình thức - thì có cơ may là chính tinh thần (không phải lúc nào hình thức cũng đúng là hình thức: thời gian gần đây, không ít tờ báo ở Việt Nam khai trương và phát triển các loạt bài long-form; nhưng cái đó là một hình thức giả vờ, chẳng có gì mới (đâu phải một mớ chữ cộng thêm một ít design hay clip thì sẽ sâu sắc và tạo ra nhiều góc nhìn), thậm chí còn lặp lại ở mức kém hơn những bài phóng sự lắm lời mà tờ Lao động (trang mấy nhỉ? hình như trang 5, thường là nửa trang báo lớn) hay đăng cách đây chừng hai chục năm; nhưng giờ ai có thể đọc (lại) nổi Huỳnh Dũng Nhân hay Xuân Ba hay mới hơn như Đỗ Doãn Hoàng? - báo chí Việt Nam là nơi trưng bày sự không biết viết ở mức độ to lớn vô biên). Tinh thần của báo chí Việt Nam là điều mà tôi muốn hướng tới. Bởi vì, rất đơn giản, không thể không. Một nhận xét nho nhỏ: những ai có hiểu biết kém nhất về lịch sử báo chí? chính là các nhà báo, nhất là những người ngay lúc này đang hoạt động (hoạt náo thì đúng hơn, trong đó rất đông nói cùng một lúc rất nhiều giọng, cũng như chơi trò lê la hay thậm chí cả nặc danh).

Tệ lậu tiếp theo của nghiên cứu báo chí là quá nhiều gián tiếp (và do đó, quá ít cụ thể). Nhưng nghiên cứu là dạng công việc của "lấm bẩn tay", của sờ vào tận tay, nhìn tận mắt. Trái ngược với rất nhiều người cho rằng nghiên cứu ở Việt Nam không lên cao được (vì vậy, không có tư tưởng, không có học thuyết, etc.) mà chỉ thiên về "khảo tả" (idiom rất đặc trưng), tôi thấy chính xác ngược lại: nó quá mức rơi vào vũng lầy của trừu tượng. Sự trừu tượng đạt đến mức rợn tóc gáy với hiện tượng, gần đây, các nhà nghiên cứu (Vương Trí Nhàn, chẳng hạn) đồng loạt ra sức tô vẽ cho Nguyễn Văn Vĩnh bằng cách gọi đó là "nhà xã hội học" hay "nhà dân tộc học" etc. Người ta chỉ tô vẽ những khi nào không nhìn rõ. Đấy là ăn gian, với sự can thiệp của ý luận (tôi sẽ trở lại ở bên dưới, với ý luận, vì nó đặc biệt quan trọng trong câu chuyện của báo chí).

Sự mù mờ - trong địa hạt cụ thể Nguyễn Văn Vĩnh - thể hiện chẳng hạn khi nhà nghiên cứu viết về tờ Trung Bắc tân văn rồi chú thích "1913 (15?)" hay cái gì đó tương tự, tức là không xác quyết được tờ báo ấy bắt đầu ra chính xác từ năm nào (một ví dụ, xem ởkia). Đấy là vì không cụ thể nổi. Sự không cụ thể ở đây liên quan ngay tức khắc đến hình thức: người ta không hình dung được một điều mà tôi đã trình bày và nhấn mạnh nhiều lần: Đông Dương tạp chí chính là Trung Bắc tân văn. Trung Bắc tân văn ra số đầu vào đầu năm 1915 nhưng ở năm 1919 (như số báo mà tôi đã post hình ảnh trong đường link ngay trên) trên báo lại viết "năm thứ bảy": nếu mốc khởi đầu là 1915 thì không có chuyện đến 1919 lại là "năm thứ bảy". Nhưng nó vẫn là "năm thứ bảy" bởi vì mốc khởi đầu của nó được (những người thực hiện, nhất là Nguyễn Văn Vĩnh) tính là 1913, tức là khi bắt đầu ra Đông Dương tạp chí. Điểm sau đây hết sức quan trọng: đối với Nguyễn Văn Vĩnh, Trung Bắc tân văn vẫn cứ là Đông Dương tạp chí. Tức là không có phân biệt. Nhưng, điều đó sẽ rất dễ hiểu nếu nhìn bằng con mắt của hình thức: điều này cũng lý giải ngay được tinh thần Nguyễn Văn Vĩnh (cũng chính là tinh thần của báo chí). Nhưng tại sao một điều đơn giản như thế mà rất nhiều người không thấy? đó là vì - cũng rất đơn giản - chúng ta đã đi sâu vào (mà không biết) văn minh của sách, không còn cái nhìn của sự không phân biệt nữa: bởi vì ta phân biệt quá mức, bởi vì ta không nghĩ giống Nguyễn Văn Vĩnh.

