Rón rén tiến lại gần địa hạt của phiên âm tên riêng (nhân danh và địa danh). Đây là ý kiến của Mặc Đỗ:
Có ba chủ trương hiện đang áp dụng:
a. - Việt Nam hóa hoàn toàn: Thí dụ Montesquieu thành Mạnh-Đức-Tư-Cưu, London thành Luân-đôn. Sự thật đây chỉ là phiên âm một lần thứ hai lối phiên âm của Trung Hoa. Khi người viết chữ Hán muốn chỉ nhân danh Montesquieu đã đọc nhân danh đó lên và ghi âm bằng bốn chữ Hán, khi đọc giọng Trung Hoa ta nghe gần ra Montesquieu như giọng Pháp. Sang đến Việt Nam mới biến thành một cái tên man dợ mà chính người mang tên đó cũng không thể hiểu nổi. Chủ trương này hoàn toàn không có lý do tồn tại, mặc dầu đã có đôi chữ thành quen.
b. - Phiên âm ra tiếng Việt: Chủ trương này có phần hợp lý nhất nhưng bởi những người dùng không chịu cân nhắc kỹ lưỡng mỗi khi phiên âm một nhân danh hay địa danh và và vô tình mắc phải cái lỗi của những người dùng nhân danh Mạnh-đức-tư-cưu, nô lệ Tàu rồi lại nô lệ Pháp. Thí dụ địa danh thủ đô Ai Cập có người phiêm âm là Lơ-Ke, như vậy là nô lệ Pháp văn phiên âm Le Caire, trong khi Anh văn phiên âm địa danh Ai-Cập đó đúng hơn là Cairo. Một thí dụ khác, địa danh thành phố Milano ở Ý nếu phiên âm theo Pháp thì sai, hỏi một người Ý có biết thành phố Mi-lăng ở đâu không họ sẽ ngơ ngác vì họ không phát âm như vậy. Muốn giải quyết đến nơi đến chốn ta cần phải chú trọng tới mấy điểm then chốt: 1) truy nguyên đến tận xuất xứ để phiên âm cho thật đúng không lệ thuộc một lối phiên âm nào khác 2) tránh sự đi quá xa âm chính bằng cách quá lạm dụng âm hưởng Việt Nam, chẳng hạn Bunganine thành Bún-gà-ninh và 3) tìm một lối ghi âm không quá khác biệt với những nhân danh, địa danh ở nguyên bản (chữ viết của ta dùng mẫu tự la-tinh ta không có lý do gì để ghi một nhân danh ngoại quốc một cách hoàn toàn khác biệt không thể nhận ra được so với nhân danh chính, nếu cần ta nên dùng thêm những âm mới như bl, br...)
c. - Dùng ngay những danh nhân, địa danh viết theo nguyên tác: Chủ trương này là một sự cực chẳng đã, không thỏa mãn vì chưa tìm ra phương pháp thích đáng. Những người chủ trương như vậy dựa vào lý do cần tôn trọng nguyên tác. Tác giả khi đặt tên cho nhân vật trong truyện không phải là không có dụng ý và không gán cho cái tên một ý nghĩa riêng biệt. Đem phiên âm một cách quá sỗ sàng ta đã vô tình vứt bỏ hết những dụng tâm của tác giả và đồng thời cái tên đã được Việt hóa đi đó cũng không lợi được một ý nghĩa gì cho độc giả người Việt và có khi họ còn thấy là ngô nghê nữa. Tuy nhiên chủ trương này không thể tồn tại mãi nếu ta tìm ra được một phương pháp phiên âm đúng và hợp lý.
MỘT CHỦ TRƯƠNG HOÀN TOÀN MỚI MẺ
Anh bạn già Nguyễn Đức Quỳnh chủ trương rằng người dịch phải đặt lại cho từng nhân vật trong truyện tùy theo cá tính của mỗi nhân vật đó theo những điểm chỉ cần của tác giả. Người dịch phải làm sao cho độc giả nhận thấy qua cái tên Việt Nam một phần nào đặc tính của mỗi nhân vật. Và cẩn thận hơn nữa, để tiện sự truy cứu, ở cuối sách sẽ in một bảng đối chiếu giữa tên trong nguyên tác và tên Việt Nam mới đặt. Trên lý thuyết, chủ trương này rất đúng, dù sao cũng cần áp dụng mới ước lượng được sức gợi cảm của lối đặt tên này và khi đó mới tiện phê phán.
Một lần nữa chúng tôi thấy cần nhấn mạnh vào sự cần thiết phải có một tủ sách dịch khá đầy đủ. Những vấn đề nêu ra - có lẽ còn thiếu xót - đều không phải là những điểm nan giải. Chỉ cần một sự cố gắng muốn làm.
(sao y bản chính, trích từ Mặc Đỗ, "Công việc dịch văn", tạp chí Sáng Tạo số 1, 10/1956)
Mặc Đỗ là tác giả những quyển như Thần nhân và thần thoại Tây phương, tác giả những bản dịch như Tâm cảnh (tức Climats của André Maurois), còn "anh bạn già Nguyễn Đức Quỳnh" với "Cénacle littéraire" thì chắc ối bác già già bây giờ còn giữ nhiều kỷ niệm lắm :)
thiếu sót, không phãi thiếu xót, nhưng OK, vì đây là 'sao y', tuy nhiên, có lẽ nên 'phiên âm' từ "xot" qua "sot" ?
