Mar 23, 2010

Từ Kỳ Phát đến Nguyễn Thành Luân qua Yên Ba :)

Nhan đề gốc bài này của anh Yên Ba rất chi dài: "Văn học trinh thám Việt Nam: Từ thám tử Kỳ Phát đến điệp viên Nguyễn Thành Luân"

--------------

Trinh thám Kỳ Phát!

Sách trinh thám ở Việt Nam không có một lịch sử lâu dài. Lý do là vì chữ quốc ngữ mãi đến những năm đầu tiên của thế kỷ 20 mới dần được truyền bá và hoàn thiện, theo đó văn học chữ quốc ngữ cũng mới được hình thành.

Nếu tạm coi việc ra đời tiểu thuyết Tố Tâm của Hoàng Ngọc Phách do nhà Nam Kỳ (Hà Nội) xuất bản năm 1925 như là cuốn tiểu thuyết đầu tiên theo đúng nghĩa của nó trong nền văn học chữ quốc ngữ Việt Nam thì văn học trinh thám phải đợi hơn một chục năm sau mới có cuốn tiểu thuyết đầu tiên. Mặc dù tác phẩm Mảnh trăng thu của Bửu Đình, được xuất bản năm 1930, đã mang những yếu tố trinh thám vụ án (có giết người, truy tìm thủ phạm), thế nhưng ngay những người làm sách ấy cũng chỉ đề là “ái tình tiểu thuyết”, kể về truyện tình ái của một lớp thanh niên thời bấy giờ lồng trong khung cảnh của một vụ án...

Có thể coi cuốn tiểu thuyết đầu tiên của văn học trinh thám Việt Nam chính là Vết tay trên trần, dày hơn 100 trang, xuất bản năm 1936, tác giả là Phạm Cao Củng. Đây có lẽ cũng là tác gia trinh thám đầu tiên của Việt Nam, bởi ngoài Vết tay trên trần, Phạm Cao Củng còn viết khoảng 20 tiểu thuyết và truyện ngắn mang màu sắc trinh thám, như Gia tài nhà họ Đặng (1937), Chiếc tất nhuộm bùn (1938), Người một mắt (1940), Kỳ Phát giết người (1941), Nhà sư thọt (1941), Đám cưới Kỳ Phát (1942), Bóng người áo tím (1942), Một cái Tết rùng rợn của Kỳ Phát (1945)... Ngoài ra còn có những tác phẩm pha trộn giữa màu sắc mạo hiểm với trinh thám như Máu đỏ lòng son (1937), Hàm răng mài nhọn (1942), Chiếc gối đẫm máu (1942), Bàn tay sáu ngón (1950), Người chó sói (1950)...

Mặc dù những tác phẩm văn học trinh thám của Phạm Cao Củng, theo nhận xét của nhà nghiên cứu Vũ Ngọc Phan, “không phải là những tiểu thuyết tuyệt tác”, thế nhưng không thể phủ nhận một điều rằng chúng chính là những tác phẩm mở đường cho văn học trinh thám Việt Nam.

Có hai lý do để khẳng định điều này.

Thứ nhất vì Phạm Cao Củng viết không chỉ một hai cuốn đơn lẻ mà ông sáng tác một cách có hệ thống các tác phẩm mang màu sắc trinh thám.

Thứ hai vì ông đã sáng tạo ra một nhân vật, thám tử Kỳ Phát, mang hình mẫu những nhân vật thám tử điển hình như trong văn học trinh thám phương Tây.

Cũng giống các nhân vật trinh thám kinh điển như thám tử Sherlock Holmes của Conan Doyle, Hercule Poirot của Agatha Christie, Maigret của Georges Simenon, Perry Mason của Erle Stanley Gardner, Phạm Cao Củng xây dựng nhân vật Kỳ Phát xuyên suốt qua nhiều tập sách, hành động nhờ “lấy trí suy đoán rất sắc sảo và rất nhanh mà cắt nghĩa những điều thoạt nghe tưởng là lạ lùng lắm” (Chiếc tất nhuộm bùn, Mai Lĩnh xb, 1940). Trong truyện Nhà sư thọt, Phạm Cao Củng thậm chí còn dành hẳn một chương Một bài học về luận lý cho không, trong đó Kỳ Phát giảng giải cho người bạn nhà văn của mình về “cái linh diệu của phương pháp luận đoán”.

