Jul 19, 2010

Foucault về diễn ngôn

Các ghi chép của tôi về nội dung bài diễn văn của Foucault Trật tự diễn ngôn (L'Ordre du discours):

Foucault quan niệm về sự đối đầu thường trực giữa ham muốn (désir) và thiết chế (institution): ham muốn coi diễn ngôn là một cái gì đó trong suốt, yên bình, có độ mở vô tận, nơi những người khác đáp lại trông chờ của ham muốn, nơi các chân lý lần lượt tự mình đứng dậy, ham muốn chỉ cần làm một việc là thả mình mặc cho nó đưa đi như một con thuyền trên mặt nước, trong khi đó với thiết chế thì diễn ngôn nằm trong trật tự của các luật lệ, luôn được giám sát, có một vị trí được ấn định sẵn, và nếu như diễn ngôn có một quyền lực nào đó thì là bởi thiết chế trao cho. Thế nhưng, cả thiết chế và ham muốn đều chỉ đưa ra hai lời đáp ngược nhau cho cùng một nỗi lo lắng: lo lắng về việc diễn ngôn là gì ở trong thực tại vật chất (réalité matérielle) của điều được phát ngôn hoặc viết ra: nỗi lo lắng này bắt nguồn từ việc sự tồn tại của diễn ngôn là một sự tồn tại mang tính chất tạm thời, rồi sẽ bị xóa nhòa, nhưng bị xóa nhòa trong bao lâu là việc không thuộc về chúng ta; sự lo lắng này còn bắt nguồn từ việc cảm nhận được rằng ở dưới cái hành động diễn ngôn rất thường hằng này lại có những quyền lực và hiểm nguy rất khó hình dung, bởi qua những từ ngữ được sử dụng lờ mờ hiện lên rất nhiều cuộc tranh đấu, những chiến thắng, những vết thương, những sự thống trị, những sự phục tùng.

Tiếp theo, Foucault giải thích “hiểm nguy” nằm ở đâu: giả thuyết của Foucault là trong mọi xã hội sự sản xuất ra diễn ngôn đều vừa bị kiểm soát, lựa chọn, tổ chức và tái phân phối thông qua một số quy trình (procédure) có vai trò điều hòa quyền lực và hiểm nguy, làm chủ được sự kiện (événement) có tính bấp bênh, làm cho diễn ngôn tránh khỏi tính chất vật chất nặng nề và đáng gờm.

Các cách thức trong xã hội nằm ở các hình thức loại trừ (exlusion). Hình thức loại trừ hiển nhiên nhất là cấm đoán (interdit), thể hiện ở ba khía cạnh: không phải điều gì cũng có thể nói (cấm kỵ về mặt đối tượng), không phải ai cũng được quyền nói (đặc quyền của chủ thể nói) và điều kiện của hoàn cảnh. Foucault cho rằng hai “vùng cấm” lớn nhất trong xã hội là tính dục và chính trị: như thể diễn ngôn, thay vì phải là cái yếu tố trong suốt/trung tính nơi tính dục bị tước bỏ vũ khí và chính trị trở nên hiền hòa, thì lại là một trong những nơi để chúng thực thi những sức mạnh đáng sợ nhất của mình. Với tác động của các cấm đoán, diễn ngôn nhanh chóng bộc lộ mối liên quan tới ham muốn và quyền lực: diễn ngôn không đơn giản là những gì biểu lộ (hoặc che giấu) ham muốn, mà chính nó còn là đối tượng của ham muốn; diễn ngôn cũng không đơn giản là những gì biểu lộ các tranh đấu hoặc các hệ thống thống trị, mà còn là cái vì nó người ta tranh đấu, cái quyền lực mà người ta tìm cách chiếm đoạt lấy.

