Jul 21, 2011

Sống ở trại tế bần

Là chuyên gia về cấu trúc luận, tác giả của bộ Lịch sử cấu trúc luận (hai tập) in đầu những năm 90, François Dosse dần chuyển hướng quan tâm sang tiểu sử, với hai cuốn sách in gần đây: Pierre Nora. Homo historicusMón cược tiểu sử. Viết lại một cuộc đời. Trong bài viết dưới đây (đăng trên tạp chí Magazine Littéraire, số tháng Tư năm 2011), ông nhìn lại thể loại tiểu sử, điểm qua những mốc chính trong lịch sử của nó và bình luận một số sự kiện gần đây, cả trong lĩnh vực văn học và triết học.

Năm 1935, triết gia Bergson để lại những lời chỉ dẫn liên quan tới tiểu sử của ông: “Không cần thiết phải nhắc đến gia đình tôi: cái đó không quan hệ với ai hết. Hãy nói tôi sinh ở Paris, phố Lamartine. Nếu cần thì hãy nói tôi không cần phải được nhập quốc tịch, như người ta cứ cố tình bảo… Hãy luôn luôn nhấn mạnh rằng lúc nào tôi cũng yêu cầu người ta đừng để tâm đến cuộc đời tôi, mà hãy chỉ quan tâm đến các công trình của tôi. Lúc nào tôi cũng bảo vệ ý tưởng rằng đời một triết gia không chiếu một tia sáng nào vào học thuyết của ông ta, và không liên quan đến công chúng. Tôi ghê tởm sự phơi bày ấy, ở những gì liên quan đến tôi, và tôi sẽ mãi mãi nuổi tiếc vì đã cho in các công trình, nếu việc xuất bản đó kéo theo sự phơi bày này.” Khó mà cương quyết hơn trong sự vứt bỏ triệt để thể loại tiểu sử. Sự gay gắt này được chia sẻ khá rộng rãi ở các triết gia. Heidegger mở đầu bài giảng về Aristote của ông vào năm 1924 như sau: “Mọi điều đáng kể trong nhân cách một triết gia là biết được ông ta sinh vào thời điểm nào, rằng ông ta đã làm việc và đã chết.” Đọc sự phán quyết đầy cao ngạo dành cho tiểu sử ấy, ta kinh ngạc trước sự đối nghịch của nó với hiện tình xuất bản ở trong lĩnh vực này.

Một thể loại không thuần khiết và bị hạ giá

Tính cách pha trộn của thể loại tiểu sử, việc khó xếp nó vào một bộ môn nghiêm túc nào đó, sự giằng co giữa các ý đồ mâu thuẫn nhau như thiên hướng tiểu thuyết, mối quan tâm đến kiến thức, nội dung của một lời phán bảo đạo đức về tính chất khuôn mẫu, làm cho nó trở thành một tiểu thể loại từ lâu nay gây ra những điều sỉ nhục và phải gánh chịu sự thiếu hụt về suy tư. Bị giới bác học trường đại học khinh rẻ nhưng thể loại tiểu sử lại có một thành công trong công chúng, một thành công chưa từng bao giờ phai nhạt, chứng tỏ nó đáp ứng một mong muốn, và không bị những mốt mới tác động tới. Hẳn nhiên tiểu sử cung cấp cho độc giả cái ảo tưởng có được một sự xâm nhập trực tiếp vào quá khứ, và với tư cách ấy có quyền năng đem ướm bản thân độc giả vào với nhân vật được viết tiểu sử. Thêm nữa, ấn tượng về sự tổng thể một người khác, cho dù có nhiều tính chất ảo tưởng đến đâu, đáp ứng mối quan tâm thường hằng về xây dựng cái tôi trong sự cọ xát với cái khác.

Là thể loại không thuần nhất, con hoang, không thuộc về văn chương cũng không có sự nghiêm ngặt của các môn khoa học nhân văn, tiểu sử đã bị chìm khuất trước cái nhìn của cái vẫn được coi như là một tri thức bác học suốt trong thế kỷ XIX và gần như toàn bộ thế kỷ XX. Một sự khinh rẻ dai dẳng đã kết án thể loại này, cái thể loại hẳn là quá gắn chặt với phần thuộc về cảm xúc và với sự nhấn mạnh quá đà vào sự chủ quan. Một bức tường từ lâu nay đã được dựng lên ngăn tiểu sử khỏi lịch sử, nó bị coi như là yếu tố ký sinh có thể làm khuấy động các mục đích của tính chất khoa học. Thể loại này đã bị buông hay đúng hơn là bị bỏ rơi cho những người mà người ta có thể gọi là “lính đánh thuê” của tiểu sử, với thành công trong công chúng cũng lớn tương đương với niềm khinh bỉ mà nó phải gánh chịu khi trở thành đối tượng của cộng đồng học giả. Đó là các tập sách trong bộ “Giấc mơ dài nhất lịch sử” của Jacques Benoist-Méchin, những vị quân vương vĩ đại của nước Nga được Henri Troyat kể lại, vô số tiểu sử viết bởi bàn tay André Castelot và Alain Decaux, bởi Pierre Gaxotte, bởi Jacques Chastenet, bởi Georges Bordonove và rất nhiều người khác nữa. Các yếu tố làm nên những thành công này thì ai cũng biết: một ít máu đổ, rất nhiều tình dục, các bí mật phòng the, những chuyện tình ái lằng nhằng và các tranh chấp ảnh hưởng, những giai thoại đủ mọi kiểu, với điều kiện là chúng được viết ra theo lối thật hoạt kê.