Chắc chắn rằng cùng với sự xâm nhập của văn hóa phương Tây vào Việt Nam, trong đó hẳn phải có những cuốn sách trinh thám của các nhà văn phương Tây bậc thầy như Edgar Poe, Conan Doyle, Maurice Leblanc, Georges Simenon..., Phạm Cao Củng đã chịu nhiều ảnh hưởng từ lối tạo dựng nhân vật cũng như hình thành các cốt truyện ly kì, bí hiểm. Thế nhưng điều khiến ông trở thành nhà văn trinh thám mở đường cho dòng văn học vốn thường bị xem nhẹ ở Việt Nam này (nên nhớ trong bộ Nhà văn hiện đại đồ sộ của Vũ Ngọc Phan, tác giả họ Vũ, trong cuốn 4 quyển hạ chỉ dành cho Tiểu thuyết trinh thám ở phần cuối cùng và cũng có một tác giả duy nhất được ông xếp hạng nhà văn trinh thám là Phạm Cao Củng, còn Thế Lữ nằm trong phần các thi gia; Bùi Huy Phồn, người được coi là cũng có một số tác phẩm mang hơi hướng trinh thám như Lá huyết thư (1931), Gan dạ đàn bà, Tờ di chúc, Mối thù truyền nghiệp, Hai giờ đêm nay, đều do Hàn Thuyên, Hà Nội, xuất bản trong khoảng 1941-1942, lại được Vũ Ngọc Phan xếp vào mục các nhà viết tiểu thuyết hoạt kê), chính là việc Phạm Cao Củng đã tạo ra một hình ảnh thám tử Kỳ Phát “rất Việt Nam”, với lối suy nghĩ cũng như không gian, bối cảnh đậm chất Việt.

Rất có thể là trong buổi đầu của văn học trinh thám, Phạm Cao Củng phải mượn nhiều kỹ thuật xây dựng truyện trinh thám của các tác giả trinh thám cổ điển như Edgar Poe hay Conan Doyle (từ việc dẫn dắt câu chuyện, thỉnh thoảng lại chêm vào những đoạn nghị luận về hoạt động trinh thám trước khi đi vào cốt truyện chính, rồi những nhân vật giúp việc v.v...), nhưng nhân vật thám tử Kỳ Phát của ông rõ ràng là một anh chàng thám tử An Nam, với nhãn hiệu “Trinh thám Kỳ Phát” mà các nhà xuất bản thường in thêm trong các cuốn sách trinh thám về nhân vật này.

Ngày nay, độc giả truyện trinh thám Việt Nam đã trưởng thành hơn nhiều và có thể không còn cảm thấy thích hợp với những cuốn sách trinh thám về chàng thám tử Kỳ Phát của Phạm Cao Củng nữa bởi tiết tấu quá chậm, cốt truyện đơn giản, sơ lược, thế nhưng nhân vật thám tử Kỳ Phát vẫn xứng đáng là một trong những hình tượng tiêu biểu cho giai đoạn sơ khai của văn học trinh thám Việt Nam.

Điệp báo viên Nguyễn Thành Luân

Sau năm 1945, do hoàn cảnh lịch sử, đất nước bước vào cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp rồi sau đó là cuộc chiến tranh chống Mỹ, thống nhất Tổ quốc. Hoàn cảnh chiến tranh khốc liệt đã phá hủy một trong những nền tảng cơ bản để văn học trinh thám có thể tồn tại và phát triển, đó là một tầng lớp người đọc thị dân, chủ yếu tập trung ở các đô thị, những người có nhu cầu lớn đối với văn học giải trí.

Sau 1954, ở một số đô thị lớn miền Nam vẫn còn tầng lớp người đọc này nên văn học trinh thám có điều kiện tồn tại, mặc dù không đóng vai trò chủ lưu và có được ảnh hưởng lớn về mặt xã hội.

