Sep 30, 2009

Thừa rồi lại thừa

+ Độ này thấy nhiều người quan tâm đến truyện ngắn. Chính tôi cũng vừa viết về một tập truyện ngắn. Nhưng nói thật thì tôi không quan tâm nhiều đến truyện ngắn. Tôi quan tâm tới văn chương của Bảo Ninh chứ không quan tâm đến truyện ngắn. Cả chục năm nay tôi không còn (gần như không) đọc truyện ngắn đăng trên báo. Nhiều lắm, nhiều vô tận, chắc là nước Mỹ và nước Việt Nam sản xuất truyện ngắn nhiều ngang ngửa với nhau. Được một lần ta (có thể) sánh vai được với nước Mỹ, mừng chưa.

Nói đến truyện ngắn lại nhớ một người, Daniel Grojnowski, tác giả cuốn sách Lire la nouvelle (Đọc truyện ngắn). Grojnowski được coi là chuyên gia về truyện ngắn, nhưng thật ra còn là chuyên gia nhiều cái nữa. Đó là một người gốc Ba Lan, một người bạn của Mme Lê Hồng Sâm. Trong Lire la nouvelle ngay mở đầu có đăng nguyên văn một truyện ngắn được cho là ngắn nhất trong lịch sử. Tác giả tên gì đó hình như có màu sắc Flamand, nghĩa là khó nhớ, còn nội dung truyện như thế này, đại ý chứ không chính xác tuyệt đối:

"Ông ấy là người lịch sự vô cùng, tới mức nhường cho bà vợ chết trước."

Nói "ngắn nhất trong lịch sử" cũng chỉ là một cách nói, nó thông báo rằng truyện ngắn có thể rất ngắn, một lời tuyên bố theo kiểu "ấn định" kiểu như "tin tôi đi, nếu tin thì sẽ có lợi đấy".

Kiểu truyện ngắn như trên có thể coi là một mô hình, đã là mô hình thì ta pastiche được, chẳng hạn như là "Vì rất căm ghét loài người nên hắn quyết định làm một vài điều tốt cho nó."

Cái dở là không tìm được chuyên gia truyện ngắn nào để ghi nhận tác phẩm vừa xong kia, chán thật.

+ Tôi không mấy để ý đến sự trông chờ một cuốn tiểu thuyết thứ hai của Bảo Ninh. Câu hỏi ở cuối bài trước của tôi là một tiến triển logic từ những gì viết ở trên đó thì đúng hơn là "gây thêm sức ép". Trong tập Chuyện xưa kết đi, được chưa? ai cũng nhìn ra nỗi ám ảnh, nhưng nhiều người nhìn ra và nói về thì điều đúng lại rất dễ trở thành điều sai :) Cái chính là ngôn từ không bao giờ đủ cả.

+ Áp lực của nói điều then chốt chưa chắc đã lớn bằng áp lực không nói điều then chốt. Với người viết lách, nhất là viết phê bình, một lần cho tất cả có thể là một lý tưởng, nhưng lại cũng có thể là một ảo tưởng, một cái bẫy tâm lý. Nhìn ra điều then chốt mà không nói là vi phạm lý tưởng, nhưng cắm đầu tìm cách không vi phạm lý tưởng lại là ảo tưởng. Đây không phải là chấp nhận sự đã rồi và sự trốn tránh, đây là đối mặt: đối mặt với tính chất mù mờ của cái bản chất. Thách thức cái bản chất, không tuân theo nó, chống lại nó đúng lúc nó không ngờ xứng đáng ngang hàng với một thách thức đã được nhiều người nói đến, nói tuyệt hay, như là Borges và nhất là Calvino: thách thức mê cung.

+ Một bài thơ tên là "Thừa" trong tập Ta thấy hình ta những miếu đền của Mai Thảo:

Một vũng trời cao đứng bóng trưa
Nhìn lên bỗng thấy nắng mây thừa
Thừa thêm ta nữa tâm tiền tiến
Mà khối đau buồn rất cổ xưa

15 comments:

  1. Bài thơ hay quá. Câu nào câu nấy đẹp chằn chặn.

    ReplyDelete
  2. Phải nói ra cái ý "đối mặt với tính chất mù mờ của bản chất" thật là tổn thất lớn :P

    ReplyDelete
  3. Bạn Marcus nói hay quá :)) đẹp chằn chặn như một cái triện son.

