Aug 28, 2009

Chẳng muốn cũng không xong

Qua vụ Sài Gòn tiếp thị, tuy không có đủ thông tin (chắc cũng chẳng ai có đủ thông tin) nhưng căn cứ vào những gì được hiển thị, tôi nghĩ rằng trước khi có một biến chuyển nào, tôi sẽ không cộng tác viết bài cho Sài Gòn tiếp thị nữa. Tôi đã viết chừng hơn mười bài, luôn đánh giá cao tờ báo vì chưa bao giờ cắt sửa, khi sửa gây ra lỗi thì nhanh chóng xin lỗi. Tôi cũng rất tiếc vì hiện nay trong số các tờ báo có tiếng nói ở Việt Nam chỉ Sài Gòn tiếp thị mới cho đăng những bài rất dài và có ý kiến riêng; tôi đã từng đăng một bài điểm sách gần 2.000 từ trên đó, một kỷ lục cá nhân.

Đây là quyết định của cá nhân tôi, không liên quan đến ai cả, chỉ xin được bày tỏ sự ủng hộ với anh Huy Đức.

-------------------


Cuối tuần mời các bác đọc bài điểm sách của anh Nguyễn Chí Hoan về Chuyện xưa kết đi được chưa? của Bảo Ninh, nhan đề bài viết là "Luôn luôn nhớ lại", đã đăng báo.

Tập truyện này tập hợp mười sáu truyện ngắn, trong đó có những truyện đã từng xuất bản trong Lan man trong lúc kẹt xe (Bảo Ninh, 2004), nhưng một sự nhất quán nổi bật về phong cách và chủ đề khiến người ta có thể đọc toàn bộ một cách mới mẻ đồng thời khiến các câu chuyện này bộc lộ tầng ý nghĩa mới mẻ của chúng.

Trước hết, sự nhất quán về chủ đề có thể gieo ấn tượng về sự trùng lắp đối với một cái nhìn thành kiến hay lơ đãng nào đó. Tất cả các truyện ở đây đều kể về việc nhớ lại và những tình huống suy ngẫm đối diện với việc nhớ lại; và các bối cảnh hay bản thân những hồi ức, ký ức đó đều là cảnh huống thời chiến và thời hậu chiến với những khắc khổ kỳ quặc bất thường.

Trong cái bề ngoài của cái đà sống phăng phăng trôi chảy của thời bùng nổ thông tin-truyền thông, một thời hiện đại đến muộn gần như đồng nhất với tâm lý cái mới và sự vồ vập với bất cứ cái gì có được vị thế là “Mới!”, thì những hồi ức gắn với chiến tranh đã hầu như mất hoàn toàn lợi thế so sánh.

Nhưng, đó là những hồi ức nào chứ?

Câu chuyện được lấy tên đặt cho tập này - “Chuyện xưa kết đi, được chưa?” - đã đưa ra một gợi ý phân biệt.

Truyện chỉ là một tình huống: “Tôi” đã cố hết sức để tránh việc “bác Lân”, đồng đội cũ của người cha liệt sĩ của “Tôi”, ôn kể những ký ức chống Mỹ của ông trong bữa cơm gặp mặt gia đình “Tôi” với gia đình “Loan” vị hôn thê của “Tôi”, bởi gia đình “Loan” toàn những người thuộc chính thể Sài Gòn cũ; nhưng cái điều cố tránh đã thành không tránh khỏi: nhân vật “anh của Loan”, một Việt kiều ở Mỹ về, vừa nói đến “Đường mòn Hồ Chí Minh” thì lập tức “bác Lân” nắm ngay lấy cửa mở đó để khai triển dòng nhớ lại quen thuộc của mình về thời đánh Mỹ trên Trường Sơn…

Phản ứng trước sự bộc lộ của hồi ức đó rất khác nhau.

“Tôi” với “các em tôi” thấy sốt ruột vì đã nghe nhiều đến thuộc. Nhưng cha và anh “của Loan” thì chăm chú và hỏi sâu vào các chi tiết. Và cuối cùng, khi “bác Lân” bị “Tôi” ngăn lại thì “mẹ tôi” òa ra khóc.