Ngày nay ta có thể nói tới một hành động rút đập ngăn nước thực thụ, đã bắt đầu từ giữa những năm 1980, và tới một cuộc biến chuyển bối cảnh vào năm 1985. Trong riêng năm ấy, 200 tiểu sử mới được ấn hành bởi 50 nhà xuất bản, và sự lạc quan của các ông chủ xuất bản là rất dễ nhận thấy trong lĩnh vực này, trong khi bầu không khí chung rất ảm đạm. Phong trào không ngừng được mở rộng, và Hiệp hội Các Hiệu sách ghi nhận 611 tiểu sử vào năm 1996, 1.043 cuốn vào năm 1999, chưa tính đến vô số tự truyện, hồi ký và lời tự thú. Ngay khi bức tường sụp xuống, ta liền được dự vào một sự bùng nổ tiểu sử thực thụ, nó chiếm lĩnh các tác giả cũng như công chúng trong một cơn sốt tập thể kéo dài mãi cho đến tận bây giờ. Thể loại này không chỉ chạm tới những người hành động, mà càng lúc càng có thêm các nhà văn, đến lượt mình đã trở thành đối tượng cho sự tò mò và cho công việc của nhà viết tiểu sử. Tuy nhiên, nếu nhìn thật rõ những gì nhà tiểu sử có thể mang lại khi đóng vai sử gia mà làm sống lại một “vĩ nhân” trong quá khứ được biết đến vì những hành động của mình, người ta có thể tự hỏi nhà tiểu sử có thể giữ lại gì từ một triết gia, một nhà văn, một nhà điện ảnh hoặc mọi kiểu người sáng tạo khác, những gì đã có ở trong tác phẩm của họ? Theo đúng định nghĩa con người suy tư cần được đọc qua những gì anh ta đã xuất bản chứ không phải trong những gì nằm ở bên riềm.

Các tiểu sử ngày nay đã bước ra khỏi cái hang và tự nuôi dưỡng bằng những thành tựu của lịch sử theo lối bác học cũng như tổng thể các khoa học nhân văn. Thậm chí chúng còn trở thành nguồn cho các đổi mới. Ngày nay thể loại tiểu sử, hơn bao giờ hết, hiện lên như một khu vực đầy ưu tiên thậm chí còn được cả các nhà văn tham gia.

Từ năm 2005, nhiều tiểu thuyết gia, và cả những tiểu thuyết gia xuất sắc nhất, bắt đầu say mê với thể loại này. Chẳng hạn như trường hợp của Yannick Haenel, kể lại theo cách của mình, ở hình thức hư cấu, cuộc đời Jan Karski, một trong những chứng nhân chính yếu của bộ phim Shoah của Claude Lanzmann. Gilles Leroy thì tiến hành việc kể lại cuộc đời người vợ của Francis Scott Fitzgerald, Zelda, trong Alabama Song [đã có bản dịch tiếng Việt], và Jean Echenoz đã không hề vi phạm gì các đòi hỏi văn chương khắt khe của riêng ông khi làm sống lại ba cuộc đời cho độc giả của mình. Ông vừa hoàn thành một bộ ba tác phẩm trong đó ông lần lượt đến viếng thăm lại những ngày cuối đời của Ravel (NXB Minuit, 2006), hành trình của Emil Zátopek (Chạy, NXB Minuit, 2008) và hành trình của một kỹ sư đặc biệt sáng tạo, Nikola Tesla, người đã cách mạng hóa hệ thống phân phối điện trong cuộc biến chuyển công nghiệp lớn đầu tiên (Những tia chớp, NXB Minuit, 2010).

