Khi ở đây người ta luôn ngóng đến nơi khác, điều này rất thông thường và cũng không kém phần dễ hiểu. Số lượng đặc biệt lớn của tác phẩm văn chương hướng về xa xăm chứng nhận rằng người ta (và cả chúng ta) chung nhau cảm giác chán ghét cái chốn mình đang ở và mong muốn thoát khỏi, đi xa, thậm chí là rời bỏ. Một trong những tác phẩm đầu tiên làm nên tên tuổi cho Milan Kundera có nhan đề Cuộc sống không ở đây, trong đó có đoạn nhà thơ trẻ Jaromil (trạc độ tuổi của Rimbaud khi bắt đầu nổi tiếng trên văn đàn Pháp) bỏ chạy trên bãi biển, bởi vì mọi thứ có ý nghĩa đều không ở đây, đều ở đâu đó khác. Giai đoạn thuộc địa hóa, nhất là cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, làm phát sinh cả một dòng văn học xê dịch, trong đó cái tên cuốn sách của Blaise Cendrars có lẽ đã nói lên tất cả trạng thái tâm hồn con người thời ấy: Emmène-moi au bout du monde! (Hãy mang tôi đi tới tận cùng thế giới!)
Thế nhưng, cũng cần đưa ra một nhận xét là phần nhiều văn chương xê dịch được ký tên các nhà văn thời họ còn trẻ, hoặc miêu tả các nhân vật tuổi trẻ. Cái nôn nóng bồn chồn đầu đời theo thời gian sẽ được thay thế bằng những tâm thế khác, rất lắm khi là ngược hẳn chiều. Thời gian mang lại sự già nua, dĩ nhiên, nhưng nó cũng dẫn tới sự chín chắn, tỉnh táo và giải mộng. Tuy vậy, sự ra đi bao giờ cũng quyến rũ hơn nhiều, nó rộn ràng lanh lảnh tiếng lên đường, còn trở về lại thường trầm lắng và im lìm. Ulysses của Homer ra đi trong đoàn quân ồn ào đẹp đẽ và trở về hòn đảo Ithaca quê hương âm thầm không một tiếng vang. Chặng đường phiêu lưu giống như miếng giấy thấm hút đi thời gian sống của con người và cả các âm thanh rộn rã đã từng có lúc ngập tràn bầu không khí.
Các nhân vật trẻ tuổi của văn chương (và cả của đời thường) hay bỏ quê nhà ra thành phố. Rất nhiều anh chàng trẻ tuổi trong tiểu thuyết của Balzac hay Stendhal bỏ Tours bỏ Rennes bỏ Grenoble để lên Paris, phần lớn mang trên vai gánh nặng của tham vọng “chinh phục thế giới”, hoặc ít nhất là “chinh phục Paris” (như Rastignac). Thời của những viễn cảnh to lớn rồi qua đi, nhiều người lại tìm đường quay về tỉnh lẻ (với ảo mộng tan tành, nếu muốn mượn thêm tên một tiểu thuyết của Balzac). Rất có thể tổng lượng của hai chiều dịch chuyển là ngang bằng với nhau, và xét cho cùng con người cũng chỉ quẩn quanh trong một hoặc vài vòng tròn, dù có lúc vòng tròn rộng lớn bằng cả thế giới (thầy trò Phileas Fogg bỏ ra tám mươi ngày để hoàn thành vòng tròn mang tính chất lý tưởng ấy, trong tác phẩm kinh điển của Jules Verne). Một trong những tiểu thuyết đầu tiên của Kundera là Cuộc sống không ở đây, còn tiểu thuyết gần đây nhất (L’Ignorance - Ngu dốt) lại lấy đề tài là sự trở về: nhân vật chính sau một thời gian dài sống ở Pháp quyết định quay trở về Séc, cuộc trở về mang hơi hướng của người anh hùng Ulysses xa xưa.
Người ở trong nước muốn ra nước ngoài, người ở nước ngoài lại muốn về trong nước, người nông thôn quyết tâm ra thành phố, người thành phố lại mơ mộng về nông thôn, cái ước vọng rời bỏ thật là khó đạt được đến mức độ tuyệt đối. Các nhân vật trẻ tuổi của tiểu thuyết cứ lao về Paris, còn nhà bác học chín chắn Pascal trong tập cuối bộ sách Gia đình Rougon-Macquart của Émile Zola lại bỏ hẳn về quê sinh sống; Montaigne rồi Rousseau rồi cũng đến lúc rời bỏ cung điện thành quách để về giữa các loại cây cỏ.
Tất nhiên rất khó (và rất không nên) nói với những người mười tám hai mươi tuổi là nơi khác không hẳn chắc chắn có những điều mà họ chờ đợi, trông mong. Mọi trải nghiệm về cuộc đời đều cần phải trực tiếp, cái khó nhọc của chúng ta chính là ở chỗ không ai có thể “truyền kinh nghiệm sống” cho ai được cả. Nhu cầu đi khỏi, rời bỏ cũng vĩnh viễn như chính hai chữ “nhu cầu” vậy.
Dù vậy cũng nên nhớ, khi The Beatles hát: “She’s leaving home, bye bye” thì Chuck Berry đã ngay lập tức ngao ngán: “No particular place to go”, và như một lời đáp của trải nghiệm chín chắn cho sự say mê rạo rực của Vũ Hoàng Chương thời trẻ, Nguyễn Bắc Sơn từng viết hai câu thơ bất hủ không kém: “Về đâu, đâu cũng là đâu đó/Đâu cũng đìu hiu đất Hán Hồ”.
Nhị Linh
Caí này có liên quan gì đến "về thì biết đâm đầu vào đâu" của chị Dậu không?:)
ReplyDeleteKundera trong "Chậm rãi" có đề cập đến mối liên hệ giữa tốc độ và lối nghĩ.
ReplyDeleteTốc độ khác nhau thì cảm nhận khác nhau. Có khi nào tại 2 bác kia một bác ngồi xe lửa, một bác lội bộ không nhỉ? Còn bài này có hơi hướng đạp xe đạp. (Không loại trừ khả năng mặc quần đùi của bác GM :)
Về lại với chính ta!Nhưng phải nên đi mới trải nghiệm cảm giác mới lạ.Về đâu thì không cần đề cập tới.Cái mục tiêu đưa ra lúc khởi hành thường khác rất xa so với thực tế.
ReplyDeleteAnh Nhị Linh cho em mượn tất cả các cuốn khác của Kundera để em nghiên cứu mấy. :">
ReplyDeleteGM: chắc có đấy bác, nhưng nói thế nghe nó đen tối quá ak ak.
ReplyDeleteTH: bác có thể yên tâm là tuy em có nói đến bác ấy nhưng ở đây không hề chịu ảnh hưởng của bác ấy đâu ạ :) mà nhất là em thà chết chứ nhất định không mặc quần đùi của bác GM.
X30: tôi nghĩ là đã nói chính điều bác định nói đấy ạ.
MT: ;)))
Ủa icon đó nghĩa là sao? Anh Nhị Linh cố tình câu còm măng phải hông? :))
ReplyDeleteNgày hôm nay, trong lúc tình hình thế giới căng thẳng do dịch bệnh, có một đứa ngồi trong phòng chép lại "từ đầu chí cuối" bài này trên một mảnh giấy dó.
ReplyDeletedấy gió cảm ơn anh
bị rồ à
ReplyDeletevâng
ReplyDelete