Ở miền Bắc, văn học trinh thám rẽ sang một nhánh khác, được gọi là các tác phẩm (tiểu thuyết) tình báo-phản gián. Ngoài các tác phẩm dịch của Liên Xô, Trung Quốc và một số nước XHCN, các tác giả trong nước cũng sáng tác một số tiểu thuyết tình báo-phản gián, tuy nhiên không gây được tiếng vang lớn và cũng không tạo dựng được các nhân vật điển hình, đủ sức lưu lại được trong tâm trí người đọc. Giai đoạn này, người đọc tiểu thuyết trinh thám ở miền Bắc chủ yếu nhớ đến những nhân vật nước ngoài như Nam tước Phôn Gôn rinh trong cuốn truyện cùng tên, một cuốn tiểu thuyết tình báo của tác giả Iuri Mikhailic (Liên Xô).

Chỉ đến sau năm 1975, khi đất nước đã được thống nhất, văn học trinh thám, lúc này vẫn còn mang đậm hơi hướng chiến tranh dưới tên gọi tiểu thuyết tình báo-phản gián, mới lại có cơ hội nảy mầm, phát triển. Những bí mật của hai cuộc chiến vừa mới kết thúc được hé mở, nhu cầu nhận thức lại các cuộc chiến tranh, cùng với nhu cầu được đọc sách giải trí của một bộ phận độc giả đã khiến cho tiểu thuyết tình báo-phản gián có điều kiện để phát triển mạnh. Cuốn tiểu thuyết đầu tiên có dấu ấn đáng kể trong thể loại này là X30 phá lưới của Đặng Thanh, với nhân vật tình báo viên Phan Thúc Định, in dài kỳ trên báo Sài Gòn giải phóng rồi sau đó được xuất bản dưới dạng sách vào năm 1976.

Nhưng phải nói rằng chỉ đến khi bộ tiểu thuyết Ván bài lật ngửa, của tác giả Nguyễn Trường Thiên Lý (bút danh của nhà văn Trần Bạch Đằng) ra đời, thì tiểu thuyết tình báo-phản gián Việt Nam mới lại có được một vóc dáng tương xứng như nó cần phải có, đáp ứng được nhu cầu của độc giả sách tình báo-phản gián (trinh thám) Việt Nam.

Không kết cấu theo kiểu series nhiều truyện với một nhân vật xuyên suốt như các tác phẩm trinh thám phương Tây hay của Phạm Cao Củng, Thế Lữ thời kỳ những năm 30-40 của thế kỷ trước, Ván bài lật ngửa là bộ tiểu thuyết đồ sộ 6 tập, tập đầu tiên xuất bản năm 1976, với nhân vật trung tâm là Robert Nguyễn Thành Luân, một điệp báo viên cộng sản được cài cắm vào hàng ngũ chóp bu chính quyền Việt Nam Cộng hòa. Đây là nhân vật được xây dựng theo nguyên mẫu là đại tá, Anh hùng lực lượng vũ trang Phạm Ngọc Thảo, một tình báo viên thuộc Tổng cục Hai quân đội nhân dân Việt Nam.

Mặc dù được xây dựng theo nguyên mẫu người thật việc thật, thế nhưng với tài năng của tác giả, cộng với lợi thế có được những hiểu biết và tư liệu quý giá (bản thân tác giả cũng là một cán bộ cấp cao có nhiều năm hoạt động và tham gia nhiều sự kiện trong thời kỳ chiến tranh), Ván bài lật ngửa đã dựng lên được một bức tranh hấp dẫn về cuộc chiến trên mặt trận ngầm, có và không có tiếng súng.

Nói một cách khác, với một lượng tư liệu ngồn ngộn, tác giả đã tiểu thuyết hóa khá thành công các hoạt động điệp báo trải dài trên một không gian rộng lớn, trong thời gian dài từ 1954 đến 1965, trong đó đặc biệt là sự can dự của người Mỹ vào cuộc chiến Việt Nam.

Cuộc đấu trí đấu lực đó được thể hiện sinh động, không giới hạn chỉ ở các âm mưu thủ đoạn mang tính hậu trường chính trị mà còn pha trộn với những tình tiết đậm chất hành động và tất nhiên, cũng không thiếu sự xuất hiện của các người đẹp ở cả hai bên chiến tuyến, một yếu tố không thể thiếu trong các tiểu thuyết trinh thám cổ điển.