Hình thức loại trừ lớn nữa là hai cách thức: phân chia (partage) và vứt bỏ (rejet). Foucault đưa ra ví dụ về sự đối lập giữa lý trí và sự điên. Diễn ngôn của người điên bị vứt bỏ, nhưng lại có những quyền lực kỳ lạ, vì người ta coi nó phát ra được những chân lý bị che giấu, nói lên tương lai. Thông qua lời nói mà người ta nhận ra người điên, bởi vậy diễn ngôn chính là địa điểm cho sự phân chia, nhưng đồng thời diễn ngôn cũng bị vứt bỏ, bởi không một bác sĩ nào cho tới trước khi kết thúc thế kỷ XVIII dành cho lời nói người điên một tầm quan trọng bất kỳ. Vị trí của diễn ngôn người điên chỉ được thể hiện theo lối biểu tượng trên sân khấu kịch, ở vai trò chân lý đeo mặt nạ. Foucault phát triển thêm khi khẳng định hiện nay, tưởng chừng mọi chuyện đã khác, diễn ngôn người điên đã được lắng nghe, nhưng không phải như vậy, chỉ đơn giản là đã có các thiết chế mới. Bác sĩ lắng nghe người điên nói, nhưng bản thân hành động nghe này đã thực thi việc giữ nguyên sự kiểm duyệt: sự nghe đã có sẵn giả định về việc diễn ngôn ấy phải thấm đẫm ham muốn và diễn ngôn ấy tin vào việc mình chứa đựng những quyền lực khủng khiếp. Như vậy là sự phân chia vẫn tồn tại.

Hình thức thứ ba và cũng là cuối cùng của loại trừ: sự đối lập giữa đúng và sai. Ở đây Foucault suy tư về ý chí chân lý (volonté de vérité) và ý chí hiểu biết (volonté de savoir): ý chí chân lý và cái điều hành ý chí hiểu biết của chúng ta, một dạng phân chia, chính là một cái gì đó giống như là một hệ thống loại trừ (hệ thống lịch sử mang tính bó buộc ở mức độ thiết chế). Chính lịch sử đã có vai trò ở đây: với các nhà thơ Hy Lạp thế kỷ VI tr.CN, diễn ngôn đúng (discours vrai) là diễn ngôn được phát ra từ những ai có quyền và theo một nghi thức được đòi hỏi: đây là dạng diễn ngôn nói ra công lý và trao cho mỗi người phần của mình. Diễn ngôn này, trong khi tiên đoán tương lai, không chỉ thông báo những gì sẽ diễn ra, mà còn đóng góp vào việc hiện thực hóa những điều sẽ diễn ra ấy, tức là gần như hòa vào với số phận. Thế nhưng chỉ một thế kỷ sau đó, chân lý cao nhất đã không còn nằm ở việc diễn ngôn là gì hay ở việc diễn ngôn làm gì, mà ở chỗ diễn ngôn nói gì; diễn ngôn đã chuyển chỗ để nằm trong chính bản thân phát ngôn (énoncé), tức nghĩa của nó, hình thức của nó, đối tượng của nó, mối liên hệ của nó đối với cái mà nó tham chiếu đến. Đã có một phân chia mới giữa diễn ngôn đúng và diễn ngôn sai: diễn ngôn đúng không còn là diễn ngôn quý giá và đáng mong ước, vì không còn là diễn ngôn gắn liền với quyền lực nữa. Ý chí chân lý, cũng như mọi hệ thống loại trừ khác, dựa vào một chỗ dựa mang tính chất thiết chế: chẳng hạn như thông qua sư phạm, nhưng ở tầm sâu hơn, ý chí chân lý còn được dẫn dắt bởi cách thức hiểu biết được vận hành bên trong một xã hội: nó được quản lý, phân chia như thế nào.

Như vậy, ba hệ thống loại trừ lớn tác động tới diễn ngôn là lời nói bị cấm đoán, phân chia của sự điên và ý chí chân lý. Trong ba hệ thống này, Foucault cho rằng hệ thống thứ ba tồn tại dai dẳng nhất, thậm chí ngày càng được củng cố mạnh hơn, trở nên sâu sắc và không thể tránh khỏi (incontournable). Ý chí chân lý này trên thực tế là một bộ máy, một cơ chế trong lịch sử hết sức hữu hiệu dành để loại trừ, trong khi chân lý trong mắt chúng ta lúc nào cũng là sự phong phú, sự dồi dào, một lực mềm mại và mang tính phổ quát.

Trên đây là các cách thức “bên ngoài” của sự kiểm soát và định giới diễn ngôn, còn có thêm một nhóm nữa, thuộc về bên trong (interne), có vai trò như là các nguyên lý về xếp loại (classification), phân hạng (ordonnancement), phân phối (distribution): thứ nhất là bình luận (commentaire) với tầm quan trọng của tác giả (auteur) với tư cách nguyên tắc tập hợp diễn ngôn, rồi bộ môn (discipline), một nguyên tắc khác về giới hạn.

