Jul 4, 2011

Sách (XXXVII) Tô Hoài

Hành trình của Tô Hoài dường như là một hành trình mẫu mực của tiến lên: xuất phát từ một nhà văn "chiếu dưới", "nhóc con" (Tô Hoài hiện ra trong hồi ký Ta đã làm chi đời ta của Vũ Hoàng Chương thật là khôi hài, vớ vỉn và công tử bột, không xứng đáng ngồi chung mâm với các bậc đàn anh gió bụi phong trần), giờ đây Tô Hoài là một tượng đài. Người ta đã nói nhiều về điều này, và dù nói gì thì nói, yêu ghét có là như thế nào, Tô Hoài vẫn cứ là nhà văn của vô vàn tác phẩm, trong đó có những tác phẩm chắc chắn ngoài Tô Hoài không một ai viết nổi.

Ngoài những người như Sơn Nam, Toan Ánh (và gần đây hơn cả là Bảo Ninh), Tô Hoài thuộc "các tác giả của nhà xuất bản Trẻ". Mới đây NXB Trẻ in hai cuốn, Nhớ quêChùa giải oan. Nhớ quê gồm 11 bút ký, dưới bài đều ghi viết từ lâu lắm rồi. Tôi không thực sự rành Tô Hoài nên không biết những bài này đã in ở sách nào trước đây hay chưa, nhưng đoạn sau đây thì chắc chắn đã xuất hiện (ít nhất là đại ý) trong Chiều chiều hoặc Cát bụi chân ai:

[tác giả sống tạm một thời gian ở một ngôi nhà ven chợ Hôm, làm hàng xóm với vài trí thức trẻ thuộc đủ mọi khuynh hướng chính trị, trong bối cảnh chung là tình hình hỗn loạn và nhiều đội quân tình nguyện Nam tiến chiến đấu với Pháp]:

"Buồng bên của y sĩ Dục, mà Dục bắt người ta phải đọc đủ chữ: "Bác sĩ Dục thuộc ngành y tế Đông Dương". Nhưng không thấy Dục chữa bệnh và đi làm. Dục tuyên bố đã khám phá ra trong thuyết "bất bạo động" của thánh Găngđi có nhiều điểm hòa đồng với triết học Đệ tứ Quốc tế. "Bất bạo động" và "cách mạng thường trực" của Tờrốtky sẽ hất sạch sành sanh tất cả các nền triết học già cỗi của nhân loại. Nhiều tay hơi hướng Tờrốtky hay đến chơi, khách khứa một buồng lắm khi cũng thành khách cả nhà. Phòng của Dục ồn nhất, cứ oang oang. Một hôm, chẳng biết Mỹ nghe tin ở đâu, về bảo: "Thằng Lương Đức Thiệp vẫn đến nhà này ấy mà, nằm nhà đá rồi". Dục im lặng. Hồ Hữu Tường vào phân trần với từng buồng: "Trước tớ đệ tứ, giờ tớ là Việt Minh, Việt Minh chính hiệu". Rồi khoe: "Phái đoàn Chính phủ hội đàm với Pháp ở Đà Lạt, ở Phông-ten-bờ-lô đều phải mời quân sư cố vấn Hồ Hữu Tường, bí mật nhé. Chứ cái mặt mẹt thằng Bảo Đại thì cố vấn, cố thây cho ai." Có mấy cậu tập tễnh làm báo, xin được phép ra tờ Thống Nhất, đi tìm mưu sĩ trong đám bè bạn Dục, không biết báo này ra được số nào chưa. Nhiều người biết tên chỉ vì báo được khoe cho xem cái makét, trang bìa thi sĩ Đinh Hùng vẽ con cua một trăm cái chân tròn xoe. Rồi các cậu ấy rút trong cặp ra mấy bài bảo là đã đập bản in thử, bị kiểm duyệt gạch chéo bút chì đỏ. Lúc mọi người đọc bài báo bị bỏ, các cậu ấy vênh mặt, đảo mắt nhìn người nọ người kia, vẻ anh chị nghề báo ta đây làm báo phải ngang ngạnh thế" (Nhớ quê, "Hà Nội 1946", tr. 22-23).

Tô Hoài có vẻ cấn cái và hay úp mở về số phận Lương Đức Thiệp (vào thời điểm này còn chưa bị giết). Cách miêu tả Hồ Hữu Tường rõ ràng là không hay ho lắm. Nhưng đoán được nhân vật "Dục" là ai thì tôi thấy hơi khó. Người tên là Dục ở vào giai đoạn này, có hoạt động báo chí, trí thức, quen biết nhiều người đủ loại, hẳn là Đỗ Đức Dục (tức Trọng Đức, sau này dịch nhiều tiểu thuyết, trong đó có Vỡ mộng của Balzac, Phó tổng thư ký Đảng Dân chủ Việt Nam), hồi này là nhân vật chủ chốt của tờ Thanh Nghị. Nhưng Đỗ Đức Dục thì lại chẳng bao giờ làm thuốc cả, thế mới phiền.

Hình con cua trăm chân của Đinh Hùng thì hẳn là tôi đã nhìn thấy, nhưng không nhớ ra là nhìn thấy ở đâu.