Những nan đề của công việc

Giải Nobel văn chương năm 2003, nhà văn Nam Phi J. M. Coetzee, vừa cho xuất bản vào mùa thu năm ngoái, 2010, tập thứ ba trong bộ sách tự thuật hư cấu của mình: nhà văn tưởng tượng rằng sau khi ông mất đi, một học giả người Anh sẽ viết tiểu sử ông (Summertime [nguyên bản tiếng Anh in năm 2009, bản dịch tiếng Pháp in năm 2010]). Bằng việc tiến hành cuộc điều tra ở chỗ những người thân cận nhất với Coetzee, nhà tiểu sử-người kể chuyện dựng nên từ tác giả một hình ảnh không khoan nhượng, hình ảnh một cá nhân tầm thường, xa lạ, cứng nhắc, không có khả năng về hiểu biết người khác. Năm 2002 Coetzee đã tuyên bố rằng “mọi tự thuật đều là tha thuật” [ở đây Coetzee chơi chữ, sử dụng từ “auto-biography” và “autre-biography”]. Kể từ này người ta đã thống nhất rằng sự phóng chiếu của nhà tiểu sử vào sự viết của mình đã lớn đến mức các đường ranh giới chỉ còn có thể là rỗng giữa tiểu sử và tự thuật, cũng giống như mối quan hệ giữa các sự kiện thật và hư cấu ngay từ thời điểm các khả thể, các phiên bản được nhân lên nhiều lần. Về phần mình, Éric Chevillard trong cuốn tiểu thuyết mới nhất đã xây dựng một nhân vật nhà tiểu sử, Albert Moindre, lần lại dấu vết nhân vật của anh ta, Dino Egger, người hẳn đã có khả năng làm thay đổi bộ mặt thế giới, chỉ bởi ông ta chưa bao giờ tồn tại. Chevillard thực hiện một miêu tả rất hài hước về cuộc điều tra do nhà tiểu sử tiến hành, cái không hề đồng nghĩa với việc tìm ra dấu vết nào dù là nhỏ nhất của nhân vật chính bởi ở đây con người vĩ đại chỉ đáng giá là bởi ông ta chưa bao giờ mang bộ mặt con người, bởi nếu không ông ta sẽ chỉ còn lại số phận chung nhất của những kẻ phàm tục (Dino Egger, Éric Chevillard, NXB Minuit, 2011).

Nîmes tổ chức Xa lông về tiểu sử từ năm 1999, kể từ đó đã được chuyển thành Festival về tiểu sử. Về phần mình, tờ tạp chí Le Point vào năm 2006 đã bắt đầu trao giải thưởng cho tiểu sử. Ta cũng nên ghi nhận, trong số nhiều biểu hiện khác của cơn say sưa này, việc hình thành một tủ sách mới ở NXB Au Diable Vauvert vào năm 2010, mang tên “Ở tuổi 20” [À 20 ans], dành cho chân dung các nhà văn vào thời điểm họ bước ra khỏi tuổi thơ ấu để trở thành những người trưởng thành. Một cuộc điều tra về những người danh tiếng được viết tiểu sử nhiều nhất từ 2000 đến 2009 xác nhận cơn say sưa này vẫn rất nồng nhiệt đối với các nhân vật anh hùng. Ở đây ta tìm thấy, theo thứ tự giảm dần, một sự pha trộn những giá trị khá nhiều âm vang. Ta thử xem: Napoléon, nhân vật được viết tiểu sử nhiều nhất, tiếp theo sau là Sartre, de Gaulle, Louis XIV, Catherine de Médicis, Michael Jackson, Jean-Paul II, Freud, Mitterand và Jesus.

Tiểu sử có thể là một món khai vị được ưu tiên trong việc tái thiết lập một thời kỳ, với những giấc mơ và nỗi hoang mang của nó. Walter Benjamin từng hình dung sử gia như là người có trách nhiệm phải thực thi một cuộc giải cấu trúc đối với tính liên tục để thấy rõ được ở đó một cuộc đời cá nhân, nhằm “cho thấy bằng cách nào mà toàn bộ cuộc đời của một cá nhân nằm trọn vẹn ở một trong các tác phẩm của anh ta, một trong các hành động của anh ta [và] làm thế nào mà trong cuộc đời ấy cũng chứa đựng toàn bộ một thời kỳ”. Vào thế kỷ XIX, Wilhelm Dilthey không nói gì khác, khi coi tiểu sử như là phương tiện được ưu tiên để xâm nhập cái phổ quát: “Lịch sử phổ quát là tiểu sử, gần như ta còn có thể nói là tự thuật của nhân loại”.

Là diễn ngôn đạo đức về việc rèn luyện các đức hạnh, theo thời gian tiểu sử đã trở thành một diễn ngôn về tính chân xác, chuyển về một ý hướng tìm về sự đúng đắn từ phía nhà tiểu sử, nhưng vẫn luôn luôn còn lại xung đột giữa ham muốn sự thật này và một tự sự cần phải ngả sang hướng hư cấu, và là cái đặt tiểu sử vào một khoảng không gian lửng lơ, một sự giao cắt giữa hư cấu và hiện thực lịch sử, trong một hư cấu thực. Jorge Luis Borges đã diễn đạt rất rõ xung đột này trong truyện “Tiểu sử Tadeo Isidoro Cruz (1829-1874)” của ông. Bằng cách làm một việc trái khoáy so với truyện truyền thống thường dẫn dắt những tiếng khóc đầu đời cho tới những tiếng nấc hấp hối cuối cùng, Borges tập trung truyện tiểu sử của ông vào một đêm duy nhất và chỉ gợi lại những sự kiện trước đó nhằm làm sáng tỏ hơn những gì thiết yếu cho việc hiểu cái đêm ấy, khi Cruz, nhân vật chính, đột nhiên hết sức sáng suốt về bản thân mình, khám phá khuôn mặt ông ta khi rốt cuộc cũng nghe thấy tên của chính mình vang lên.

