Jun 14, 2009

Cả một mùa thu đã quá giang

Câu trên được Đặng Tiến trích trong bài "Thi giới Đinh Hùng": "Hoa quay đầu, cánh bướm cũng vu quy/Cả một mùa thu đã quá giang". Theo tôi đây là bài có giá trị nhất của cả tập Thơ thi pháp và chân dung, gần như đưa ra cả một lý thuyết về đọc và hiểu Đinh Hùng, trong hoàn cảnh có rất ít người nghiên cứu Đinh Hùng. Bài này cũng là nơi Đặng Tiến thể hiện ác cảm với Hoài Thanh-Hoài Chân, những người không thích thơ Đinh Hùng ("âu đó cũng là một vinh hạnh cho Đinh Hùng"): "Tôi không dám nghĩ Hoài Thanh và Hoài Chân dốt thơ, nhưng các ông ấy có ít chìa khóa quá - nếu không phải chỉ có một chìa khóa passe-partout" (tr. 396). Chàng Hoài Điệp Thứ Lang theo Đặng Tiến (Đặng Tiến lại theo lời Trần Phong Giao) có vẻ rất buồn phiền vì vụ không được Hoài Thanh đoái hoài. Đúng đấy, thế là may đấy :)

Bao năm nay người ta cứ khen ngợi ca tụng Thi nhân Việt Nam, trong các lý do có một điều luôn được nhay đi nhay lại: Hoài Thanh (và Hoài Chân) có con mắt xanh, chọn được toàn người làm thơ hay. Lập luận này rất yếu. Những người theo dõi thơ hồi đó tôi thấy ai cũng nói tới các nhân vật ấy cả, loay hoay xoay trở thì đằng nào cũng đâu có thể không kể đến những Thế Lữ, Xuân Diệu, Lưu Trọng Lư vân vân và vân vân. Tôi cũng nghe nhiều người nói để hiểu hết thơ trước 1945 chỉ cần đọc ba quyển Thi tù tùng thoại của Huỳnh Thúc Kháng, Chương Dân thi thoại của Phan Khôi và Thi nhân Việt Nam là đủ. Đúng là giản tiện hóa vấn đề một cách sâu sắc.

Còn câu trích ở cái trước nằm trong cặp: "Vèo trông lá rụng ngoài sân/Công danh phù thế có ngần ấy thôi": từ "vèo" càng cho thấy rõ hơn Tản Đà phóng túng và chơi nghịch với từ ngữ câu chữ thế nào: tất nhiên không phải là "vèo trông", mà là trông lá rụng vèo. Từ ngữ thì đơn giản không cầu kỳ nhưng sự kỳ diệu của thiên tài (Tản Đà có phải là thiên tài thơ ca cuối cùng của Việt Nam không nhỉ?) khiến cho một đời Tản Đà làm ra vô vàn câu thơ hay. Cách làm thơ này gần với Lý Bạch, tức là đặt trong sự đối sánh với "kiểu Đỗ Phủ", trường phái đại ý chưa đúc được chữ khiến quỷ thần phải kinh sợ thì còn chưa ăn thua. Đọc thơ Đỗ Phủ rất mệt, nhất là bài gì 500 câu làm khi đi từ huyện gì đến huyện gì (thơ Đường xếp xó lâu lắm giờ đúng là chẳng còn nhớ gì).

Trong bài "Quốc âm thi tập của Nguyễn Trãi - tập thơ Việt Nam đầu tiên" đặt ra một vấn đề. Tôi đặc biệt quan tâm đến điều này là vì khi xử lý thơ Nguyễn Công Trứ tôi cũng nhận ra vấn đề tương tự và cũng có cách giải thích tương tự. Rất có thể cần phải đặt lại toàn bộ câu hỏi. Đặng Tiến, dẫn cả Trương Chính và Cao Huy Đỉnh, cho rằng Nguyễn Trãi làm thơ dựa trên "lời ăn tiếng nói của nhân dân" (tr. 108). Tiếp theo là một bảng dài hai cột đối chiếu nhiều câu thơ của Nguyễn Trãi so với ca dao, tục ngữ.

Nghe rất có lý phải không? Nhưng không thuyết phục: người ta sẵn sàng nghĩ như vậy vì trong tâm thức ca dao tục ngữ là những gì lúc nào cũng ở đó, có trước tất cả, một thứ ngôn ngữ nguyên thủy, sơ khai. Nhưng điều này chỉ là một thứ huyền thoại do tâm lý dựng nên. Có vô số câu ca dao rất mới: "Hỡi cô tát nước bên đàng/Sao cô tát ánh trăng vàng đổ đi" (mà trong tập sách chính Đặng Tiến cũng trích) hay "Trên trời mây trắng như bông/Ở dưới cánh đồng bông trắng như mây". Nghe cũng xa xôi từ thuở nào, nhưng nhiều người rất biết câu đầu là của Bàng Bà Lân (tại nhà bác địa chủ này Vũ Hoàng Chương Nguyễn Bính Tô Hoài đã được một đêm muỗi đốt sưng chân và nhiều thứ khác nữa; sau này BBL cũng vào Nam), câu thứ hai của Ngô Văn Phú.

