Mar 15, 2012

Chị Thu Hồng nói

Đây là nhà báo Thu Hồng nói, liên quan đến tôi. Tôi rất cảm kích và cám ơn, tôi nhìn thấy thiện ý bên trong những lời của chị. Lời khuyên về giải pháp của chị tôi cũng sẽ cân nhắc, coi như là một lựa chọn nữa (thêm vào những lựa chọn mà tôi đã nghĩ đến).

Nhưng trong những gì nhà báo Thu Hồng nói cũng có chút nhầm lẫn (ngoài nhầm lẫn nho nhỏ khi viết "cour miễn phí": đúng phải là "cours miễn phí"). Theo như chị Thu Hồng viết thì như thể tôi đã "viết một bài trả lời Tiền vệ" liên quan đến loạt bài mới đây của Hà Thúc Lang. Chắc chị Thu Hồng muốn nói đến cái này. Cái "thư ngỏ" này hoàn toàn không liên quan, vì nó thuộc về một vụ khác, với nhân vật Vi Văn Tuyên. Và nó cũng không phải là thứ duy nhất, vì sau khi đã đáp lại những điểm Vi Văn Tuyên nêu ra (ở đây, đây, và đây), tôi mới viết thư đó (có thể tham khảo thêm cái này), chứ không phải nói khẩu thiệt vô bằng. Nó có "tầm bậy" hay không thì tôi không biết, tôi chỉ nói những gì mà tôi nhìn thấy.

Tôi cũng không "im lặng" như chị Thu Hồng nói. Tôi chưa nói gì không có nghĩa là tôi im lặng luôn. Trước hết là tôi hết sức biết ơn người tỉ mỉ chỉ ra những chỗ mà họ cho là tôi dịch sai. Những người chữ nghĩa biết điều gì là đáng quý trong các phê phán lẫn nhau. Nhưng tôi cũng cần thời gian để xem từng chỗ một. Lời cảm ơn tôi gửi trước, bàn luận sẽ để sắp tới đây. Tôi không bắt đầu việc này sớm hơn được vì cho đến hôm nay một công việc quan trọng của tôi mới hoàn thành: chiều nay đã diễn ra suôn sẻ buổi ra mắt bản dịch Lolita của dịch giả Dương Tường, tôi mới bỏ được một gánh nặng, với tư cách người biên tập cho cuốn sách. Bản dịch mang rất nhiều công sức và kỳ vọng của một người bạn đã xong, giờ tôi có thể quay sang việc khác.

Tôi luôn luôn ý thức được rằng chữ nghĩa là quý phẩm nhưng chữ nghĩa cũng là cạm bẫy, rằng hiểu cho đến cùng từ ngữ cũng khó như hiểu một con người. Cẩn thận đến đâu cũng là không thừa, và cẩn thận đến đâu cũng là không đủ.

28 comments:

  1. Vì uy tín của NN và dịch giả tôi đã rất hào hứng khi sách ra và đi mua ngay lập tức. Nhưng giờ không biết bao giờ sẽ đọc cuốn in lần 1 đó (cũng có thể là không!) hay là đợi sách được chỉnh sửa tái bản rồi mua lại đọc.
    Tôi thấy ý kiến nhờ HTL hiệu đính rồi ghi là đồng dịch giả là một ý hay.
    Có lẽ vì dự án Lolita mà D đã dịch quá vội vàng và không có nhiều thời gian cho bản dịch. D đừng vì sức ép này kia mà vội vã cho ra một sản phẩm (DT đã mất hơn 2 năm mới hoàn thành Lolita mặc cho NXB và bản đọc cả nước sốt ruột chờ đợi và thành quả khi ra đời là như D nói: "một bản dịch tuyệt vời") Chậm một tí nhưng tốt vẫn hơn. Người đọc sẽ vẫn rất hài lòng khi phải đợi lâu nhưng có được một bản dịch chất lượng.
    D đang nhận được rất nhiều kỳ vọng từ bạn đọc và nền học thuật nước nhà. Hy vọng với D đây chỉ là một sự cố nhỏ và D sẽ làm tốt hơn cho những dự án về sau!
    Thân mến!