Tôi gọi thời điểm Nguyễn Văn Vĩnh là thời điểm của hình thức ở mức số không, là vì trong câu chuyện tờ báo-quyển tạp chí-cuốn sách, đó là thời điểm của đi vào tồn tại, và cũng là thời điểm của không phân biệt. Đối với Nguyễn Văn Vĩnh, tờ báo chính là quyển tạp chí và cũng chính là cuốn sách. Chẳng có phân biệt nào hết cả. Mọi thứ sinh ra cùng một lúc (và là một: chỉ tinh thần thì mới có thể đưa về nhất thể, tức là hợp nhất).

Mức số không ấy sẽ lặp lại thêm một lần nữa, ở tổ hợp Tự Lực văn đoàn (với vai trò ở giữa rất quan trọng của Khái Hưng): bởi vì nó cần phải lặp lại để hiện thực hóa nốt các khả thể còn lại: đến Tự Lực văn đoàn (cũng tương ứng, Việt Nam Quốc dân đảng), người Annamite đã từ chối người Pháp. Pha Nguyễn Văn Vĩnh là pha ở gần sát người Pháp, để chuẩn bị cho pha Tự Lực văn đoàn là pha cự tuyệt (và đoạn tuyệt: Nhất Linh là người phát biểu điều đó, cũng như Phan Khôi là người phát biểu điều sau đây: Học giới An Nam không chấp nhận Phạm Quỳnh - bởi vì cái học của Phạm Quỳnh là cái học giả dối). Sau đó rồi tinh thần mới rẽ nhánh (ít nhất, chia làm đôi: ít nhất thì Bắc-Nam): nhưng đây là một bài học hết sức cơ bản, thái cực sinh lưỡng nghi, lưỡng nghi sinh tứ tượng etc. etc.

Chính vì vậy, tôi bỏ rơi ngay từ đầu sự trình bày theo lịch đại (tuy chỉ ra rất cụ thể những đoạn khó - tức là khó biết, hiện nay) - sẽ có lúc tôi quay trở lại với Gia Định báo cũng như các tờ chẳng hạn Nam Kỳ địa phận, Trung lập, Thần chung, etc. Đương nhiên chúng có rất nhiều ý nghĩa. Bởi vì Nguyễn Văn Vĩnh hết sức quan trọng (không phải đầu tiên như người ta cứ thích khẳng định giẫm đạp lên mọi sự thật, cũng không hẳn là vì hay), ở phương diện tinh thần. Và cũng vì, rất khó nhìn thấy Nguyễn Văn Vĩnh; mà khó nhìn thấy Nguyễn Văn Vĩnh lại chính là vì - hết sức nghịch lý, đúng thế - Nguyễn Văn Vĩnh thì quá hiển nhiên.

Đông Dương tạp chí không hề hay, nếu xem nó (tôi nói điều này với một sự biết chắc rằng chẳng nhà nghiên cứu nào từng thực sự nhìn thấy nó) bằng con mắt của ngày hôm nay, nhất là nếu đặt nó vào so sánh với Nam phong. Và ta lại đến với thêm một tệ lậu nữa (rất mấu chốt) của nghiên cứu báo chí ở Việt Nam. Tại sao Nam phong có vị trí lớn đến như thế? Tại sao đó là con cưng của giới nghiên cứu? Vì nó nhiều giá trị? Tôi không phản đối điều đó. Nhưng đó không phải lý do lớn nhất.

Mà lý do nằm ở chỗ: các nhà nghiên cứu toàn chọn dễ.

