May 13, 2010

Vừa phải và đúng lúc

Lời cảm ơn trân trọng gửi tới: Lưu Khánh Thơ, Nguyễn Đức Tùng, Trần Hoàng Bách, Khánh Phương. Rất tiếc vì thời gian gấp nên nhà phê bình Đặng Tiến đã không thể tham gia. Làm chuyên đề về Lưu Quang Vũ này với tôi có rất nhiều cảm xúc, Lưu Quang Vũ đích thực nhà thơ của một thời tuổi trẻ (đã qua) của tôi.

-------------

Bài của tôi:


Theo quy cách in thơ hồi ấy, dường như các tập thơ ghép chỉ thuần túy là sự tình cờ, bị ép buộc do tình hình khó khăn. Thế nhưng, tập thơ Hương cây - Bếp lửa năm 1968 đã ghép đúng hai nhà thơ trẻ sau này sẽ trở thành hai cái tên không thể bỏ qua của một thế hệ: Lưu Quang Vũ và Bằng Việt. Thế rồi, tuy giành được thành công đương thời có thể nói là tương đương, nhưng con đường thơ của họ sẽ vô cùng khác nhau. Cho tới khi qua đời, Lưu Quang Vũ không in thêm tập thơ nào nữa, còn tính đến năm 1988, Bằng Việt đã có thêm 4-5 tập thơ.

Nói một cách công bằng, giờ đây đọc lại những tập thơ cũ của Bằng Việt, chẳng hạn Những gương mặt - Những khoảng trời (1973), độc giả hiện tại rất khó cảm nhận, hình như nó cũ kỹ quá rồi, sức sống không dài lâu như những bài thơ chưa bao giờ in thành tập, thậm chí chỉ được thì thầm vào tai nhau, khi sinh thời của Lưu Quang Vũ, những bài thơ không chỉ được nhớ, được thuộc, mà còn ám ảnh mãi đến tận bây giờ, những “Tiếng Việt”, “Vườn trong phố” hay “Việt Nam ơi”. Đều “đúng lúc” so với thời của mình, nhưng có vẻ như sự đúng lúc của Lưu Quang Vũ hơi nhích ra ngoài vòng mến chuộng của đương thời một chút. Nếu thi sĩ là người đi trước, dẫu chỉ một chút ít, thì Lưu Quang Vũ hiện thân cho một thi sĩ đúng nghĩa.

Khởi đầu thơ Lưu Quang Vũ thật bình thường, ở lọt thỏm trong cái mỹ cảm thịnh hành của thời ấy, thứ mỹ cảm của sự choáng váng của con người như thể lần đầu tiên nhìn thấy thế giới bên ngoài, “lột xác”, “sốt vỡ da” và “nhận đường”. Bằng chứng ngôn từ của mỹ cảm này chính là sự dày đặc của các địa danh có thực, nhất là miền Tây Bắc, ở thơ của từ Quang Dũng, Tố Hữu tới Trần Dần, Hữu Loan. Lấy nhan đề bài thơ là “Phố huyện” hao hao Nguyễn Bính thuở trước của “Trường huyện”, nhưng “Phố huyện” của Lưu Quang Vũ còn đâu cái khung cảnh ước lệ “em đi phố huyện tiêu điều lắm”, mà: “Người của Hà Đông tơ lụa/Người vùng sông Đuống, Hương Canh”, hay “Ai đi Vũ Ẻn, Thanh Cù?”.