ReplyDeleteMặc Đỗ là người dịch Anh Môn, Le Grand Maulnes
Còn Nguyễn Đức Quỳnh, ở đây là ai? Làm sao lại "anh bạn già"? Có quen ư?
nqt
Nguyễn Đức Quỳnh đó đấy chứ ai nữa, vậy thì chắc Mặc Đỗ có quen NĐQ rồi. Quyển "Meaulnes" thì nhiều người dịch lắm.
ReplyDeleteVề điểm thứ ba: tác giả đặt tên cho nhân vật có dụng ý và có ý nghĩa nào đó. Chỗ này có nhiều khó khăn tế nhị vì cái tên ấy mang đằng sau lưng nó một mạng lưới ngôn ngữ và văn hóa (đôi khi, quan niệm xã hội thời thượng) mà chỉ có tác giả và các độc giả gốc mới có thể rung động. Dịch giả "chuyển" mạng lưới ấy như thế nào? Việc này đi sâu hơn vào khả năng thấu hiểu và cảm thông, hơn là nhu cầu tìm chữ tương xứng.
ReplyDeleteVề điểm thứ hai: phiên âm ra tiếng Việt. Chỗ này cũng gay go không kém. Chỉ xin đan cử vài thí dụ vui vui sau đây.
Vào đầu thế kỷ 20, có một học giả về Thiền Nhật bản, nổi tiếng, tên là D.T. Suzuki. Tên này là một lối phiên âm Âu Mỹ, viết đủ là Daisetsu Teitaro Suzuki. Nhưng, viết đúng thứ tự họ tên (Nhật cũng như Việt) phải là Suzuki Daisetsu Teitarō, đọc theo âm gốc là Linh Mộc Đại Chuyết Trinh Thái Lang. Thế thì chúng ta tính sao? Xưa nay, người Việt vẫn dùng phiên âm Âu Mỹ là Suzuki cho ông này, tuy "nô lệ" đã thành quen, nhưng chẳng dính líu gì đến họ "thật" của ông cả.
Nói về thiền, chữ này là phiên âm Hán-Việt của dhyāna (Sanskrit, Bắc Phạn) hoặc jhāna (Pāli, Nam Phạn). "Thiền" là sự luyện tâm trong Phật giáo, bao gồm nhiều phương pháp. Thực ra, dhyāna hoặc jhāna đề cập đến một trong nhiều khía cạnh của nỗ lực luyện tâm, mà chữ Phạn gốc lại hoàn toàn khác.
Một nhận xét vui vẻ: "man dợ" hay "man rợ" nhỉ?
ReplyDeleteĐã nói sao y bản chính như công chứng nhà nước rồi mà các bác :)
ReplyDelete-chả hiểu NL có đồng tình với bác MĐ không nhỉ?
ReplyDelete-chủ trương của bác NĐQ hơi bị khôi hài, thành ra để bản dịch được sát ý nguyên bản cần ...phóng tác cái tên!
-tôi thích cách này "1) truy nguyên đến tận xuất xứ để phiên âm cho thật đúng không lệ thuộc một lối phiên âm nào khác 2) tránh sự đi quá xa âm chính bằng cách quá lạm dụng âm hưởng"... tôi nghĩ cách này sẽ thêm một tác dụng: gợi âm hưởng địa phương cho bản dịch
Kinh Thánh tiếng Anh, bản self-pronunciation nó cũng phiên âm mấy cái tên cổ Do Thái đấy. Không hiểu nó có quy tắc phiên âm không.
ReplyDeleteChị So: muốn đồng tình với bác ý cũng khó, vì thật ra giải pháp của bác ý không khả thi được. Ví dụ như bác ano ở trên có nói đấy.
ReplyDeleteCác khó khăn ấy cho thấy dịch giả cũng cần làm nghiên cứu cho dịch phẩm. Mới đọc Tính khả tri của văn hóa, nhân đây giới thiệu đến NL và các bác. Nếu được, nên đọc bản gốc của François Jullien: De l'universel, de l'uniforme, du commun et du dialogue entre les cultures (Fayard, 2008).
ReplyDelete"Nếu được nên đọc"... hahaha rất cám ơn lời khuyên của bác. Tôi cũng có quyển đó và cũng thấy là nên... như vậy.
ReplyDeleteNhiều lúc tôi rất muốn quay trở lại vấn đề dịch Jullien ở Việt Nam, vô vàn và vô vàn, nhưng thực sự tôi không khoái ông ấy nên cũng chẳng hào hứng mấy.
NL "nhạy" ghê nhỉ. :) Gần đây, tôi dành thời gian đọc một số bản dịch ở Việt Nam về nhiều thể loại để xem "thế nào", nhưng hơi nản.
ReplyDeleteTốt dở lẫn lộn, như mọi thứ và như mọi thời ở Việt Nam thôi.
ReplyDelete