Vì đọc Nam phong quá dễ là một (Nam phong giống Nhân dân hiện nay, chẳng hề sợ chết, một hệ quả từ đó là còn lại nhiều bộ Nam phong đủ). Và thứ hai, vì Nam phong trông rất giống một quyển sách (con người của nền văn minh sách ngay tức khắc nghĩ là nó đương nhiên có giá trị). Chưa hết, còn vì điều sau đây: vì dung lượng của nó rất vừa tầm. Nam phong được hưởng một "mục lục phân tích" giống như Tri tânThanh nghị. Vì sao? Vì ba tờ đó đều dễ làm mục lục phân tích: chúng đều có ngoài 200 số, các mục tương đối ổn định, dễ sắp xếp. (tất nhiên mấy điều vừa nói xong không có nghĩa tôi không thấy mấy mục lục phân tích ấy chẳng có ý nghĩa gì)

Tất nhiên, những điều đã nói trên đây (hình thức, tinh thần, sự phân biệt và không phân biệt) còn cần quay trở lại rất nhiều - điều mà tôi sẽ làm. Giờ, đến với một phần mà tôi đã bỏ qua hoàn toàn không nói trong ba ngày vừa rồi: nguyên tắc. Báo chí hoạt động theo nguyên tắc nào? đó là một (nhưng chính là hai) nguyên tắc: áp đặt hoặc adapt (tất nhiên, rất nhiều người sẽ nhận ngay ra rằng tôi không thể cưỡng lại - mà cưỡng làm gì? - trước cám dỗ của âm "áp đặt" và âm "adapt"). Tại sao nên đặt ra nguyên tắc như vậy? Là vì nó giúp thấy ngay một điều: báo lá cải. Nếu một tờ báo thuần túy chỉ "adapt" (hay, như người ta thường nói, "chạy theo") thì nó là lá cải thuần túy. Tôi không nghĩ là "có báo lá cải" và "có báo không lá cải": lá cải là thuộc tính của báo chí, nếu không muốn nói là yếu tính của báo chí. Cộng thêm yếu tố ý luận nữa thì mọi điều càng rõ ràng hơn.


Cũng giống lần thuyết trình trước, tôi nhận được nguồn cảm hứng từ một số cuốn sách, dưới đây là những cuốn sách quan trọng nhất của lần này:


Tất nhiên, Michelet quay đi trở lại rất thường xuyên (tìm theo label "Michelet" sẽ thấy không ít bài) với tôi. Nhưng lần này, Michelet đặc biệt mang đến cho tôi một ấn tượng lớn về hình ảnh nhà nghiên cứu xoay xở trong mê cung của tài liệu lưu trữ. Nhà nghiên cứu đi tìm, nhưng chưa chắc đã thấy. Nhưng phải đi tìm - càng ngày, anh ta sẽ càng biết cách tắt bớt đi ham muốn tìm thấy.


Đây là tiếp tục câu chuyện "Trong lúc đọc Hermann Broch": một cuốn sách (dang dở, như rất nhiều tác phẩm của Broch và như rất nhiều cuốn sách lớn) viết về sự điên của đám đông đương nhiên có thể gợi ý rất nhiều cho tôi, khi mà chủ đề là báo chí. Nhưng cuốn sách trên đây của Broch có ý nghĩa lớn hơn nhiều ở phương diện miêu tả tình trạng hoàng hôn: thì chính thế, tôi miêu tả câu chuyện báo chí vào đúng thời điểm hoàng hôn của báo chí - lại "en deuil", xét cho cùng.


Đây là Simone Weil, nhưng là Weil của các "cahier", giống ởkia. Không ít điều Simone Weil viết trong sổ tay cũng đã đi vào Nặng và thanh (à, bộ sổ tay của Weil có tổng cộng ba tập, tôi mới chỉ có hai: cơ hội kìa).


