Mar 22, 2010

Sách (VIII) Sống giữa sách

Sống giữa sách, trước tiên, cũng có hai loại. Sống giữa những cuốn sách là kiểu của Don Kihote nhà quý tộc tài ba xứ Mantra, còn sống giữa những quyển sách là kiểu của Mendel người bán sách cũ của Stefan Zweig. Như bạn cũng đã nhận ra, sống giữa những cuốn sách là sống trong bầu không khí, trong không gian vô hình, tưởng rằng những câu chuyện trong sách là có thật. Còn sống giữa những quyển sách, là sống trong không gian vây quanh là nhiều quyển sách thực, có thể sờ mó, động chạm được.

Sau nữa, sống giữa sách kiểu một thường thường liên quan tới một chứng bệnh vĩ đại của con người, đặc biệt phổ biến ở con người và ngày càng được coi trọng: bệnh điên. Những con thú vật mà bị điên thì chỉ có một giải pháp: hạ sát, như hành động mang tính anh hùng của luật sư Atticus trước con chó điên trong “Giết con chim nhại”, được đạo diễn Robert Mulligan cho diễn lại y chang trong bộ phim cùng tên. Bệnh điên ở con người trước đây cũng bị ghê sợ và khinh rẻ lắm, nhưng Freud, rồi Foucault mở mắt cho chúng ta thấy rằng cứ nhảy cẫng lên mà khinh thường người điên là sai lầm lắm, bởi điên rồ chẳng qua cũng chỉ là một biểu hiện mà người bình thường không hiểu nổi mà thôi. Nói một cách vắn tắt, bởi vì không điên nên ta tưởng người khác là điên, và ngược lại, rất có thể vì điên nên ta cứ tưởng người không điên bị điên. Điên và bình thường thật khó biết đâu là ranh giới.

Van Gogh lên cơn điên thì được coi là đẹp, Don Kihote bây giờ trở thành một mẫu hình tuyệt đối lung linh, không nhà phê bình nào ngày nay dám nói chàng hiệp sĩ mặt buồn điên vớ điên vẩn, điên lẩn thẩn nữa. Bởi vì nguồn gốc cơn điên của Don Kihote cao quý lắm: chàng điên vì đọc quá nhiều sách, vì chàng thực tâm và hào hùng cả gan sống trong những gì tưởng tượng ra, không mặc cảm, không dồn nén, không ẩn ức. Người như thế mới là hùng mạnh.

Hoặc là giáo sư Peter Kien của cuốn tiểu thuyết kỳ thú nữa về thế giới sách vở mang tên “Die Blendung” của văn hào Đức gốc Bun, Elias Canetti: là một chuyên gia về Trung Quốc, Kien sống giữa đám sách, lấy bà giúp việc làm vợ cũng chỉ vì muốn có người nhiệt tình phủi bụi cho đống sách của ông. Kien thuộc loại sống giữa sách loại một pha với loại hai.

Lại có những người thuần túy sống giữa sách theo kiểu số hai: mấy tay chơi sách. Đợt trưng bày vừa rồi tại Hà Nội mang tên “Nét xuân trên những trang sách xưa” (trung tâm Văn hóa và Ngôn ngữ Đông Tây) làm người ta ngã ngửa ra vì khám phá dân chơi sách cũ ngày nay lắm người đến là trẻ, và phát hiện té ra đến nhiều người thích sách cũ, có khi còn hơn sách mới. Từ điển Taberd, Bonnet, Huỳnh Tịnh Của thuộc quyền sở hữu của những người chưa tới tuổi ba mươi, sách in của nhà xuất bản Mai Lĩnh, nhà xuất bản Tân Việt, nhà xuất bản Sông Nhị, vân vân và vân vân do mấy bạn trẻ rút từ túi đựng máy tính xách tay ra trao đổi cho nhau, rồi thì người đến xem tha hồ ngắm thủ bút của Nguyễn Tuân, Trần Trọng Kim, Lê Văn Hòe bày đơn giản trong mấy tủ kính mỏng manh. Cũng như đọc thơ ngày nay khỏi cần kèm với “mùi hương trầm thơm lắm”, ngồi vào mâm khỏi phải mời vòng quanh, sách vở cũng dần dà đâm ra giống như mớ rau, quả trứng.

Công việc của người sống giữa những quyển sách có thật, đầy đủ thành phần về mặt vật chất nằm ở tìm kiếm và lọc lựa. Tìm kiếm để có những bản sách cũ, nhưng sau đó phải lọc dần theo thời gian để tìm đến được bản đẹp nhất, rồi không những đẹp mà còn cần phải là bản đặc biệt, in giấy khác, có đánh số, nếu có thêm cả chữ ký của tác giả, rồi lời đề tặng do chính tác giả viết tặng cho một tác giả khác cũng nổi danh không kém… thì mới là hàng cực phẩm.

