Jun 22, 2009

Sách và lịch sử

+ Tôi quyết định giữ mục (làm columnist) cho một tờ báo tuần. Cứ đầu tuần (thứ Hai hoặc thứ Ba) sẽ post bài đã đăng báo lên đây (trong chừng mực bài còn đăng được lol). Tờ báo cũng bình thường thôi, nhưng cũng là điều mới mẻ vì trước nay nếu có giữ chronicle thì tôi thường chỉ giữ cho các tạp chí ra hàng tháng. Column lần này sẽ theo sát thời sự sách Việt Nam và các nơi khác.

------------

Trong ngành xuất bản một số cuốn sách được trông chờ nhiều hơn so với những cuốn sách khác. Thời gian vừa qua, việc in trở lại bộ Kỹ thuật của người An Nam của Henri Oger là cả một sự kiện của giới nghiên cứu lịch sử và khoa học xã hội Việt Nam và chắc hẳn thời gian sẽ càng nhấn mạnh thêm tầm quan trọng của tác phẩm này.

Các đạo quân viễn chinh luôn mang theo những người quan tâm tới tìm kiếm tri thức hơn là đất đai và của cải đoạt được từ người bản xứ. Công việc thu thập văn hóa này có khi được thực hiện với chủ đích rõ ràng và có kế hoạch chi tiết như khi Napoléon (lúc còn là tướng Bonaparte) tiến hành chiến dịch Ai Cập từ năm 1798: cùng với các thắng lợi quân sự là nền móng cho ngành Ai Cập học; nhiều nhà khoa học đi cùng đội quân của Napoléon là những người danh tiếng, sau này tên được đặt cho nhiều đường phố tại Pháp, như Monge hoặc Saint-Hilaire.

Henri Oger cũng là một người quan tâm tới hiểu biết nhiều hơn quân sự hay hành chính (ông vốn là một viên chức hành chính tại Việt Nam), nhưng sự hẩm hiu của số phận khiến nhà nghiên cứu trẻ tuổi không có được chút vinh quang khoa học nào, thậm chí còn phải chịu đựng sự miệt thị từ các cơ quan khoa học thuộc địa bấy giờ, như Viện Viễn Đông Bác cổ (EFEO, bắt đầu hiện diện tại Đông Dương từ 1898). Cuộc đời ông cũng không mấy may mắn: ngoài thất bại về học vấn (người bạn đồng môn Henri Maspero sau này sẽ có được danh tiếng trong khi ông bị lãng quên), năm 1936 dấu vết của ông đột nhiên biến mất. Con người có công lớn trong việc lưu giữ hình ảnh về kỹ nghệ dân gian vùng đồng bằng Bắc Bộ khỏi biến mất lại mất tích; không ai biết ông còn sống hay đã chết sau năm 1936.

Lần này, chính EFEO lại là cơ quan trả lại sự công bằng lịch sử cho Henri Oger. 100 năm sau khi bộ sách Technique du peuple Annamite (Kỹ thuật của người An Nam) được in ra theo một cách thức đầy trắc trở, EFEO đã cùng Thư viện Khoa học Tổng hợp TP. HCM chủ trì tái bản tác phẩm hiếm có và chỉ còn tồn tại vài bản rải rác trên thế giới (ở lần in năm 1909 chỉ có khoảng 60 bản được ấn hành). Hai nhà khoa học của EFEO, Olivier Tessier và Philippe Le Failler, làm chủ biên cho bộ sách in ba tập trong ba thứ tiếng Pháp-Anh-Việt này.

Không hài lòng với tình trạng có quá nhiều từ điển ngôn ngữ nhưng lại thiếu các tài liệu về phong tục và dân tộc học, chàng thanh niên Oger 24 tuổi đầy tham vọng tri thức đã dành thời gian khảo sát sinh hoạt đời thường và sinh hoạt nghề nghiệp (tiểu thủ công) tại Hà Nội, kết quả là hai tập sách in vào năm 1909, trong đó đặc biệt quan trọng là khoảng 4.000 tranh vẽ mà Oger yêu cầu họa sĩ thực hiện. Chịu ảnh hưởng của các trường phái xã hội học Anh và Pháp, Oger đi đến nhận định: “sau hai năm quan sát, sống cùng với các nghệ nhân An Nam, tác giả của những trang sách này tin là có thể khẳng định rằng không thể bỏ qua vị trí của ngành nghề bản xứ trong sự biến chuyển kinh tế mà chúng ta muốn tạo dấu ấn ở xứ sở này”. Oger hiểu được rằng cái thường nhật tạo nên hồn cốt một dân tộc, một đất nước.