Nhưng sự vượt thoát đặc biệt của tâm thức Lưu Quang Vũ đã làm cho mọi chuyện khác hẳn, cái hợp thời của nhà thơ tuổi đôi mươi đã biến thành cái lạc lõng của một người đàn ông mang “mặt buồn như sỏi dưới hang sâu”. Nền tảng của điều này, theo tôi, là sự vỡ mộng. Sự vỡ mộng có thể cũng nhỏ bé và bình thường thôi, như sự vỡ mộng mà bài “Hoa tigôn” diễn tả: “Nhà văn xưa tôi yêu mến mê say/Nay già lão được chính quyền sủng ái/Lưng còng xuống quên cả lời mình nói/Phản bội những điều trong cuốn sách thiêng liêng/Bác tôi chỉ huy trinh sát sư đoàn/Người anh hùng tuổi thơ tôi thán phục/Nay thủ trưởng một văn phòng lớn/Suốt ngày lau xe đạp chữa đèn pin”, nhưng cũng có thể là một đổ vỡ niềm tin nghiêm trọng: “Tiếng loa đầu dốc lạnh/Tin thắng trận miền xa” (Việt Nam ơi); ta sẽ hiểu mức độ nghiêm trọng này nếu nhớ tới hình ảnh trong bài thơ thời niên thiếu của ông: “Tuổi lên năm đi nhặt củi ven rừng/Con tập đánh vần bằng bảng tin thắng trận” (Thôn Chu Hưng). Cái cay đắng tê buốt này lệch thời, lạc điệu, nhưng lại là đúng lúc nếu nhìn lịch sử ở một độ dài lớn hơn, và không chỉ lịch sử của các sự kiện bề mặt.

Lưu Quang Vũ có thể không phải là một nhà thơ lớn, cũng khó coi là một nhà cách tân độc đáo, nhưng chắc chắn ông là một nhà thơ rất được yêu mến. Và thuộc vào một nhóm nhà thơ rất đặc biệt, “nhà thơ Hà Nội”, một tập hợp rất không đồng nhất và bao gồm cả những người nhiều khi không mấy dính dáng tới Hà Nội, cái nhóm phải tính đến các nhà thơ như Vũ Hoàng Chương (“Ôi đẹp nhất con đường/Cửa Đông về Cầu Gỗ/Nắng đào cây lá vương/Men xuân ngập hè phố”) hay Quang Dũng, dù chỉ cần một câu duy nhất, “Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm”, rồi Chính Hữu, cũng rất kiệm lời: “Mái buồn nghe sấu rụng”.

Tiếng lòng của Lưu Quang Vũ, và càng ngày điều này càng đúng hơn, đồng cảm với tiếng lòng của rất nhiều con người. Nó vừa phải, nó da diết và nhiều khi bực bội, nhưng vừa phải, đúng như tâm hồn người này có thể trông chờ từ tâm hồn một người khác. Không kiêu kỳ như “Với bàn tay ấy trong tay/Tôi đã nguôi quên hận tháng ngày” của Xuân Diệu, Lưu Quang Vũ chỉ giản dị: “Phút đưa nhau ta chỉ nắm tay mình/Điều chưa nói thì bàn tay đã nói/Mình đi rồi hơi ấm còn ở lại/Còn bồi hồi trong những ngón tay ta” (Hơi ấm bàn tay), và khi động tới nỗi đau, ông chỉ nói thế này: “Đôi mắt to nóng bỏng/Nói chi lời tàn nhẫn để anh đau” (Mắt của trời xanh).

Các cảm giác trong thơ Lưu Quang Vũ cứ lồng vào nhau thật đẹp và ăn thật sâu vào tâm tưởng chúng ta. Cái nồng ấm buồn (“Trao cảm thương hai bàn tay nắm chặt” - Hơi ấm bàn tay) và hoang lạnh vui (“Rối rít trong lòng một nỗi em em” - Vườn trong phố), đó mới chỉ là hai món quà nhỏ mà Lưu Quang Vũ tặng lại cho thơ, mà thơ Lưu Quang Vũ tặng lại cho kho tàng cung bậc cảm xúc của chúng ta.

------------

Bài của tiền bối Bách:

Vũ đi mang theo gì?

Thoắt cái, đã hơn 20 năm ngày Lưu Quang Vũ ra đi, và dù nhân hay không nhân ngày giỗ Vũ, thiên hạ có nói gì thì nói về Vũ, các nhà phê bình hoặc không phê bình có thể choàng bao nhiêu vòng nguyệt quế lên cổ Vũ hay chê bai cái yếu đuối tình cảm “sến đặc” của Vũ, thì với tôi Vũ vẫn cứ mãi mãi là gã bạn mang đậm chất đàn ông, không dễ gặp, nhất là trong cõi văn thơ, mà ngay cả khi túng đói nhất vẫn hấp dẫn phụ nữ, rất nhiều phụ nữ, dù ít hay nhiều tuổi hơn Vũ, và vẫn hào phóng với bạn bè.