-----------

Hai bài của Mr. Nguyễn Chí Hoan về Nếu một đêm đông có người lữ khách:

Bài 1

Bài 2

15 comments:

  1. Mình thích đọc những chuyện ngắn của ông, ông tả rất thật nó đưa tôi về một thế giới khác với hiện tại.

    ReplyDelete
  2. MÌnh rât thích đọc truyện ngắn của Tô Hoài, những chuyện ông viết thật chân thật, tôi có cảm giác như mình đa ở ngay đó chức kiến cảnh trong truyện

    ReplyDelete
  3. bâng quơ bâng quở bâng quờ

    ReplyDelete
  4. Hehe, NL buồn cười nhỉ, ông Tô Hòai còn sống ở HN sao không đến mà hỏi xem ông ấy bảo y sỹ Dục là ai.
    Tôi cũng nghĩ Dục đây là Đỗ Đức Dục ở Thanh Nghị. Dục có phải y sỹ hay bác sỹ không và tại sao không thấy làm thuốc thì có thể thế này: Dục vì bố mất sớm, được chú là Đỗ Uông- Y sỹ Đông dương (thật) nuôi cho ăn học nên cái nghề y sỹ, bác sỹ không lạ với ông ấy, có thể đóng vai qua mắt tụi Nhật cái thời khủng khiếp ấy được. Tô Hòai có thể không biết nên đi châm biếm vậy.
    NL nghiên cứu văn học sử lại chẳng biết tháng 5/1945 nhóm Thanh Nghị (TN) lập ra Tân Việt Nam Hội (TVNH) do Vũ Đình Hòe làm chủ nhiệm báo TN đồng thời làm Tổng thư ký TVNH à? Ít lâu sau, Nhật nó ngứa mắt bố ráp báo TN và TVNH tính bắt Hòe. Hòe chạy trốn, giao cho Dục (đang là thư ký tòa sọan TN) phụ trách hộ tờ báo. Bọn Nhật chỉ bắt được em ruột Hòe (là Vũ Đăng Hoanh-cũng làm cho TN), tra tấn dã man luôn. Dục cũng bị Nhật lùng bắt vì đi lại với nhóm sinh viên cảm tình với Việt Minh. Vậy nên cả Báo, cả Hội phải tạm ngừng họat động một thời gian. Có thể là thời gian này Dục phải nằm im với cái vỏ y sỹ hay bác sỹ Đông dương mà không làm thuốc gì.
    LVS

    ReplyDelete
  5. ông ấy già rồi, để ông ấy nghỉ ngơi chứ nay đến hỏi mai đến hỏi làm gì :p

    ReplyDelete
  6. Cũng ngại thật, ông cụ già yếu lắm rồi. Cả đời viết văn kiếm sống, lại nhảy nhót né đòn rồi viết được hay và nhiều, lại sống thọ. Cái tật mai mỉa khinh bạc có từ trẻ mà Vũ Ngọc Phan nhắc mhở vẫn không bỏ được, hề hề.

    Hồi ký nào chả vậy, khiêu vũ với trí nhớ và văn sử bất phân. Nhưng chính vì vậy mà những người còn trẻ quan tâm văn học sử phải họat động mạnh, nhiều khi mang tiếng ác cũng đành, kẻo rồi ra nhiều thứ mai một đi mất cả.

    Chúc NL khỏe vui nhé.
    S.

    ReplyDelete
  7. mang tiếng thì tôi chẳng sợ mấy, có cái câu gì nói thấy đúng thì làm thôi :p

    nhưng gặp trực tiếp cũng chỉ là một phương pháp, vấn đề ở đây là vì tôi không đọc nhiều Tô Hoài nên chưa liên kết, móc xích lại các chi tiết với nhau, chứ nếu đọc sâu vào thì mấy chi tiết lẻ tẻ này chắc chắn giải quyết được ngay, đây là tôi đọc vì tò mò thấy NXB Trẻ in hai quyển mới, muốn biết xem như thế nào

    có nhiều nghiên cứu (thật ra tôi đã dịch khá nhiều loại này) chứng minh Việt Minh giai đoạn này dựa vào nhóm Thanh Nghị (và vệ tinh của nó) đến mức nào, rồi sự thất thế của các trí thức nhóm này trong thời kháng chiến ở cuộc bút chiến về luật giữa phe Vũ Đình Hòe, Vũ gì tự dưng quên mất tên người Hải Phòng, tạm gọi là phe "quốc gia" và phe Quang Đạm do Trường Chinh hậu thuẫn

    kết quả thế nào thì các bác cũng đã biết ;p

    ReplyDelete
  8. Vũ gì tự dưng quên mất tên người Hải Phòng...

    Chắc là ông này?

    Ông Vũ gì Khánh trước là thị trưởng Hải Phòng, sau là bộ trưởng Tư pháp, tự dưng quên mất tên đệm.

    ReplyDelete
  9. a đúng bác ạ, tên là Khánh

    nhưng tôi cũng không thể nhớ ra cái tên lót

    ReplyDelete
  10. a nhớ ra rồi, Vũ Trọng Khánh

    ReplyDelete
  11. bác Nhị có biết gì về thời kỳ Đỗ Đức Dục bị thất sủng , cách chức về công tác ở viện Văn không ? Không biết bác Nhị đã đọc những bài phê bình điện ảnh của Đỗ Đức Dục trên báo Điện ảnh , tồn tại từ năm 56 đến năm 63 thì chấm dứt (?)chưa ?

    ReplyDelete
  12. tất nhiên là có biết giai đoạn đó chứ, ĐĐD làm đến viện phó; các bài về điện ảnh thì chưa thấy bao giờ, nhưng có một quyển sách tập hợp bài viết của ông ấy đấy

    ReplyDelete
  13. ha ha , thú vị rồi đây . Vậy còn những bài điểm phim Số phận con người , Bài ca người lính , ... cả lý luận về kịch bản điện ảnh của Nguyễn Tuân , Tô Hoài , Kim Lân ( và một số người khác nữa ) bác đã thấy ở đâu chưa ?

    ReplyDelete
  14. chưa thấy đâu, nhưng quyển sách kia chắc tìm được ở thư viện dễ thôi

    ReplyDelete
  15. Em chưa lên thư viện nhưng vừa check qua CSDL trên mạng thấy không có , :))

    ReplyDelete