Công việc của nhà tiểu sử thường xuyên được đồng hóa với một công việc nặng nhọc của tín đồ Benedict, vì phải cống hiến cuộc đời chính mình nhằm soi rọi đời một người khác, với cái giá là những món hiến tế chuyển hóa lựa chọn của anh ta thành thiên chức. Nhà tiểu sử biết rằng mình sẽ không bao giờ kết thúc cho nổi, dù cho có khai quật được đến bao nhiêu nguồn tin. Những ngả đường mới mở ra trước anh ta, nơi anh ta gặp phải nguy cơ bị sa lầy ở mỗi bước đi. Anh ta phải chịu thua sự bó buộc của tính chất kiệt cùng nếu không muốn công việc dài dặc của mình bị nhấn chìm trong những lời chứng mới và những phát hiện mới về mặt tài liệu. Tuy nhiên sự toàn thể hóa này lại thuộc vào hàng huyễn tưởng, bởi vấn đề không phải là có thể khai thác hết chủ thể của mình, mà chỉ là có nguy cơ về một sự kiệt sức của người chạy đua đường dài.

Người ta có thói quen phân biệt các tiểu sử theo kiểu Pháp, ít tham vọng hơn ở mặt thông tin tiểu sử, nhưng gần gũi hơn với hư cấu thống qua mối lo âu của chúng dành cho viết văn; chúng muốn đẹp đẽ hơn và đảm trách lấy một định kiến, một cách nhìn một phần và thiên vị đối với nhân vật được viết tiểu sử. Ngược lại, tiểu sử theo kiểu anglo-saxon tương hợp hơn nhiều với một mối lo âu gần như là ám ảnh trong việc dõi theo, ngày qua ngày, chủ thể được viết tiểu sử ở từng góc nhỏ nhất, mà không sắp đặt thứ bậc về tầm quan trọng. Ta có một ví dụ rất tuyệt trong thời sự của năm nay với việc ấn hành tiểu sử Alfred Hitchcock do Patrick McGilligan viết (NXB Actes Sud). Là một công trình to lớn, cuốn tiểu sử này đả động tới từng chi tiết nhỏ nhặt nhất trong đời nhà điện ảnh, khai quật những văn bản đã chìm khuất, như một loạt truyện ngắn viết ở tuổi 20 nơi thứ hài hước đen của Hitchcock đã lộ rõ. Patrick McGilligan mang tới một cái nhìn hoàn toàn trái ngược với cái nhìn của Donald Spoto, người, vào năm 1982, hai năm sau khi nhà điện ảnh qua đời, đã biến ông trở thành một kẻ dối trá, một nghệ sĩ bạo chúa và đầy ẩn ức tính dục, dùng thân hình ngoại cỡ huyền thoại của mình đè bẹp những cô diễn viên tóc vàng xinh đẹp nhất của Hollywood. Ngược lại, Patrick McGilligan, thông qua một sự khổ hạnh của tài liệu lưu trữ sử dụng đến kiệt cùng, tái tạo cho chúng ta khoái lạc nhìn trộm mà nhà điện ảnh dùng để bù đắp cho chứng bất lực tình dục của mình và soi rọi mỗi bộ phim bằng bối cảnh trí thức và kỹ thuật của việc thực hiện. Người ta biết được rằng, ngoài rất nhiều điều khác, máu chảy trong phòng tắm của bộ phim Psycho thật ra là sô cô la lỏng… Thế nhưng, trong câu chuyện viết theo chiều thời gian theo lối rất cổ điển, người ta không thể tìm được tiếng vọng của những gì đã biến Hitchcock trở thành một hiện tượng gần như triết học ở Pháp, André Bazin, và cùng với ông là tạp chí Les Cahiers du cinéma. Vấn đề biết được liệu thứ điện ảnh đó có là hiện thân cho sự cứu rỗi xung quanh vấn đề tội lỗi, tình yêu và sự thú nhận dường như nằm bên ngoài cái diễn tiến cuộc đời hết sức cụ thể này, nơi nhà điện ảnh vào vai giống như một người đi dây giữa những cái bóng và ánh sáng, cả trong cuộc đời riêng lẫn trong đời các nhân vật trên màn hình của ông.