Tôi lỡ vô phúc (chữ của cụ Kim Lân) sa chân vào kiếp văn, may đỡ hơn là không có thơ, có thể ngang như Vũ, như nhiều kẻ sĩ khác hồi đó, nhưng hình như tôi, may mắn mà bất tài nên không ném cả đời mình vào đó tới mức như Vũ. Ngày ấy, chả cứ văn thơ, hễ ai hát hò đóng phim vẽ vời được tí chút là đều lập tức hồn nhiên trên cả mức thành thật tuyên bố hiến đời mình cho nghệ thuật. Tôi chả nghi ngờ gì cái tuyên bố ấy, càng không nghi ngờ gì Vũ sống chết với Thơ, dù Vũ chả tuyên bố gì. Trước 1979, tôi ở Ngõ chợ Khâm Thiên với bố mẹ, Vũ đi bộ đến nhà tôi, ngồi trên chồng cửa lùa xếp thành ghế mà trước mặt là những măng miến mộc nhĩ khoai tây… tại ngay quán hàng khô của mẹ tôi, để mà mê mải đọc thơ, át đi mọi thứ ồn ào nơi xóm chợ. Rồi khi tôi chuyển lên phố Liên Trì, thì không ít một tối, một đêm lòng vòng quanh hồ Ha-le để Vũ đọc tôi nghe những bài thơ Vũ làm, đôi khi chỉ vừa xong trước khi gặp tôi mấy phút, để rồi hoạ hoằn, mấy hôm sau, thấy trên báo bài thơ ấy lại mang tên người khác. Tôi không hỏi, vì biết chắc, mấy chuyện đó với Vũ chẳng quan trọng gì.

Vũ nửa sau của những năm tám mươi hừng hực làm, hừng hực thu hoạch, vẫn hừng hực buồn và lại hừng hực yêu. Chuyện gia đình văn nghệ sĩ hồi đó nói chung chả mấy khi… biển Đông tát cạn. Vũ cũng chả ngoại lệ, nhưng ít khi nói ra vào những dịp đáng lẽ nên nói ra, mà đôi khi bất chợt buông một hai câu, chỉ một hai câu, rồi thôi, như cái buổi chiều rượu suông ở “Gù” (tên quán) Trần Nhân Tông, hay thịt chó “Lùn” (cũng tên quán) chợ Hôm, đột ngột một điều không thuận nào đó trong tình cảm vợ chồng, mà nghe như thắc mắc với chính mình chứ không phải than với bạn bè… Khi ấy, Xuân Quỳnh, cũng là nhà Vũ, tất nhiên, tuy chưa là giàu có, nhưng cũng đã có được vài ba năm tạm coi khá giả nhưng chưa thể bù lại được hàng chục năm vất vả khốn khó từng trải qua…

Trước đó, một lần lên nhà tìm Vũ, vẫn là Quỳnh ngồi ở hành lang giặt giũ hoặc đun nấu, lưng quay ra đón khách, không quay đầu, thậm chí không liếc mắt, mà nghe tiếng chào biết là ai rồi, xưa kia thì vẫn, “Bách vào nhà đi, ông Vũ chạy ra mua thuốc lào” hoặc “Ngồi đọc cái gì đi, ông Vũ sang Tuổi Trẻ (nhà hát), về bây giờ đấy”… thì lần này là, “Ông biết thừa ông Vũ ở đâu rồi, sao còn lên đây”.

Rồi mọi chuyện kết thúc bằng cái chết. Kết thúc một lúc mấy kiếp người, nhưng cũng là kết thúc cả một tấn bi kịch chồng chéo. Cái chết oan nghiệt ấy, theo tôi, “dường như” là Thượng đế an bài cho Quỳnh, vào cái năm Quỳnh 47 tuổi ta, và Quỳnh đã mang được theo những gì quý giá nhất đời mình.