Tôi đã không đọc Herbert Marcuse nữa từ ít nhất hai mươi năm nay. Nhưng tôi quyết định quay trở lại với Marcuse - dẫu chỉ để biết rằng quyết định cách đây hai mươi năm của tôi là chính xác (nhưng cuốn sách trong ảnh cũng đã gợi ý cho tôi không ít về "ý luận").

còn có thêm Réflexions chinoises của Jean Levi, một nhà Trung Quốc học; rất có thể, các "sinologue" sẽ trở thành chủ đề cho kỳ thuyết trình sắp tới - nhưng cứ yên tâm, cứ yên tâm, chắc chắn sẽ không ngay lập tức đâu, thậm chí có thể còn rất lâu nữa)



(NB. nhìn vào đây và nhìn từ các "phản chiếu", người ta rất có thể nghĩ tôi bài trừ Gia Định báo cùng nhiều thứ khác; những ai nghe trực tiếp biết là không phải như vậy)


Rất cảm ơn nhà sưu tầm Vũ Hà Tuệ đã giúp đỡ về tư liệu; cảm ơn những người bạn đã cùng tôi tìm kiếm trong những năm vừa qua; nhiều thứ không phải do tôi tìm ra mà nhờ họ - sẽ có lúc tôi ghi nhận cụ thể hơn, vì bây giờ còn chưa cần.



ngay dưới đây là (một phần) những gì tôi mang đến cho những người nghe mấy buổi thuyết trình xem (chỉ là hai buổi đầu, vì buổi thứ ba tôi quyết định bỏ hình thức "nói với nhiều giáo cụ trực quan" ấy, mặc dù hình thức đó có lợi thế lớn là giúp câu giờ rất tốt)

Indochine có một phần lớn phát ngôn (trong đó, phần lớn là phát ngôn của ý luận) được thông qua các "bulletin". Đây là một bulletin từ phía chính quyền - trên phương diện kinh tế:


Nhưng cũng có rất nhiều bulletin từ phía các cơ sở nghiên cứu cũng như các hội; ta quay trở lại chính xác với Hội Trí Tri: (đây là năm 1937, tờ bulletin của "Société d'enseignement mutuel du Tonkin" bắt đầu ra từ năm 1920, còn bản thân Hội Trí Tri được thành lập từ trước đó mấy chục năm)


Đông Dương tạp chí có hình thức của cuốn sách sâu sắc đến nỗi người ta rất hay gỡ từ đó ra các phần để tự làm ra một quyển sách, hình ảnh dưới đây miêu tả điều đó:


Khi những bản dịch của Nguyễn Văn Vĩnh in thành sách (như dưới đây - Gil Blas) thì chúng lại có hình thức của báo (và tạp chí), đường nối nằm ở chỗ "sách" được hình dung dưới dạng "fascicule" và thêm một yếu tố nữa để nối là "tay in":


(hai món ngay trên đây mượn từ Vũ Hà Tuệ)

Một số Rạng đông (báo Sài Gòn) năm 1929, Tagore lên bìa, chụp tại cơ sở Nguyễn Văn Của:


Thêm một số báo năm 1929, tờ Tiếng dân (như vậy, đây là đoạn đầu của nó, vì Tiếng dân bắt đầu ra từ 1927) - một (trong không nhiều) tờ báo (chỉ tính quốc ngữ) tương đối so được về bề dày với Lục tỉnh tân văn hay Trung Bắc tân văn:


Một tờ quan trọng nữa (Sài Gòn) gắn liền với điểm mốc lớn 1929-1930, Phụ nữ tân văn, tất nhiên:


Nam phong:


Phong hóa: (Ngày nay thì xem ởkia):


Chuyển sang phía của Lê Cường (gắn chặt không rời với "Thuốc lậu Hồng Khê"), tờ Hà Nội báo, rất được săn lùng vì đăng phơi ơ tông tiểu thuyết Vũ Trọng Phụng (số dưới đây đăng một kỳ Số đỏ) (có một cách rất tốt để nhìn nhận: những ai coi Số đỏ là kiệt tác văn chương đều là người không biết đọc):


Rồi lại sang phía của Tân Dân, Tiểu thuyết thứ bảy:


Rồi Ích hữu (hình như ngay lúc này, Ích hữu đang rất hot):


Thanh nghị:


Tri tân:


Một tờ thuộc "dòng thân Nhật", Tân Á:


Nam kỳ tuần báo (chú ý "Hồ Văn Trung"):