Người đọc ngày nay hẳn có thể phàn nàn về việc Henri Oger sắp xếp bố cục cuốn sách của mình khá tùy tiện, nhiều màu sắc ấn tượng chủ nghĩa: chẳng hạn ở phần khảo cứu, ngay sau “Nghề in bản xứ” là đến ngay “Nghề thợ cạo”, và ngay sau đó, “Bà bán tương”. Nhưng các bức tranh quý đã miêu tả cặn kẽ từng động tác của người thợ, đồ nghề lao động, chú thích tranh (bằng cả Hán và Nôm) cũng cho biết nhiều điều về từ vựng tiểu thủ công nghiệp Bắc Kỳ đầu thế kỷ 20.

Và điều đáng nói nhất là tinh thần của Henri Oger. Không được sự hậu thuẫn của chính quyền, lại bị các cơ quan nghiên cứu “chính danh” dè bỉu, toàn bộ những gì Oger có được là tình bạn với nhà thơ Jean Ajalbert để có thể đăng các bài báo về kỹ nghệ trên tờ báo Tương lai Bắc Kỳ (Avenir du Tonkin), và 200 đồng bạc của 20 người hảo tâm, có thiện chí. Chỉ nhờ ngần ấy trợ giúp nhỏ nhoi mà Oger đã hoàn thành được một công trình khảo cứu quan trọng, vượt qua được cả những khó khăn to lớn về in ấn. Có lẽ nguyên do xuất phát từ sự quan tâm sâu sắc của Oger và lòng cảm thông mà ông dành cho người lao động Việt Nam, như chính ông viết trong sách về những “người nông dân-công nhân” mà ông từng gặp: “Họ đáng được cảm thông sâu sắc”.

CVD

--------------

+ Cá nhân mà nói mặc dù không phàn nàn gì nhưng tôi nghĩ các tờ báo muốn có người viết điểm sách thường xuyên cho thì nên chi thêm một khoản cho tác giả mua sách. Tiền nhuận bút rất còm cõi vẫn có thể cover cho một bài book review bình thường, nhưng khi cần đọc 5-7 quyển sách để viết một bài thì có vấn đề rồi, và khi cần 3-4 quyển sách tiếng nước ngoài thì đúng là lỗ nặng :(

+ Báo Việt Nam không có quy định khi viết về sách. Lẽ ra phải thêm thông tin: bộ sách in ba thứ tiếng Pháp, Anh, Việt (tên người dịch: tiếng Anh Sheppard Ferguson, tiếng Việt Trần Đình Bình, cộng thêm chuyên gia Hán Nôm Nguyễn Văn Nguyên, có thêm "Đôi điều về những dòng ghi chú trong sách", nêu một số đặc điểm không thường gặp nhất là của cách viết chữ Nôm, cộng phụ lục một bài viết về Oger của Pierre Huard từng đăng trên bulletin của EFEO), tổng cộng ba tập, giá bìa 600.000 VND, nặng trịch có khả năng đứt bao tải dứa. Nếu fun hơn một chút có thể chơi chữ nhẹ nhàng: Oger - "oser" :)

8 comments:

  1. Thế ra đấy là vì sao mà bạn này bay khỏi chỗ kia và đậu vào chỗ ấy à? hí hí Nên chúc mừng chăng?

    ReplyDelete
  2. Cái này bày to tướng ở l'Espace xem rất thích (lại cứ tưởng là chính Oger cũng tự vẽ), rồi lại thấy treo biển quảng cáo trên banner của Nhã Nam. Thế NN có dính líu không ạ? Mà bao giờ thì ra sạp ạ?

    ReplyDelete
  3. Thế từ nay thành "ký mục ra" Nhị Ninh à? ;P

    ReplyDelete
  4. Hehe, thế là chính thức làm nhà báo à? Giới thiệu xem là tờ báo gì thế?

    ReplyDelete
  5. các bác chả hiểu quy chế báo chí gì cả. Giữ mục không nhất thiết là nhà báo, nhá

    đã phải đợi sau ngày Nhà báo Kách mệnh rồi mà vẫn bị hỏi xỏ hehe

    ReplyDelete
  6. Thẽn thò hỏi là cái mục ấy nó được xếp ở lề phải hay lề trái, đầu hay đít của tờ báo tuần ấy ạ?

    ReplyDelete
  7. cạnh mục "các bạn gay yêu nhau từ trên xuống dưới hay từ dưới lên trên", thật luôn không phải bịa ra đâu ạ

    ReplyDelete
  8. Khiếp, đứt bao tải rứa thì chả dám mua, giá sách lại 600k nữa, bằng nhuận bút một bài báo ở một báo khá rồi còn gì.

    ReplyDelete