Còn Vũ, trước một chuyến đi không vé khứ hồi, nếu bảo chỉ được mang theo một, hai trong dăm bảy thứ quý giá nhất đời mình, thì ngoài thơ, chắc chắn, anh có thể chọn kịch, hoặc Mí đứa con nhỏ, hoặc thậm chí cô hay gã bạn nào đó, nhưng theo tôi, thực khó có thể là Quỳnh. Giờ đây nhiều năm sau nghĩ về bạn, tôi vẫn cho rằng, với một người như Vũ, “Yêu” không bao giờ là tội cả, dù nhiều dù ít, bởi họ đâu có lấy “yêu” để đạt tới một cái gì khác ngoài yêu.

-----------


Về Lưu Quang Vũ: Những suy nghĩ rời, khởi đi từ một bài thơ

Nguyễn Đức Tùng

Anh Cao Việt Dũng hỏi: anh có biết Lưu Quang Vũ không? Anh nghĩ gì về thơ Lưu Quang Vũ? Theo tôi, có lẽ người đọc hải ngoại hiện nay ít biết về anh. Nhưng tôi có một cơ hội cuối những năm bảy mươi, khi còn ở trong nước, được một người bạn mới quen đọc cho nghe một bài thơ lạ, của một tác giả lúc ấy tôi không biết là ai. Vừa đi vừa đọc. Xong, cả hai ngồi xuống bên vệ đường, tôi nhờ anh đọc lại lần nữa. Không có giấy bút để ghi, anh đọc lần thứ ba chậm và kỹ, cho tôi nhớ. Mười năm sau ở hải ngoại tôi vẫn thuộc bài thơ rất dài này; nhiều năm sau nữa thì bắt đầu quên dần từng câu, từng đoạn.

Một bài thơ có thể đi xa, vượt ra ngoài trang giấy, cư ngụ nơi chốn khác. Nó sống ở đâu? Ở ngôi nhà của mình, trong tâm hồn người đọc. Điều lạ là sau khi quên một đoạn, thì hôm sau hay tháng sau tôi lại nhớ đến đoạn ấy, nhớ chính xác, nhưng lại quên đoạn khác. Tôi và nó, bài thơ ấy, cứ đuổi nhau quanh trục thời gian. Từ đó đến nay, tôi vẫn chưa bao giờ được đọc nó bằng chữ in, nhưng dĩ nhiên lại có dịp biết thêm những bài thơ khác của anh nữa, nơi này nơi khác.

Cái gì trong thơ Lưu Quang Vũ ám ảnh tôi nhiều nhớ hơn cả? “Sao em chẳng cùng anh ra cửa biển/Mùa thu cao mây trắng xóa mênh mông/Những con tàu mười phương/Những thủy thủ Cuba da đỏ hồng như lửa/Thủy thủ Hy Lạp vầng trán đẹp u buồn/Người Ý phóng túng và có duyên” [Viết cho em từ cửa biển - BT]

Sự ra đi. Những chân trời.

Rất sớm, từ những năm 1970 thơ anh đã mới: dùng rất nhiều các hình ảnh, các âm thanh, các sờ mó, các cảm giác: “Anh ngồi trên đống bao hàng/Giữa những người cười nói rì rầm/Những thủy thủ nồng hơi rượu chát/Tiếng than vãn, tiếng nỉ non, tiếng đùa, tiếng khóc/Và khói bay, khói bay” (bđd.).

Ngôn ngữ Lưu Quang Vũ tài hoa nhưng vẫn gần cái lõi của thơ là sự giản dị. Đối với tôi, có một điều gì không giải thích được trong sự giản dị của anh, có lẽ là sự tội nghiệp quyến rũ: “Em con tàu về cảng mưa đêm/Ngã tư ngô đồng rụng lá/Con sông mờ thân cầu đổ” (Trích theo Khánh Phương).

Như thế là vừa đẹp. Chỉ cần tài hoa quá tay lên một chút nữa, anh sẽ trở thành người sử dụng tu từ xuất sắc, nhưng bắt đầu xa rời chỗ cố hữu. “Em là bờ cau xanh/Là quả vườn nhà là chim tu hú/Em yêu chốn này không” (bđd.). Lùi lại một chút nữa, thơ anh trở thành thương cảm, là điều tối kỵ.