Như vậy khẳng định Nguyễn Trãi là nhà thơ nhân dân vì ngôn ngữ ông ấy dùng thuộc ca dao là suy luận không ổn: không có gì chứng minh rằng không phải ngược lại: ca dao lấy ngôn từ của Nguyễn Trãi làm chất liệu. Giải quyết đến nơi đến chốn vấn đề này theo tôi là bất khả, vì ngôn ngữ học Việt Nam, rất kỳ cục, gần như không hề để tâm nghiên cứu từ nguyên và tiến triển của từ ngữ, thành ngữ.

+ Viết nốt về quyển sách của Đặng Tiến: bài có giá trị nữa sau bài về Đinh Hùng là "Quang Dũng một thoáng mơ phai" (bài "Những đóng góp của Thế Lữ vào phong trào Thơ Mới" cũng có nhiều ý hay, chẳng hạn khi phân tích hai câu thơ "Đâu những chiều lênh láng máu sau rừng/Ta đợi chết mảnh mặt trời gay gắt" và liên hệ Thế Lữ với Villon: "Où sont les neiges d'antan?" - câu đúng phải là "Mais où sont les neiges d'antan", rút từ bài "Ballade des dames du temps jadis").

Theo Đặng Tiến: "thơ Quang Dũng chủ yếu là thơ kháng chiến, mà ít người cách mạng nhớ đến. Còn kẻ ngâm nga, ngược lại không lấy gì cách mạng cho lắm" (tr. 243). Đặng Tiến cũng nhấn mạnh yếu tố truyền miệng của thơ Quang Dũng, cũng như văn xuôi Quang Dũng, mà ít người nói tới. Về văn bản chắc Đặng Tiến không biết sự tồn tại của một tập sách nhỏ in khoảng những năm 1990, hình như phụ san một tờ tạp chí nào đó (Tác phẩm mới?) chuyên đề Quang Dũng, có tiểu sử, bình luận, giai thoại và đặc biệt in khá nhiều thơ, trong đó chắc chắn có "Quán bên đường" (Hồn lính vấn vương vài sợi tóc/Tôi thương mà em đâu có hay) và nhất là vài bài thơ thuộc giai đoạn sáng tác đầu tiên. Trong bài lần này Đặng Tiến nhắc tới bài "Giang hồ" làm năm 1942 (Lá tím lá xanh đường gội nắng/Hoa vàng nhạt nhạt nhớ phiêu lưu/Lối đi khắc khoải lời chim nói/Ve vãn tương tư mảnh gió chiều), nhưng không thấy nói đến mấy bài có trong tập sách trên, như "Cố quận" và nhất là "Chiêu Quân", chính là bài có những câu như "Tuyết lạnh che mờ trời Hán quốc/Tỳ bà lanh lảnh buốt cung thương" hay "Quân vương chắc cũng say và khóc/Ái khanh! Ái khanh! Lời nghẹn ngùng", rồi "Chiêu Quân sang Hồ xừ hồ xang", bài này được bác Goldmund khen hay nhưng vẫn sáo và non lắm :)

Quyển sách trên bây giờ lưu lạc đâu tôi cũng không biết, ngày xưa hình như mua được từ một gánh hàng đồng nát.

Một yếu tố nữa là hiện tượng không có văn bản chính xác nhiều bài thơ của Quang Dũng, vì người ta truyền miệng nhau là chính: những câu trong bài "Đôi mắt người Sơn Tây" mà Đặng Tiến trích trong bài cũng đều khác ít nhiều với các bản mà tôi từng đọc và còn nhớ. Vài ví dụ: "Bao giờ trở lại đồng Bương Cấn/Lên núi Sài Sơn ngóng lúa vàng" thì tôi nhớ "Về núi Sài Sơn ngóng lúa vàng", "Mẹ tôi em có gặp đâu không/Những xác già nua ngập cánh đồng/Tôi cũng có thằng con bé nhỏ/Bao nhiêu rồi xác trẻ trôi sông" thì tôi nhớ "Bao xác già nua ngập cánh đồng/Tôi có một thằng con nhỏ nhỏ", tôi không nhớ có hai câu "Bóng ngày mai quê hương/Đường hoa khô ráo lệ", còn hai câu "Bao giờ ta gặp em lần nữa/Thuở ấy thanh bình chắc nở hoa" thì tôi nhớ "Bao giờ gặp lại em lần nữa/Chắc đã thanh bình rộn tiếng ca". "Đôi bờ" thì mãi sau này tôi mới tình cờ đọc được trên Internet.