    ReplyDelete
    Replies
    1. Cám ơn bác. Thật ra cũng không phải thế, "Bản đồ và vùng đất" tôi cũng mất hơn một năm để dịch, tự mình đọc đi đọc lại, và sau khi đã qua khâu biên tập rồi vẫn tiếp tục đọc lại, sách ra rồi vẫn tiếp tục đọc lại. Những chỗ được chỉ ra tôi đang xem cụ thể. Cheers.

      Delete
    2. Vì uy tín của NN và NL tôi nghĩ ông bạn ký tên Hà Thúc Lang nếu muốn đứng tên đồng dịch giả thì cũng nên ra mặt nói thật xem mình là ai. Uy tín của một tổ chức hay một cá nhân được đánh giá không phải trên một hai sản phẩm mà là cả một quá trình lao động. Không thể phủi công lao bằng mấy trò ném đá giấu mặt thế được. Bác NL cầu thị như thế này là tốt rồi. Tôi thì vẫn nghĩ người gieo cày gặt hái quần quật khác hẳn thằng chạy theo mót của nhặt phân rơi. Chúc bác vững bước. Đại tỷ Xuân Cúc

      Delete
  2. Tôi nghĩ việc này là một sự cố có thể xảy ra với người làm nhiều việc (đúp-lê) một lúc ;p. Mong bạn không vì thế mà nản chí trong việc giới thiệu những tác phẩm văn học nước ngoài mới (hiện đại)Chỉ buồn nỗi những bác có vẻ giỏi như bác Hà Thúc Lang sao chả xông vào dịch mảng văn học hiện đại- là mảng văn học rất đông độc giả (không giỏi ngoại ngữ!) ước ao được đọc- cho bà con nhờ,

    ReplyDelete
  3. NL thân mến,

    Ai cũng có thể sai sót. Làm nhiều, làm nhanh đương nhiên dễ sai sót.(Ngồi không rình bắt lỗi vẫn có thể sai sót như thường!). Bạn còn trẻ và có tài, tôi nghĩ vụ việc này có ích cho bạn, và cho người đọc nữa. Không nên tự ái mà đôi co vụn vặt. Nhún nhường và chậm lại, tôi tin bạn sẽ đi được xa. Cái được nằm ở đó chứ không phải chỗ khác.

    Ngòai chuyện dịch, bạn viết điểm sách cũng rất khá. Nhân tiện mạo muội góp ý thêm: không đọc kỹ không điểm; thấy không hay hoặc ít giá trị không điểm; bài viết điểm cốt tử phải chỉ ra giá trị thực sự của tác phẩm một cách giản dị nhất, hoặc gợi mở một hướng tiếp cận tác phẩm độc đáo, tránh bị lôi cuốn bởi chính những gì mình đang viết kẻo sa đà vào thể hiện cá nhân. Điểm sách là viết cho người đọc, người sẽ đọc sách ấy chứ không phải viết cho mình.

    Là một độc giả xòang xĩnh, tôi thấy sao nói chân tình vậy, nếu không có ích gì cho bạn thì xin bỏ quá cho nhé.

    Vui kính, S.

    ReplyDelete
    Replies
    1. Đa tạ. Tôi hy vọng là những bài đọc sách của tôi từ trước đến nay ít nhiều đi vào được những lý tưởng như bác nói.

      Delete
  4. Dịch vội là dich dở, còn dịch sai là lỗi kiến thức, có cắn bút cả ngày vẫn cứ sai.Như thế phải học, chứ không có cách nào khác!Nhân danh, địa danh, "tournures" học cả đời không hết, nhất là học..từ xa.Còn "impératif catégorique' mà dịch thành 'quyền lực tuyệt đối', 'nécessité' chỉ biết nghĩa 'sự cần thiết' mà không biết nghĩa 'sự tất yếu' là do không được đào tạo tối thiểu về triết tây.NL
    còn trẻ, học không khó, nhưng có vẻ hơi tự phụ và ít óc cầu học. Nếu thế, khó đi xa và càng đi càng sai.NL nên bớt đọc linh tinh, dành thời gian tụng sách triết và KHXH!