“Em đừng thương anh nữa/Anh đi lủi thủi trên đường” [Không đề III - BT] Hai câu đó không nên đặt chung với nhau. Lưu Quang Vũ không tránh được cách viết “hiện thực” mà vào thời ấy dĩ nhiên là phương pháp chính thống và phổ biến. Nhưng ngay trên lối mòn anh vẫn có những suy nghĩ sát với cuộc đời, những quan sát xúc động: “Đám người bán máu xanh gầy/Co ro chờ ngoài cổng viện” [Nửa đêm tới thành phố lạ gặp mưa - BT].

Thành tựu của anh trong khuynh hướng này là bài thơ “Tiếng Việt”, được đăng nhiều trên các trang viết về anh, là bài thơ Lưu Quang Vũ duy nhất có mặt trong tuyển tập Thơ Việt Nam thế kỷ XX, Thơ trữ tình, NXB Giáo Dục, 2005. “Tiếng mẹ gọi trong hoàng hôn khói sẫm/Cánh đồng xa cò trắng rủ nhau về”. Hai câu đầu tiên cảm động, đẹp, đúng là ngôn ngữ của anh. Nhưng ở câu thứ ba: “Có con nghé trên lưng bùn ướt đẫm” anh đã bắt đầu không chống được sự cám dỗ, như cách mà ta dễ thấy ở hầu hết các nhà thơ hiện nay, và đưa quá nhiều hình ảnh vào. Tôi ngại rằng anh sẽ không có cách nào thoát khỏi chúng. Quả nhiên: “Nghe xạc xào gió thổi giữa cau tre”. Một câu thơ làm hỏng cả đoạn. Mà đó có lẽ là đoạn hay nhất trong bài thơ dài gồm mười hai đoạn, bốn mươi tám câu.

Bạn an tâm. Đó không phải là bài thơ tiêu biểu của Lưu Quang Vũ, cũng không phải là bài hay nhất của anh: anh đi xa hơn chúng rất nhiều, không những trong suy tưởng sâu của anh về tình yêu, về đất nước, con người, trong sự tiếp cận đầy dũng cảm hiếm có của anh đối với sự thật, mà còn cả trong khuynh hướng cách tân ngôn ngữ càng về sau càng mạnh.

Tôi quý điều gì nhất ở thơ Lưu Quang Vũ? Trong thơ, anh bày tỏ rất sớm lòng khao khát tự do: “Sao em chẳng cùng anh ra cửa biển/Mùa thu cao mây trắng xóa mênh mông”. Không phải chỉ là một bài thơ tình. Tự do của Lưu Quang Vũ không phải là tự do có ý nghĩa chính trị; nó cá nhân hơn và vì vậy mà tuyệt đối hơn. Đúng vậy, nếu anh còn sống đến ngày nay, tôi chắc rằng thơ Lưu Quang Vũ sẽ là sự thách thức đối với các nhà phê bình, đối với các giá trị thẩm mỹ cũ. Khi đọc lại thơ ca miền Bắc cùng thời, tôi có ấn tượng rằng hình như Lưu Quang Vũ là nhà thơ trẻ rất hiếm hoi, nếu không phải là duy nhất, vào thời điểm ấy dám đi ngược lại các quy ước, thể hiện ý chí tự do, rẽ sang một lối hoàn toàn khác từ nền thơ đại chúng. Đi xa đến nỗi cũng còn lâu nhiều nhà thơ thuộc thế hệ của anh có thể theo kịp.

Trước hết, sớm muộn gì anh cũng sẽ vượt qua được thói quen sáo rỗng: “Con ngựa gầy phiêu bạt thảo nguyên xa” [Thơ tình viết cho một người đàn bà không có tên - BT]. Vượt qua được không khí tù hãm, nhìn thẳng vào cô đơn, tự làm mới vết thương của mình và do đó làm mới niềm hy vọng đối với ngôn ngữ: “Như ngôi sao trên cột buồm trơ trọi/Anh nhìn vào bóng tối/Con tàu đêm nay đi về đâu/Nhớ đôi môi xót đau” (bđd.).

Sau bao nhiêu người thương tiếc anh, tôi có cần phải than thở thêm rằng anh mất đi khi tuổi đời còn quá trẻ? “Chúng ta ra đi chiến tranh mùa đông/Ta kịp biết gì đâu” [Những bông hoa không chết - BT]

Cuộc đời cũng chỉ mới kịp biết đến anh một nửa, một góc, hay một phần mười. Nhưng cái một phần mười ấy chúng ta cũng đã biết đầy đủ chưa?