Chống Sainte-Beuve?

Lịch sử văn chương cổ điển, bị rúng động mạnh mẽ bởi thời điểm cấu trúc luận, truyền lại di sản văn chương chủ yếu thông qua mối liên hệ giữa cuộc đời và tác phẩm của nhà văn. Thường xuyên nhất, tác phẩm được suy diễn từ những trắc trở trong cuộc đời. Tiểu sử các nhà văn nằm ở chính tâm điểm của tính chất có thể tri nhận của văn chương, bởi hiểu biết về cuộc đời được cho là cho phép độc giả hiểu tác phẩm và nhìn ra được những bí mật của nó. Trong sự khai tâm văn chương Pháp suốt thế kỷ XX, bộ sách giáo khoa lừng danh của Lagarde và Michard đã đóng vai trò mà bộ sách của Lavisse từng đóng trong thế kỷ XIX. Người ta trình bày cuộc đời tác giả, hoặc người ta giới thiệu con người, tính cách anh ta, rồi dành một mục để định nghĩa các thiên tài. Vào thế kỷ XIX, quan niệm này đã thống trị không có cạnh tranh. Khi ấy thể loại tiểu sử trộn lẫn với tác phẩm, tới mức người ta có thể nói tới “vieuvre” [từ kết hợp của “vie” và “oeuvre”, nghĩa là “cuộc đời” và “tác phẩm”] khi mà câu chuyện cuộc đời được trình bày như là lời giải thích cho tác phẩm. Mẫu hình ngự trị toàn bộ cái lịch sử văn học ấy về cốt yếu được truyền cảm hứng từ các chân dung văn học của Sainte-Beuve, người đã biến câu chuyện cuộc đời trở thành điều cốt tử của công việc nhà phê bình văn học. Phòng trưng bày chân dung của Sainte-Beuve tìm cách vinh danh các nam nữ anh hùng nhằm làm người ta chia sẻ các phẩm chất đạo đức của họ. Bức chân dung có được từ đó đảm bảo cho tính chất thuần nhất, hướng lối cho diễn giải và khẳng định mang lại những chìa khóa chính yếu cho sự đọc. Bức chân dung tâm lý này định trật tự cho hành trình cần thực hiện với mục đích khám phá tác phẩm. Tuy nhiên, những hình nhân bằng sáp cố định ấy phải nhúc nhích để tồn tại được, và lúc đó chân dung được chuyển hóa thành hình ảnh-chuyển động trong một cuốn tiểu thuyết mang tính chất tiểu sử nấn ná lại ở một số đoạn nhiều ý nghĩa. Tiểu sử hiện ra như sự trình bày của những con đường dẫn tới thành tựu theo một mục đích luận biến nhà văn thành một cá nhân ngay từ trong nôi đã sở hữu mọi phẩm chất cần thiết để trở thành một người sáng tạo xuất chúng. Điều này minh họa cái mà Pierre Bourdieu đã tố cáo như là “ảo tưởng tiểu sử”, mà ông cho là gắn liền theo lối nội sinh với thể loại và trục xuất nó mãi mãi khỏi trường của hiểu biết đúng đắn.

Cách nhìn của các nhà tiểu sử ngày nay hoàn toàn khác. Tiểu sử André Gide mà Frank Lestringant vừa cho xuất bản (NXB Flammarion) cho thấy rằng thứ quy giản chủ nghĩa và ảo tưởng của nhà tiểu sử không phải những lời nguyền không thể tránh khỏi đè nặng lên thể loại này. Là chuyên gia lớn về thế kỷ XVI, Frank Lestringant hướng tới việc làm sống lại khoảnh đất trồng nơi tác phẩm của Gide đã ra đời. Chắc chắn, nhà hiện đại chủ nghĩa tự biến mình thành nhà tiểu sử có xu hướng phóng chiếu lên nhà văn thế kỷ XX một tinh thần theo thuyết Calvin hơi có chút lệch thời, mặc dù việc Gide xuất thân từ một môi trường tin lành đã được chứng nhận. Cùng lúc, nhà tiểu sử tìm cách tránh sự dễ dãi trong việc giải thích tình dục đồng giới bằng sự nghiêm khắc và khắt khe của mẹ ông. Frank Lestringant chú tâm vào sự xung đột đã làm nhân vật chính của ông đau xót, giữa sự đòi hỏi tính chất đặc biệt của ông, sự đòi hỏi trở thành một người đồng tính, và thiên hướng của ông trong việc tạo ra một diễn ngôn nhân văn phổ quát. Phúc Âm theo Gide, với Frank Lestringant, tên là Corydon, với nó, vào năm 1911, khi ủng hộ quan hệ đồng giới trong một trận chiến chống lại những người ưa suy nghĩ đúng đắn, ông đã đối nghịch lại họ bằng các giá trị của thời Cổ đại rực rỡ, giá trị tình yêu của một Socrate đang già đi dành cho chàng Alcibiade trẻ tuổi. Quá trình lý thuyết hóa của Gide theo đó các giai đoạn vĩ đại của sáng tạo như Athènes vào thế kỷ V tr.CN hay Florence vào thế kỷ XV đều đi kèm với thói loạn dâm ở nam giới dĩ nhiên hội tụ với khao khát cá nhân của Gide là được sống thứ tình dục đồng giới của mình giữa thanh thiên bạch nhật.

