Feb 23, 2010

Dùng hồi ký làm tài liệu

Có dùng hồi ký làm tài liệu nghiên cứu được không? Câu trả lời là: Không dùng thì biết dùng cái gì :)

Thế nhưng đọc hồi ký thì phải đối chiếu chéo rất ác liệt, nếu không thì sai kinh lắm. Nhân đọc bài của Lại Nguyên Ân kể lại chuyện Nguyễn Công Hoan từng nghi ngờ vụ "cây đào Tô Hiệu" nên thử quay sang chính Nguyễn Công Hoan xem sao. Cây đào này thì xưa nay bị đàm tiếu nhiều lắm rồi.

Hồi ký Đời viết văn của tôi (NXB Văn học, 1971) viết về Vũ Ngọc Phan (học cùng lớp Sơ đẳng A, Bưởi): "Ở trong lớp bấy giờ, tôi phục nhất anh Vũ ngọc Phan về quốc văn. Anh ít tuổi hơn tôi."

Ngay đầu sách, Nguyễn Công Hoan "khai" mình sinh năm 1903. Mọi tiểu sử đều viết Vũ Ngọc Phan sinh 1902. Như vậy Vũ Ngọc Phan nhiều hơn Nguyễn Công Hoan một tuổi là ít nhất.

Nhưng đó chỉ là một chuyện rất nhỏ. Đoạn sau đây mới hay:

"Hôm có tiết này, thầy vào lớp, đố ngay học trò Concierge nghĩa là gì. Trong lớp có một trò tên là Nguyễn Phan Long, người Nam bộ, theo cha, là ông phán gì đó, ra Bắc. Nguyễn Phan Long rồi sau này là một tay giỏi tiếng pháp, mở báo viết bằng tiếng pháp ở Sài gòn. Hắn cũng là một đại địa chủ tối phản động. Thấy thầy đố chữ khó quá, cả lớp chịu. Thầy mới giảng là ông dượng. Lúc này Long mới xin nói, và giảng là người canh cổng. Chắc ở Sài gòn, Long đã trông thấy người làm công việc này. Hai thầy trò cãi nhau về chữ nghĩa, rồi thầy mở tự vị ra tra. Thầy nghĩ một lát, rồi khen là Long nói đúng.

Tan học, ở lớp về nhà, Nguyễn Phan Long nói với bạn: "Đù mẹ thằng X, hôm nay tao chẳng được gì, còn lỗ vốn mất một chữ!"

Hôm sau, người bạn mách thầy giáo là thằng Long nó chửi thầy. Thầy tức lắm, đem việc ấy lên trình ông đốc. Tên hiệu trưởng gọi Long lên bàn giấy, bắt mang theo sách vở. Nó phân xử thế nào? Nó cho Long lên học lớp trên! Tây cần người giỏi tiếng pháp hơn là cần người biết tôn kính thầy giáo" (tr. 32-33) [sự việc khoảng năm 1916].

Chi tiết này cực kỳ đắt giá, chưa thấy ai nêu ra cả :)

Nguyễn Công Hoan đang nói đến Nguyễn Phan Long nào? Theo các nét tiểu sử mà Nguyễn Công Hoan miêu tả, nhà địa chủ, lại còn "đại địa chủ tối phản động", người Nam Kỳ, ra Bắc học, giỏi tiếng Pháp, mở tờ báo tiếng Pháp ở Sài Gòn... thì ta hiểu đó là Nguyễn Phan Long giỏi tiếng Pháp huyền thoại, con nhà cực giàu, đồng chí của Bùi Quang Chiêu ở Đảng Lập hiến, thời điểm đám tang Phan Chu Trinh cùng Bùi Quang Chiêu rất dũng cảm tỏ rõ thái độ ủng hộ, nhưng sau này theo đánh giá của Thiếu Sơn là đã không dám chịu khổ, từ bỏ con đường, nhận chức Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao đầu tiên thời Quốc gia Việt Nam. Nguyễn Phan Long mở mấy tờ báo tiếng Pháp, nổi tiếng là L'Écho du Vietnam, và cũng có tờ tiếng Việt là Đuốc nhà Nam.