    ReplyDelete
  4. Xin góp một truyện ngắn (6 từ) nghe đồn của Hemingway thế này:
    "Rao bán: giày trẻ em, chưa bao giờ dùng."
    (For sale: baby shoes, never worn.")

    ReplyDelete
  5. Hình như 'đối mặt' cũng là một cách kết hợp từ sai!?

    ReplyDelete
  6. tôi muốn tìm vài lập luận để biện hộ cho sự tồn tại của "đối mặt" nhưng khó quá, đầu óc bây giờ chẳng nghĩ ra được cái gì cả :(

    đây có lẽ là một hiện tượng khác: "đối mặt" không phải từ ghép, mà "đối" đã là động từ, "mặt" là bổ ngữ, giống như trong các kết hợp "đối đầu", nhất là "đối gương" (ca nhi đối gương ôm sầu riêng bóng)

    nguyên nhân có lẽ là vì "đối diện" lại là một nghĩa khác so với "đối mặt"

    cá nhân tôi cho rằng "đối mặt" xuất hiện từ khi có tiếng phương Tây di cư vào tiếng Việt: "đối mặt" chính là "faire face", trong khi "đối diện" là "en face", "tête-à-tête"; thành ngữ "tuyệt cú mèo" nhiều khả năng cũng đi theo con đường tương tự, nhằm diễn tả ý "chouette"

    bác nào có cao kiến gì không?

    ReplyDelete
  7. Nghe các bán bàn tiếng Tây "đối mặt", hôm nay vào Gió O đọc truyện của Hồ Đình Nghiêm thấy ông ta mô tả "cu nhỏ chỉ bằng cái van xe đạp". Hỏi các bác "cái van xe đạp" là bộ phận nào trong xe đạp, các bác chỉ giáo mấy
    http://www.gio-o.com/HoDinhNghiemMeoCai.htm

    ReplyDelete
  8. Bác cu bu không biết thật hay chém gió đấy?

    ReplyDelete
  9. Mr. Tin Văn đã giải thích cái van (vanne) xe đạp, đồng thời còn bonus thêm phân biệt xe đạp với đàn bà, từ đó cũng có thể thêm một bước nữa: phân biệt van xe đạp với vật dụng của đàn ông, trả lời: muốn ngon thì một đằng phải bơm được khí vào, một đằng phải bơm được khí ra.

    ReplyDelete
  10. NL est un être muni de vannes qui en distribue avec grâce.

    Nhân tiện, nhờ NL giải thích hộ một cái băn khoăn :
    "Dịch giả dịch thật" đối mặt với
    "Độc giả đọc thật" hay
    "Độc giả độc thật" ?

    ReplyDelete
  11. hì hì, câu đố của anh thichhoctoan khó nhằn thế!

    ReplyDelete
  12. chắc muốn trả lời câu hỏi của hòa thượng thì phải nói rõ về lựa chọn vị trí: chẳng hạn như ai cũng nghĩ bác là toán học, thì bác lại tự chọn mình là "học toán", còn em không bao giờ tự nhận là "dịch giả" cả

    tìm đúng cái van mà xịt thôi bác :)

    ReplyDelete
  13. Bác Nhị Linh đọc bên ảo ngôn gio-o trả lời chửa

    "Xịt hết khí vanne xe vẫn nhổng
    Xịt hết khí vanne mấy ổng xụi lơ"

    hic hic

    ReplyDelete
  14. đa tạ Nga Mi chưởng môn ban kẹo :)

    ReplyDelete
  15. Theo í tớ thì "tuyệt cú mèo" chả phải là thành ngữ gì cả, chỉ là cách nói đùa khi ghép thêm chữ thôi : "tuyệt cú", và nối đuôi là "cú mèo", hình như được khởi xướng trên báo hoa học trò ngày xưa.

    ReplyDelete