Trong số những đổi mới của ngành xuất bản gần đây, có một đổi mới triệt để, chứng nhận rằng thể loại tiểu sử đã trở thành một địa hạt cho những thử nghiệm về viết: đó là tủ sách “Một và Khác” [L’Un et l’Autre] được lập ra và điều hành bởi nhà tâm phân học Jean-Bertrand Pontalis ở Gallimard. Tủ sách này, đúng như cái tên của nó, để cho tác giả nói tới một nhân vật quan trọng với anh ta. Một cách làm như vậy nhờ rất nhiều tới năng lực tâm phân học của Pontalis, vì mối liên hệ giữa một và khác không phải không có tương đồng với mối liên hệ phân tích, nhất là khi người khác không chỉ là một người khác được xác định như một người, mà còn có thể là người khác với tư cách vô thức, kẻ lạ gần gũi sống ở vùng nội tâm của tác giả. Động thái tiểu sử ở đây là động thái kép: nó tương hợp với một hư cấu mà nhà tiểu sử tạo ra về một người khác; và nó lại là bức chân dung tự họa của một nhà tiểu sử bị biến đổi đi bởi sự gặp gỡ với người khác. Khi ấy chủ thể tự tạo thành mình bởi cái viết theo một đường lối hư cấu. Mỗi tác phẩm trong đó, ngày nay tổng số đã có hơn sáu mươi, được đi kèm với lời giới thiệu tủ sách do Pontalis viết: “Những cuộc đời, nhưng là như ký ức sáng tạo ra, mà trí tưởng tượng của chúng ta tái tạo, mà một niềm đam mê làm sống động. Những truyện mang tính chất chủ quan, cách xa hàng nghìn dặm với tiểu sử theo truyền thống. Một và khác: tác giả và nhân vật chính bí mật của mình, họa sĩ và người mẫu của mình. Giữa họ, một đường dây liên hệ thân thiết và mạnh mẽ. Giữa chân dung một người khác và chân dung tự họa, phải đặt ranh giới ở đâu? Những một và những khác: cả những người, một cách chói lọi, chiếm lấy phía trước sàn diễn lẫn những người chỉ tồn tại trên sàn diễn nội tâm của chúng ta, những người hoặc những nơi chốn, những khuôn mặt bị lãng quên, những cái tên bị xóa nhòa, những bức chân dung nhìn nghiêng đã mất đi.”

Cuộc đời của sự suy tư

Mối quan tâm đối với cuộc đời các nhà tư tưởng không có gì mới vì Diogène Laërce đã bắt đầu phần viết về cuộc đời Zénon như thế này: “Người ta nói ông rất thích ăn sung, cả tươi lẫn khô”. Câu văn này có vẻ rất kỳ quặc trong một sự tò mò mang tính chất triết học, thế nhưng câu chuyện của Diogène đã mang tới cho chúng ta chìa khóa cho thấy sự tương hợp giữa sở thích của Zénon đối với các loại đồ ăn sống và thanh đạm và học thuyết khắc kỷ theo đó nhà hiền triết không được tự thỏa mãn mình quá nhiều. Laërce cố tình để cho tồn tại song song chất liệu tiểu sử bên cạnh các thông tin về nội dung tác phẩm triết học. Trong câu chuyện của mình, ông dần đưa vào những gì người ta có thể biết về những lời nói đùa, thái độ của các triết gia, cái làm nhẹ nhõm và sống động cho học thuyết của họ.