23 comments:

  1. “Yêu” không bao giờ là tội cả, dù nhiều dù ít, bởi họ đâu có lấy “yêu” để đạt tới một cái gì khác ngoài yêu. "

    Em thấy, bài viết thứ 2 của tiền bối Bách, có câu kết này khá đắt :X
    Em thích entry này.
    Mai e cũng có ý định tới xem buổi tọa đàm ở L'Espace

    ReplyDelete
  2. Bài của bác Bách mình có đọc lâu rồi trên blog bác ấy, từ bài ấy sang đến bài này thì có một chi tiết rất đắt đã bị cắt đi.

    ReplyDelete
    Replies
    1. Bạn cho mình xin tên blog của bác Bách được không? Mình cảm ơn.

      Delete
  3. Mình rất thích thơ Lưu Quang Vũ, nói đến thơ LQV có lẽ nên nói đến chuyện LQV có gốc là họa sĩ và rất thích tranh, vì vậy mỗi bài thơ của ông là một loạt dàn trải các hình ảnh rất đẹp.

    ReplyDelete
  4. Tham gia kiểm duyệt một thông tin nhỏ xiu xíu trong bài của NL :

    Cái " Phố huyện" kia chính xác không nên coi thuộc vùng Tây Bắc ( Sơn La, Lai Châu, Lào Cai , Yên Bái ) mà là vùng trung du , cụ thể hơn nữa thị trấn Ấm Thượng thuộc huyện Thanh Hòa, Vĩnh Phú , nay là Hạ Hòa, Phú Thọ . Vũ Ẻn, Thanh Cù, Chu Hưng , Vụ Khánh, Gia Điền, ... thủa nhỏ Lưu Quang Vũ đã từng sống ở những nơi này . Theo tìm hiểu của CÂNT, viết về những địa danh này ,thực ra chỉ là nhắc qua ngoài Lưu Quang Vũ ra còn có : Tô Hoài ( Cát bụi chân ai) , Trần Dần ( 1 câu trong Đi, đây Việt Bắc : Đèo Khế, Sơn Dương, Đan Hà, Ấm Thượng / Đạn bom ngăn chặn bước người đi ), Xuân Diệu . Bài thơ tuyệt nhất mà LQV viết về vùng đất này theo CÂNT là bài " Nơi ấy", đọc cái hình dung ra những đồi cọ ven bờ sông Thao luôn :

    Tia nắng hạ sáng bừng trên lá cọ
    Chim chào mào ăn hạt dẻ mùa thu
    Rơm khô ủ những quả hồng chín đỏ
    Ngọn gió chiều, hoa nở trắng như mưa.

    ReplyDelete
  5. hic, vùng Tây Bắc thì thực sự là mình không có hiểu biết gì, nhưng ở trong bài khi nhắc tới TB thì hoàn toàn không có ý định nói LQV viết về TB, mà là TB thuộc hạng có nhiều địa danh được các nhà thơ hồi ấy cho vào thơ, chẳng hạn "Đi! Đây Việt Bắc!" của Trần Dần

    nghe nói LQV có một bộ sưu tập Bùi Xuân Phái rất oách đấy, sau này không biết đi đâu mất rồi

    ReplyDelete
  6. Cha trach NL duoc , giai HN goc ma .Con CANT que o Vu En, Thanh Cu , :)

    ReplyDelete
  7. okie, botchan NT này là người Vũ Ẻn, Thanh Cù, còn botchan TN thì lại là Hải Phòng, bắt đầu lơ mơ phân biệt được zồi :d

    ReplyDelete
  8. e cũng đợi một chuyên đề về Vũ "Vũ" hơn và "trẻ"hơn. Có lẽ tại bởi có nhõn một bài đời như của bác Bách.(người làm c.đ có công nhử hổ li sơn:P).