Trung Bắc Chủ nhật, đây sẽ là chủ đề cho một khảo sát sắp tới của tôi, tức là khảo sát các tờ báo riêng lẻ - nó đặc biệt hấp dẫn, và thêm một lần nữa, Trung Bắc Chủ nhật (chứ không chỉ Trung Bắc tân văn) lại là một tờ báo làm các nhà nghiên cứu báo chí Việt Nam hoàn toàn không hiểu nổi:






Rồi, giờ mới đến phần quan trọng: thật ra tôi đang làm gì? Chắc chắn, ngoài rất ít người biết rõ về báo chí Việt Nam và nghiên cứu báo chí ở Việt Nam, chẳng ai hiểu tôi đang định làm gì.

Điều thứ nhất tôi muốn nói là: nghiên cứu báo chí ở Việt Nam còn chưa đi qua được thời tiền sử của nó.

Huỳnh Văn Tòng là nhân vật đầu tiên tôi nhắc đến, từ phía các nhà nghiên cứu lịch sử báo chí. Điều này là đương nhiên, cũng như nói đến báo chí Việt Nam thì trước hết phải nhắc đến Gia Định báo. Tôi phê phán Huỳnh Văn Tòng ở không ít điểm, nhưng tôi luôn luôn công nhận đó là một nghiên cứu dựng ra bộ khung - điều hết sức quan trọng. Tôi cũng đã (tôi nghĩ, tôi chắc chắn, tôi là người duy nhất làm việc này) từng đi tìm hiểu xem Huỳnh Văn Tòng đã thực hiện công việc như thế nào; trong khi tìm kiếm, tôi đã đọc được một bức thư Huỳnh Văn Tòng gửi cho Đặng Thai Mai để hỏi một số chi tiết; nghe thì đơn giản vậy thôi, nhưng cứ hình dung, một sinh viên Sài Gòn đi du học bên Pháp vào đầu thập niên 70 của thế kỷ 20 viết thư gửi Hà Nội tới một nhân vật như Đặng Thai Mai: tự thân chuyện này đã không hề tầm thường). Huỳnh Văn Tòng, cùng các "prototype" như Trần Tấn Quốc, Tế Xuyên, Thê Húc, Nguiễn Ngu Í, Bằng Giang hay có thể ngược về tận Đào Trinh Nhất. Rồi những cái nhìn xuất phát từ một phía khác: Thanh Lãng, Phạm Thế Ngũ, etc. Cũng trong nửa đầu của thập niên 70: cuốn sách của Nguyễn Việt Chước (tôi đã suýt quên hẳn cuốn sách của Nguyễn Việt Chước, may mà vừa được một người bạn nhắc cho).

Nhưng tôi muốn nhấn mạnh vào sự đóng góp để cho nghiên cứu báo chí ở Việt Nam chưa đi qua nổi tiền sử của nó từ một phía khác nữa, tóm tắt bằng ba cái tên: Đỗ Quang Hưng, Nguyễn Thành và Lại Nguyên Ân.


(à quên, về sự phân biệt "quyển" và "cuốn", xem ởkia)


(trong mấy buổi ấy, tôi cũng nhắc đến một nhân vật, là Hồng Chương: đó là nhân vật gây khó chịu - cho cả tôi - nhưng Hồng Chương biết về lịch sử báo chí Việt Nam hơn nhiều so với vô số người khác, ít nhất là không có cái nhìn vào bản thân đối tượng lệch lạc quá mức)

(một ví dụ về chỉ riêng một tờ báo: xem ởkia)


Hãy thử làm một việc (rất đơn giản) như sau: đưa một tác phẩm văn chương cho một giáo sư văn học Việt Nam (nhất là những người dạy ở Tổng hợp cùng Sư phạm Hà Nội và Sài Gòn) - kết quả sẽ hết sức đáng kinh ngạc. Tôi nghĩ là tôi chắc chắn được rằng không một ai trong số đó biết cuốn sách mình vừa đọc (đấy là nếu có đọc; khả năng lớn hơn là họ còn không đọc nổi cho đến hết) là cuốn sách lớn hay cuốn sách tầm thường, giá trị của cuốn sách ấy ra sao và nó có thể có vị trí như thế nào trong một khung cảnh rộng hơn.