Có thể thấy ý tưởng ở đây không đơn giản. Không phải là chuyện xưa kể mãi rồi, “Người lính già kể mãi chuyện Nguyên Phong” rồi “kết đi, được chưa?”. Mà, với sự có mặt của những chứng nhân bên kia chiến tuyến một thời, hồi ức đó hiện lên như một chứng từ của lịch sử - cái vai trò đã bị những sự lặp lại khiến cho lu mờ. Đồng thời, tiếng khóc của “mẹ tôi” không chỉ là một cái lắc đầu phê phán đối với sự lãng quên, mà chủ yếu và sâu xa hơn là tiếng cảm thán đối với tình cảm thụ động của lớp con cháu đối với ký ức, với những chứng từ sống động của lịch sử đó - Tại sao các người chỉ thấy được cái nhàm chán trong sự lặp lại, trong việc không ngừng nhớ lại? Tại sao các người chỉ có một cách giương mắt ngồi nghe, xong bảo chuyện xưa lắm rồi? Tại sao các người chỉ biết nói như con vẹt ừ rằng thì là công ơn chúng con biết rồi? Tại sao các người đối xử với những chứng từ lịch sử chỉ như những bài học thuộc lòng, tại sao không thấy được trong sự nhớ lại không ngừng đó những bài học của lịch sử?

Sự lặp lại là một ấn tượng mạnh, gần như một ám ảnh ở đây, đến mức tác giả không ngại ngần - hoặc không kìm nén một cách có chủ ý - thể hiện nó trong những phép lặp và trùng ngôn biểu cảm không che đậy:

“Cố nhiên thời nay, bây giờ, nghe kể khổ kể xấu thời bao cấp đã mệt lỗ tai, nhưng xưa, khi đang ở ngay trong cái thời bao cấp đó của Hảo và Túc, có mấy ai nghĩ rằng mình đang trải qua một đoạn đời cực ơi là cực. Con người ta thuở ấy cũng như con người ta muôn thuở chỉ lo sống, cứ thế sống, sống và chỉ có sống mà thôi”. (tr. 38, “Mắc cạn”).

Đoạn văn này có hai câu. Nhưng nó có dáng dấp một tam đoạn luận và nét đặc biệt nhất ở đây là các ngữ đoạn chỉ thời không ngừng lặp lại và nâng cấp độ. Từ câu thứ nhất sang câu thứ hai, các ngữ đoạn chỉ thời đã đưa cả “thời nay” và “thời bao cấp” lên bình diện “muôn thuở”, và sự lặp lại của thời gian đó chính là nội hàm hay định nghĩa cho bốn từ “sống” cuối cùng mà đọc lên nghe như hư từ cảm thán.

Ta hãy xem một đoạn khác:

“Giao thừa năm nào tôi cũng lắng nghe, cũng chờ mong tiếng chuông nhà thờ. Giao thừa là phút giây lặng lẽ cho riêng ký ức cuộc đời tôi. Đêm trừ tịch đánh thức dậy một đoạn đời đã chết từ lâu, làm sống dậy trong tôi mảnh hồn ma gầy guộc mang gương mặt rỗ đậu mùa thân yêu hiền hậu. Hành và tôi, hai anh em, kể từ mùa xuân năm ấy đã sát cánh nhau dấn mình vào cơn cuồng phong lửa đạn và đã cùng nhau nhiều năm trời vui hưởng chết chóc cho mãi tới ngày Hành được cái chết rước đi trong trận quyết chiến ở xứ đạo Tân Cảnh bên bờ sông Pô Cô. Thế nhưng cả sau khi Hành đã chết, Hành và tôi vẫn như hình với bóng”. (tr. 188-189, “Đêm trừ tịch”).

Đoạn văn này, trong nguyên tác có bảy câu mà ở đây tôi trích năm câu, là một đoạn văn điển hình không chỉ về cú pháp và chương pháp, những mẹo mực và phép tắc hành văn đã khiến cho mỗi đoạn văn tạo thành một câu chuyện hoàn chỉnh - của cảm xúc hoặc của sự kiện, hoặc chân dung.

