Còn triết học thì sao? Tất nhiên nó không lấp lánh lắm, chẳng mấy khi (đúng hơn là chẳng bao giờ) lên bìa tạp chí (như “Thể thao Văn hóa và Đàn ông”) và hơi khó dùng làm đồ trang sức, nhưng nếu suy nghĩ kỹ triết học, cũng như các giá trị hơi có phần trừu tượng khác, có thể góp phần củng cố sức mạnh cho tinh thần và, tất nhiên, qua đó mà bồi bổ cho thể xác. Thậm chí còn tồn tại các triết học hào hùng đầy dũng khí, như triết học của Nietszche (“triết lý với cái búa”) chẳng hạn.
Nói đến Nietszche giữa nóng bỏng mùa hè hẳn là một việc liều lĩnh và gây mệt mỏi, nhưng hoàn toàn có thể tiếp cận triết học theo một ngả đường mềm mại như cách của quyển sách mới được tái bản của Trần Văn Toàn mang tên “Hành trình vào triết học” (Đại học Hoa Sen và NXB Tri Thức).
Cuốn sách này còn có một giá trị lịch sử (lịch sử cũng là một kích thước quan trọng của con người, bất kỳ nhà tư tưởng nào cũng sẵn sàng khẳng định điều đó). Trần Văn Toàn là giáo sư triết học của Đại học Huế, viết “Hành trình vào triết học” như một hướng dẫn nhập môn triết học cho các lớp dự bị văn khoa mà ông phụ trách hồi đầu những năm 1960. Đồng nghiệp của Trần Văn Toàn ngày đó tại Huế có những tên tuổi lừng lẫy của một miền Nam trí thức như Đỗ Long Vân, rồi Lê Tôn Nghiêm, Lê Văn Lý… Triết học của miền Nam trước 1975 cũng luôn ghi tên những người như Trần Văn Toàn, Lê Tôn Nghiêm, rồi Lê Thành Trị, Nguyễn Văn Trung, Trần Thái Đỉnh. Mấy chục năm trở lại đây, người thích đọc sách khi vào tới Sài Gòn thường đi tìm sách triết (không chỉ triết lý hiện sinh như nhiều người hay đơn giản hóa) của những tên tuổi ấy tại cửa hàng bán sách cũ. Đến giờ không còn dễ tìm được chúng nữa, mà có tìm được thì cũng khó mua, vì phần lớn được bán với những cái giá rất cao. Rất may là sách của Lê Tôn Nghiêm, Trần Thái Đỉnh đã được tái bản, và giờ đây là Trần Văn Toàn, như một sự khẳng định mức độ nghiêm túc của Ban Tu thư Đại học Hoa Sen.
Cuốn sách “Hành trình vào triết học” của Trần Văn Toàn như thể muốn nói với người đọc rằng: triết học không phải là những gì tuyệt đối không thể hiểu, được giới nhà giàu mới nổi mua về để xếp lên giá sách Ikea và bao nhiêu năm vẫn mới tinh trong sự chếnh choáng với vẻ phù phiếm của tri thức, cái tri thức ở bên cạnh nhưng không bao giờ ở bên trong.
Triết học, theo Trần Văn Toàn, không đơn giản, không dễ dàng, nhưng cũng “không phải là một mớ tư tưởng biệt lập ở bên ngoài đời người”, triết học càng không phải “một hệ thống tư tưởng mà thần linh đem từ trên trời xuống cho loài người”. Triết học “từ đất mà lên, do trí óc con người tạo ra”, với điều kiện con người có “những giây phút suy nghĩ để tìm hiểu cuộc đời”. Cái thú vị của triết học theo dẫn giải của Trần Văn Toàn là ta có thể nhập cuộc với tác giả để cùng suy nghĩ, chứ không bị buộc phải ngượng ngùng nhẹ nhàng đặt một cái ghế vào góc phòng để kinh sợ chiêm ngưỡng các triết gia, những con người từ cõi khác, múa may với những “siêu hình học” và “hiện tượng luận”. Trần Văn Toàn nhỏ nhẹ và thân tình dẫn người đọc vào các suy tư về con người sống trong cuộc đời, về mối quan hệ giữa con người với người khác mình, về “thế giới bên kia” hoặc về “vị trí của tri thức trong đời người”. Nói tóm gọn, Trần Văn Toàn đưa triết học lại gần với chúng ta.
Mỗi lần có cơ hội suy nghĩ sâu xa hơn mức độ thông thường, như cơ hội đọc “Hành trình vào triết học”, chúng ta có thể hiểu rõ hơn chính mình, điều đó một phần nào giúp từng người tránh được một sự kiện đáng buồn mà Trần Văn Toàn là một trong những người chủ chốt tại Việt Nam từng phân tích: sự kiện “vong thân” (sau này hay được gọi là “tha hóa”).
Nhị Linh
-------------------
+ Bài này viết chỉ với mục đích rất nhỏ gọn là thông báo rằng Đại học Hoa Sen đã bắt đầu vận hành Ban Tu thư (University Press) của mình, còn quyển sách của Trần Văn Toàn cần được viết từ nhiều khía cạnh hơn. Ngay lúc này đã có thể đọc bài Lý Đợi phỏng vấn Trần Văn Toàn.
+ Hôm qua đến giờ vẫn chưa thêm được trang Valéry nào cả, đang rất nóng lòng chờ xem Jarrety viết gì về "đêm Genoa"/"đêm Gênes" huyền thoại của Valéry thời trẻ. Đây là một trong hai huyền thoại tiểu sử lừng danh liên quan đến cá nhân Valéry. Huyền thoại thứ hai đã được Jarrety phân tích (hơi ngắn quá huhu): huyền thoại về đứa trẻ bị rơi xuống hồ nước cùng lũ thiên nga. Cũng hợp lý khi Jarrety phê phán cách diễn giải của phái tâm phân học, mà nổi tiếng nhất là diễn giải của Jean-Paul Weber, theo đó sự kiện rơi xuống nước đã biến Valéry ngay từ đầu trở thành một chàng Narcisse tự ngắm mình trong mặt nước. Weber và Roland Barthes là hai đối tượng chỉ trích của Ricard trong cuộc chiến những năm 1960 (pamphlet mà Ricard viết tập trung công kích cả hai người vì cứ đòi dùng tâm phân học xử lý các nhà văn kinh điển của Pháp; hồi đó ý tưởng của Barthes là đọc Racine như một người hiện đại; pamphlet cũng là cả một thể loại, đến nay vẫn tồn tại tuy không còn thịnh hành lắm nữa).
Lý do không đọc được Valéry là vì còn bận đọc Zone của Mathias Énard hehe. Hết chương một thì có cảm giác như đang đọc một "litanie" của một người có quá nhiều ý tưởng. Còn 23 chương nữa, và sẽ không có đến một cái dấu chấm :))
Hồi sách của Trần Thái Đỉnh được tái bản, em nghe anh chủ nhà sách HN ở SG bảo là sách triết ở miền Nam bán chạy hơn miền Bắc ;)
ReplyDelete