Nhưng tại sao lại thế? Tại vì sự hỏng hóc về đọc đã lên đến một mức rất cao (được chuẩn bị sẵn bởi cả mấy chục năm mấy người không hề biết đọc như Phan Cự Đệ, Trần Đình Sử hay La Khắc Hòa, v.v... được coi là đầu ngành). Cũng bởi vì đâu có cần phải đọc thì vẫn có thể trở thành giáo sư đại học. Sự đọc thì nguy hiểm, mà dạy dỗ là thứ ý thức tránh nguy hiểm bằng mọi giá. Những người dạy học - bởi sinh viên của họ lắng nghe những gì họ nói - là những người mang ảo tưởng rất lớn; nhưng đó là cả một sự lộn ngược: đâu phải sinh viên chịu ơn giáo sư, mà giáo sư phải chịu ơn sinh viên đấy chứ: không có những người kia, những người này đâu có được cái hình ảnh về chính mình đối với những người khác (nhưng nhất là với bản thân mình) - người ta cứ nói giáo sư hình thành nên sinh viên etc., nhưng cái có thể hình thành trong tương quan ấy quá nhỏ so với những gì sinh viên hình thành cho giáo sư, bởi vì ở đây cái được hình thành chính là căn cước, là lòng tin vào bản thân; rất nhiều người rất thích đi dạy không phải vì cái gì khác ngoài việc được hưởng ưu tiên về địa vị, được có người nghe. Đây là một dạng đặc quyền xã hội rất then chốt. Và truyền thống không biết đọc lặp lại trong ngạch dạy dỗ văn học ở Việt Nam: Trần Ngọc Hiếu là một sự lặp lại Phan Cự Đệ - là học trò của Trần Đình Sử đồng thời lặp lại Phan Cự Đệ, vinh dự lớn lắm đấy.

Giới giảng dạy văn học phát ra ý luận rất lớn. Thời gian gần đây, ý luận ấy ngả về hướng đổi mới và cấp tiến. Nhưng cái đó cũng là vờ vịt không khác gì so với trước đây (tôi từng được tặng một sản phẩm sách giáo khoa của nhóm Cánh Buồm: trong đời, tôi chưa từng thấy có cái gì gọi là sách giáo khoa tệ hại đến thế; tôi sẽ còn quay trở lại). Quay trở lại với chủ đề đang bàn: cả ở đó chuyện cũng tương tự - bởi vì tôi đang đi thẳng vào một điều chính xác cần gọi là sự vị xã hội toàn thể: cùng một lúc xảy ra trên mọi bình diện. Đây là cả một câu chuyện, về cái học giả dối - cái học giả dối tại Việt Nam trong vòng một trăm năm vừa qua có những khoảnh khắc lớn: những nhân vật lớn trong sự giả dối ấy cứ không ngừng xuất hiện, Phạm Quỳnh (mà Phan Khôi đã chỉ ra), Nguyễn Hiến Lê, Cao Xuân Hạo, ngày nay thì đông đảo vô cùng. Cái học giả dối hiện nay đi kèm với một số yếu tố - nhìn vào Lại Nguyên Ân thì có thể thấy không ít, bởi vì đó là một người hội tụ nhiều khía cạnh rất đặc trưng.

Nhưng trước hết, cần phải vứt bỏ quyển từ điển về báo chí của Nguyễn Thành; không những thế, cần phải xem những ai trích dẫn từ đó trong các nghiên cứu riêng là gieo rắc sự sai lầm, nhân những sai lầm ấy theo các hệ số vô cùng lớn.

Một trong những người dùng lại các thông tin từ từ điển Nguyễn Thành nhiều hơn cả chính là Lại Nguyên Ân. Ta bắt đầu thấy, mỗi lúc một rõ thêm, đặc quyền xã hội có cơ chế hoạt động như thế nào: bởi vì, Lại Nguyên Ân là người nhận đặc quyền (trong đó có cả bổng lộc) từ Hội Nhà văn Việt Nam, cụ thể hơn là từ các cơ sở xuất bản của Hội Nhà văn.

