Mar 7, 2012

Mở rộng vấn đề thi thoại

Nhân vừa kiếm được cuốn sách Úc Viên thi thoại của Đông Hồ Lâm Kỳ/Tấn Phác, tôi nhớ đến việc đã bàn mấy lần về vấn đề "thi thoại" ở Việt Nam.

Vu Gia khi viết về Phan Khôi như tôi đã trích dẫn trong một bài viết nói rằng Chương Dân thi thoại là cuốn "thi thoại" đầu tiên của Việt Nam. Nhưng theo như Tiến sĩ Nguyễn Thanh Tùng (à mà bác ấy đã xong tiến sĩ chưa nhỉ :p) trong bài viết này, thì trước đây Miên Thẩm có thể đã có Thương Sơn thi thoại. Nếu điều này đúng thì đương nhiên mọi khẳng định rằng Chương Dân thi thoại là cuốn thi thoại đầu tiên tại Việt Nam là sai. Tất nhiên, theo như trình bày của Nguyễn Thanh Tùng, văn bản Thương Sơn thi thoại nằm ở thư viện tư gia của Cao Xuân Dục (thư viện Long Cương), mãi sau này mới được tìm ra và nói đến.

Vấn đề tạm bỏ qua một bên, tôi chú ý đến Úc Viên thi thoại vì nghĩ trong sách thế nào cũng có ý nào đó về "thi thoại". Và quả nhiên là có. Cuốn sách in năm 1969 (NXB Mặc Lâm, Yễm Yễm thư xã làm tổng phát hành), sau khi Đông Hồ đã qua đời, nhưng đã được tác giả "tuyển chọn và đóng thành tập hai hôm trước ngày đi vào cõi vĩnh viễn", như trong sách có ghi. Sau "Tiểu sử tác giả" là "Tựa" của Lộc Đình Nguyễn Hiến Lê, bạn thân của Đông Hồ, và đọc lời "Tựa" này theo tôi đã ngã ngũ tại sao nhiều người khẳng định Chương Dân thi thoại là cuốn thi thoại đầu tiên của Việt Nam.

Nguyễn Hiến Lê viết:

"Loại đó [tức thi thoại] rất ít người viết: đời Đường, đời Tống, mỗi đời dài mấy trăm năm mà trong văn học sử chỉ ghi lại độ dăm tập thi thoại. Ở nước ta từ trước tới nay chỉ có mỗi một tập của Chương Dân" (tr. XIII).

Nhận định này, rất khó biết là của Nguyễn Hiến Lê, một cách độc lâp, hay Nguyễn Hiến Lê nói dựa theo lời khẳng định chắc nịch của Phan Khôi trước đây.

Đây là đoạn Nguyễn Hiến Lê ca ngợi Đông Hồ:

"Từ trước tôi vẫn lấy làm lạ: trong số các nhà văn thời Nam Phong, chỉ duy có  Đông Hồ là văn, thơ đều hay, nhất là văn có đủ giọng: đẹp đẽ như văn Lục Triều; có đoạn bình đạm, cổ kính như văn Đường Tống; có chỗ lại tự nhiên, thân mật như văn hiện đại, mà luôn luôn thanh nhã. Vậy thì còn ai đủ điều kiện hơn ông để viết thi thoại?" (tr. XV).

-----------

Hóa ra Đông Hồ còn có một biệt hiệu là Nhị liễu tiên sinh, gốc tích giống hệt Ngũ liễu tiên sinh Đào Tiềm, đại khái trước nhà trồng hai cây liễu nên gọi là Nhị liễu tiên sinh :p

Các bác Hán-Nôm cho hỏi chính xác thì "úc" trong "Úc Viên" nghĩa là gì? Bài đặt ở đầu tập của Mộng Tuyết thất tiểu muội chỉ nói cô gái tên là Út, muốn đặt tên vườn nhà là "Út Viên" nhưng nhà nho được hỏi ý kiến thấy chữ Hán không có "út" nên thuyết phục đổi thành "úc" vì ý nghĩa hay lắm, nhưng hay thế nào thì chả nói :(