Hội Triết học Pháp đã tổ chức một cuộc tranh luận vào tháng Mười một năm 2000 xung quanh chủ đề: “Tiểu sử các triết gia”. Nhân dịp này, Jacques D’Hondt ghi nhận có rất ít trường hợp triết gia trở thành đề tài cho thể loại tiểu sử, trong khi mọi nghề khác đều được hưởng những cuộc điều tra rất thành công về cuộc đời những người đại diện xuất chúng nhất của mình: “Tại sao cuộc đời các triết gia lại ít gây quan tâm hơn cuộc đời những con người khác?” Thông thường, lý do được nêu lên là các triết gia lớn tự biểu hiện mình thông qua tác phẩm, qua suy tư của họ, đứng cách xa cuộc đời chung của người phàm tục, tách biệt với thế giới bình thường, cái thế giới tích cực và cố kết: “Triết học về bản chất là phản tiểu sử”. Jacques D’Hondt không có cùng quan điểm ấy. Ông nhắc lại rằng nhiều triết gia đã đổ máu để bảo vệ những niềm tin của mình và nhiều người đã có những trải nghiệm rất đáng chú ý: “Platon bị bắt làm con tin; Empédocle nhảy xuống miệng núi lửa Etna; Sénèque, khi bị đi đày xa, đã cẩn thận rạch các mạch máu của mình; đao phủ giật cái lưỡi báng bổ của Vanini trước khi thiêu sống ông; Bruno cũng lên giàn thiêu…” Từ phía mình, Jean-Marie Beyssade phân biệt ba lý do khác nhau cho việc viết tiểu sử các triết gia. Mối quan tâm thứ nhất là đáp ứng nhu cầu hiểu hơn tác phẩm của triết gia thông qua cuộc đời ông ta. Mối quan tâm thứ hai là để đánh giá tác phẩm một cách đúng đắn hơn nhờ vào một cách đọc nhiều hoài nghi tìm cách định vị những chênh lệch giữa những gì được phát ngôn và những gì được trải nghiệm. Cuối cùng, còn có chức năng thứ ba của tiểu sử các triết gia: “để khỏi phải đọc. Các tiểu sử không phải lúc nào cũng được viết ra cho các chuyên gia, để giúp họ hiểu rõ hơn hay để đánh giá đúng đắn hơn. Một số còn mang chức năng của một vật thay thế”.

Vào cuối thế kỷ XX bi kịch, cái thế kỷ đã dẫn nhiều ý hệ đến một số phận bi đát, một nhu cầu cấp thiết xuất hiện: tìm lại tính thống nhất đã bị phá hỏng giữa suy tư và tồn tại, tính thống nhất của câu hỏi kép bị tách rời quá lâu giữa “Tồn tại là gì?” và “Suy tư là gì?” Sự truy tầm tiếp theo đó có mục đích tái truy vấn những gì đã có thể tạo nên một sự thống nhất hoặc các chênh lệch giữa một suy tư về cuộc đời và một cuộc đời dành trọn cho suy tư. Sự truy tầm tính chân xác ngầm ẩn xuất hiện từ “sự giao kết” này nuôi dưỡng nhu cầu về một bước ngoặt về tiểu sử dùng để tra vấn theo cách khác những hành trình trí tuệ bằng cách suy tư cùng lúc cả kích thước lý trí và kích thước tồn tại, hai thứ đã chứng nhận sự hiện diện trong thế kỷ của mình.

Tồn tại và suy tư cần được nắm bắt lại cùng nhau trong những giao cắt của chúng, trong một lối tiếp cận không thiên về cả nội tâm lẫn bên ngoài, mà đặt ưu tiên cho cái mà các nhà tâm phân học gọi là sự chú ý bồng bềnh dành cho chủ thể được viết tiểu sử, để bắc cầu giữa hai thái cực này. Đó là trường hợp của việc ấn hành vào mùa thu vừa rồi bộ tiểu sử đầu tiên về Jacques Derrida (NXB Flammarion), một sự kiện tự thân, bởi nhân vật vĩ đại đã quá cố này là người viết rất nhiều. Món cược tiểu sử này rất có nguy cơ bị sa lầy trong một chất liệu trí thức quá dày đặc. Điều kỳ diệu nho nhỏ của cuốn tiểu sử này là nó đã tránh được cái bẫy ấy. Tự đặt mình ở cách xa tác phẩm của Derrida, Benoît Peeters chăm chú tái tạo cái môi trường trí tuệ đã chứng kiến sự xuất hiện của suy tư độc đáo này, tái lập lộ trình của ông, những nơi chốn và giới giao tiếp của ông, khai quật cả một thư khố và gặp gỡ càng nhiều nhân chứng càng tốt. Từ đó mà hiện ra, không phải một gương mặt anh hùng và cao ngạo, mà là một con người đặc biệt hay sợ hãi, dặt vặt, mang dấu ấn một tuổi thơ của một thằng bé Alger bị đuổi khỏi trường vì là người Do Thái, ở tuổi lên 10. Nhà tiểu sử nhấn mạnh vào một nỗi lo lắng hiện sinh không phải là không có liên hệ với chương trình triết học rất nổi tiếng của ông, nghĩa là giải cấu trúc. Tránh khỏi thứ quy giản chủ nghĩa, Benoît Peeters không hề thực hiện một chẩn đoán lâm sàng để giải thích cho rất nhiều cơn trầm uất của Derrida; chỉ đơn giản là ông đặt ra sự liên kết giữa các yếu tố phi thuần nhất của tác phẩm và cuộc đời có được ý nghĩa trong cuộc truy tầm các động thái triết học nền tảng của chủ thể tiểu sử của ông. Bởi vậy, Derrida sẽ không ngừng nhắc người ta cẩn thận với nghĩa bề ngoài và coi là nghiêm túc địa điểm của phát ngôn, những hoàn cảnh của việc lên tiếng, những gì phải được suy nghĩ trong mọi kích thước của chúng. Mặt khác, ở ông không bao giờ có chuyện nghỉ ngơi, tĩnh tại, và Derrida chỉ ra những nan đề của suy tư và tính trạng thiếu bình ổn mà chúng tạo ra. Thêm nữa, Benoît Peeters đã có ý tưởng tuyệt vời là cho xuất bản cùng lúc những cuốn sổ ghi chép của nhà tiểu sử viết trong cuộc điều tra, có thể được đọc như một sổ tay du hành mà người ta theo dõi với rất nhiều quan tâm, vì những trang viết đó ghi lại rất nhiều cuộc gặp gỡ với các nhân chứng đã mang tới cho ông một chất liệu cốt yếu để thực hiện tiểu sử này [Ba năm với Derrida. Sổ tay của một nhà tiểu sử, Benoît Peeters, NXB Flammarion, 2010].