Mà muốn làm được như vậy, ngây thơ như Don Kihote là không có được, mà phải khôn ngoan, phải quan hệ rộng, bặt thiệp, biết nở nụ cười trìu mến, biết thả mồi thả thính đúng lúc đúng chỗ. Những người sống giữa sách kiểu như thế này, ta không thể gọi họ là “Đông Ki-sốt”, mà phải gọi họ bằng đúng tên: nhà sưu tầm.

Nhị Linh

28 comments:

  1. Công nhận là thỉnh thoảng Nhị Linh viết rất hay.

    ReplyDelete
  2. Vầng, thỉnh thỏang viết rất hay.
    Còn phần nhiều là viết hay và viết được.
    LVS

    ReplyDelete
  3. Đồng cảm với Đôn Ki Hô tê và chữ "thả mồi thả thính". Hòa thượng nói quá lời, mình thì thấy thỉnh thoảng mới hiểu Nhị Linh muốn nói cái gì.

    ReplyDelete
  4. Bác ĐHP: tôi có thể suy ra từ câu nói của bác là tất tật những gì bác THT nói bác cũng hiểu không ạ :d

    ReplyDelete
  5. quá chính xác!cái này gọi là buôn đồ cổ ít vốn!

    ReplyDelete
  6. Ơ cuốn và quyển khác nhau à, mình tưởng cuốn là quyển "dịch" ra tiếng Nam chứ!
    Theo mình thì Don Kihote sống trong những cuốn sách còn bác Mendel sống giữa những quyển sách ;) Cả hai bác này đều có kết cục thật là bi hài nhất là Mendel (bác này có thực chứ chả phải bịa ra như bác kia), cuốn sách cuối cùng của con người khổ hạnh này là một cuốn về ... he he.

    ReplyDelete
  7. Đeo cả hai cặp kính lên đọc bảy lần mới nhận ra là tác giả phân biệt cuốn và quyển. Bác THT quá lời em thấy NL thỉnh thoảng cũng viết dở đấy chứ:)

    ReplyDelete
  8. Em cũng tưởng giống chị So. Đang tính giở từ điển Tiếng Việt ra tra nghĩa "Cuốn" và "Quyển".

    Anh ơi, có thể post các bài nói chuyện ở Hội thảo lên không hè? :)

    ReplyDelete
  9. Don Kihote vs nhà sưu tầm theo lý thuyết của Nhị Linh làm nhớ tới Don Juan (cùng là Don nhỉ?) vs nhà sưu tầm theo lý thuyết của Kundera, tuy/nhưng không phải về sách (không biết nên dùng từ gì trong trường hợp 2 thay cho những cuốn sách vs những quyển sách)

    ReplyDelete
  10. Bây giờ mới phát hiện bạn Nhị Linh giỏi dùng điển. Mà điển này có tên là "Thái Công điếu Vị Thủy"....:)) :)) :))

    ReplyDelete
  11. Sách. / Cuốn sách. Quyển sách. Như NL trình bày độc đáo ở đoạn mở đầu. / Tựa sách. Nhà xuất bản và nhà sách nói về một quyển sách. / Mặt sách. Nhà sách bày các quyển sách để khách hàng xem và mua. / Cuống sách. Nhà sách bán không hết sau một thời gian thỏa thuận với nhà xuất bản, xé những cái bìa trả về. Theo luật quốc tế (dĩ nhiên dân mọi chỉ biết luật rừng), sách mất bìa, hay mất dustjacket, không được bán và mua.

    Còn... đá chồng sách, và... đốt sách.

    Thế những tay chỉ chuyên download free ebooks thì họ sống giữa những cái gì nhẩy?
    [NSC]

    ReplyDelete
  12. Đối với tay chuyên... ngửi sách thì một phụ nữ đang "nhiệt tình phủi bụi" cho các bộ sách (chỗ này NL viết "đống sách" thì hơi... thô đấy nhé) thì nàng cực kỳ hấp dẫn. Nằm bên cạnh nàng thì quả là đang sống trong các cuốn sách (lên mây mà lị) và cũng đang mân mê, sờ mó các quyển sách. :) [NSC]