Nhưng lại không phải, thế mới thú. Nguyễn Phan Long nhân vật lịch sử sinh năm 1889, ra Bắc học Albert Sarraut rồi sang Pháp du học, năm 1921 đã in tiểu thuyết Le Roman de Mademoiselle Lys (Chuyện đời cô Huệ, nhà in Bắc Kỳ xuất bản). Tức là Nguyễn Phan Long này không thể học cùng Nguyễn Công Hoan sinh mãi tận năm 1903 tức là kém 14 tuổi được.

Thế tức là Nguyễn Công Hoan đã nhầm lẫn, nhớ mang máng một anh bạn rồi ghép luôn vào với Nguyễn Phan Long kia, để tha hồ mà chửi :) Năm 1971 khi xuất bản quyển hồi ký, thì chắc các biên tập viên NXB Văn học cũng không rành các nhân vật kiểu như Nguyễn Phan Long.

Tất nhiên có khả năng còn tồn tại một Nguyễn Phan Long khác cũng oách không kém, nhưng tôi không tin.

Đợt trước có một người tặng tôi đúng quyển Mademoiselle Lys này mới ly kỳ chứ hihi. Hay là bây giờ tôi gom các chi tiết kiểu này lại để viết một quyển Mảnh vụn văn học sử theo chân Bằng Giang Nguyễn Văn Hòa nhỉ :))

13 comments:

  1. Theo tớ thì hồi ký là thứ khó đáng tin nhất trên đời! Cùng lắm ta chỉ qua nó mà biết không khí chung một thời kỳ, chứ các sự việc cụ thể thì không thể tin được, và không thể dùng làm tư liệu nghiên cứu được!

    ReplyDelete
  2. Cách đay 10 năm tôi có đọc "Nhớ và ghi" của Nguyễn Công Hoan (Nxb Tác phẩm mới, 1978) thấy quyển ấy rất thú vị và linh hoạt. Nhưng tôi cũng thấy quyển hồi ký ấy có phong cách rất văn chương có nhiều chi tiết được/bị tiểu thuyết hóa.

    Tôi nghĩ vấn đề không nằm ở thể loại nhưng thuộc về tác giả, nhà xuất bản, và người biên tập. Còn chắc phải trách thời cuộc nữa. Ví dụ câu: "Hắn là một đại địa chủ tối phản động." Nếu viết một quyển hồi năm 1942 Nguyễn Công Hoan sẽ không viết thế. Đến năm 1950 chắc ông vẫn không viết thế. Tư tưởng Mao Trạch Đông phải thấm vào lòng mới viết thế. (Và có lẽ năm 1986 ông Hoan không câu ấy nữa?).

    Và nếu một người bị xét là "đại địa chủ tối phản động" thì giả mạo một câu chuyện chẳng sao--chắc đó là quan niệm của mọi người có vai trò sản xuất quyển sách ấy năm 1974. Nhất là nếu mình có thể kể một chuyện hấp dẫn.

    Độc giả các thể loại văn (hồi ký, phóng sự, thời sự, lý thuyết, phân tích, khoa học) phải hoài nghi từng tác giả. Nhị Linh đề cập đến những việc cẩu thả của một tác giả, một nhà xuất bản và một nhà biên tập là một việc rất nên làm. Các độc giả phải đọc cho thật kỹ và phải đọc thật nhiều mới biết được sự thật.

    ReplyDelete
  3. Heidegger hay mở đầu bài giảng bằng câu: "Ngày xưa, có ông X, ông sinh ra, ông lớn lên, ông làm triết học, rồi ông ấy chết." Ý rằng cái "triết" ấy là gì mới đáng nói. Còn lại là huyền thoại cả thôi.