4 comments:

  1. Hey, bạn Nhị Linh rất có tài bắt người khác phải moi sách ra đọc. Cuốn của bác Đặng Tiến định bụng để tặng một người nên cất rất kỹ chưa đọc một dòng nào,chỉ vì cái entry này nên lại phải lục ra đọc xem tác giả viết thế nào khiến bác Nhị Linh phải than thở như thế....

    Thực ra bài này của bác Đặng Tiến chỉ là phát triển thêm cái mấy cái ý trong rất nhiều ý mà Xuân Diệu đã nói đến trong "Quốc âm thi tập, tác phẩm mở đầu nền thơ cổ điển Việt Nam".

    Tuy nhiên, vì bàn đến vấn đề ngôn ngữ nên cũng nói thêm vài lời như thế này:

    Ở đây có 2 vấn đề:

    1. Thứ nhứt liên quan đến vấn đề văn bản học:

    Cái cuốn "Quốc âm thi tập" của Nguyễn Trãi mà chúng ta đọc bây giờ không phải là văn bản còn lại từ thời Nguyễn Trãi, do chính tay Nguyễn Trãi viết và soạn thảo mà do Dương Bá Cung, Nguyễn Định, Ngô Thế Vinh sưu tầm và cho in năm 1868 đời Tự Đức dưới nhan đề: "Ức Trai di tập". "Quốc âm thi tập" được chép vào quyển thứ 7 của bộ này. Trước đó vào đời Lê Thánh Tông, Trần Khắc Kiệm đã từng vâng chỉ dụ sưu tầm lại các tác phẩm của Nguyễn Trãi, nhưng bộ sưu tầm này hiện nay không còn.

    Như vậy, "Quốc âm thi tập" thời Tự Đức chỉ là "sưu tầm" lại, độ chính xác của văn bản còn rất nhiều điều phải bàn cãi. Nó ra đời cách thời Nguyễn Trãi 300 năm, liệu những gì được chép lại có còn giữ nguyên vẹn như những gì Nguyễn Trãi thực sự đã viết?....

    Trường hợp này cũng sẽ giống như với "Lưu Hương ký", cái gọi là "báu vật quốc gia" chẳng qua chỉ là một bản chép tay của một ông đồ đầu thế kỷ 20 chép lại theo trí nhớ hoặc chép lại theo nguồn nào đó mà ông không nói rõ. Tính chính xác của những văn bản này rõ ràng là rất cần phải cân nhắc...

    2. Chẹp, bạn Nhị Linh rõ ràng là không yêu Tiếng Việt một tẹo nào. Có chứ, chúng ta có nghiên cứu lịch sử ngữ âm của nước ta đấy. Nhưng vì vấn đề văn bản học chả được giải quyết đến nơi đến chốn cho nên đến bây giờ chúng ta cũng không có bằng cớ nào để biết được ngữ âm tiếng Việt thế kỷ XV nó ra sao để mà kết luận rằng thơ Nôm của cụ Nguyễn Trãi đã phản ánh đúng tiếng nước ta thời đó...Vì thế mới cãi nhau loạn lên về từ song âm tiết như "song viết" với lại "la đá..."....

    Xét cho cùng, với các văn hiến cổ,việc xác định văn bản luôn được đặt lên hàng đầu, trước khi chúng ta tán tụng về những giá trị khác của chúng...

    ReplyDelete
  2. Một ví dụ nữa cho khả năng "ca dao lấy ngôn từ của Nguyễn Trãi làm chất liệu" là bài:
    Chiều chiều ra bến Văn lâu
    Ai ngồi ai câu
    ai sầu ai thảm
    ai thương ai cảm
    ai nhớ ai mong
    Thuyền ai thấp thoáng ven sông
    đưa câu mái đẩy chạnh lòng nước non
    Bài này ngày trước được xếp vào ca dao tục ngữ, nhưng thực ra là thơ của cụ Ưng Bình Thúc giạ thị

    ReplyDelete
  3. bạn Quách có bửu bối mới có khác nhỉ, viết dài dằng dặc và rất dõng dạc :)

    trong các ví dụ Quốc Âm Thi Tập-ca dao kiểu gì cũng có cái NT lấy từ ca dao, nhưng không thể biết được cái nào, bao nhiêu phần trăm, ngược lại bao nhiêu phần trăm cũng không thể biết được

    trong bài ĐT cũng nói đến giờ đọc QÂTT vẫn thấy hay thấy hiểu, tớ thì phải thú nhận là nếu không có chú thích của Đào Duy Anh thì hoàn toàn không hiểu cụ NT nói cái gì

    ReplyDelete
  4. Cái tập sách chuyên đề Quang Dũng hình như tên là Văn học và Dư luận(?)ra được mấy số thì chết.

    ReplyDelete