    ReplyDelete
    Replies
    1. Vừa hay, tôi nhớ đã viết thư nhờ ông Bùi Văn Nam Sơn giải thích thêm và hỏi cách dịch "impératif kantien", thư của ông Bùi Văn Nam Sơn viết cho tôi đề ngày 5/11/2007. Tất nhiên là tôi biết "impératif catégorique" nghĩa là gì, còn có dùng đúng lối dịch quy phạm triết học hay không lại là chuyện cảm nhận ở từng thời điểm.

      Đánh giá người khác qua cái này cái kia thì dễ. Trong hệ thống của Kant ta còn có cả một mảng "faculté de juger"/"faculté du jugement" nữa, ở đây nhắc đến chắc hợp.

      Delete
  5. Tôi đánh giá Tiền vệ đưa những lời mạt sát và hạ thấp người khác của VVT và HTL khi chưa có sự kiểm chứng đúng sai là vô văn hóa trong tranh luận. Beo thì hay ăn theo, nói leo và thích gây sự chú ý; trong khi Beo không theo dõi câu chuyện đầy đủ và cẩn trọng. Bạn NL trước có dòng thông báo trạng thái tôi thấy rất hay: Xưa nay bao nhiêu chuyện/Phó mặc cuộc nói cười... Không nên mất thời gian vào những chuyện này bạn NL ah...

    ReplyDelete
  6. Đây chả phải lần đầu CVD là đối tượng bị chỉ trích dịch thuật. Tôi còn nhớ trước đây còn có một học giả rất nổi tiếng (giờ ông đã khuất núi)đã từng phê phán dịch thuật của CVD. Và CVD đã tranh luận lại rất sòng phẳng: có chỗ thừa nhận sai lầm, nhưng có chỗ bảo vệ quan điểm dịch thuật của mình quyết liệt. Đó là một cuộc tranh luận đẹp đẽ khiến tôi thấy tôn trọng cả 2 người: cả vị học giả đó lẫn CVD.

    Nhưng lần này thì khác. Đây không phải là tranh luận. Đây là đòn thù đầy ác ý. Tôi thấy CVD phản ứng thận trọng như thế là rất đáng quý. Bình tĩnh ngồi xem xét lại những chỗ họ phê mình trước khi có sự phản hồi lại, đó là bản lĩnh, không phải là trốn tránh.

    Mỗi người có một quan điểm dịch thuật riêng, đừng đem các tiêu chí của mình ra để dạy dỗ xoa đầu người khác.

    ReplyDelete
  7. Chỉ ra những lỗi địch thuật mà đòi đứng tên cùng địch giả thì sao nhỉ????

    ReplyDelete
  8. Vài vị còm ở trên có lòng yêu NL nhưng làm hại cho NL đó!Người nào biết tiếng Pháp cũng phải thừa nhận những phê bình trên Tiền Vệ là xác đáng và tinh tường(không cần và không thể xét động cơ).Là người đọc, tôi học được rất nhiều. Nếu biết dẹp tự ái (khó nhưng cần đối với dịch giả chuyên nghiệp), thiết tưởng NL nên có thái độ của một học giả chứ không nên cay cú của một kẻ cầm bút tầm thường. NL có thái độ đúng, tin rằng các vị trên Tiền Vệ sẽ chân tình hỗ trợ hơn là dè bỉu. Có qua có lại đúng mức là chỗ yếu nhất của giới học giả VN,ai cũng biết rồi mà! Tôi mới được biết về trao đổi thư riêng của NL với ông Bùi Văn Nam Sơn, việc làm ấy là rất đẹp! Tiếc rằng cách tiếp thu của NL cũng vẫn tỏ ra bướng bỉnh, thiếu cầu thị. Ở đây dịch sai là dịch sai chứ không thì là mà cãi bướng gì được cả theo kiểu "tùy cảm nhận từng thời điểm".Học hỏi lẫn nhau chân thànhlà
    'đại phước' cho nền văn chương học thuật nước nhà.Tôi xem là thầy tôi nhũng ai dạy cho mình điều gì đó.Là kẻ ít học, tôi luôn tôn thờ những tấm gương như Trần Trọng Kim, Nguyễn Hiến Lê... Họ càng khiêm cung, càng lón lao..