-----------

À mà quên đấy, chính tôi còn có một chứng tích huy hoàng nữa của "thi thoại Việt Nam" mà quên béng mất: tập Thi thoại của Văn Hạc (tức Lê Văn Hòe) in năm 1942 tại Quốc Học thư xã trong "Tủ sách Nghệ thuật". Cái này bây giờ hay được gọi là "hàng tiền chiến" :p Tất nhiên quyển này in sau Chương Dân thi thoại, nhưng trong những gì tôi đọc về "thi thoại" thì sau này người ta hình như nghĩ đương nhiên trước 1945 chỉ có Chương Dân thi thoại và một cái hao hao là Thi tù tùng thoại (Huỳnh Thúc Kháng). Thậm chí có người còn nói trước 1945 chỉ cần có hai quyển kia, cùng Thi nhân Việt Nam là biết hết được thơ ca Việt Nam. Giá mà được như thế thật :p

Chú thích cuối sách: "Ngoài những "tắc" đã đăng trong báo "Công-Luận" (Saigon) và "Việt-Báo" từ năm 1935 tới 1939, trong cuốn này, có một "tắc" đã đăng "Báo mới", một "tắc" đã đăng trong "Trung Bắc Chủ Nhật" năm 1941 và nhiều "tắc" mới viết, chưa từng đăng báo nào."

-----------

Giờ mở rộng hẳn phạm vi nhé: đúng là có tìm có hơn:

- Trong bài này, Hàm Đan Trần Hoàng Hoàng cho rằng Nam Ông mộng lục của Hồ Nguyên Trừng chính là "thi thoại" đầu tiên của Việt Nam. Cùng ý kiến này là bài rất dài của Đào Văn Khởi. Giá kể đồ nho Trần Quang Đức cho ý kiến về vụ này thì hay quá :p

- Trần Thanh Đạm nói Trần Mai Châu cũng viết thi thoại.

- Nguyễn Hưng Quốc viết: "trong nửa đầu thế kỷ 20, truyền thống thi thoại vẫn còn khá phổ biến ở Việt Nam". Ái chà, đến Phan Khôi còn tự nhận mình là người đầu tiên viết thi thoại ở Việt Nam, thế thì cái "truyền thống thi thoại" (vẫn còn trong nửa đầu thế kỷ 20, tức là trước đó còn rõ nét hơn) ở đâu ra?

- Cá biệt còn có cả Bắc Ninh thi thoại :p

27 comments:

  1. Tôi tra từ điển trong hanphone rồi mầy mò Google một hồi thì thấy Úc Viên có lẽ là 鬱 園.
    Giản thể của chữ Úc (鬱) này là 郁.
    Chữ Úc này có nhiều nghĩa, trong đó có mấy nghĩa tính từ: 1) rực rỡ, rạng rỡ (Luận Ngữ: úc úc hồ văn tai = văn chương rực rỡ biết bao); 2)Thơm ngào ngạt (nùng úc 濃郁 : thơm ngát; phân úc 芬郁 : thơm ngào ngạt); 3)Sum suê, tốt tươi, rậm rạp (Cổ thi: Thanh thanh hà bạn thảo 青 青 河 畔 草, Uất uất viên trung liễu 鬱 鬱 園 中 柳: Xanh xanh cỏ bờ sông, Sum suê liễu trong vườn.)
    Úc này còn có âm là uất: uất kim = nghệ; uất kim hương : hoa tulipe; v.v.
    Vậy thì úc viên có lẽ là khu vườn sum suê, ngào ngạt hương thơm. Quả là rất đẹp, đáng là nơi các chàng tôn vinh các nàng dịp 8/3 :))