Nhóm thứ ba của các cách thức cho phép kiểm soát diễn ngôn: lần này không phải là để làm chủ các quyền lực, cũng không phải là để quản lý những tình cờ, mà là định ra các điều kiện của việc đưa các diễn ngôn vào vận hành (mise en jeu des discours), ấn định cho các cá nhân giữ chúng một số lượng quy tắc nhất định và qua đó mà không phải là để cho tất cả mọi người có quyền xâm nhập chúng (tức các diễn ngôn). Nói một cách đơn giản, các vùng (région) của diễn ngôn không phải là có tính chất mở và có thể xâm nhập giống hệt như nhau; hơn thế nữa, chủ thể nói muốn xâm nhập thì phải hội tụ đủ các điều kiện, yêu cầu. [Kể giai thoại về Shogun muốn học toán].

Foucault đưa ra các nguyên tắc để làm việc với diễn ngôn, ngoài các nguyên tắc về lật ngược (renversement), đứt đoạn (discontinuité) và trước nguyên tắc tính bên ngoài (extériorité), ở nguyên tắc tính đặc thù (spécificité) có một đoạn rất quan trọng, nói lên rất nhiều về quan điểm diễn ngôn của Foucault:

“[…] không được tưởng tượng rằng thế giới quay về chúng ta một khuôn mặt có thể đọc được mà chúng ta chỉ cần làm một việc là giải mã; nó [tức thế giới] không đồng lõa với hiểu biết của chúng ta; không có một thiên khải tiền diễn ngôn nào tồn tại sẵn chờ đợi chúng ta. Cần phải quan niệm diễn ngôn như là một bạo lực mà chúng ta tạo ra lên các vật, dù thế nào thì cũng là như một hành động (pratique) mà chúng ta ấn định lên cho chúng; và chính trong hành động này mà các sự kiện của diễn ngôn tìm ra được nguyên lý tính hợp thức (régularité) của chúng.”

26 comments:

  1. bài viết hay, xin học hỏi và copy về blog của mình (tất nhiên là có ghi nguồn). xin chủ nhà cho phép nhé! (chờ đợi cho phép rồi mới copy).

    ReplyDelete
  2. thoải mái đi, mấy ai quan tâm đâu :)

    đây không phải bài viết của tôi nhé, mà là ghi chép (note) để tái hiện nội dung cuốn sách của Foucault theo một cách tóm tắt hơn

    ReplyDelete
  3. cám ơn bác nhiều, mình sẽ đăng trên blog này hoangphongtuan.wordpress.com. Có nghe nói về buổi thảo luận của bác về ông này, tiếc rằng mình ở trong Nam, không dự được. Đành chịu!
    Mình cũng có xin (xoay) được một bài chuẩn bị của bác cho buổi thảo luận đó. Đang nghiền ngẫm!

    ReplyDelete
  4. lần tới khéo tôi phải gửi vé máy bay cho các bác ở trong Nam có quan tâm, chứ như hôm trước thì cứ như là mình nói cho khoảng không nghe :)

    ReplyDelete
  5. Nhị đâu có nói với khoảng không, nhiều người đang thưởng thức, chỉ là họ không muốn lên tiếng, góp lời, hay có ý kiến. Lý do?

    - Họ sợ. Sợ gì? Nhiều thứ.
    - Nhị trình bày còn dùng "ngôn ngữ Latin", cần phải diễn Nôm, để cho người cao đến trung và lùn thấp đều có thể hiểu. Khó, nhưng nếu Nhị làm được, công cuả Nhị rất lớn.

    Ngày trước Nguyễn Bính vào tận trong Nam đọc và bình loạn thơ. Đi "kinh hành" dù chỉ để được một chữ "Không", như cách nhà văn Nguyễn Thị Hoàng nói vê đức Phật, thì cũng dễ thương, tận tâm, hơn là gởi giấy mời. ;-p

    ReplyDelete
  6. bác gió này chướng thật, tôi chỉ muốn nói hôm ấy rất ít người nghe, bác suy diễn cái của nợ gì thế?

    ReplyDelete
  7. Bác Nhị à, tôi có chướng gì đâu? Bác nổi tiếng thế, blog lúc nào cũng đầy còm, khi thuyết trình về đề tài nào cũng nghe các bạn bàn tán rôm rả, nhưng đến buổi thảo luận vê bác Fao-cau thì... im re, còn bác thì than vắng. Một đề tài hay, hay đến bức xúc như vậy mà vắng người là nghiã lý gì? Nghiã là như thế nào? Đến một cuộc thào luận mà không phát biểu thảo luận thì kỳ quá, thôi khỏi đến. Đến đó mà không hiểu, vì người thuyết trình nói mà mình không thể hiểu hoặc vì mình không đủ sức hiểu, thì cũng khổ quá, thôi đừng đi. Ngoài ra, bác nghĩ ra được lý do nào khác? Ở bên này, sau một event nào, cuộc họp, thuyết trình, chiêu đải, quảng cáo,... bao giờ người ta cũng tổng kết, rút kinh nghiệm, thu thập phản hồi, etc. về cái event đó. Tôi vưà mới đặt vài câu hỏi tìm hiểu về nó, là bác đã bảo tôi chướng. Tôi thật không hiểu nổi. Ở Việt Nam các bác làm ăn như thế nào í.