Trong đó, có vị trí của điều sau đây: vì là người ở trong đó (không chỉ tính duy nhất nhà xuất bản Hội Nhà văn) Lại Nguyên Ân in rất nhiều sách - đó là nhân vật có danh mục sách in gây ấn tượng mạnh. Hết sức tương đương là Vương Trí Nhàn (bộ ba đầy đủ là Lại Nguyên Ân-Vương Trí Nhàn-Ý Nhi). Chẳng hạn, dưới đây:


(niên đại của cuốn sách: 1986)

Vương Trí Nhàn cũng có danh mục sách khổng lồ. Đây là hai nhân vật trọng yếu của tinh thần biên soạn mà tôi đã nói ởkia. Tinh thần biên soạn lặp lại vào lúc này bằng tinh thần dẫn nhập, như đã nói ởkia (cùng nhiều chỗ khác): từ compilation đến introduction, con đường rất ngắn (và dễ).

Cần phải nhắc cùng một lúc cả Vương Trí Nhàn và Lại Nguyên Ân vì người ta thường xuyên hiểu lầm: người ta tưởng Lại Nguyên Ân là người đi tìm và tìm được nhiều thứ, nhưng điều đó sai, vì Vương Trí Nhàn mới thực sự là người tìm được nhiều. Trong các tìm kiếm của tôi những năm vừa qua, nhân vật mà tôi hay thấy đã chạm vào một cái gì đó trước tôi hay là Vương Trí Nhàn, chứ không phải Lại Nguyên Ân. Lại Nguyên Ân có bao giờ thực sự tìm cái gì đâu - và cũng không biết tìm (chính vì thế cho nên hay trích dẫn một thứ kém cỏi như từ điển thư tịch báo chí Nguyễn Thành).




(sẽ còn chỉnh sửa nội dung thêm)

12 comments:

  1. Đáng lẽ ra vụ các nhà Hán học Pháp phải thuyết trình trước cả lịch sử báo chí ấy chứ. Hic.

    ReplyDelete
  2. Màn đuổi theo tặng hoa thật là gay cấn : p

    ReplyDelete
  3. ơ, phát đấy là như thế nào nhỉ?

    ReplyDelete
    Replies
    1. Em chỉ biết là có một thanh niên cầm theo bó hoa đi vào, tưởng là kiếm một góc chờ gái nào đến, ai ngờ là ngồi nghe thuyết trình cho đến cuối buổi. Đến lúc xong thì anh đi ra nhanh quá, nên cậu này phải lạch bạch đuổi theo (khục khục)

      Delete
    2. trời vào thu, bó hoa để trong cặp ý nhị lấp ló vươn ra ngoài, em lại tưởng anh đi gặp cô nào mà nhanh thế, vừa thuyết trình xong đã thấy lên xe đi rồi :)

      Delete
  4. Congrats! ❤️

    ReplyDelete
  5. tiếp tục - chỉ còn thiếu một đoạn cuối nữa thôi

    ReplyDelete
  6. Một nhóm nào đó đang rất cẩn trọng chọn mặt để gửi 49 số Ích Hữu, mặt chưa xem thì đã chìa ngay ra một con số trên trời, còn hào phóng tặng kèm một quyển sách 50k.

    ReplyDelete
  7. Ích Hữu (tờ báo) thì không quá hiếm - trong bài có ảnh, nhưng vừa hữu vừa ích thì chắc cũng nhiều người thích

    ReplyDelete
  8. vua lam mot vong hn (vong qua ca quan cafe NL thuyet trinh hom roi :v), den luc quay ve hoa ra "nguyen y van" :v

    ReplyDelete
  9. Mấy bản chữ viết tay của anh đẹp thế sao chẳng tham gia đấu giá ở những cuộc nhân văn kêu gọi ủng hộ giúp đỡ nghệ sĩ nghèo, bị quên lãng,... hay vừa rồi chung tay vì miền Trung thân yêu để bạn đọc có cơ hội sưu siêu tầm?

    ReplyDelete
  10. tờ Tân Á chắc có liên quan NXB Tân Á? tờ này có ký giả nào quan trọng không NL?

    ReplyDelete