    ReplyDelete
  2. cám ơn bác, chắc nghĩa từ "úc" cũng chỉ quanh quẩn trong khoảng đó thôi

    ReplyDelete
  3. Thực ra nếu nói cho chính xác thì trong Hán cổ (không phải là tiếng Trung hiện đại nhé) chữ 郁 với chữ 鬱 là hai chữ riêng biệt, tuy chúng có chung nhau một vài nghĩa, nhưng 郁 không phải là giản thể của 鬱. Thí dụ như chữ "úc úc" trong câu "Chu giam ư nhị đại, úc úc hồ văn tai !" (Luận ngữ) là chữ 郁 này. Hay như bác Hải Văn trên kia đã nói 郁 có nghĩa là hương thơm ngào ngạt. Còn chữ 鬱 thì không có nghĩa nào là thơm ngào ngạt hết. Chữ 鬱 chỉ được một cái nghĩa rất hay là sum suê rậm rạp. Các nghĩa còn lại của nó đều chỉ sự uất ức, tích tụ, oán hận, sầu muộn...vvv

    Nếu "Úc Viên thi thoại" mà dùng chữ 鬱 園 thì có lẽ muốn dùng cái điển ý từ bài cổ thi "Thanh thanh hà bạn thảo" (khuyết danh). Bài cổ thi này miêu tả một người phụ nữ yểu điệu xinh đẹp, trang điểm diễm lệ đứng trên lầu dõi nhìn phía xa để ngóng trông một "đãng tử" chửa quay về. Nhìn mãi mà chỉ thấy "xanh xanh cỏ bãi sông/Um tùm liễu trong vườn". "Úc Viên" là vườn của người con gái đẹp tiêu phí tuổi xuân diễm lệ của mình âm thầm ngóng chờ một chàng "đãng tử".(Ẩn ý về mối tình đơn phương bao nhiêu năm của Mộng Tuyết với Đông Hồ chăng?) Hoặc cũng có thể 鬱 園 là bắt nguồn từ câu thơ trong bài "Hoa bất tuyệt" của Mộng Tuyết: Giữa đám um tùm lá/Hoa xuân rụng hết rồi/Trên cành hoa bất tuyệt/Vẫn nở: nụ cười ai?.

    Đấy chỉ là suy luận thôi, ai mà biết được cơ chứ. He he ...

    Tuy nhiên, nếu cho em chọn, em sẽ chọn 郁園 này. Úc Viên: Vườn rờ rỡ văn chương. Nghe phát biết ngay khen chủ nhân có tài văn chương chữ nghĩa. Hợp lý hơn nhỉ? :)) :))

    ReplyDelete
  4. liệu có còn quyển thi thoại nào theo đúng thể loại ở Việt Nam nữa không bạn Quách nhỉ?

    ReplyDelete
  5. Được bác Nhị Linh nhắc tên, nhà em cả sáng hắt hơi. Nhà em có mấy ý kiến thế này:

    Thứ nhất, theo Tống Thi Thoại khảo của Quách Thiệu Ngu (1893-1984) thì người thời Tống rất thích viết Thi Thoại, hiện còn 42 cuốn Thi Thoại hoàn chỉnh và 138 cuốn Thi Thoại tản mát của thời Tống. Vậy nên cụ Hiến Lê hay cụ Phan Khôi nói "Loại đó [tức thi thoại] rất ít người viết: đời Đường, đời Tống, mỗi đời dài mấy trăm năm mà trong văn học sử chỉ ghi lại độ dăm tập thi thoại" đều không chính xác.