    ReplyDelete
  8. bác chẳng một bước nhảy ngay đến sợ với chả sợ là gì? lúc đầu bác đâu có hiểu tôi nói gì, bác cứ nghĩ tôi than phiền là post lên đây không ai comment chứ gì? cái đó tôi hoàn toàn không quan tâm, tôi nói chuyện khác mà bác hiểu chuyện khác rồi bác bình luận theo hướng đó một cách áp đặt, thì không phải là chướng à? hay tôi gọi là nuột cho nó hay vậy :d

    ReplyDelete
  9. Khi bác viết: "lần tới khéo tôi phải gửi vé máy bay cho các bác ở trong Nam có quan tâm, chứ như hôm trước thì cứ như là mình nói cho khoảng không nghe", Và bac cakiem viet: "Mình cũng có xin (xoay) được một bài chuẩn bị của bác cho buổi thảo luận đó." Đọc 2 câu này thì tôi nghĩ ngay là ý các bác đang nói về một cuộc hội thảo. Nếu cuộc hội thảo đã diễn ra rồi, thì cái entry này phải rôm rả nhắc lại, nhớ về nó mới có lý. Nếu đây còn chỉ là bài chuẩn bị cho hội thảo, thì nó cũng sẽ rôm rả không kém, chứ làm sao lại vắng ngắt được?
    Hề hề, Gió này có chướng cũng chướng rất có ní nuận, bác đừng có mắng tôi đấy nhé.

    ReplyDelete
  10. thì thế mới nói bác không rõ sự việc mà bàn tán, chứ tôi có mắng bác đầu hehe

    ReplyDelete
  11. Ra vậy hử? Sự việc khó hiểu quá nhỉ, tôi chịu thua.

    ReplyDelete
  12. Hi vọng ngày nào đó bác NL vào trong Nam nói một chút về ông này. :) Mình có mượn được mấy cuốn tiếng Anh của ổng nhưng chưa dám đụng vào! Vì không biết bắt đầu từ đâu. Thấy cái gì của ổng cũng khó hết.

    ReplyDelete
  13. Tình hình là rất tình hình bạn Nhị ạ. Tàu nó dịch gần hết Foucault rồi. Bạn vừa load các bản điện tử tác phẩm của Foucault (đã được dịch sang Trung văn) về máy vừa méo mặt vì hãi. Ah, có một cuốn từ điển Foucault bằng Pháp văn bản điện tử, bạn Nhị cần thì để bạn gửi.

    Bạn đố bạn Nhị bọn Tàu nó dịch cái thuật ngữ biopolitique là gì đấy?:D

    ReplyDelete
  14. Le Vocabulaire de Foucault của Judith Revel phải không :) vừa có bác gửi cho rồi

    thế là gì? có đúng "sinh chính" không, hay "mì chính" hehe

    ReplyDelete
  15. Foucault hả? Ông này thua bác Nhị, không có nghệ thuật dẫn dụ cao. hì hì ;-p

    ReplyDelete
  16. Ừ, bản đó.

    Có "sinh" thì đúng rồi nhưng là "sinh mệnh chính trị học" (chính trị học về sinh mệnh).

    Nhân tiện "desir" được dịch là "dục vọng". "institusion" được dịch thành "thể chế" (họ không dùng "thiết chế". "Thiết chế" đơn giản chỉ là sự sắp xếp, sắp đặt. "Thể chế" mới mang nghĩa "thể chế chính trị")

    Còn discours họ dịch là "luận thuật" hoặc "thoại ngữ" (họ cũng không dùng "diễn ngôn". "diễn ngôn" là không có nghĩa với họ,họ chỉ nói "diễn giảng").

    Bạn đã lập một bảng ghi chú về những thuật ngữ đã được dịch sang tiếng Tàu như thế, khi nào hoàn thiện sẽ gửi.