    ReplyDelete
  13. Dọc theo bờ sông Seine sách cũ "giả" nhiều lắm. Bên Mỹ, sách cũ có thị thường đại quy mô, có luật chơi và hội họp đàng hoàng. Có sách dùng rồi (used books), sách không còn tái bản (out-of-print books) có thể còn mới nguyên, và sách quý hoặc hiếm, có xếp hạng rõ ràng, in bản đầu, lần đầu (first edition, first printing) hay những bản in tiếp theo, vào năm nào, ấn bản nguyên hay ấn bản có sửa chữa, và nhiều chi tiết hấp dẫn khác. Một bản sạch sẽ (in mint condition), in lần đầu, như Adventures of Huckleberry Finn của Mark Twain chẳng hạn, có thể lên đến mấy chục ngàn Mỹ kim. Ngoài ra, còn các hệ thống kết nối các "nhà" bán sách cũ, như Abebooks và Alibris, rất thành công, con đẻ của kỹ thuật Internet. [NSC]

    ReplyDelete
  14. Đọc cái này nhớ tới hiệu sách nổi tiếng tên Shakespear and Company bên bờ sông Seine và câu chuyện của người chủ tiệm sách viết bằng phấn trắng trên hai cánh cửa sổ, về việc những người hàng xóm coi ông như một Đôn Kihôtê, chẳng biết gì, chỉ biết sống trong một thế giới tưởng tượng. Nhưng mà ngoài việc sưu tầm sách, trữ sách, bán sách (cho những ai cần), giới thiệu sách (cho những ai muốn, ko bán),… thì cái thú vị là cửa tiệm còn có nơi cho nhà văn lỡ độ đường trọ lại mà không phải trả tiền, chỉ phải cam kết, không được làm hỏng sách, phá sách :P
    Mà chính ra văn chương, phim ảnh cũng khai thác đề tài về người bán sách nhiều phết nhỉ? :P

    ReplyDelete
  15. Đọc cái này nhớ tới hiệu sách nổi tiếng tên Shakespear and Company bên bờ sông Seine và câu chuyện của người chủ tiệm sách viết bằng phấn trắng trên hai cánh cửa sổ, về việc những người hàng xóm coi ông như một Đôn Kihôtê, chẳng biết gì, chỉ biết sống trong một thế giới tưởng tượng. Nhưng mà ngoài việc sưu tầm sách, trữ sách, bán sách (cho những ai cần), giới thiệu sách (cho những ai muốn, ko bán),… thì cái thú vị là cửa tiệm còn có nơi cho nhà văn lỡ độ đường trọ lại mà không phải trả tiền, chỉ phải cam kết, không được làm hỏng sách, phá sách :P
    Mà chính ra văn chương, phim ảnh cũng khai thác đề tài về người bán sách nhiều phết nhỉ? :P

    ReplyDelete
  16. Cách phân biệt cuốn sách/quyển sách là của riêng tôi thôi, chưa thấy ai có cách nghĩ tương tự cả. Lần này coi như là mang trưng bày và phổ biến :)

    Nhân tiện khai trương quyển từ điển "chánh tả tự vị" của Lê Ngọc Trụ (hehe thấy tôi khoe khéo không): trong đó giải thích "cuốn < quyển", theo phàm lệ thì cách viết như vậy ý nói "cuốn" là từ nôm có được từ "quyển" trong Hán.

    ReplyDelete
  17. BA: hôm đó anh nói vo nên không có bài, để anh xin phép anh Yên Ba và anh Nguyễn Tiến Văn cho post bài lên đây mọi người đọc nhé, hai bài đều rất chi tiết, thấu đáo.

    ReplyDelete
  18. 1. Người miền Bắc dùng "nói vo" nghĩa là gì? Là nói theo hứng, nghĩ đến đâu nói đến đó chứ không nói theo một dàn ý hoặc khung soạn trước à? Em hỏi vì đây là lần đầu tiên em nghe "nói vo"

    2. Ừa, anh post lên mọi người đọc với. Em đọc chủ đề đó cũng thấy thắc mắc. Nghĩa là có một giai đoạn nào đó người ta đã không xem Trinh thám là văn học? Vậy như thế nào mới là văn học?

    3. Còn những hội thảo khác thì sao anh? Ví dụ như "Con người cá nhân đối diện với thế giới", nếu có bài thì post lên cho mọi người đọc luôn hí?

    Hì hì, dài dòng quá. Cảm ơn Nhị Linh trước.