    ReplyDelete
    Replies
    1. Cám ơn bác đã chỉ giáo. Tôi chỉ xin lưu ý bác là Trần Trọng Kim từng tranh luận rất thẳng thắn và quyết liệt với Phan Khôi sau khi bị Phan Khôi phê phán, đó là một cuộc tranh luận rất nổi tiếng trong lịch sử học thuật Việt Nam, và người ta học được rất nhiều điều từ cuộc tranh luận ấy.

      Delete
    2. Đúng là con dân tiêu biểu của xứ Vịt Ngan: Yêu cho roi cho vọt. Nhân cơ hội tốt vào dạy dỗ xoa đầu rất tận tâm tận sức. Nhưng mà để dạy dỗ CVD tôi thiết nghĩ, vài vị comment ẩn danh trên đây không đủ tư cách.

      Delete
  9. NL có vẻ cao đạo và tự phụ quá đấy. Ban hãy nghĩ rằng, trong tranh luận, người học được đầu tiên là bạn chứ không phải là "người ta học được nhiều". Với thái độ và cách nói này, bạn khó có thể tiếp thu thành thật vấn đề người khác góp ý với bạn. Bạn cần lưu ý là thiên hạ rất nhiều người giỏi tiếng Pháp, văn chương Pháp.

    ReplyDelete
    Replies
    1. Nói chuyện vô bổ để làm gì nhỉ. Hay là bạn thử đọc kỹ mọi thứ đi đã. Cám ơn bạn.

      Delete
  10. Theo như những gì tôi theo dõi trên blog này thì NL vẫn luôn học hỏi từ những bậc thầy dịch giả tiếng Pháp của Việt Nam. Rất nhiều lần tôi đọc thấy thông tin anh làm việc chung với họ, trao đổi với họ và học hỏi từ họ. Thậm chí những người đã từng tranh luận nảy lửa với anh nhưng sau đó lại thành bạn và hợp tác chung trong nhiều dự án. Thế thì cao đạo và tự phụ ở chỗ nào?

    Ở Việt Nam bây giờ , thật nực cười, ai cũng tự cho mình cái tư cách đánh dạy dỗ người khác. Tôi đồng ý: trao đổi và tranh luận trong trường hợp này là rất lành mạnh, nhưng dạy dỗ, thôi xin đi.

    ReplyDelete
  11. Dốt có thể dạy được, bướng không thể dạy được, hehe! Bótay!

    ReplyDelete
  12. Tôi thấy chuyện không to mà lùm xùm quá. Sao ông Hà Thúc Lang không vô đây đối thoại trực tiếp với dịch giả mà cứ nhất thiết để nhiều người "gạ" dịch giả qua bên TV? Đây là nhà CVD cơ mà, đâu cần phải đi đâu.

    Ông Lang nếu là bậc già cả, đáng tôn trọng, chân tình và Dũng nếu cầu thị thì nên trao đổi thẳng với nhau, hoặc là tại đây (trên blog này) hoặc trao đổi riêng. Hà cớ gì phải ngại nhỉ? Việc ông Lang dùng nhiều lời lẽ gay gắt quá đáng hay việc các bạn phản ứng/phản hồi bôi bác nhau như vậy vừa không nên, vừa hơi bất lịch sự và thiếu đàng hoàng. Xưa nay chữ nghĩa đem ra tranh luận là chuyện rất thường tình, không có ai chẳng bao giờ sai cả. Bản dịch nào dù có được đánh giá cao đến đâu nếu phơi ra ánh sáng soi xét đều có thể tìm ra lỗi lầm hết. Ông Lang và Dũng thừa biết điều đó. Ngay như ông Đào Duy Anh, một học giả quen thuộc với đa số người VN, cũng từng bị báo Pháp ở Đông Dương trước kia có lần gọi là "bò cái Annamite" thôi. Vấn đề ở đây một người là dịch giả dịch cả một tác phẩm tên tuổi đương đại, một người góp ý với tư cách độc giả có thể có điểm tinh tế hay xác đáng đều đáng quý cả. Một nền học thuật/văn hoá chung vốn đã thấp còn chì chiết nhau biết đến bao giờ mới mở mắt ra được?