Cũng không phủ nhận một điều là việc Ván bài lật ngửa được dựng thành phim truyện 9 tập (dưới tài đạo diễn Lê Hoàng Hoa và diễn viên Chánh Tín) vào năm 1982 đã khiến cho bộ tiểu thuyết này nhận được sự hâm mộ của đông đảo bạn đọc ham mê tiểu thuyết tình báo-phản gián. Tuy nhiên, cái làm nên thành công căn bản của bộ tiểu thuyết này chính là việc nó đã dựng thành công một nhân vật văn học-tiểu thuyết điển hình: điệp viên Nguyễn Thành Luân.

Trong lịch sử sách trinh thám thế giới, việc dựng thành công các nhân vật thám tử hay điệp viên có danh tính riêng không hề là chuyện dễ dàng. Cũng không phải cứ có một series truyện về cùng một nhân vật là nhân vật đó sẽ nghiễm nhiên đi vào lịch sử văn học trinh thám. Việc thám tử Sherlock Holmes của Conan Doyle được dựng tượng, hay câu chuyện truyền thuyết về nhân vật nhà tình báo Isaev Shtirlitz trong phẩm Mười bảy khoảnh khắc của mùa xuân của Semionov được xây dựng chân thực đến nỗi nhà lãnh đạo Liên Xô thời bấy giờ là Leonid Brezhnev, sau khi đọc xong tác phẩm, đã yêu cầu các cơ quan chức năng của Liên Xô làm thủ tục để phong danh hiệu anh hùng cho Isaev Shtirlitz, cho thấy tài năng của các tác giả viết tiểu thuyết trinh thám là yếu tố quyết định để các nhân vật thám tử hay điệp viên có một đời sống lâu dài.

Nhân vật Nguyễn Thành Luân của Nguyễn Trường Thiên Lý tuy chưa đạt tới một tầm mức quốc tế, nhưng trong lịch sử phát triển của sách trinh thám Việt Nam mà tiểu thuyết tình báo-phản gián là một nhánh không thể tách rời, nhân vật này và bộ tiểu thuyết Ván bài lật ngửa ghi nhận dấu ấn thành công đáng kể. Nhiều bộ sách tình báo-phản gián nhiều tập như Hoa hồng trắng, Miền đất lạ, Viên đạn ngược chiều, Một mình nơi đất khách của Nguyễn Sơn Tùng, hay bộ tiểu thuyết 5 tập Sao đen của Triệu Huấn, mặc dù cũng có dung lượng khá lớn, nhưng đã không để lại được dấu ấn đậm nét như Ván bài lật ngửa...

Ai là người hùng cá nhân?

Ở đây, có một câu hỏi được đặt ra: vì sao trong lịch sử phát triển của sách trinh thám Việt Nam, lại ít có những nhân vật, những bộ tiểu thuyết trinh thám có thể chống lại được sự hủy hoại của thời gian?

Từ thám tử Kỳ Phát của Phạm Cao Củng cho đến điệp viên Nguyễn Thành Luân của Nguyễn Trường Thiên Lý, mặc dù có những đặc tính rất khác biệt, thế nhưng vẫn có những điểm chung để có thể trả lời được phần nào câu hỏi này.

Sau thời gian đầu của tiểu thuyết trinh thám với các tác giả như Phạm Cao Củng, Thế Lữ (người đã xây dựng nhân vật chủ chốt Lê Phong phóng viên), tiểu thuyết trinh thám Việt Nam, do hoàn cảnh lịch sử của đất nước, hầu như bị đứt quãng.

Ở miền Nam Việt Nam, sách trinh thám phục vụ nhu cầu một bộ phận người đọc thị dân ở các đô thị lớn hầu như không có tác phẩm nào đáng chú ý, trừ một số truyện dịch hay phóng tác từ tác phẩm của Ian Fleming hay John Le Carré. Nỗ lực đáng kể mang tính hệ thống là việc xây dựng bộ truyện về điệp viên Z28 Tống Văn Bình, của tác giả Người Thứ Tám (bút danh của tác giả Bùi Anh Tuấn), trên dưới 50 cuốn. Tuy nhiên, việc xây dựng nhân vật của tác giả bộ sách khá hời hợt, là một dạng mô phỏng sơ lược điệp viên 007 James Bond của Ian Fleming, giỏi võ, bắn súng hai tay, vừa hoạt động điệp báo vừa tán gái nhanh như chớp, nốc rượu như hũ chìm mà vẫn bách chiến bách thắng! Đến ngay nhân vật 007 James Bond của Ian Fleming sau một thời gian ngắn tung hoành cũng chủ yếu sống nhờ trên... màn ảnh thì nhân vật điệp viên Z28 nhanh chóng bị quên lãng là điều có thể hiểu được.