    ReplyDelete
  9. ý là chê đấy phải không khậc khậc

    hôm nay đã thấy có người sử dụng chất liệu BOM để bàn về sáng tạo :d

    ReplyDelete
  10. Nhân đây, anh cho em hỏi:

    đọc trong tập Lưu Quang Vũ Di cảo, Nxb Lao Động, 2008, Lưu Khánh Thơ tuyển soạn, thấy chép, trong bài Những bông hoa không chết, câu:

    17 tuổi lòng ai không hồi hộp
    Khi ngồi trong rạp hát đợi màn lên.

    Nhưng mà em được một nguồn tin không thể nào lầm, bảo là câu 17 tuổi là của Huy Cận.

    em hoang mang quá, anh bảo cho em biết với?

    em cảm ơn.

    ReplyDelete
  11. Huy Cận? Kỳ cục nhỉ, hai câu đó còn đã từng xuất hiện làm đề từ cho một bài thơ của Xuân Quỳnh, ghi rõ là của Lưu Quang Vũ cơ.

    ReplyDelete
  12. em cảm ơn ạ :D

    vậy thì phải chờ có ai đó tự nguyện giải đáp, không thì không biết được rồi.

    ReplyDelete
  13. hehe, chắc tại sự "vừa phải' là không đúng với LQV. :)
    Em đang nghĩ tự mình nên chống lại mình việc đi xem một số thứ nghệ thuật đương đại.

    ReplyDelete
  14. anh thì lại thấy sướng nhất khi tìm ra được từ "vừa phải" :d

    LQV có thể có một cuộc đời sôi nổi, nhiều thứ vượt khuôn khổ, nhưng thơ ông ấy thì rất bình thường, hay một cách bình thường

    điều đó cũng logic, vì ở VN có cái gì không trung bình mà được yêu mến rộng rãi đâu

    ý cuối thì cố gắng lên em ạ :d

    ReplyDelete
  15. Câu Mười bẩy tuổi... đúng là có hơi hướng thơ Huy Cận, Huy Cận thời Lửa thiêng (nhưng Lửa thiêng và Vũ trụ ca đều không có hai câu đó)trong những bài như Tựu trường, Học sinh: Tuổi mười lăm gấp sách lại đứng nghe/ Lòng mới nở giữa tay đời ấm áp,... Huy Cận cũng có bài Gánh xiếc, kể về anh chàng nhỏ tuổi si mê cô diễn viên xiếc "Nhưng lòng trẻ đã theo đoàn xiếc/ Xếp với màn to của cuộc đời".Có lẽ vì vậy mà gây sự nhầm tưởng chăng? H.N.

    ReplyDelete
  16. thank you, Hải Ngọc à? đó có thể là lý do, chứ hai câu kia thì chắc chắn là của Lưu Quang Vũ, thậm chí tôi còn thuộc từ năm 15 tuổi, thề :d

    ReplyDelete
  17. Sống ở nước ngoài, tôi ít có dịp đọc văn thơ hiện đại trong nước, nhất là thơ. Có đọc cũng ít "cảm". Lưu Quang Vũ là môt ngoại lệ. Một trong những ngoại lệ đó chính là lý do tôi đã biết đến anh: cái chết bi thảm của anh, của vợ và con anh. Tức là "biết" và có cảm tình với tác giả trước khi đọc văn thơ. Hơi giống như nghe tiếng Bạch Cư Dị trước khi mê mẩn với "Bến Tầm Dương canh khuya đưa khách - Quạnh hơi thu lau lách đìu hìu...".

    Có những lúc tôi trên thơ thẩn internet đi tìm LQV với XQ, không rõ để tìm người hay chữ. Để chỉ thấy tiếc rẻ. Nhưng rồi tự an ủi, rốt cục thơ vẫn là thơ, vẫn là "cái tồn tại duy nhất khi tất cả đã mất đi". Và nhất định không thương tiếc LQV với XQ nữa, như đã nhất định không tiếc thương Trần Dần, Quang Dũng nữa... Chỉ lo là ngày nào Thơ không còn tồn tại trên đất nước hay cả quả địa cầu (LV)

    ReplyDelete
  18. Lại quớt thôi:
    “ở VN có cái gì không trung bình mà được yêu mến rộng rãi đâu”

    ReplyDelete
  19. chỉ có một cái, mãi từ hồi blog 360 của yahoo, sau này là facebook, "Huy Bảo"

    ReplyDelete