    Về cô Thu Hồng: Tôi không biết cô này trình độ thế nào, quan hệ với ai và uy tín ra sao nhưng giọng điệu nghe vừa ngô nghê vừa ngông nghênh. Hay có nhiều người sợ cô nên cô thích ra oai như thế? Sao cô không góp ý luôn tại blog này? Tôi tạm thời chỉ ra cho cô thấy ba cái sai về kiến thức và văn phạm trong post của cô liên quan đến chủ đề này:

    1. Cô viết "Beo mà là Cao Việt Dũng" rồi đánh dấu chấm to đùng. Thế gọi là câu văn à?

    2. "Thứ hai, Beo sẽ cảm ơn Hà Thúc Lang và đề nghị ông ấy hiệu đính lại giùm toàn bộ, nếu có tái bản đề tên ông ấy là đồng dịch giả." Người hiệu đính nếu đứng tên thì đứng tên là "Hiệu đính: Hà Thúc Lang" chứ sao sao lại là đồng dịch giả? Cô chưa đọc "Tam quốc diễn nghĩa" bản dịch ghi "Dịch giả: Phan Kế Bính; Hiệu đính: Bùi Kỷ" bao giờ à?

    3. "Hai thế kỉ sau, vẫn có một đám triển dương, khuyến khích người ta khinh khi sự giàu sang." Xưa nay người ta nói "biểu dương" hay "xiển dương", có ai nói "triển dương" như cô nhỉ. Tôi giở từ điển ra cũng không thấy có. Hay là cô uyên thâm quá tôi chưa hiểu?

    Vài lời mộc mạc như vậy để thấy rằng một khi bắt lỗi sẽ chẳng ai thoát được đâu. Mình nhìn ra/chỉ ra lỗi của người khác nhưng có khi chính mình cũng đang phạm sai lầm.

    Lời khuyên của tôi là mọi chuyện nên dừng ở đây. Ông HTL tiếp tục công việc xây dựng của mình nhưng bớt gắt đi, Dũng cũng nên đối thoại với ông ấy. Ông Lang nên liên hệ trực tiếp với dịch giả hoặc ngược lại. Bỏ qua cái đám công chúng vừa thiếu chuyên môn vừa thiếu ý thức học thuật đi. Khi nào trao đổi đem lại hiệu quả tốt hơn, hai người bổ sung điều tốt đẹp cho nhau hãy đem ra "khoe" với thiên hạ cũng chưa phải muộn.

    Thỏ và Rùa

    ReplyDelete
  13. Sao nhiều người viết tiếng Việt ưa giảng đạo đức dồn ép thế, đặc biệt khi một người có vẻ sa cơ?

    Tôi thích quan niệm dịch của Nhị Linh. Tôi nghĩ những góp ý trên tienve chủ yếu do khác nhau về quan niệm.

    ReplyDelete
  14. Thôi thôi thôi! Chi bộ kiểm thảo thế đủ rồi, nghỉ tay đi uống trà hay bia hơi …tự túc đi, háháhá. A, trà đây:

    TRÀ
    Quất mãi nước sôi
    Trà đau nát bã
    Không đổi giọng Tân-Cương. (P.C)

    Dũng cũng đi uống Cà-phê thư giãn đi, đọc sách mơ màng đi, hay đi uống vài chai cho lãng đãng cái đầu đi, tôi mời! Dào ôi, nhào vào đi, vỡ đầu ra ấy chứ. Ông viết đau quặn, ông dịch ê ẩm mới ra món ngon cho đồng bào đấy. Cầm trong tay một tác phẩm dịch thơm tho ngon lành mà không thấy thấp thóang hai ông cày bừa vất vả, cay đắng là nhiều, thỉnh thỏang mới vinh quang. Hề hề, ê ẩm đây:

    Ê ẨM
    Chợt nghe động trống
    Trâu bò nhớn nhác
    Dùi quậy liên hồi
    Ê ẩm tấm da khô. (vẫn P.C)

    Phải tay tôi (xin lổi Phùng tiên sinh), tôi bỏ chữa “tấm” cho nó gọn ghẽ bốn chữ, bớt cụ thể mà trường liên tưởng vẫn liền lạc.