    Tuy nhiên, người Tàu cũng lúng túng trong việc chuyển ngữ các thuật ngữ của Foucault chẳng kém gì Việt Nam, mỗi bác dùng một kiểu, rức đầu lắm.

    ReplyDelete
  17. nhờ bác Quachhiennb post link để tải các Trung văn dịch bản của Foucault. cám ơn trước :) [nsc]

    ReplyDelete
  18. Chị Quách ơi, tại sao lại tự xưng mình là "bạn" lạ vậy. Tôi đọc, cứ lúng túng, mãi sau mới hiểu. Chị là "Người đàn bà bên cưả sổ", đó là chữ gì?

    ReplyDelete
  19. Quách nữ sĩ là cả một hiện tượng kỳ thú, các bác cứ từ từ mà khám phá :dd

    ReplyDelete
  20. Vừa "khám" lại còn "phá" nữa thì không hợp cho một nữ sĩ đâu bác Nhị.

    ReplyDelete
  21. Dạ, mấy cái link load Trung văn dịch bản của Foucault nằm ở đây ạ

    http://ishare.iask.sina.com.cn/search.php?key=%B8%A3%BF%C2&from=file&format=

    Tuy nhiên, bác phải lọc ạ. Tất cả những kết quả ở đường link trên không phải đều là Trung văn, có cả Anh văn, Pháp văn, dù tiêu đề đều đã được dịch sang Trung văn.

    Vì thế, nhà cháu dẫn ra đây đường link cụ thể của vài dịch bản Trung văn các cuốn cơ bản của Foucault:

    词与物 (Les Mots et les Choses) (Từ dữ Vật)

    http://ishare.iask.sina.com.cn/f/4486028.html

    疯癫与文明 (Phong điên dữ văn minh) (Lịch sử bệnh điên)

    http://ishare.iask.sina.com.cn/f/5155659.html

    不正常的人 (Les Anormaux)

    http://ishare.iask.sina.com.cn/f/4955762.html

    知识考古学 (L'Archéologie du savoir)(Khảo cổ học tri thức)

    http://ishare.iask.sina.com.cn/f/4895023.html?from=isametaste

    规训与惩罚+监狱的诞生 (Surveiller et punir) (Quy huấn và trừng phạt. Sự ra đời đời của giám ngục)

    http://ishare.iask.sina.com.cn/f/4947043.html

    临床医学的诞生 (Sự ra đời của y học lâm sàng) (Naissance de la clinique)

    http://ishare.iask.sina.com.cn/f/4883757.html

    Riêng "Lịch sử tính dục", Trung Quốc có 3 bản dịch.

    Bản dịch năm 1979, dịch cuốn 1.


    性史 (Lịch sử tính dục, đây là bản năm 1989, dịch quyển 1, quyển 2)

    http://ishare.iask.sina.com.cn/f/7137335.html

    Đến năm 2005, có một bản khác gọi là bản "tu đính", bản này có tên là 性经验史 "Tính kinh nghiệm sử".

    http://ishare.iask.sina.com.cn/f/5477215.html

    ReplyDelete
  22. Còn cái tựa sách này mới bảnh làm sao... "Fearless Speech"

    http://www.amazon.com/Fearless-Speech-Michel-Foucault/dp/1584350113/ref=sr_1_1?ie=UTF8&s=books&qid=1279688969&sr=8-1

    ReplyDelete
  23. Xin lỗi, sửa lại một lỗi nhỏ ở trên.

    Riêng tu đính của "Lịch sử tính dục" có 2 bản

    1 bản năm 2002

    http://ishare.iask.sina.com.cn/f/5477215.html

    1 bản năm 2005

    http://ishare.iask.sina.com.cn/f/4676666.html

    Bản đầu tiên năm 1979 thì không tìm được link.

    ReplyDelete
  24. đã quá! cám ơn Quách nữ sĩ :))) [nsc]

    ReplyDelete
  25. Kính gửi tác giả: em đang làm Nghiên cứu sinh về đề tài tính dục (diễn ngôn tính dục), em rất cảm ơn về các tài liệu này của tác giả được post lên mạng. Xin cho em thỉnh giáo: tác giả còn bài nào liên quan vấn đề này nữa không ạ? Và khi nào tác giả sẽ có các buổi nói chuyện về Foucault, diễn ngôn...Em rất muốn được tham dự để mở rộng hiểu biết ạ/

    ReplyDelete
  26. dạ, gần như là không có gì thêm đâu ạ

    nhân tiện xin cho hỏi: bạn đang làm nghiên cứu sinh ở đâu?

    ReplyDelete