Ở miền Bắc, sau 1954, văn học trinh thám ngoặt sang nhánh tình báo-phản gián. Do nhu cầu của cuộc chiến, các hoạt động điệp báo đều được xây dựng dựa trên nguyên tắc chiến công là chiến công tập thể, cá nhân chỉ có một vai trò nhất định trong các điệp vụ! Ngay cả các hoạt động phản gián, rồi sau này là hoạt động điều tra tội phạm cũng đều phải dựa trên nguyên tắc đó là nhờ sự chỉ đạo của tập thể. Nhân vật mang tính cá thể bị làm mờ đi, không mang sắc thái cá nhân rõ nét. Hầu hết các nhân vật trong truyện tình báo-phản gián thời kỳ chiến tranh và cả giai đoạn hậu chiến, rồi các tiểu thuyết trinh thám điều tra tội phạm sau này, đều không có nhân vật mang dấu ấn cá nhân đậm nét, đủ khả năng lưu lại vết trong trí nhớ người đọc.

Trong khi đó thì một trong những yếu tố căn bản giúp cho truyện trinh thám trở nên hấp dẫn là tính cá thể hóa của các nhân vật! Nó gần như tiệm cận với mẫu người hùng cá nhân, nhưng không nhất thiết phải là người hùng cá nhân! Đó là mẫu hình mà hầu hết người đọc sách trinh thám muốn có khi tìm đến với thể loại văn học này, bởi vì nó mở rộng biên độ của trí tưởng tượng, giúp người ta giải trí, ngạc nhiên, thán phục trước những kỳ tích mà một cá nhân có thể tạo ra, trong những hoàn cảnh khó khăn nghiệt ngã hay các vụ án lắt léo, bí ẩn.

Thám tử Kỳ Phát hay điệp viên Nguyễn Thành Luân, mặc dù không thể tách rời khỏi môi trường xã hội cũng như sự trợ giúp của vô số người (tất nhiên!), nhưng là những hình mẫu tiệm cận với mô hình người hùng cá nhân. Kỳ Phát thuyết phục người đọc bởi tài phân tích sắc sảo. Nguyễn Thành Luân quyến rũ bởi sự điềm đạm, đẹp trai, thông minh, chưa kể có tài bắn súng trúng lưỡi dao khiến xẻ đôi viên đạn! Cho dù phải tuân theo những nguyên tắc ước lệ của văn học trinh thám cổ điển (Kỳ Phát) hay văn học cách mạng (Nguyễn Thành Luân), nhưng đó là những hình mẫu khá thành công của văn học trinh thám (tình báo-phản gián) Việt Nam.

--------------

Bài tham luận của anh Yên Ba hôm ấy khi được trình bày đã nhận được một cú phản hồi (hay còn gọi là chất vấn) của nhà thơ Lý Đợi: Lý Đợi thắc mắc tại sao không thấy kể tên ba nhà văn miền Nam từng viết và in truyện trinh thám còn trước cả Phạm Cao Củng (ba cái tên tôi cũng không nghe rõ, bác Lý Đợi có đi qua đây thì nhắc hộ nhá). Từ đây mà có thể mở rộng ra về vấn đề văn học sử Việt Nam bất công đến mức tồi tệ với văn học miền Nam. Điều này hoàn toàn đúng, và cũng là một phần lý do khiến tôi nghĩ vấn đề lớn nhất của nghiên cứu và phê bình văn học Việt Nam hiện nay là văn học sử.

20 comments:

  1. - Bài của anh Yên Ba đọc thích quá.

    - Em hỏi chút: "Từ đây mà có thể mở rộng ra về vấn đề văn học sử Việt Nam bất công đến mức tồi tệ với văn học miền Nam." --> Tại sao lại có sự bất công đến mức tồi tệ như thế ạ?