    ReplyDelete
  4. Ăn thua là phương pháp làm việc của nhà nghiên cứu thôi; cũng có khi còn phụ thuộc vào lương tâm nghề nữa.
    Hình như ngày xưa(VN)cách nhau 14 tuổi vẫn có thể là bạn học?
    Độc giả chúng tôi rất chờ "Mảnh vụn vh sử" của NL, chắc chắn ở đó sẽ có rất nhiều thông tin thú vị:)

    ReplyDelete
  5. Khó học cùng nhau lắm, không có lý do gì để Nguyễn Phan Long con nhà giàu thông minh như thế đến gần 30 lại đi học chung lớp với lũ oắt con 13, 14 tuổi được :)

    Các nhân vật của thời ấy còn nói so về tài văn Pháp Nguyễn Tiến Lãng còn dưới Nguyễn Phan Long một bậc, mà những cái như thế phải học từ khi còn rất nhỏ, như Phạm Quỳnh ấy, chứ sau mới học thì cùng lắm là được như cụ râu dài nói tiếng bồi là cùng.

    ReplyDelete
  6. Chờ đọc “Mảnh vụn văn học sử” của NL ..Hihi.. Gom những bài post trên blog có thể in được mấy cuốn sách có giá trị …
    bác NL ko in sách thì thật tiếc…
    Nhân tiện hỏi là cuốn sách “Sức Mạnh Của Những Người Phi Lý" Tác giả: John Elkington. Pamela Hartigan. - Dịch giả: Việt Dũng. Thanh Tâm ,Nxb Lao động Xã hội 2010 có phải NL đồng dịch ko? Tks!

    ReplyDelete
  7. Có hồi ký là may rồi, chứ mấy tác gia trung đại chỉ còn lại tác phẩm mà không có bất cứ thông tin tiểu sử nào thì biết tính làm sao?

    ReplyDelete
  8. He he Quach Hien oi, Ly Van Phuc co 'Tu thuat ky" day nhe.

    ReplyDelete
  9. Với tôi chuyện này hay,nhưng chỉ vì vốn nể phục nhưng người làm văn chương, nên chuyện gì có dính đến các ngài tôi nghe được đều thích thú cả. Nhưng về giá trị "thực tế", thì nó không có gì là lạ cả, bởi tôi biết tuyệt đại đa số các "văn hào" miền Bắc, ít nhất kể từ 1956 (lấy mốc NV-GP) trở đi đều corruptible hết cả rồi.

    Đến một người vốn ương ngạnh như Nguyễn Tuân, mỗi lần cần là "đảng" lại điệu lên đài phát thanh để đọc những phát biểu "linh tinh", truyên truyền cho nhà nước. Bảo gì nói nấy. Sau khi thi hành nhiệm vụ thì được phát quà, thương là phiếu mua rượu "có chất lượng" và thực phẩm. Cá nhân tôi, vào dịp Tết Mậu Thân, ở Sài Gòn, được nghe lén từ đài Hà Nội một "bài nói chuyện" của Nguyễn Tuân, chủ yếu chửi Thiệu - Kỳ bằng những lời lẽ hoàn toàn hạ cấp.

    Hồi đó còn nhỏ tôi chỉ cảm thấy đáng khinh bỉ. Nhưng sau này tôi cho là NT cố tình dùng những lời hạ cấp để ngầm nhắn nhủ người nghe - ở miền Nam - rằng đây tuy chính là giọng nói của NT nhưng lời thì không thể của NT.

    ReplyDelete
  10. Đọc từ đầu tới cuối cùng, đọc hết các còm cũng không biết Nguyễn Phan Long chê thầy và được học vượt lên là ai, có phải là Ngô Đình Nhu không?

    ReplyDelete
  11. Vậy ông Nguyễn Phan Long này có phải là ông Ngô Đình Nhu không?

    ReplyDelete
  12. Theo tôi không thể là ông Ngô Đình Nhu. Ông Nhu quá trẻ (sinh năm 1911) so với Nguyễn Công Hoan, và không phải người Nam Kỳ nên không thể có cách ăn nói "tự nhiên" như "Nguyễn Phan Long" này.

    ReplyDelete