Tiểu sử một triết gia có thể áp dụng một vị thế hoàn toàn khác, đi sâu hơn vào trung tâm tác phẩm của người được viết tiểu sử, như trong một công trình mới được xuất bản gần đây, viết về nhà thông diễn học vĩ đại người Đức Hans-Georg Gadamer (NXB Grasset). Tiểu sử này được thực hiện bởi một trong các học trò của ông, chuyên gia về thông diễn học, dạy về thông diễn học tại đại học Montréal. Hành trình rất dài của triết gia Đức, khoảng một trăm năm (1900-2002), ở đây đã được vạch lại với mục đích soi rọi cho tác phẩm, với ý định tái định vị nó lại trong những điểm quan trọng của thời ấy. Một trong những tra vấn thuộc thể loại tiểu sử mà Jean Grondin phải đương đầu là biết được đâu là vị thế của Gadamer, học trò của Heidegger, trước chủ nghĩa phát xít. Ông đã cho thấy thái độ thận trọng của Gadamer không phải là sự gia nhập như ở thầy ông, mà là cái mà sử gia người Thụy Sĩ Philippe Burrin gọi là “sự thích ứng”. Vì Jean Grondin đã viết tiểu sử khi triết gia còn sống, ông phải giải thích cách làm của mình để tránh hai điều cùng một lúc: một sự gần gũi quá sâu đậm có thể biến tiểu sử trở thành dạng tiểu sử tô hồng, và một khoảng cách quá xa có nguy cơ làm lạc lối nhà tiểu sử. Bởi vậy ông đã kết hợp một truy tầm tài liệu lưu trữ rất tỉ mỉ và quá trình hỏi đáp với Gadamer, người rất sẵn lòng tham gia cuộc chơi, mặc dù lúc đầu rất ngần ngại với thể loại này.

Cái được hé lộ nhiều nhất trong các công trình tiểu sử là tính chất kỳ lạ và tính chất mạnh mẽ của mối liên hệ giữa nhà tiểu sử và chủ thể của anh ta.

12 comments:

  1. Ta đang ở Dresden để tìm cái thớt mà đời Kurt Vonnegut bị đặt lên đây. Không thấy không về haha

    ReplyDelete
  2. 2 tuần nay thấy lão này bài nào cũng có phần duyên dáng!

    ReplyDelete
  3. lèo... bác ở iên đấy cháu sang mình cùng tìm, nhá

    ReplyDelete
  4. Còn cuốn "vô cùng mỏng" nào nữa không Anh? Giới thiệu giúp em. :)

    Cảm ơn Nhị Linh.

    ReplyDelete
  5. 1. "Hãy thông minh" và "Hãy ngu ngốc" bay mất: vì cầm đèn chạy trước báo à?

    2. Manolito: comment đúng tinh thần Kurt Vonnegut ghê, nhưng không tính vì mỏng cố ý và mỏng trêu ngươi. Cuốn nào mà mỏng không tì vết mỏng không rạn da kia. ;)

    ReplyDelete
  6. Ớ, sao từ bài về Người không quê hương lại biến thành cái bài dài thòng này?

    ReplyDelete
  7. ơ chả biết, sao lại thế được nhỉ :p

    ReplyDelete
  8. chắc lại cầm đèn chạy trước ô tô nên bị xì nẹt rồi hehe

    ReplyDelete
  9. ... liên hệ giữa nhà tiểu sử và chủ thể của anh ta.

    Chủ thể, hay đề tài?
    NQT

    ReplyDelete
  10. chủ thể hay đề tài? ở đây có lẽ là cả hai cùng một lúc

    ReplyDelete
  11. "trại tế bần" và "nhà thương điên" rất không giống nhau, vậy tại sao anh đặt link và title của post lại khác nhau thế ạ?

    ReplyDelete