    ReplyDelete
  2. Trước 1945 ở Nam Kỳ có khá nhiều người viết tiểu thuyết mang màu sắc trinh thám. Người ta cho rằng người viết truyện trinh thám đầu tiên ở Nam Kỳ chính là nhà văn Biến Ngũ Nhy với tác phẩm Kim thời dị sử (Ba Lâu ròng nghề đạo tặc) đăng trên Công luận báo từ 1917 đến 1919.
    Ngoài ra có Phú Đức viết trinh thám rất nổi tiếng, mới đây còn được in lại, đặc biệt là Châu về Hiệp Phố (1926) và Lửa lòng (1929) có nhân vật Hoàng Ngọc Ẩn hào hoa tài trí tuyệt luân rất quen thuộc với dân Nam Bộ, Căn nhà bí mật (1931), Tiếng súng đêm mưa (1932)….
    Nam Đình Nguyễn Thế Phương cũng viết khá nhiều truyện có màu sắc trinh thám, trong đó có Huyết lệ hoa ghi rõ là Trinh thám tiểu thuyết (đăng trên Đông Pháp thời báo 1928), Giọt lệ má hồng (Ly kỳ tiểu thuyết 1934)...
    Nhưng đúng là trong các tiểu thuyết này không có những thám tử điển hình như Kỳ Phát mà chỉ có những thám tử nghiệp dư.

    ReplyDelete
  3. Winston Churchill: "History is written by the victors." Câu cuối trong tác phẩm Roots của Alex Haley: "In the end, the victors write history." Huyền thoại cả đấy. Chưa làm đã dựng huyền thoại. Làm được chút gì lại càng dựng huyền thoại tợn.

    Bài kỳ này rất đặc biệt!
    [NSC]

    ReplyDelete
  4. BA: nguyên do không khó hiểu lắm đâu. Anh đang đọc "Cuốn sách và tôi" của Vương Hồng Sển, có một câu có thể lấy ra luôn được ở đây: "Bắc như Hoàng Diệu, thì là Trung, vỏn vẹn trong Nam, một tấn sĩ là Phan Thanh Giản, thì buộc về tội "bán nước", một nhà giáo là Trương Vĩnh Ký thì là tội "theo Tây".

    Các bác nên tìm đọc "Cuốn sách và tôi" di cảo của VHS vừa được NXB Trẻ in, hình như đây là lần đầu tiên chuyện đốt sách Sài Gòn được nói ra một cách không vòng vo trong một cuốn sách in chính thức trong hệ thống xuất bản chính thống.

    Tks, LĐ. Gần đây cũng có người đặt ra vấn đề liệu có ai biết được chính xác Trần Phong Sắc đã dịch bao nhiêu bộ sách, rồi các nhân vật như Lê Hoằng Mưu, Trần Quang Nghiệp, Nguyễn Chánh Sắt... đều đang bắt đầu được quan tâm đặc biệt; có thể nói rằng một phần lịch sử văn học VN đang được bổ khuyết với một tốc độ không đến nỗi thấp.

    ReplyDelete
  5. lâu rồi em mới lại gặp 'những nhân vật điển hình', cứ như là đang nghe bình giảng văn học thời phổ thông. :)

    ReplyDelete
  6. Lửa hận rừng xanh, Một thời ngang dọc của Hoàng Ly có thể xếp vào dòng văn học trinh thám được ko bác Nhị Linh ?

    ReplyDelete
  7. Nói về tiểu thuyết trinh thám, vừa "bắt gặp" Bầy chó Riga của Henning Mankell, do "một người quen quen" dịch, mới xuất bản. :) [NSC]

    ReplyDelete
  8. Nhị Linh: Tự do sáng tác là một chià khoá để mở toang cánh cưả văn chương đang niêm khóa. Khi có nó rồi, cái hệ quả cuả nó sẽ dẫn đến việc phục hồi các sáng ta´c cuả văn chương Miền Nam lẫn hải ngoại. Hằng ngày bao nhiêu người trong và ngoài nước đọc lẫn nhau mà vẫn cứ bế quan toả cảng để làm gì? Không có “thế lực thù địch” nào cả, chỉ là những tiếng nói không giống nhau. Ở bên Mỹ này, trong nhiều lĩnh vực đâu chỉ văn chương, sách viết chỉ trích phê phán chính phủ, ngay trong cùng một đảng cũng phê phán nhau, đâu có thành vấn đề? Vì vậy, tự do sáng tác là một nhu cầu, phải không NL?