Nhưng điều tôi muốn nói ở đây là sự lặp lại, một phép lặp điển hình vừa rõ rệt vừa uyển chuyển và phong phú về từ vựng. Ai cũng sẽ lưu ý đến bốn từ “chết” trong vòng có năm câu này, nhất là trong ngữ đoạn cuối câu bốn “tới ngày Hành được cái chết rước đi” với ngữ đoạn “cả sau khi Hành đã chết” ở câu thứ năm liền kề.

Cao trào của đoạn ở ngay trước đó trong câu bốn: “đã cùng nhau nhiều năm trời vui hưởng chết chóc” (tất nhiên, trong một “cơn cuồng phong lửa đạn”!).

Đó là nghịch âm chói sáng trong bản balát này.

Đoạn văn trình bày trọn vẹn một toát yếu cảm xúc và ý nghĩa về một đời người, người chiến sĩ đã hy sinh đó.

Và, như một nhà tư tưởng lớn người Pháp thế kỷ XVII đã nói đại ý mỗi một đời người đều mang hình thái thân phận của tất cả con người, thì cái toát yếu thân phận người chiến sĩ tên Hành nói trên mang những nỗi niềm không của riêng ai.

Nhưng xin hãy lưu ý đến sự lặp lại những ngữ đoạn chỉ thời. Cũng như ở đoạn trích trước, phần đầu của đoạn trích này, gồm ba câu, nổi bật sự lặp lại của những “Giao thừa”, “Phút giây lặng lẽ”, “Đêm trừ tịch”, “Ký ức cuộc đời tôi”, “Một đoạn đời đã chết từ lâu”. Mà có thể thấy, ngay cả hình ảnh “mảnh hồn ma gầy guộc…” cũng là một hình ảnh ẩn dụ về thời gian, thời gian quá khứ gắn liền với hiện tại.

Lưu ý đến tính chất toát yếu cảm xúc - ý nghĩa đời người của đoạn văn, ta thấy rằng các ngữ đoạn chỉ thời ở hai câu còn lại cũng giữ vai trò nền tảng kể cả về mẹo mực và ý nghĩa - “kể từ mùa xuân năm ấy”, “nhiều năm trời”, “cho mãi tới ngày”, “cả sau khi”.

Đó là cái nhìn người xưa gọi là nhất lãm, bao quát một lượt và thấu suốt. Và, cũng giống như ở đoạn trích trước, cái nhìn đó phát lộ tính thời gian xuyên suốt con người cùng sự kiện, mà những sự lặp lại của thời gian đó cũng là nội hàm, là định nghĩa, nhưng lần này thì trái ngược: định nghĩa về “chết”.

Đó là gợi ý để hiểu vì sao lại có thể suốt “nhiều năm trời vui hưởng chết chóc”.

Một gợi ý khác tôi muốn nhắc đến là cái mệnh đề “Sống khó hơn là chết”, (Trung Trung Đỉnh, 2008). Hoặc xa hơn, gợi ý từ “điều mà Pushkin gọi là niềm hân hoan ta cảm thấy ở bất cứ điều gì kề cận với cái chết” (Frédéric Badré, Tương lai văn học, 2007).

Hẳn là tôi không đi quá xa. Bởi lẽ tất cả những câu truyện ở đây đều trình bày sự nhớ lại, nhớ lại không ngừng, dẫu rằng mỗi lần nhớ là một câu truyện khác nhau nhưng suy ngẫm từ đó thì đều đồng quy về ý nghĩa của sống và chết.

Mà dưới cái bề ngoài giản dị của truyện kể, của lời kể phóng khoáng một cách tinh tế, những khía cạnh của cái ý nghĩa đó lại phong phú lạ thường, sống động như hơi thở từ trong lồng ngực của chính ta.

10 comments:

  1. Giữa việc có nguy cơ phải đóng cửa 1 tờ báo và phải sa thải một phóng viên chủ chốt tài năng,nếu là người quản lý, bạn phải chọn lựa sự sa thải. Tôi nghĩ không nên trách hay tẩy chay SGTT. Tôi chỉ thấy cay đắng.