    Thứ hai, xét mục đích viết Nam Ông mộng lục, Hồ Nguyên Trừng đã nói rõ trong lời tựa: một là nêu những điều thiện của tiền nhân, hai là kể lại những câu chuyện lạ cho người quân tử. Dựa vào nội dung của Nam Ông Mộng lục, có thể thấy trong 31 mục chép trong sách này có 16 mục mang tính thuần kí sự (từ mục Nghệ vương thủy mạt đến Ni sư đức hạnh), 15 mục còn lại mới trích dẫn một vài câu thơ, song chỉ có 3 mục (Điệp tự thi cách, Thi ý thanh tân, Thi thán chí quân) kèm lời bình thơ. Nếu xét một cách nghiêm túc, theo đúng thể loại và mục đích sáng tác thì không thể coi Nam Ông mộng lục là Thi Thoại.

    ReplyDelete
  6. hị hị cám ơn ý kiến các chuyên gia

    được voi đòi tiên, mình rất muốn biết ý kiến thêm của hai người nữa là bác Chu Xuân Giao và bác Nguyễn Tuấn Cường :p

    ReplyDelete
  7. cứ vào bác google gõ chữ "thi thoại ở Việt Nam" sẽ ra khối bài khác có thông tin về vấn đề này tiên sinh Nhị Linh à!

    ReplyDelete
  8. Merci tiên sinh :) Đoạn cuối ở trên đây chính là phần em đã lọc ra sau khi search như vậy đấy.

    ReplyDelete
  9. http://hangnga14.violet.vn/present/show?entry_id=1010838

    ReplyDelete
  10. cung hiến thêm cho ngài Nhị Linh: http://d.violet.vn/uploads/previews/600/1307516/preview.swf

    ReplyDelete
  11. ngưỡng vọng :) Lê tiên sinh quả là người hào hiệp và rộng lượng; bài này chính là bài Nguyễn Thanh Tùng viết lại, triển khai thêm từ bài riêng về Thương Sơn thi thoại trong đường link trên đây

    ReplyDelete
  12. Những sách tựa "thi thoại" chép bằng Quốc ngữ thì có lẽ CDTT là đầu tiên. Ngoài ra còn có các quyển:
    -Trường Xuyên thi thoại - Quách Tấn
    -Phong Vân thi thoại - Lê Văn Tất

    ReplyDelete
  13. hình như có cả Việt ngâm thi thoại của Huỳnh Thúc Kháng

    ReplyDelete
  14. thêm hàng cho bác: http://vn.360plus.yahoo.com/quanghathienkim/article?mid=23

    ReplyDelete
  15. Lê tiên sinh nào nhỉ?

    ReplyDelete
  16. hì, cám ơn, dù có là Lê tiên sinh hay không :p

    ReplyDelete
  17. Nhân thể xin hỏi, bác nào có cuốn Chương dân in ở Đắc Lập Huế 1936 không?

    ReplyDelete
  18. Bác NL có đấy :p

    ReplyDelete
  19. Bản đó trên thị trường giờ giá bao nhiêu nhỉ (nếu có người bán)?

    ReplyDelete
  20. Mà bác NL có phải Mr Cao Việt Dũng ko nhỉ?

    ReplyDelete
  21. tôi không biết :p

    "Chương Dân thi thoại" bản Đắc Lập thì tôi biết một người có, là vua sách Vũ Hà Tuệ :))

    ReplyDelete
  22. ờ, hình như trên sachxua.net

    ReplyDelete
  23. Có lần tôi cũng nghe Mộng Tuyết nói "úc" trong Úc Viên đúng là "úc úc hồ văn tai"(Luận Ngữ)như bạn Hải Vân đã tra ở trên (Võ Văn Nhơn)

    ReplyDelete
    Replies
    1. Cám ơn TS :) Tôi sắp vào SG, TS có nhớ lời hứa năm xưa không? :p

      Delete
    2. Cám ơn bác Võ Văn Nhơn vì đã không quên (comment vừa xong của bác tôi không cho hiện ở đây vì có thông tin cá nhân).

      Delete
    3. Nếu "Úc viên" mà là "úc úc hồ văn tai" là郁園 này chứ không phải 鬱 園 đâu ạ.

      Delete
  24. Bai viet hay qua

    ReplyDelete