    ReplyDelete
  19. Chỉ có dead Don may ra mới lung linh. Too late! ;))

    ReplyDelete
  20. KV: thì lăn ra chết là xong :d

    BA: nói vo là không đọc bản viết sẵn ấy. Có người vẫn viết bài nhưng khi nói không nhìn, thì cũng là một dạng nói vo, còn anh thì một số trường hợp chỉ chuẩn bị sẵn trong đầu thôi, thì là nói vo ở mức độ vo tròn :p

    Hôm "Con người cá nhân đối diện với thế giới" thì là nói vo có nhìn mấy gạch đầu dòng để trước mặt hic.

    ReplyDelete
  21. Nói vo thì là giống như hát mộc ấy, nó mộc mạc và nó acapella ấy hihi.

    ReplyDelete
  22. À nhân tiện có bác nói về Shakespeare and Company, gửi các bác link đọc bài về Sylvia Beach chủ "Shakespeare and Company" zin bản:

    http://entertainment.timesonline.co.uk/tol/arts_and_entertainment/the_tls/article7065310.ece

    Nó phải nằm ở rue de l'Odéon (trước đó ở Dupuytren) chứ không phải mấy cái gần Notre-Dame-de-Paris như bây giờ.

    ReplyDelete
  23. Ơ thế M.S.Fogg đâu rồi?? :D Hay vì tác giả chưa lăn quay nên chưa được lung linh :>

    ReplyDelete
  24. Nhị Linh: Tự do sáng tác là một chià khoá để mở toang cánh cưả văn chương đang niêm khóa. Khi có nó rồi, cái hệ quả cuả nó sẽ dẫn đến việc phục hồi các sáng ta´c cuả văn chương Miền Nam lẫn hải ngoại. Hằng ngày bao nhiêu người trong và ngoài nước đọc lẫn nhau mà vẫn cứ bế quan toả cảng để làm gì? Không có “thế lực thù địch” nào cả, chỉ là những tiếng nói không giống nhau. Ở bên Mỹ này, trong nhiều lĩnh vực đâu chỉ văn chương, sách viết chỉ trích phê phán chính phủ, ngay trong cùng một đảng cũng phê phán nhau, đâu có thành vấn đề? Vì vậy, tự do sáng tác là một nhu cầu, phải không NL?

    Kệ sách cá nhân chỉ là mảnh vườn riêng, tiệm sách là công viên, nhưng thư viện mới là rừng (mong rằng nó nguyên sinh :-). Nơi đó người ta không thể vì cuốn/quyển choảng nhau mà đem xé/đốt một trong hai. Phải tìm cách sắp đặt làm sao cho chúng ở cạnh hoặc đối diện để chúng có thể hàn huyên hoặc bình... loạn. Vậy thì việc sưu tầm, ngửi sách [“Gió ở nơi nào, gượng mở xem” - Nguyễn Trãi] và phủi bụi là những công việc hữu ích và thú vị. Bác NSC làm cho bạn đọc có cảm giác bác là cán bộ hủ hoá. Đi Âu-Mỹ, nhưng bác có hộ khẩu VN phải không nào? Nhưng phục bác kiến thức và kinh nghiệm đầy... túi :-)

    Đổi tên để tránh đụng chạm tất cả loại gió trên thế giới.

    ReplyDelete
  25. Cách phân biệt Cuốn/Quyển của anh NL có lẽ là một thứ giải pháp cảm tính như người làm thơ:). Nghe "quyển" thì có vẻ sờ được thấy được hơn là "cuốn" hehe.
    Còn một loại sống giữa sách phổ biến là chất sách xung quanh, đọc không xong một cuốn. Em thuộc loại này. Thấy giá sách cứ chất ngất lên nhưng trong đầu chả có gì:(
    N.T

    ReplyDelete
  26. uốn sách/quyển sách là một lối "chơi chữ" sáng tạo (chứ không phải... láu cá vặt, cũng như "nói lái" vậy, có nhiều hạng), làm bật ra sự khác biệt, nhưng không tách biệt, giữa [những] thế giới trừu tượng của tác phẩm và cái hình thể vật chất cưu mang [những] thế giới ấy. Tuy nhiên, hình thể "quyển sách" có giá trị, cuộc đời, sự luân hồi, và nhiều đối tượng yêu thương của chính nó. Dù đọc hay không đọc, "chơi sách" là môt việc có ý nghĩa riêng của nó. Tôi thích bài này. [NSC]

    ReplyDelete
  27. Thêm tí... "Cuốn sách" của NL tương đương với "texte" trong tiếng Pháp, và "quyển sách" tương đương với "livre". Người ta đề cập đến: les livres anciens, les livres rares, les livres d'occasion... Trong khi đó, lại viết: les textes classiques, l'auteur de ces textes, l'exceptionnelle réceptivité des intellectuels français aux textes de Nietzsche... [NSC]

    ReplyDelete