    ReplyDelete
  2. "Chuyện xưa kết đi, được chưa?" là một trong số rất ít các tập truyện ngắn hiện nay gây cho tôi một ấn tượng mạnh. Bây giờ, chỉ cần ai đó nhắc lại bất kỳ một câu nào đó trong bất kỳ truyện nào của tập truyện, tôi đều nhận ra là nó ở trong truyện nào.Tập truyện gây cho tôi cảm giác ngậm ngùi và nhiều điều để suy nghĩ, như "Cái búng", "Sách cũ","Mắc cạn","Bội phản"... Xin cảm ơn nhà văn Bảo Ninh vì tập truyện này. Có lẽ Bảo Ninh mạnh nhất khi viết về "nỗi buồn" và "chuyện xưa"?
    Trong khi đó "Cafe Hàng Hành" lại là một sự thất vọng lớn của tôi.

    ReplyDelete
  3. Marcus: đây là lựa chọn của tôi thôi, như một "prise de position" chắc bác hiểu, còn việc sa thải là bình thường, chỉ không bình thường ở cách sa thải.

    ReplyDelete
  4. Đúng là không bình thường ở cách sa thải, ở hai lẽ:
    1. SGTT sa thải vì bài viết của Osin trên blog cá nhân của mình (lý do cụ thể được viện ra) chứ không phải bài viết trên báo.
    2. Quan điểm của cá nhân một tổ chức không nhất thiết phải đồng nhất với quan điểm của tổ chức đó. Ngay trong xã hội VN, người ta vẫn luôn nhắc đi nhắc lại rằng bất đồng chính kiến không phải là một cái tội. Đó là chưa kể lập luận rằng bài viết của Osin thể hiện lập trường chính trị đi ngược lại lập trường chính trị của tờ báo là một giả định rất lỏng lẻo và không được chứng minh.

    ReplyDelete
  5. Tôi nghĩ bạn Nhị Linh hoàn toàn có quyền thể hiện chính kiến của mình và phản đối tờ báo đó bằng việc không viết bài.

    Bạn Linh (không Nhị) ơi, từ trước đến nay tôi chả nghĩ có vụ sa thải nhà báo nào của ta là bình thường cả. Nó được định hướng rồi. Bác Osin bị sa thải đâu phải chỉ vì bài báo đó, nó là cú đánh từ trên xuống nhằm đe dọa những những ai có tư tưởng đi ngược lại những gì mà Đảng cộng sản Việt Nam quy định.

    ReplyDelete
  6. Ngầu quá, đúng tinh thần MLK, "Injustice anywhere is a threat to justice everywhere". Hats off and good luck!

    ReplyDelete
  7. Cái Bức tường Berlin chỉ là bình phong thôi. Những bài viết trước nay đã từng đăng song song cả trên SGTT và blog Osin đã là cái gai trong mắt nhà cầm quyền rồi. Ban Tuyên giáo phê bình hơn 100 entry của blog Osin, trong đó có tới hơn nửa theo suy đoán nhanh của tôi là cũng được đăng trên SGTT. Những bài viết đó theo đánh giá của nhà cầm quyền (không chỉ Ban tuyên giáo) là đã đi quá một giới hạn nào đó.

    Việc bác Huy Đức chia tay SGTT là chuyện cực chẳng đã, nhưng rất tiếc là chuyện phải diễn ra, khi blog Osin muốn tiếp tục hoạt động dưới danh nghĩa của một cá nhân và không liên quan đến một cơ quan nhà nước là một tòa báo cụ thể. Blogger Osin có thể tiếp tục viết những bài viết sâu sắc tự do được bạn đọc mong mỏi, mà không phải làm ảnh hưởng trực tiếp đến đồng nghiệp bạn bè.

    ReplyDelete
  8. Bắt chước bác Nhị Linh một cách lố bịch, tôi cũng xin tuyên bố rằng, dù chưa viết bài nào cho SGTT (và SGTT cũng chả biết tôi là ai), nhưng trong tương lai tôi cũng vẫn sẽ ko viết cho tờ này :)

    Tuyên bố này để ủng hộ bác Osin về mặt tinh thần :)

    ReplyDelete
  9. không việc gì phải làm theo tôi cả :) cứ làm những gì tự do của các bác cho phép

    có thể ngăn cản tôi viết cho một chỗ nào đó, nhưng không thể ngăn cản tôi không viết cho một chỗ nào đó lol

    ReplyDelete
  10. Hi hi tinh thần Huỳnh Thúc Kháng vẫn đầy tính thời sự :-D

    ReplyDelete