    Kệ sách cá nhân chỉ là mảnh vườn riêng, tiệm sách là công viên, nhưng thư viện mới là rừng (mong rằng nó nguyên sinh :-). Nơi đó người ta không thể vì cuốn/quyển choảng nhau mà đem xé/đốt một trong hai. Phải tìm cách sắp đặt làm sao cho chúng ở cạnh hoặc đối diện để chúng có thể hàn huyên hoặc bình... loạn. Vậy thì việc sưu tầm, ngửi sách [“Gió ở nơi nào, gượng mở xem” - Nguyễn Trãi] và phủi bụi là những công việc hữu ích và thú vị. Bác NSC làm cho bạn đọc có cảm giác bác là cán bộ hủ hoá. Đi Âu-Mỹ, nhưng bác có hộ khẩu VN phải không nào? Nhưng phục bác kiến thức và kinh nghiệm đầy... túi :-)

    Đổi tên để tránh đụng chạm tất cả loại gió trên thế giới.

    MAR 24, 2010 7:54:00 AM - entry "Sống giưã sách"

    ReplyDelete
  9. Cán bộ hủ hóa? Hộ khẩu VN? Ha ha ha... [NSC]

    ReplyDelete
  10. Gởi bác NSC: Gọi "cán bộ hủ hoá" vì trên đường cuả chuyến công du "ngửi sách" bác lại có các món ... khác. Hay văn nghệ sĩ là phải như vậy? Nhưng cũng có thể, bác ở một tầm vóc cao hơn, ngửi được cả một nền văn chương?

    ReplyDelete
  11. Tên lót trong bút hiệu của ông Bạch Đằng là Trương hay Trường vậy bác?

    ReplyDelete
  12. Tên lót trong bút hiệu của ông Bạch Đằng là Trương hay Trường vậy bác?

    ReplyDelete
  13. Tên lót trong bút hiệu của ông Bạch Đằng là Trương hay Trường vậy bác?

    ReplyDelete
  14. Tên lót trong bút hiệu của ông Bạch Đằng là Trương hay Trường vậy bác?

    ReplyDelete
  15. Tôi nhớ là Trương, nhưng không dám sửa vì bác ấy là chuyên gia, lại cầm trong tay bộ sách 6 tập của nhà Hậu Giang in năm 1988.

    ReplyDelete
  16. Nhị Linh, không phải đổi tên tác giả, mà là tên "buổi tiệc", tên "phố", tên gì gì lúc trước nói đó. Sau khi giữ được tên trường Ams rồi, là quên mọi thứ nhỉ?
    :-)

    ReplyDelete
  17. cac bac o buoi Hoi sach 2010 khong phan biet noi truyen phan gian (spy novel)voi truyen trinh tham (detective novel)...biet truoc the, nen em khong di du..Vi biet chac cac pac se lay "hien tuong" qui thanh "ban chat" the loai dac biet nay...vi vay, cung khoang ban den "hinh tuong nghe thuat" cua no...Dinh cao thoi dai truyen trinh tham ma cac pac noi trong cuon ky yeu hoi thao la "dinh cao" xuat ban sach trinh tham o VN hay la "dinh cao" nghe thuat cua the laoi nay...em khong di du ma biet cach cac pac ngoai Bac vao se noi nham...

    ReplyDelete
  18. em bo sung them, neu cac pac phan biet duoc khi nao Nguyen Thanh Luan "dien vai" gian diep va khi nao Nguyen Thanh Luan "nhap vai" mot tham tu trong serie phim cua Le Hoang Hoa, cac pac se phan biet dau la chat "trinh tham" va dau la chat "phan gian" cua "hinh tuong nhan vat" nay. hehe

    ReplyDelete
  19. Yesterday, while I was at work, my sister stole my apple ipad and tested to see if it can survive a twenty five
    foot drop, just so she can be a youtube sensation. My apple
    ipad is now broken and she has 83 views.
    I know this is entirely off topic but I had to share it with
    someone!
    Also see my page - Lejla.si

    ReplyDelete