    Nho đấy, hóm thế. Vui đi Dũng!

    Thân ái, S.

    ReplyDelete
  15. Nus giờ viết loằng ngoằng nhỉ. Đã ko đủ thì tất nhiên là ko thừa, chỉ cần một vế (câu cuối). Và HTL với VVT, ít nhất như người ngoài nhìn vào, là cùng một vụ, vì những gì họ nói ko khác nhau mấy.

    Anh hôm trước tự nhiên đọc được cái thư Nus viết cho Margarete Nguyễn trên talawas năm 2005 "...tôi hoàn toàn chịu trách nhiệm vì sự cẩu thả, và thành thật xin lỗi tất cả những ai bị tôi làm hỏng đi một câu văn" thì nhận thấy có vẻ sau chừng ấy thời gian Nus đi chưa được xa lắm.

    ReplyDelete
  16. NL cẩn thận kẻo có lời bàn tán là NL cứ một mình tung hê trên blog của mình bằng nhiều nick khác nhau.

    ReplyDelete
    Replies
    1. Phản đối dạy dỗ xoa đầuMar 17, 2012, 1:37:00 PM

      Bác không cần phải dạy khôn, đừng có ném đá ao bèo. Nếu bác mà nói thế thì tôi, với tư cách là một trong những người comment trên kia cũng có thể cho rằng: tất cả những comment dạy dỗ CVD trên kia chỉ của cùng 1 người. Thế nhé.

      Tôi nghĩ CVD có lẽ nên cân nhắc ý kiến của bác Thỏ và Rùa trên kia. Lời nói của bác ấy rất hợp tình hợp lý. Hãy bỏ qua đám công chúng vừa thiếu chuyên môn vừa thiếu ý thức học thuật, vì đám ấy chỉ thích tìm sơ hở mà "đâm" người khác "vài dao" cho nó sướng, nhiều kẻ có cái khoái cảm biến thái đó lắm.

      Mọi chuyện đáng lẽ đã khác, nếu không có những kẻ lèo lái một cuộc tranh luận dịch thuật thành chuyện hạ nhục cá nhân.

      Delete
  17. Các bác có yêu NL đến đâu thì cũng không nên quá khích như thế, kẻo thành diễn biến hòa bình đấy.

    ReplyDelete
  18. HTL thì có gì giỏi mà thích dạy người. Bác ấy có thể không phải là họa sĩ nên chưa biết có một dụng cụ là bàn chải để làm mờ lớp sơn bóng. Và bản thân Houellebecq cũng có phải là họa sĩ đâu nên ông ấy gọi nó là chiếc "cọ" thì có đáng tin không nhỉ. Bạn Nhị Linh chả có gì cần phải tranh luận với HTL. Những chuyện lặt vặt kiểu ấy tôi thề không có bản dịch nào trên đời không mắc phải. Người đọc bình thường cũng chẳng ai quá quan tâm đến những chi tiết ấy.

    ReplyDelete
  19. Sao các fan cua CVD kém thế nhĩ? Làm hư mất đời bạn rồi!

    Khách qua đường

    ReplyDelete
  20. Lạ thế, trong bao nhiêu cái comment trên kia, những cái comment khích bác, hạ nhục CVD thì được cho rất là bình thường, nhưng ai mà có lời bênh vực CVD thì bị quy kết ngay vì là fan của CVD nên bênh. Nhỡ họ là bạn, là đồng nghiệp của CVD, thậm chí có khi là cả những dịch giả có tên tuổi thấy chuyện bất bình vô lý muốn lên tiếng vì lẽ phải thì sao?

    Tôi cũng là khách qua đường, định ghé vào rồi đi nhưng đọc xong thấy ngứa hết cả mồm nên nói một câu khách quan.

    ReplyDelete